Ngày của mẹ
Mẹ không có ngày sinh. Năm sinh cũng không. Về ngày mẹ ra đời, bà ngoại chỉ nói vỏn vẹn một câu, “cái năm đói thì mày biết ngồi“. Nên lúc muốn tăng thêm chút tuổi, mẹ bảo, sinh năm 1942. Lúc muốn trẻ hơn một ít, mẹ nói sinh năm 1944.
Mẹ chọn đại cho mình một ngày sinh. Là người chu đáo và có trí nhớ tuyệt vời, mẹ luôn nhớ sinh nhật của chồng, của các con, rồi tới của một đàn cháu. Mẹ luôn là người đầu tiên chúc mừng sinh nhật và nhắc nhở những người khác trong gia đình gửi lời chúc mừng. Nhưng sinh nhật mẹ, chồng con lại thường quên. Lý do, vì mấy bố con không ai chu đáo được như mẹ và có lẽ cũng vì, ai cũng biết đó là một ngày ‘rởm’. Có lần mẹ đã giận dỗi về chuyện này và bảo, “ai cũng có một ngày của mình, thì dù ‘rởm’ mấy bố con cũng phải chúc mừng mẹ chứ”.
Nhưng giờ đây, mẹ đã có một ngày thật sự của mình – ngày mà bố và chúng con sẽ hàng năm khóc cho mẹ. Đó là 14/8/2013, tức mùng 8 tháng 7 năm Quý Tỵ – ngày mẹ mất. Mẹ ra đi lúc 1 giờ đêm.
Từ khi mẹ ốm, các cuộc gọi mang số +84 đã trở thành nỗi khiếp sợ với đứa con xa nhà. Mỗi lần nhấc điện thoại là một lần tay chân con run rẩy. Nhưng rồi điều đau buồn ấy vẫn đến.
Mẹ đã chiến đấu rất ngoan cường với bệnh tật. Khi mổ mẹ ra, bác sĩ nói các khối u đã di căn đi khắp nơi, không thể can thiệp bằng phẫu thuật được nữa. Sự sống khi đó tưởng chỉ tính bằng ngày hay bằng tuần, nhưng mẹ đã ở lại với chúng con được thêm 7 tháng nữa. Đã có lúc, sau thời gian dài nhịn ăn, những khối u xẹp đi, căn bệnh ung thư tạm lui, mẹ đã vui cười, lạc quan trở lại và mong sớm khỏe để ra nước ngoài chơi với con cháu.
Những ngày mẹ bệnh cũng là những ngày con cái quây quần bên mẹ. Đó là dịp hiếm hoi để đứa ở Pháp, đứa ở Ba Lan cùng sum họp trong một cái Tết, cùng sống dưới một mái nhà. Đó cũng là những ngày chúng con được chứng kiến tình yêu vô bờ bến mà bố mẹ đã dành cho nhau qua gần nửa thế kỉ chung sống, chứng kiến bố đã chăm sóc mẹ tận tình chu đáo như thế nào, bố đã bế mẹ trên tay, đã bón cho mẹ từng thìa cháo. Đó là khoảng thời gian hiếm hoi để chúng con cùng bố mẹ ôn lại thời thơ ấu, xem lại những cuốn album, đọc lại những bài thơ mà bố mẹ đã làm tặng nhau thời trẻ và cả những năm tháng sau này.
Mẹ là giáo viên dậy văn. Mẹ nghỉ hưu sau 30 năm dậy học. Về hưu mẹ vẫn thỉnh thoảng viết văn, làm thơ. Những bài thơ hay tản văn của mẹ với bút danh “H. Thuận” xuất hiện đâu đó trên trang mạng của nhà văn Trần Nhương hay báo giấy Người Cao Tuổi.
Con cái mỗi đứa một nơi, đứa nào cũng thừa bận rộn và thiếu quan tâm; thơ văn của mẹ, có đứa đọc, đứa không. Chỉ đến khi mẹ sắp mất, văn thơ của mẹ được bố nhặt nhặn từ các trang mạng và báo để làm thành một cuốn kỉ niệm cho con cháu, những đứa con vô tâm của mẹ mới giật mình nhận ra, trong mấy năm cuối cùng của cuộc đời, mẹ đã viết tới 500 trang A-4!
Yêu văn thơ nên mẹ thường dùng thơ và ca dao ru các con từ lúc còn nằm nôi. Giữa khó khăn, nhọc nhằn của cuộc sống, ở cái thời chạy từng lon gạo, phân phối từng cây bút, từng tập giấy; mẹ vẫn viết nhật ký cho các con từ ngày chúng chào đời cho tới lúc chúng trưởng thành. Những cuốn nhật ký vàng theo thời gian vẫn nằm trên giá sách, trong phòng ngủ của bố mẹ và theo bố mẹ qua bao lần chuyển nhà. Mẹ muốn thơ ca vận vào các con, muốn có đứa nào đó trong số 3 cô con gái theo nghiệp chữ nghĩa.
Nhưng mẹ ơi, chính mấy cái chữ nghĩa nghiệt ngã ấy khiến con của mẹ giờ đây đang phải khóc cho mẹ từ xa. Chữ nghĩa khiến con gặp bao rắc rối với đời, khiến con phải vất vả ‘ăn đong’ từng chiếc visa để về thăm mẹ khi mẹ bệnh liệt giường.
Nhưng con biết, mẹ là người thông cảm cho con. Mẹ là người tha thứ cho con.
Con biết, vì khi đọc những gì mẹ viết, con hiểu mẹ cũng phản ứng trước những bất công của xã hội, cũng trăn trở khi những người nông dân bị mất đất, cũng xót xa cho những cầm bút phải vào tù. Con biết, vì khi ở bên chăm sóc mẹ, giữa những tiếng rên của bệnh tật, mẹ vẫn thương xót cho cô bé Phương Uyên khi nghe về bản án khắc nghiệt của cô ấy.
Và con còn biết, mẹ đã tham gia biểu tình chống Trung Quốc cùng các nhân sĩ trí thức và những bạn trẻ yêu nước. Mẹ né tránh ống kính, mẹ không cho chụp hình vì không muốn làm khó thêm cho cô con gái vốn đã lắm chuyện của mình.
Trong gia đình, mẹ là người có quan điểm gần với con hơn cả. Mẹ phản đối con chuyện này chuyện kia vì không muốn cuộc đời con gái mẹ gặp thêm rắc rối, nhưng trong lòng có nhiều điều mẹ đồng ý với con.
Và mẹ tha thứ con, phải không mẹ yêu.
——————————————————-
Tin buồn: Vĩnh biệt nhà giáo Đoàn Thị Hồng Thuận trên Blog Nguyễn Xuân Diện và trang web Trần Nhương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét