Đi dây đến chừng nào có thể. Dù vừa bị một cú giật mình chưa thể tỉnh lại, dường như Nhà nước Việt Nam vẫn chưa tỉnh ngộ trước họa xâm lăng cận kề từ Trung Quốc.
Tuyệt đối đúng như lời cảnh cáo của La Viện – một viên tướng về hưu theo trường phái diều hâu của Trung Quốc, chỉ vài ngày qua “người đồng chí tốt” đã tiếp tục tung thêm vài giàn khoan nữa vào khu vực Biển Đông ngay trước mũi Bộ Chính trị Hà Nội.
Nhưng không chỉ hiện diện trên vùng lãnh hải của Việt Nam, một giàn khoan sống đi bằng hai chân với phong thái thiên triều còn sống sượng ngự ngay tại tâm não Ba Đình. Giàn khoan sống đó mang tên Dương Khiết Trì.
Giàn khoan tại Hà Nội
Chuyến viếng thăm có vẻ bất thường của họ Dương có thể làm nhiều người nhớ lại những đông tác ngoại giao con thoi giữa Việt Nam và Trung Quốc trước cuộc chiến biên giới năm 1979. Cũng là những động tác “vừa tranh thủ, vừa đấu tranh” mà hai “nhà nước anh em” có cùng ý thức hệ luôn linh hoạt một cách thuộc lòng lẫn nhau. Vẫn là những cam kết trừu tượng và bất tận trên sân khấu ngoại giao nhưng luôn làm cho lớp khán giả bất đắc dĩ bên dưới trở nên chán ngán tận cổ. Vẫn là những cái bắt tay và nụ cười giả lả nhưng chỉ gắn với cảm giác rất gần về một cái tát nổ đom đóm. Rồi cuối cùng là một cuộc xâm lược không tuyên bố từ những kẻ thủ sẵn dao găm trong người…
Vậy có thể nói gì về việc Trung Quốc tống đạt 3 giàn khoan vào khu vực Biển Đông hầu như đồng thời với cuộc hạ cánh Hà Nội của Dương Khiết Trì? Từ chối sạch mọi đề xuất “được đàm phán” của người đứng đầu đảng Việt Nam, song Tập Cận Bình vẫn không quên cho người đi sứ để làm một thứ bổn phận như nhiều triều đại Trung Hoa đã thủ đoạn trong suốt hàng ngàn năm tìm cách thu phục và nô dịch nước Nam.
Câu trả lời đơn giản nhất đang đến: vẫn là chiến thuật vừa xoa vừa đấm của Bắc Kinh, luôn muốn tạo một áp lực chính trị tăng dần và đủ mạnh để bắt giới chính khách Hà Nội phải quỳ gối, nếu trước đó giới này từng bị coi là quen cúi đầu quá thấp.
Động tác hình thể lệ thuộc nặng nề vào tâm não. Nếu như trong quá khứ đã chưa một lần Bộ Chính trị đảng và Chính phủ Việt Nam đủ can đảm đưa vụ việc quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm ra tòa án quốc tế, chẳng có gì bảo đảm là trong tình thế “một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc” ở Việt Nam như hiện thời, họ lại dám mang cả sinh mệnh cá nhân và gia đình để đánh đổi lấy vận mệnh non sông xã tắc.
Nhưng nghịch lý nhân văn vô cùng tận trong lịch sử Việt vẫn luôn là một khi lòng can đảm chống ngoại xâm bị thoái hóa đến cùng cực, dũng khí bóp nghẹt tiếng nói chống giặc lại lên ngôi. Màn trấn áp cuộc biểu tình chống Trung Quốc xảy ra tại Hà Nội trong tuần qua là một bằng chứng điển hình, tiêu biểu không kém những lời “huấn thị” mà Dương Khiết Trì dành tặng cho những người mà thâm tâm ông ta rất có thể tự hào là “học trò ngoan”.
Mũi khoan vào giữa tim
Sau những lời khen tặng lẫn nhau và hiện tượng lắng đọng đến mức thiểu não tiếng nói “thoát Trung” trên mặt báo chí nhà nước, hoàn toàn có thể hiểu là cuộc gặp gỡ giữa “hai đảng anh em” đã “thành công tốt đẹp”. Sẽ không, hoặc ít ra ngay vào lúc này không thể có một động thái nào từ Hà Nội để đưa vụ việc các giàn khoan lấn chiếm của Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Ngược lại, dường như một thỏa thuận ngầm giấu nào đó đã thừa cơ tung hoành: phương Bắc hoàn toàn có quyền thao túng Biển Đông bằng cơ chế vận hành vô tội vạ các giàn khoan. Nói cách khác, sự việc rất có thể đang tiến gần đến thời kỳ mà Trung Quốc muốn làm gì thì làm.
Phải chăng Trung ương để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm ở Biển Đông?” cũng là câu hỏi gần sát giới hạn chịu đựng của nhiều vị công thần và cách mạng lão thành trong những tuần qua. Liên tục là những tâm huyết thư của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và cả “một số đồng chí nguyên ủy viên Bộ chính trị và ủy viên trung ương đảng”, cảnh báo về nguy cơ dân tộc Việt Nam bị nô thuộc một lần nữa. Hàng loạt thư kiến nghị của giới nhân sĩ và trí thức Việt cũng dồn dập không kém… Nhưng xem ra, điều cay đắng nhất đối với những người vẫn còn tin vào việc một tình cảm níu kéo ý thức hệ có thể cứu vãn đất nước trong giờ phút hiểm nghèo này đã vụt hiện: tất cả đã trôi vào thinh không mà không có bất cứ lời hồi đáp nào từ phía Bộ Chính trị.
Cũng không có bất kỳ một dấu hiệu đáng khích lệ nào về việc Nhà nước Việt Nam bắt đầu dấn thân vào con đường đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, ngay cả sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trở về từ căn cứ “đồng minh quân sự” Philippines.
Ngay cả một nghị quyết chuyên biệt về Biển Đông cũng bị Quốc hội tuyệt đối né tránh vào kỳ họp đang diễn ra. Lý giải cho thái độ “tận Trung” này là vô cùng dễ: vào cuối năm 2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thừng tuyên bố “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”.
Siết vòng
Nhưng chính thái độ bị xem là “chủ bại” của giới lãnh đạo chóp bu lại cho thấy một chiều hướng tiếp nối: chủ trương của Hà Nội là tiếp tục “đu dây” giữa Bắc Kinh và Washington.
Đi dây đến chừng nào có thể. Dù vừa bị một cú giật mình chưa thể tỉnh lại, dường như Nhà nước Việt Nam vẫn chưa tỉnh ngộ trước họa xâm lăng cận kề từ Trung Quốc. Với một số lãnh đạo trong phái bảo thủ ở Việt Nam, có lẽ hy vọng bao giờ cũng nguyên là hy vọng. Mảnh ván cuối cùng dưới đáy con thuyền sắp bục vỡ vẫn có giá trị như một phao cứu sinh.
Còn thất vọng của lớp cựu thần quốc gia đang nhanh chóng biến thành “thất phu hữu trách”. Với tất cả những gì đang diễn trò như hiện nay, thật không có lấy một chút hy vọng rằng Trung Quốc sẽ giảm bớt nồng độ can thiệp vào Việt Nam trong thời gian tới. Ngược lại, nồng độ này sẽ càng đậm đặc vào bất kỳ lúc nào Bắc Kinh phát hiện tín hiệu “hướng Tây” trong một bộ phận được coi là “cải cách” trong nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Chỉ có thể hướng lên phương Bắc và chỉ có phương Bắc mà thôi.
Vòng nô thuộc cũng bởi thế đang từ từ siết chặt.
Thường Sơn
Nguồn: Vòng nô thuộc từ từ siết chặt. Thường Sơn, Facebook Phạm Chí Dũng. 22/6/2013. DCVOnline minh họa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét