Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Trung Quốc mắng mỏ Việt Nam và tiêu chuẩn “yêu nước sâu sắc” của các quan chức



Tôi nghĩ bất cứ người Việt nào còn lòng tự trọng dân tộc sẽ rất sốc và tức tối với cái tựa đề tiếng Anh “China scolds Vietnam for ‘hyping’ South China Sea oil rig row”(1). Tức giận vì chữ scolds, có nghĩa là “mắng mỏ”, dĩ nhiên là hàm ý tiêu cực. Trong tiếng Việt, mắng mỏ dành cho cha mẹ mắng con cái, hay anh mắng em út, cấp trên mắng cấp dưới. Vậy mà Tàu cộng nó dám mắng Việt Nam! Càng ngạc nhiên hơn, Việt Nam không có phản bác trước loại ngôn ngữ trịch thượng này!
Thật ra, nói công bằng thì Tàu cộng không dùng chữ scold; kí giả của hãng Reuters dùng chữ đó. Điều này có nghĩa là người ngoài cuộc nhìn vào những bình luận và phát biểu của Tàu cộng như là những lời mắng mỏ của đàn anh dành cho đàn em. Hình như báo chí VN không có đề cập đến bài báo này (?).
Ngoài ra, có báo ngoại quốc còn dùng nhiều từ nặng nề hơn như slap (tát tay, quở trách), reprimand (khiển trách). Tất cả đều có cùng ý nghĩa là xem Việt Nam chẳng ra gì.
Nhưng có lẽ chúng ta không ngạc nhiên về thói lô lỗ của các quan chức Tàu (2). Tôi cố gắng lí giải tại sao quan chức Tàu lại thô lỗ như thế, và vài lí do chủ yếu là mất dạy, gây ấn tượng kẻ cả, và tự cảm thấy cô đơn. Lớn lên và được huấn luyện trong môi trường Mao-ít thì chúng ta cũng không nên ngạc nhiên nếu thấy các quan chức Tàu thiếu chữ nghĩa và kém văn hoá lẫn văn minh, bởi vì tất cả những gì họ thấy là qua “ánh sáng” của Mao và của đảng.
Về thái độ kẻ cả, chúng ta thử đọc qua một nhận xét của bà Clinton. Trong một nhận định về thái độ và cách hành xử của quan chức Tàu, cụ thể là Dương Khiết Trì, bà Clinton kể rằng vào năm 2011 một hội nghị chính trị vùng ASEAN được tổ chức ở Hà Nội, Việt Nam phát biểu trước và đặt vấn đề tranh chấp và xung đột ở Biển Đông, và sau đó các bộ trưởng nước khác cũng nêu vấn đề. Đến cuối phiên họp, bà Clinton kể rằng ông Dương Khiết Trì tái hẳn cả mặt, và nhắc lại quan điểm chẳng dính dáng gì trong tranh chấp, là Tàu “là một nước lớn, lớn hơn tất cả những nước có mặt ở đây cộng lại”(3). Cái tư duy nước lớn mà ngu thể hiện ngay trong câu phát biểu, bởi vì nước lớn hay nhỏ thì có ăn nhập gì với lí giải.
Tàu rõ ràng cảm thấy cô đơn trên trường quốc tế, nên mất tự tin. Tàu cộng gây hấn với hầu hết các nước chung quanh. Từ Nhật, Ấn Độ, đến Triều Tiên và Hàn Quốc, tất cả Tàu đều có tranh chấp. Trong bối cảnh đó, các quan chức Tàu cảm thấy bất an, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Đó là tâm lí chung của người thiếu tự tin. Có lẽ đó là một trong những lí do mà Dương Khiết Trì tỏ ra vô giáo dục với phía Việt Nam.
Trước những lời phát biểu trịch thượng và vô lễ đó của Dương Khiết Trì trên mặt báo, Việt Nam phản ứng ra sao? Có thể nói rằng phản ứng của phía Việt Nam rất lịch sự và nhã nhặn. Bài báo của Reuters (4) cho biết “Vietnam took a more conciliatory tone” (Việt Nam dùng giọng hoà nhã hơn), và “Dung said Vietnam was always ‘grateful for the support and great help from China’” (Thủ tướng Dũng nói Việt Nam lúc nào cũng biết ơn vì sự yểm trợ và giúp đỡ lớn từ Tàu). Nhã nhặn và biết ơn. Có ai lịch sự và ăn ở có trước có sau như Việt Nam chưa?
Tôi tự hỏi nếu mình là quan chức VN và có mặt trong buổi thảo luận, tôi sẽ làm gì? Dĩ nhiên, tôi sẽ không dùng từ thô lỗ để trả đũa, vì như thế thì chẳng khác nào mình với chúng nó cũng đẳng cấp [thấp]. Nhưng chắc chắn tôi sẽ không nhân nhượng bất cứ lí lẽ nào của họ. Nếu họ nói “Tôi là nước lớn”, có lẽ tôi sẽ nói mỉa mai một chút và vào đề: “Đó là một quan sát thú vị nhưng hơi thừa vì ai cũng biết Tàu là lớn; tuy nhiên lớn không có nghĩa là có chân lí”, và giảng dạy “Vua Trần Nhân Tông của chúng tôi dạy rằng chỉ có nước lớn mới làm bậy và gây hấn“. Nếu họ nói “chẳng có gì phải tranh cãi Hoàng Sa”, thì tôi sẽ nói “Tôi không đồng ý với với quan điểm đó, vì trong thực tế những tranh cãi vẫn diễn ra, và Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam”. Nếu họ nói “Việt Nam quấy nhiễu giàn khoan”, tôi sẽ nói “Ngược lại, chính các ông mới khuấy nhiễu và khiêu khích chúng tôi; các ông cho tàu chiến, tàu ngư chính, tàu hải cảnh, và máy bay ra để đe doạ các tàu chấp pháp của chúng tôi; các ông đã cho tàu hải cảnh húc vào tàu cá của ngư dân chúng tôi và đã gây ra hai cái chết. Đáng lẽ các ông phải chính thức xin lỗi, chứ sao lại nói ngược như thế”.
Nếu họ tiếp tục ăn nói thô lỗ, tôi sẽ nhắc họ: “Xin nhắc các ông đây là một cuộc thảo luận ngoại giao cấp cao, đề nghị các ông duy trì chuẩn mực văn hoá trong đối thoại, và tránh dùng những từ ngữ có thể xem là trịch thượng và không phù hợp với quan chức của một nước lớn”. Nhưng chắc chắn một điều là tôi sẽ không nói lời cám ơn gì cả, vì đây không phải là dịp để nói lời cảm ơn. Đại khái vậy. Nhưng tôi chỉ tưởng tượng cho vui vậy thôi, chứ làm sao tôi có vai trò gì trong đàm phán.
Nếu những gì kí giả Reuters viết đúng về những ngôn từ mà Dương Khiết Trì phát biểu (và tôi nghĩ họ chẳng có lí do gì để nói láo) thì rõ ràng đó là những lới mắng mỏ trịch thượng. Đáng lẽ Việt Nam có thể phản bác mạnh mẽ hơn là những thông cáo báo chí đưa ra, nhưng rất tiếc điều đó chưa xảy ra. Chính sự khiêm tốn và thái độ hoà nhã của phía Việt Nam càng làm cho Tàu cộng lấn tới và xem chúng ta chẳng ra gì.
Mới đây, Bộ Nội vụ đề nghị rằng các quan chức cao cấp phải hội đủ tiêu chuẩn “yêu nước sâu sắc”. Tôi hiểu chữ “sâu sắc” là sẵn sàng bảo vệ danh dự của dân tộc và đất nước Việt Nam và có khả năng đáp trả thích đáng những phát biểu thô lỗ và xúc phạm của đối phương.

Nguyễn Văn Tuấn
Chia sẻ bài viết này
(4) Nhưng bài báo của Rueters còn cho biết Thủ tướng Dũng cũng yêu cầu Tàu phải rút giàn khoan vì ông cho rằng đó là một vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam. Đáp lại, Dương Khiết Trì nhấn mạnh Hoàng Sa là lãnh thổ cố hữu của Tàu, và không có tranh cãi gì về chuyện này. Dương Khiết Trì phàn nàn rằng Việt Nam liên tục sách nhiễu giàn khoan của Tàu một cách bất hợp pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét