Bùi Bảo Trúc
Ngày 19 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Trung quốc đã trở thành một quốc gia của đồ giả, toàn là đồ giả.
Giả tất cả mọi thứ. Từ tháp Eiffel của thủ đô Paris đến nguyên một khu thuộc thành phố Venise của Ý đến một đô thị của Thụy Sĩ đều có phiên bản giả ở Trung quốc. Giả nguyên những thứ ấy được thì những cái ví Vuitton, đồng hồ Rolex, quần áo với những cái nhãn nổi tiếng, nước hoa, rượu đắt tiền,… tại sao lại không làm giả luôn?
Hàng giả bán ra ngoại quốc đã đành, và rất nhiều. Thỉnh thoảng lại có những vụ tiêu hủy các hàng giả nhập từ Trung quốc bằng cách đem đốt, hay dùng xe ủi lô cán cho nát. Lúc thì ở Úc, lúc ở Singapore, lúc thì ở New York, Los Angeles…
Nhưng hàng giả còn được tiêu thụ rất nhiệt tình ở ngay nước Tàu. Không sáng chế được thì làm giả. Không có tiền nghiên cứu để chế tạo sản phẩm mới thì làm giả. Lợi dụng những tên tuổi nổi tiếng để lừa, bịp kiếm tiền thì làm giả.
Có khi cũng chẳng phải là làm giả vì những lý do kể trên, mà làm giả vì thích làm giả mà thôi.
Thí dụ như một thứ giả khá mới lạ mà báo chí Mỹ cũng nói như chuyện xảy ra tại một vườn thú ở tỉnh Hà Nam.
Tờ Bắc Kinh Thanh Niên tuần qua cho biết vườn thú bán vé cho khách đến thăm để xem một con sư tử, được chụp hình với nó ở ngoài chuồng, với con sư tử ở sau những chấn song. Khách đến thăm thì tin ngay đó là một con sư tử Phi châu như tấm bảng bên ngoài chuồng có viết rõ bằng chữ Hán.
Ai cũng thích thú được thấy gần con sư tử đó. Cho đến lúc không biết vì lý do gì, con sư tử bỗng kêu ầm lên. Tiếng kêu không phải là tiếng gầm của sư tử, mà là tiếng sủa gâu gâu gần với tiếng chó hơn. Đến lúc nhìn kỹ lại thì đó không phải là sư tử, mà là một con chó. Một con chó ngao Tây Tạng (Tibetan Mastiff).
Giá vé xem sư tử là 15 Nhân dân tệ, tương đương với $2.45. Sau đó, giám đốc vườn thú mới nói với báo chí rằng vườn thú có một con sư tử Phi châu thật, nhưng dịp đó, nó được cho một vườn thú khác mượn vài ngày để giúp làm vài ba con sư tử con với cho vườn thú kia. Ngoài ra, ở vườn thú cũng còn vài ba con đội lốt những con thú khác, như một con cáo được nhốt trong chuồng của một con báo, hai con trăn được nhốt vào chuồng rắn.
Chỉ vì cái tính hay làm đồ giả đã ngấm vào trong máu từ lâu, nên bỏ cái tính ấy không dễ, và do đó, mới có chuyện chó giả sư tử, chồn giả báo, như bao nhiêu thứ giả khác ở Hoa lục.
Và vì thế, 16 chữ vàng mà Giang Trạch Dân đề ra với Lê Khả Phiêu năm 1999, và sau đó, lại khẳng định với Nông Đức Mạnh năm 2000, coi đó là phương châm chỉ đạo cho những phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tàu chỉ là những điều giả dối. Cứ đọc lại 16 cái chữ vàng ấy thì sẽ thấy ngay chúng chỉ là vàng giả:
Trường kỳ ổn định (ổn định lâu dài)
Diện hướng vị lai (hướng tới tương lai)
Mục lân hữu hảo (hữu nghị láng giềng)
Toàn diện hợp tác (hợp tác toàn diện)
Ổn định lâu dài không thể là những hành vi gây rối, đe dọa các nước khác. Hướng tới tương lai chỉ chọn những hướng có lợi cho mình. Mục lân hữu hảo thì phải không bắt nạt nước khác, chiếm đất, chiếm biển của người ta. Toàn diện hợp tác không thể là đem tàu thuyền húc tàu cá của nước bạn, cắt dây cáp của láng giềng.
Ở một số nước, việc mua và dùng hàng giả cũng bị những biện pháp trừng phạt như đối với những người bán hàng giả, tiêu thụ, phân phối hàng giả.
Trong khi đó, 16 chữ vàng giả ấy của Bắc kinh đưa ra thì có ngay những thứ vồ lấy đem về ăn một cách ngon lành nên đất nước mới tan nát ra như ngày hôm nay.
Còn bọn làm hàng giả thì là bọn cứ mở miệng ra là “chi hồ giả dã”, những hư từ chẳng có ý nghĩa quái gì nên việc làm giả tất cả mọi thứ cũng là dễ hiểu.
* * *
Ngày 20 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Thông tấn xã AP cho biết tháng trước, Nguyễn Tấn Dũng đã ký một sắc lệnh miễn học phí cho các sinh viên ghi tên học chương trình 4 năm đại học nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bản tin AP nói là trong mấy năm qua, không còn bao nhiêu sinh viên chịu học chương trình này nữa vì bằng cấp về Mác Lê nin và Hồ Chí Minh rất khó kiếm việc. Chủ của các cơ sở thương mại, các công ty trong nước cũng như ngoại quốc đều không muốn tuyển những ứng viên có loại bằng cấp chuyên môn như thế. Điều này không phải là lập luận của những thành phần chống báng nói xấu nhà cầm quyền Hà Nội đang sống ở nước ngoài như một vài người sẽ nói, mà chuyện đó lại là từ miệng của Phạm Tấn Hà, người cầm đầu phòng tuyển sinh và huấn luyện thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hồ Chí Minh, với tên tuổi được nêu rõ ràng trong bản tin AP.
Theo Phạm Tấn Hà thì các sinh viên lý luận là những cấp bằng trong các lãnh vực du lịch, bang giao quốc tế, Anh ngữ… sẽ dễ kiếm được việc làm và lương bổng cũng khá hơn.
Tưởng tượng một công ty điện toán tuyển nhân viên thì chỉ có điên mới thu nhận những người có văn bằng cử nhân về Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào làm việc cho công ty. Với những kiến thức về những thứ đã hoàn toàn phá sản ở ngay tất cả các nước Cộng sản trước đây, thì những ứng viên với thứ bằng cấp như vậy sẽ đóng góp được gì cho công ty? Công ty sẽ cần những người có chuyên môn về điện toán, nói được tiếng Anh để làm việc chung với người ngoại quốc đến làm việc ở Việt Nam chẳng hạn. Chứ lôi cái thứ kiến thức vớ vẩn cơ sở đặt trên những gian dối, lừa bịp chính trị, hoàn toàn nhảm nhí trong lãnh vực kinh tế thì ai dám tuyển vào làm?
Ngay cả những thành phần có bằng cấp trong nhiều lãnh vực khác cũng còn rất khó mới kiếm được việc làm liên quan đến chương trình học. Rất nhiều người phải làm những công việc hoàn toàn không dính dáng gì tới sở học của mình thì lận lưng cái bằng cử nhân dở hơi kia sẽ làm được gì.
Được miễn cho mỗi năm khoản học phí tương đương với 200 đô la, nhân lên 4 lần là 800 đô la đối với một sinh viên có thể là lớn. Nhưng khoản đầu tư thời gian 4 năm đại học cho cái bằng cử nhân giấy lộn ấy thì có bõ công không? Cầm trong tay mảnh giấy ấy thì làm được gì, dọa chó chưa chắc chó đã thèm sợ.
Học để mà về nhà bị bố mắng như mắng chó nào là ngu và điên, nào là lấy cái bằng ấy về rồi thì cạp đất ra mà ăn hay sao!
Đó là chưa kể vác cái bằng ấy đi xin việc thì chỉ tổ bị những cơ sở ấy mắng cho là làm mất thì giờ của họ, mất công người phỏng vấn phải chỉ lối ra cho cái thứ lẩn thẩn ấy đi về mà thôi.
Còn cái bằng ấy, nếu có gửi lại thì cũng không được hạnh phúc làm cái… “tàu bay giấy ngập ngừng bay ra cửa” như một câu thơ của Hoàng Anh Tuấn. Nó sẽ bị quăng thẳng tay vào thùng rác ngay lập tức chứ chẳng được một chút ngập ngừng hay phân vân gì hết.
Tấm bằng ấy, nghĩ lại, cũng không làm được cái việc dọn dẹp sạch sẽ cho cơ thể sau chuyến đi bài tiết.
Những cuộn giấy tròn White Clouds hay Cottonelle làm được việc hơn nhiều.
Của rẻ là của ôi. Nhưng ôi còn có thể dùng được chứ bằng cấp về Mác Lê nin Hồ Chí Minh thì dùng được vào việc gì bây giờ?
Không còn có thể nói hồng hơn chuyên được nữa.
* * *
Ngày 21 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Ðọc bản tin của nhật báo The Times Of India số cách đây hai ngày, chắc chắn nhiều người sẽ phải tự hỏi có phải chúng ta đang ở thế kỷ thứ 21 hay không.
Bản tin của tờ báo này cho biết một cuốn sách giáo khoa tiếng Hindu dành cho các thiếu niên trong hạng tuổi 13 hay 14, 15 tuổi đã đưa ra một sự so sánh rất kỳ lạ.
Cuốn sách được dùng trong các trường trung học ở Rajasthan, một bang ở phía tây Ấn Độ, giáp ranh với Pakistan. Bản tin không nói rõ đó là cuốn sách giáo khoa sử, hay địa, hay công dân giáo dục. Nhưng dù cho sách dậy môn gì đi chăng nữa thì điều cuốn sách nhồi nhét vào đầu của các học sinh cũng vẫn hết sức kỳ lạ, bất kể Rajasthan là bang có những thái độ rất bảo thủ đối với phụ nữ.
Cuốn sách so sánh phụ nữ với những con lừa, và kết luận rằng giống lừa có thể là bạn đường tốt hơn là các phụ nữ vì, theo nguyên văn những chữ trong cuốn sách này, những con lừa không bao giờ than phiền, càm ràm, phàn nàn, trách móc... và lừa cũng trung thành với “chủ” hơn các phụ nữ.
Cuốn sách viết tiếp rằng con lừa cũng giống như người vợ trong nhà vậy. Nhưng con lừa tốt hơn nhiều, vì những người vợ có khi lại hay phàn nàn, bỏ về nhà với cha mẹ, trong khi những con lừa thì không bao giờ làm những việc đó.
Vậy mà cuốn sách giáo khoa này được chính phủ của bang chuẩn nhận làm sách giáo khoa dùng cho các trường của bang.
Thì ra quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới có cách nhìn vấn đề như thế đấy.
Phụ nữ Ả Rập Saudi có bị đối xử bất công đến độ một số phải đi giải phẫu đổi giống để khỏi bị kỳ thị bất công, nhưng cũng không bị xúc phạm nặng như thế.
Lối so sánh hoàn toàn ngu dốt. Không ai so sánh một chiếc xe đạp với cái bút chì, vì hai thứ không có bất cứ một nét gần gũi nào để có thể mang ra so sánh.
Cuốn sách nói là con lừa không phàn nàn, càm ràm, than phiền bao giờ. Lý do là vì nó ưa nặng. Càng nặng tay nó càng thích. Phụ nữ thì không, đánh bằng bông hồng cũng là không được.
Lừa không càm ràm, ta thán, phàn nàn vì lừa không nói được tiếng người. Chứ nếu chúng biết nói thì sẽ có bao nhiêu điều để phàn nàn. Thí dụ người cưỡi béo quá, nặng quá, đi toilet xong không chùi kỹ, làm khổ cái lưng của nó, cỏ khô quá, không kiếm bạn gái cho nó, tuổi xuân không biết dùng làm gì, thỉnh thoảng bị mấy chị ngựa đòi dê để sinh ra mấy con la rất thô bỉ...
Lừa không càm ràm vì nó không biết nói. Nếu biết nói thì nó cũng chẳng thua bất cứ ai.
Bảo rằng lừa trung thành với chủ cũng là sai bét. Trung thành cái nỗi gì mà ở sở thú Toronto có mấy conzonkey, kết quả của những chuyện trên Bộc trong dâu với mấy con đĩ ngựa (?) vằn (zebra) gốc Phi châu với mấy con lừa (donkey)?
Nói là lừa không thỉnh thoảng khóc ré lên (?) rồi bỏ chạy về nhà má là cũng sai luôn. Không chạy về với má là vì không có má ở gần chứ thử có má ở gần coi. Thế nào chẳng va li quần áo chạy tót về nhà má vài bữa để đỡ phải nấu... cỏ khô cho lừa đực.
Nói tóm lại, so sánh lừa với vợ là không nên. Nói rằng vợ thua lừa là sai luôn. Vợ khôn hơn lừa rất nhiều. Người ta nói ngu như lừa chứ không ai nói ngu như vợ hết.
Còn một điều nữa, đó là khi người ta gọi:“My ass” thì lừa vui vẻ chạy lại.
Không ai dám làm điều đó với vợ, trong khi vợ thì thỉnh thoảng gọi chồng là “Ass hole” như Diana mấy lần gọi Thái tử Charles mà cuốn sách của cận vệ cũ của Diana kể lại.
Tóm lại, cuốn sách quá dở mà tại sao đem dạy ở trường cho các học sinh học.
Pakistan mà biết thì cười Ấn Độ thối người ra chứ không đùa đâu.
* * *
Ngày 22 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Một bài báo của tờ Việt Nam Express cách đây vài hôm đã viết về vụ mấy nữ sinh khoảng 15, 16 tuổi của một trường trung học phổ thông ở tỉnh Phú Thọ đánh nhau gây thương tích khá nặng cho nhau và nhân đó, đã đưa ra mấy con số rất đáng ngại.
Bài báo nói rằng hôm nay, nếu vào Google, đi tìm tài liệu về “nữ sinh đánh hội đồng”, thì sẽ được khoảng gần 3 triệu kết quả ngay trong vòng 40 giây, và nếu tìm những video clip thu cảnh học sinh đánh nhau, người ta sẽ tìm thấy khoảng 44 ngàn video clip.
Vụ hành hung mới diễn ra hôm 16 tháng 8 thì ngay trong ngày hôm ấy, một video clip được đưa lên Facebook cá nhân để mọi người xem cho… biết. Nguyên do đưa tới việc đánh nhau có thể chỉ là vì những câu như “con kia xinh quá, đánh nó!”, hay “con kia xấu quá, đánh nó!”, hay “con kia dám cướp người yêu của bà à, đánh nó!” Lệnh truyền ra thì lập tức xô xát xảy ra. Nạn nhân bị 5 nữ sinh đấm vào mặt, đạp ngã xuống đường, trong khi bị chửi bới bằng những ngôn từ hết sức tục tĩu. Nạn nhân dùng dao nhọn đâm trả, gây thương tích trầm trọng cho ba em. Những em bị thương đã phải đi bệnh viện, trong đó có 1 em bị đâm rách mắt, 2 em kia bị thương ở bụng và ở tay.
Điểm làm cho người đọc kinh ngạc là thái độ của các học sinh khác đứng xem trận đánh nhau mà không một ai ra tay can thiệp, lại còn cổ võ cho hai bên đánh tiếp để dùng điện thoại di động thu lấy hình đưa lên Facebook.
Bài báo có kèm theo hai bức hình màu khá rõ. Tôi xem kỹ cả hai bức mà không sao tìm được Ngọ của tôi đâu hết. Ngọ mặc áo dài, tay ôm tập vở, bờ vai nhỏ, tóc dài tà áo vờn bay…
Chỉ thấy những con ác quỉ mặc quần jeans, áo bông đang lao vào đấm đá một đứa đang nằm còng queo dưới đất. Trong bức ảnh thứ hai, là một đứa mặt đầy máu đang được dìu đi. Chung quanh là một đám đông lố nhố dừng xe lại đứng xem một cách bình thản.
Vì thế, cũng không kịp trao vội vàng chùm hoa mới nở, để Ngọ ép vào cuối vở…
Ngọ của tôi không còn nữa.
Thay vào đó là những đứa nhỏ hơn Ngọ vài ba tuổi, mặt mũi hung tợn, luôn miệng chửi bới thô tục.
Phạm Thiên Thư vẽ lại hình ảnh của Ngọ, của những Ngọ của chúng ta ở những cổng trường ngày nọ. Chiếc mobylette tắt máy, đạp lẽo đẽo đi sau. Cơn gió gửi lại mùi tóc thơm mùi nắng, những chiếc lá me rụng như mưa xuống đường đi. Mấy câu thơ của Nguyên Sa bỗng trở lại. Buổi tối đi học một mình, cột đèn theo gót bóng lung linh, mặt trăng theo ánh đèn trăng sáng, đôi mắt trông vời theo ánh trăng…
Một ngày rất đẹp phải kết thúc như thế. Ngày ấy đã mất vĩnh viễn. Tại sao vậy? Tôi tin chắc là Ngọ, và những Ngọ khác của chúng ta không bao giờ phải làm cái công việc mà tờ Tuổi Trẻ nói là học tập theo gương Hồ Chí Minh như những đứa học sinh vô cùng mất dạy trong những bản tin ngày nào cũng vài ba vụ đánh nhau, chửi nhau hung tợn và tục tĩu đầy trên những tờ báo trong nước.
Những bài công dân giáo dục, đức dục không còn nằm trong chương trình học của các trường Việt Nam nữa. Những gương sáng cho mấy thế hệ toàn là những thứ mẫu mực tồi bại của một xã hội băng hoại thì lấy đâu ra những hình ảnh tuổi trẻ tử tế cho được.
Từ năm 1954 ở bắc vĩ tuyến và sau năm 1975, những thứ tệ lậu như vậy lan xuống cả miền Nam thì đừng có nói những thứ ấy là tàn dư Mỹ Ngụy nhá.
Hôm nay đường này, cây cao hàng gầy, đi quanh tìm hoài, ai mang bụi đỏ đi rồi.
* * *
Ngày 23 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Trong Luận Ngữ, cụ Khổng căn dặn chúng ta rằng “Phụ mẫu chi niên bất khả bất tri, nhất tắc dĩ hỷ, nhất tắc dĩ cụ”.
Tuổi của cha mẹ thì không thể không biết. Biết để mừng, và biết cũng để mà lo.
Khỏe thì mừng, không khỏe thì lo. Tuổi cha mẹ còn ít thì mừng, vì tuổi còn ít là cha mẹ còn trẻ, là còn ở lại lâu với con cái. Cha mẹ nhiều tuổi thì lo, thì sợ vì như vậy là cha mẹ đã già, cha mẹ sắp đi.
Nhiều tuổi thì lại lo thêm cả những chuyện khác nữa. Thí dụ nhiều tuổi thì già. Già thì nhăn nheo, trông chán lắm.
Cao Ly là nước cũng cùng coi cụ Khổng là thầy như chúng ta, nên chuyện con cái lo cho cha mẹ lúc già cũng không khác gì cách người Việt Nam lo cho cha mẹ.
Nhưng người Cao Ly nay đã có nhiều điểm khác với chúng ta.
Thấy cha mẹ già, người Cao Ly có một cách khác để giúp cha mẹ. Ðó là biếu cha mẹ một số tiền để cha mẹ đi sửa sắc đẹp cho cha mẹ đỡ xấu. Hay họ cũng đưa thẳng cha mẹ tới các cơ sở sửa sắc đẹp để nhờ làm trên, sửa dưới, bơm trong, hút ngoài cho tiện.
Ngày thứ Hai tuần tới là ngày phụ mẫu ở Cao Ly, ngày con cái báo hiếu cha mẹ, mừng tuổi cha mẹ, tôn vinh cha mẹ cũng như ở Mỹ có ngày Fathers’ Day và ngày Mothers’ Day. Báo chí ở Nam Triều Tiên cho biết từ mấy tuần qua, các thẩm mỹ viện ở Hán Thành và ở nhiều thành phố lớn khác không còn có thể nhận thêm khách được nữa vì quá nhiều người đã giữ chỗ để làm đẹp cho cha mẹ. Hầu hết muốn nhờ cắt mắt để trông cho đỡ buồn ngủ, nhờ gắn cục plastic và mũi cho đỡ tẹt. Chân cẳng quá nhiều bắp thịt, gân nổi cuồn cuộn thì nhờ làm cho thon đi.
Nước Cao Ly đã rất khác chúng ta. Họ chịu ảnh hưởng văn minh Tây phương nhiều hơn chúng ta. Chỉ ở miền quê người ta mới thấy phụ nữ mặc những chiếc hanbok. Ở thành thị, không còn bao nhiêu người mặc những chiếc áo cổ truyền thùng thình bằng lụa nữa.
Và cách đối xử với cha mẹ cũng khác. Họ có thể đưa cha mẹ đi sửa sắc đẹp một cách tự nhiên mà không sợ bị cha mẹ trách là chê cha mẹ xấu, bắt đi sửa cho đẹp.
Trái hẳn với các bậc cha mẹ Việt Nam. Chúng tôi không chờ con cái dẫn đi sửa sắc đẹp. Chúng tôi lén con cái đi bơm, hút, căng, kéo một mình. Không bao giờ chúng tôi muốn để cho con cái trông thấy hay là biết cha mẹ chúng đi sửa sắc đẹp. Ðến lúc tháo bông băng, mặt mũi sưng húp, lúc ấy chúng thấy cũng chưa muộn. Nếu tiện, chúng tôi về Việt Nam sửa cho chúng hết thấy luôn.
Ðàn ông, đàn bà Cao Ly chỉ hơn chúng tôi ở chỗ con cái trả tiền cho đi sửa sắc đẹp. Chúng tôi lo lấy chuyện của chúng tôi, chúng tôi không thèm nhờ.
Nhưng trò sửa sắc đẹp của người Cao Ly đang càng ngày càng thấy nhiều hơn. Chuyện sửa sắc đẹp không còn là chuyện phải giấu giếm nữa.
Rằng tôi chút phận đàn bà
Bơm, hút, căng, kéo người ta thường tình...
Bơm, hút, căng, kéo người ta thường tình...
Hoạn Thư bây giờ chắc phải nói như vậy chứ xuống nước năn nỉ Kiều “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”mà làm gì. Chuyện tới thẩm mỹ viện ngày nay được nhiều người làm đến độ nhiều người ra vào thẩm mỹ viện như đi chợ, mỗi lần vào ra lại trẻ đi một vài tuổi. Dần dần trẻ ngang bằng con gái, rồi trẻ hơn, trông như hai chị em, có người làm quá, đi với con gái người ta lầm con gái là chị, rồi cuối cùng, hệt như cặp vợ chồng Yoshida và vợ là Fumi trong truyện cổ ở Miya Jima.
Truyện kể hai người tình cờ tìm được con suối trường sinh, người chồng uống thành một thanh niên trẻ đi hàng mấy chục tuổi, người vợ muốn trẻ thêm, uống quá nhiều nước suối, rốt cuộc thành một đứa hài nhi hai ba tháng nằm ngo ngoe trên bờ suối.
Thế là ông chồng phải bồng vợ về, sữa tã như một đứa con đỏ.
Sửa sắc đẹp nhiều quá thì sẽ như vậy đó. Ðừng có mà ham.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét