Với những phương pháp khoa học này cùng sự trợ giúp của não bộ, khó ai có thể lừa nổi bạn…
Biết trước mọi người sẽ làm gì, đọc suy nghĩ, tâm trí người khác luôn là ước mơ mà mọi cá nhân muốn đạt tới. Thử tưởng tượng, nếu não bộ giúp bạn có thể làm chủ khả năng siêu phàm ấy, hẳn bạn sẽ dễ dàng thành công trong cuộc sống, trở thành “ông vua” trong “vương quốc” của bản thân.
Với sự phát triển của khoa học cùng nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, cuối cùng, chúng ta đã có thể tới rất gần với ngưỡng sở hữu khả năng ấy…
Từ phát hiện tình cờ về “nơron gương”
Năm 1996, trong khi khảo sát não bộ khỉ Macaque, ba nhà khoa học đã tình cờ phát hiện ra một cụm tế bào thần kinh ở vỏ não con vật, chịu trách nhiệm cho phản ứng với các kế hoạch hành vi.
Ngạc nhiên hơn, bộ phận này không chỉ hoạt động khi con khỉ Macaque làm việc gì đó mà còn hoạt động ngay cả khi nó nhìn thấy một cử chỉ, dù là nhỏ nhất của con khỉ khác. Chính bởi khả năng phản ứng đặc biệt khi bị kích thích bởi hành động của cá thể khác, các chuyên gia đã đặt tên cho cụm tế bào thần kinh ấy là “nơron gương”.
Nghiên cứu về não bộ khỉ Macaque đã mở ra trang mới cho sự phát triển của khoa học "đọc suy nghĩ".
Sau đó, các “nơron gương” cũng đã được chứng minh là tồn tại ở con người. Các nhà khoa học thậm chí còn khẳng định được rằng, nơron dạng này sở hữu khả năng phản ứng tốt với cảm giác, hành vi, cảm xúc.
Marco Iacoboni - nhà thần kinh học thuộc ĐH California cho rằng: “Nơron gương cho thấy cách chúng ta giả vờ đóng vai người khác. Nói cách khác, với nơron gương, chúng ta đơn giản là đọc được tâm trí người khác”.
Các nơron gương là mấu chốt của siêu khả năng ẩn giấu.
… các lý thuyết ra đời…
Từ sự phát hiện của “nơron gương”, các chuyên gia bắt đầu hình thành 2 hệ lý thuyết với mong muốn lĩnh hội được khả năng đọc tâm trí người khác: lý thuyết lý thuyết và lý thuyết mô phỏng.
Lý thuyết lý thuyết mô tả khả năng cảm nhận tâm trí người khác của chúng ta, hình thành trong quá trình học tập và phát triển. Não sẽ thu thập dữ liệu từ những hành vi, cử chỉ và phản ứng thông thường của người khác, từ đó giúp ta dự đoán cảm xúc của người đó trong tương lai khi những việc tương tự lặp lại.
Trong khi đó, lý thuyết mô phỏng khẳng định, khả năng đó là sự tiên đoán tự nhiên. Theo Vittorio Gallese - nhà thần kinh học thuộc ĐH Parma (Italia) cho rằng, bản thân khi tiếp xúc với người khác, não và nhất là “nơron gương” đã làm nhiều thứ hơn ta nghĩ.
Khi giao tiếp, não đã tái tạo lại hình ảnh của người đối diện trong não, mô phỏng mọi hoạt động, cảm xúc của họ trong đầu ta. Đó là lý do mà chúng ta có sự cảm thông với những người xung quanh, đơn giản vì não bộ hình như đã biết trước họ sẽ như thế và tái tạo cảm xúc tương tự trong đầu ta.
… tới phương pháp đọc tâm trí người khác…
Dù vậy nhưng khoa học vẫn chỉ dừng ở mức tiếp cận với khả năng ẩn giấu này của con người. Điều quan trọng là dưới đây, chúng ta sẽ cùng tới với những phương pháp “đọc vị” người khác được tiến sĩ David J. Lieberman đề cập trong cuốn “You Can Read Anyone” - tài liệu được FBI, CIA, NSA và các nhà quản lý trong hơn 400 công ty Mỹ sử dụng.
Phương pháp đầu tiên có tên “sự kiện mâu thuẫn”. Phương pháp này cho rằng, nếu nghi ngờ ai là kẻ dối trá, hãy kể với họ những gì bạn biết về hành động dối trá rồi thêm thắt một vài chi tiết mà bạn chắc chắn người đó biết là sai.
Chẳng hạn muốn biết một đứa bé có ăn vụng bánh ngọt trong tủ hay không, chỉ cần hỏi nó rằng có phải nó ăn vụng kẹo trong tủ lạnh không? Bạn thừa biết trong đó không có kẹo và nếu đứa trẻ bám vào chi tiết cái kẹo và trả lời rằng “làm gì có kẹo trong tủ chứ!” thì bạn có lý do để nghi ngờ nó. Đơn giản vì thông thường, kẻ gian dối có xu hướng đánh lạc hướng người khác bằng cách bám vào các chi tiết vô lý mà hắn biết chắc.
Một phép thử đơn giản để biết ai là kẻ chuyên ăn vụng trong nhà bếp.
Phương pháp thứ hai là “lời khuyên”. Nghi ngờ ai đó, hãy hỏi lời khuyên của họ về vấn đề mà bạn đang nghi ngờ. Nếu người đó tự nhiên, vui vẻ bàn luận về câu chuyện thì có lẽ bạn đã nhầm. Nhưng người cố ý che giấu thì khác, họ sẽ có những biểu hiện lạ nếu bị hỏi trúng tim đen và chỉ tinh ý một chút, bạn sẽ "bắt thóp" được điều ấy.
Hãy hỏi kẻ tình nghi ăn trộm đồ của bạn là "Cậu sẽ làm gì nếu bắt được thằng trộm đồ của tớ?".
Phương pháp thứ ba được gọi là “gây chú ý”. Có thể hình dung cách này qua một ví dụ kinh điển: Khi muốn điều tra ai là kẻ đã bán thông tin nội bộ của công ty cho đối thủ cạnh tranh, hãy cho các đối tượng tình nghi xem khoảng 3,4 cái tên về những đối thủ cạnh tranh, trong đó có kẻ mua thông tin nội bộ của công ty bạn.
Sau đó hãy hỏi các đối tượng nghi vấn xem họ nghĩ ai là thủ phạm để đánh lạc hướng và quan sát. Một cách tiềm thức, kẻ bán thông tin sẽ chú ý lâu hơn ở tên của kẻ hắn đã bán thông tin cho và tinh mắt là bạn đã biết được sự thật ẩn giấu.
Kẻ phản bội chắc chắn sẽ dừng lại nhìn lâu hơn tập hồ sơ có tên kẻ hắn đã bán thông tin cho.
Một cách thức khác cũng được ứng dụng phổ biến là lợi dụng đặc điểm người gian dối là luôn cố tỏ ra mình trong sạch. Đối với vấn đề chỉ có một cách giải quyết duy nhất và ai cũng biết, hãy hỏi đối tượng khả nghi xem họ làm thế nào đối với điều ấy. Phần lớn kẻ dối trá sẽ tìm cách trả lời một cách lòng vòng và không mấy hiệu quả.
Phương pháp thứ năm được có tên “biểu lộ”. Nó được đề xuất dựa trên căn cứ khoa học rằng, con người có xu hướng loại bỏ mọi mối liên hệ tới việc mình đang che giấu mà không hề biết những hành động nhằm mục đích ấy chỉ khiến họ thêm bị nghi ngờ.
Chẳng hạn, nghi ngờ người thân mình lén hút thuốc, hãy giả vờ đọc báo và nói trước mặt người ấy một cách tình cờ “Thì ra là khi nghiện thuốc lá, người ta thường ít uống nước lắm”. Nếu bỗng từ hôm đó người nghe thường xuyên cố ý uống nước trước mặt bạn thì có lẽ bạn có thể khẳng định chắc chắn nghi ngờ của mình rồi đấy.
Phương pháp cuối cùng mà David J. Lieberman đề cập trong cuốn sách của mình, đó là “tự tin và áp lực”. Thông thường, một người không giấu giếm hay làm điều gì sai trái sẽ rất thoải mái, tự tin trong bất cứ hành động nhỏ nhất nào. Thế nhưng, một người gian dối và sợ người khác phát hiện việc làm của mình thì luôn chịu áp lực cực lớn.
Bạn có công nhận những kẻ dối trá hay bất cẩn trong những hành động nhỏ nhất như rót nước không?
Các chuyên gia chứng minh rằng, khi thiếu tự tin, con người rất chú ý tới bản thân mình, ngay cả với những việc đơn giản như rót nước, kéo ghế ngồi… Những ánh mắt nhìn chăm chú, lấm lét liên tục, hành động chậm, cẩn trọng quá mức cần thiết… đó chính là lời tự tố giác hành vi sai trái của người khác nếu bạn tinh mắt để ý.
Tạm kết: Với khả năng "đọc suy nghĩ" của người khác sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong cuộc sống, tự tin ứng phó và xử lý với mọi tình huống bất ngờ. Tuy nhiên, nếu sử dụng bí kíp quá nhiều, bạn sẽ trở thành một người luôn sống trong sự hoài nghi về người khác. Hãy học cách tin tưởng, đó mới là cái đích phấn đấu thực sự của cuộc sống.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Livescience, NewScientist, The Book "You Can Read Anyone"...
4 phương pháp "ngược đời" kích thích trí thông minh
Những cách này sẽ giúp chúng ta tăng trí thông minh, kích thích sáng tạo để tìm ra lời giải cho nhiều vấn đề.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng gặp phải những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống. Để giải quyết vấn đề, có người cố gắng tập trung bằng cách uống cà phê, đi dạo, nghe nhạc...
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, năng lượng giải quyết vấn đề luôn có trong mỗi người và chúng luôn sẵn sàng khi bạn cần tới nó. Dưới đây là 4 phương pháp "ngược đời", được nghiên cứu nhằm tăng trí thông minh và kích thích khả năng sáng tạo của con người.
1. Làm việc trong đêm khuya
Nhiều người quan niệm rằng, buổi sáng trong lành sẽ đem đến cho họ một tinh thần tốt, trí não sáng suốt sau một giấc ngủ dài. Điều này sẽ giúp họ có được sự minh mẫn nhất trong học tập và làm việc.
Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đã đúng. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra, làm việc vào buổi tối muộn hay trong hoàn cảnh khó khăn sẽ giúp bạn có được sự tập trung và sáng tạo tốt nhất, dù có tác hại. Lý do là bởi, thời gian này, cả thế giới dường như chỉ có bạn và công việc, bạn sẽ hoàn toàn tập trung, suy nghĩ tốt hơn, sáng tạo hơn.
Các nhà khoa học tại ĐH Liege (Bỉ) đã tuyển vài chục tình nguyện viên và yêu cầu một nhóm ngủ sớm, dạy sớm làm việc; nhóm còn lại sẽ thức khuya hơn.
Sau đó, các tình nguyện viên thực hiện một số công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ. Trong khi tình nguyện viên làm việc, nhóm nghiên cứu sử dụng máy chụp cộng hưởng từ tốc độ cao để theo dõi hoạt động của các vùng não liên quan tới khả năng tập trung.
Kết quả cho thấy, lúc đầu, mức độ tập trung của tất cả tình nguyện viên là như nhau ngay sau khi thức giấc. Nhưng sau 10 tiếng đồng hồ, hoạt động trong các vùng não điều khiển sự tập trung của nhóm dậy sớm giảm rõ rệt, trong khi mức độ tập trung của nhóm thức khuya vẫn không đổi. Khi thực hiện công việc vào buổi tối, nhóm dậy sớm dễ ngủ gật hơn và thực hiện các thao tác chậm hơn so với nhóm thức khuya.
Do đó, những nhà khoa học thực hiện nghiên cứu này khẳng định, người thức khuya sáng tạo hơn, ghi nhớ tốt, thao tác nhanh hơn.
2. Vẽ nguệch ngoạc trên giấy
Một thí nghiệm mới đây đã chỉ ra, việc vẽ nguệch ngoạc trên giấy có thể kích thích khả năng sáng tạo của chúng ta; chứ không đơn thuần là sự tiêu phí thời gian và giấy mực.
Rất nhiều cuộc thí nghiệm đã được tiến hành để chứng tỏ sức mạnh của việc vẽ nguệch ngoạc: từ chuyện đó là một hoạt động giải trí hoặc thư giãn, cho tới chuyện hỗ trợ khả năng sáng tạo...
Các nhà khoa học tại ĐH Stanford đã tiến hành thí nghiệm trên hai nhóm người. Cả hai nhóm được yêu cầu đưa ý tưởng để phát triển đề tài. Kết quả là, chỉ có khoảng 3 ý tưởng được đưa ra ở mỗi người.
Sau đó, các nhà khoa học đưa cho mỗi người một mảnh giấy và yêu cầu họ vẽ bất cứ thứ gì họ muốn. Có những người vẽ nguệch ngoạc các đường tròn liên tiếp, nhóm còn lại vẽ hình đứt đoạn.
Cuối cùng, những người tiến hành tham gia thí nghiệm được yêu cầu đưa ý tưởng cho một đề tài khác. Kết quả thật bất ngờ, mỗi người đều chỉ ra được số ý tưởng nhiều gấp đôi so với ban đầu.
Các nhà khoa học cho rằng, não bộ sẽ từ từ khởi động để sản xuất, tạo ra những ý tưởng mới. Đặc biệt ở những nét vẽ liền mạch không bị đứt khúc, não sẽ làm việc "trôi chảy" hơn.
3. Mở to mắt và nhướn lông mày
Hành vi nhướn lông mày hay mở to mắt thường thể hiện sự ngạc nhiên trước một sự việc. Tuy nhiên, một nghiên cứu của trường ĐH Chicago và Maryland ở Mỹ mới đây đã chỉ ra rằng, việc mở to mắt, nhướn lông mày sẽ kích thích Adrenaline - một hormone do tuyến thượng thận tiết ra có tác dụng làm tăng lưu lượng máu truyền dẫn đến hệ thần kinh, giúp bạn suy nghĩ sáng suốt.
Không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu còn cho rằng, khi mở to mắt, nhướn lông mày sẽ kích thích trí tưởng tượng của con người nhiều hơn.
Một thí nghiệm đã được tiến hành trên 2 nhóm người, một nhóm được yêu cầu mở to mắt và nhướn mày; nhóm còn lại thì không. Họ sẽ cùng tưởng tượng về hình ảnh chú chó ngậm trong miệng chiếc bánh mì bagel. Sau đó, người tham gia thí nghiệm sẽ miêu tả về hình ảnh mình vừa tưởng tượng.
Kết quả là, nhóm người mở to mắt và nhướn lông mày đã tưởng tượng về hình ảnh chú chó rất đẹp với bộ lông mượt, mịn. Nhóm còn lại chỉ tưởng tượng về chú chó hư, ăn vụng đồ ăn của chủ.
Do đó, các nhà khoa học cho rằng, khi mở to mắt, nhướn lông mày, trí tưởng tượng của con người sẽ trở nên phong phú hơn, kích thích sự sáng tạo nhiều hơn.
4. Vận động tay
Khoa học đã chứng minh rằng, khi bạn cố gắng học hay ghi nhớ điều gì, việc sử dụng những cử chỉ ở cả hai tay giúp bạn học nhanh hơn và nhớ tốt hơn.
Lý do là bởi bộ phận ghi nhớ luôn cùng vận động với bộ phận điều khiển tứ chi của não bộ. Khi suy nghĩ, nhiều người có thói quen xoa bàn tay vào nhau, đi lại xung quanh vị trí nhất định, hoặc khi muốn trình bày điều gì, họ thường quay tay theo quỹ đạo tròn... như một cách để giúp não tưởng tượng tốt hơn.
Theo nghiên cứu, hành vi cử động tay kích thích suy nghĩ trong não bộ, xây dựng những ám hiệu giúp não tưởng tượng tốt hơn. Nhiều người dùng hai tay để "phác họa" hay "hình ảnh hóa" những gì họ đang nghĩ, hành động này giúp họ nhanh chóng tìm ra lời giải cho vấn đề cần giải quyết.
Các nhà khoa học tại ĐH Rochester (Mỹ) đã mời các trẻ em tiểu học cùng tham gia thí nghiệm. Họ chia chúng thành 2 nhóm, nhóm 1 sẽ đọc khẽ bài, nhóm 2 sẽ vừa đọc, vừa dùng ám hiệu, cử chỉ tay để tưởng tượng lại đề bài. Kết quả là, những đứa trẻ nhóm 2 sẽ đưa ra kết quả nhanh hơn, chúng cũng nhớ tới 92% đề bài toán và cách giải. Trong khi đó, nhóm 1 chỉ nhớ khoảng 33% đề bài mà thôi.
Nhận biết người thông minh qua các yếu tố kỳ quặc
Lượng lông trên cơ thể, thích ăn chocolate... có thể là tác nhân góp phần quyết định chỉ số thông minh của mỗi con người…
Người ta thường cho rằng, thông minh là bản tính trời cho và không phải ai cũng có. Nhưng đó là một quan niệm mang tính tương đối. Con người thông minh một phần là do di truyền, một phần phụ thuộc vào môi trường sống.
Dưới đây là những yếu tố và hành động tưởng chừng hết sức đời thường, song lại có giả định cho rằng chúng có tác động không ít tới “độ thông minh” của mỗi người…
1. Trí thông minh của mỗi người phụ thuộc vào... lượng lông trên cơ thể
Đối với nam giới, lượng lông và tóc trên cơ thể có thể cho biết mức độ thông minh của anh chàng tới đâu. Người tìm ra mối liên hệ này là tiến sĩ Aikarakudy Alias. Thay vì việc nhìn nhận quan hệ giữa lượng lông trên người với chỉ số IQ, Alias tập trung phân tích mức độ thành công xã hội của nam giới.
Theo ông, những sinh viên và giới trí thức có lông ngực nhiều và dày hơn so với những người làm công việc tay chân, bình thường khác. Đồng thời, giữa những sinh viên với nhau thì các sinh viên xuất sắc lông cũng rậm hơn nhiều trong tương quan với các sinh viên ở mức trung bình khá.
Tất nhiên, nghiên cứu của Alias vẫn còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Ngoài ra, ông cũng chưa kết luận tổng quát về trí thông minh nói chung của con người, tức là bao gồm cả phụ nữ mà chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu về nam giới mà thôi.
2. "Con cả hay con thứ?" quyết định trí thông minh
Có một điều chắc chắn rằng, trí thông minh phụ thuộc vào môi trường xã hội một đứa trẻ sinh ra lớn lên. Theo giới chuyên gia, một trong các yếu tố đó là thứ tự sinh. Công trình nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học Oslo, Na Uy đăng trên tạp chí Science kết luận, con cả có chỉ số IQ cao hơn con thứ từ 2-3 điểm.
Nghiên cứu của họ được tiến hành trên 240.000 nam giới Na Uy, độ tuổi 18-19, trong giai đoạn 1985-2004. Theo đó, chỉ số IQ trung bình của con cả là 103,2 điểm, cao hơn con thứ hai 2 điểm và con thứ ba 3 điểm.
Giải thích hiện tượng này, các nhà khoa học lý giải rằng, vấn đề là do cách cư xử của cha mẹ với con cái. Con cả thường được đối xử như “người chủ” tương lai của gia đình, được trao nhiều trách nhiệm và kỳ vọng hơn nên thường có chỉ số IQ cao hơn các con thứ.
Trách nhiệm và kỳ vọng đặt lên vai người con cả luôn nặng nề hơn.
Minh chứng rõ ràng nhất là theo các chuyên gia Na Uy, ở những gia đình mà người con cả mất, người con thứ tiếp theo có chỉ số IQ gần như ngang bằng với anh, chị quá cố của họ.
3. Người thông minh hay ăn nhiều chocolate
Với những ai hảo ngọt, chocolate là món ăn hấp dẫn không thể nào bỏ qua. Tuy nhiên, ít ai biết, tần suất ăn chocolate có liên quan mật thiết tới trí thông minh ở mỗi cá nhân.
Chocolate vốn là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe con người. Ở liều lượng phù hợp, nó giúp cải thiện tình trạng tâm lý cho bệnh nhân mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ - một triệu chứng của căn bệnh mất trí nhớ tuổi già. Điều này kích thích các nhà khoa học thuộc Đại học Columbia nghiên cứu về sự liên hệ giữa trí não con người với việc ăn chocolate.
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học New England, “khi chúng ta so sánh lượng tiêu thụ chocolate và số người đoạt giải Nobel chia bình quân theo đầu người thì sẽ thấy chúng có mối liên hệ mật thiết”. Cụ thể, Thụy Sĩ là quốc gia tiêu thụ nhiều chocolate nhất thế giới và đáng ngạc nhiên, đây cũng là nước có nhiều người đoạt giải Nobel nhất thế giới.
Biểu đồ mối liên hệ giữa mức độ tiêu thụ socola với tần suất đạt giải Nobel ở các quốc gia.
Một vài ví dụ điển hình có thể kể tới là trường hợp của Christopher Pissarides - người đoạt giải Nobel kinh tế 2010 hay Robert Grubbs đoạt Nobel hóa học năm 2005. Cả hai đều là những tín đồ của chocolate, đều ăn loại thực phẩm này hàng ngày và hầu như tất cả các lúc rảnh rỗi.
Song, mối liên hệ này vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia. Bởi lẽ Thụy Điển là quốc gia có số người đoạt giải Nobel cao thứ 2 thế giới vậy mà nước này tiêu thụ chocolate chỉ ở mức trung bình. Ngoài ra, có rất nhiều nhà khoa học chẳng thích ăn chocolate nhưng vẫn có được thành công với giải Nobel như Rolf Zinkernagel.
4. Nhóm người có IQ cao không tin về tín ngưỡng
Niềm tin tín ngưỡng và trí thông minh vốn được coi là không có mối liên hệ. Tuy nhiên, qua những nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học, sự thật hoàn toàn khác.
Ở góc độ quốc gia, người ta thống kê được rằng, chỉ số IQ cao nhất nằm ở các quốc gia đi theo chủ nghĩa vô thần, tức là không tin vào thần thánh, Chúa trời. Ở góc độ cá nhân, một nghiên cứu năm 2008 đã chỉ ra, những người càng không tin vào tôn giáo, càng thông minh.
Trong bảng xếp hạng trí thông minh, người ta nhận thấy, những người vô thần thường xuất hiện ở top đầu, theo sau là danh sách người bất khả tri, tín hữu tự do và cuối cùng là các tín đồ tôn giáo chính thống.
Càng ít tin vào Chúa trời, con người càng có xu hướng thông minh hơn?
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Listverse, Livescience, Wikipedia...
Những cách "hack" não bộ khiến con người sung sướng
Cuộc sống trở nên hoàn hảo hơn với những phương pháp nghiên cứu rèn luyện cho bộ não có 1-0-2 dưới đây…
Con người dùng trí não để nghiên cứu về chính cơ thể, về hệ thần kinh của mình. Có lẽ vì thế mà ngay cả khi khoa học đã đạt được những thành công to lớn, bộ não vẫn luôn là thứ gì đó bí ẩn, quái dị với chúng ta. Dù vậy, điều này không thể ngăn cản khao khát điều khiển, khống chế bộ não hoàn toàn của con người…
3 nghiên cứu dưới đây của các nhà khoa học đã chứng minh việc "hack" não bộ có thể khiến con người cảm thấy "sung sướng" hơn.
1. Ngủ 2 tiếng một ngày
Suy nghĩ thông thường của tất cả chúng ta là một ngày phải ngủ ít nhất 8 tiếng để đạt được sức khỏe tốt nhất. Tuy nhiên, có một điều khác chúng ta không biết, đó là não bộ không cần quá nhiều thời gian để thư giãn như vậy.
Trên thực tế, trong giấc ngủ của bạn, chỉ 1 giờ 30 phút đầu tiên trong tổng thời gian là phục vụ quá trình nghỉ ngơi, hồi phục của não. Đó gọi là giấc ngủ REM. Phần thời gian còn lại của giấc ngủ chỉ giúp các cơ bắp to lên mà thôi.
Vì vậy mà một số nhà khoa học đã nghĩ ra phương án tiết kiệm thời gian ngủ mà vẫn giúp bạn tỉnh táo, làm việc hiệu quả hơn, gọi là: the Uberman Sleep Schedule.
Theo đó, phương pháp này yêu cầu bạn bắt đầu đi ngủ lúc 8 giờ tối, thức dậy lúc 8h30 phút và lại đi ngủ vào 12 giờ đêm trong vòng 30 phút. Lặp đi lặp lại việc làm ấy cứ 4 giờ một lần. Như vậy, tính ra một ngày bạn ngủ chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ và trí óc vẫn sẽ minh mẫn như ngủ 8 tiếng.
Giống như mọi thói quen, phương pháp này 100% sẽ làm đảo lộn những sinh hoạt bình thường của bạn hiện nay trong thời gian đầu.
2. Mơ những gì bạn muốn
Trong trường hợp bạn vẫn trung thành với việc ngủ 8 tiếng một ngày, chúng ta có một giải pháp khác để tận dụng thời gian khi ngủ, đó là mơ. Và hãy mơ những gì bạn muốn...
Điều tưởng chừng như không thể đó hóa ra lại hoàn toàn làm được. Chỉ cần trước lúc ngủ, bạn hãy lẩm nhẩm những gì bạn muốn mơ trong giấc ngủ liên tục và rồi… bạn sẽ thiếp đi trong giấc mơ về điều bạn mong muốn. Hãy rèn một thói quen suy nghĩ tích cực hoặc vẽ ra những điều tốt đẹp mà bạn muốn mơ mỗi ngày.
Phương pháp này dựa vào cơ sở khoa học. Sự khác nhau cơ bản giữa giấc mơ và đời thực chung quy chỉ là sự tham gia của các bộ phận khác trong cơ thể mà thôi.
Trong giấc mơ, não bạn hoạt động thậm chí còn nhiều hơn so với khi thức. Vì vậy, rèn luyện mỗi ngày phương pháp trên sẽ giúp cá nhân cải thiện suy nghĩ tích cực, lạc quan hơn. Khi thức dậy mỗi buổi sáng với một giấc mơ đẹp, hẳn là bạn sẽ cảm thấy “sung sướng” biết chừng nào.
3. Thay đổi kí ức quá khứ
Nếu cả hai phương án trên đều không phù hợp, bạn có thể có lựa chọn thứ ba, nhẹ nhàng và ít tốn sức hơn: thay đổi kí ức về quá khứ.
Điều này nghe hơi phi lý bởi quá khứ là những điều đã xảy ra, làm sao thay đổi được chúng? Bí quyết nằm ở cách mà ta nhận thức nó mà thôi.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, khi ta nhớ lại ký ức tuổi thơ, có rất nhiều điều trong đó là sai sự thật, thậm chí là chúng ta chẳng hề trải qua nó.
Nguyên nhân là vì não bộ không ghi nhớ toàn bộ những câu chuyện kí ức mà chỉ giữ lại thông tin tối quan trọng mà thôi. Khi nhớ lại, chúng ta xâu chuỗi những mảnh ghép ấy thành một câu chuyện theo hoàn cảnh hiện tại, dẫn đến những dị bản phi thực tế. Hoặc một lý do khác, chúng ta được nghe những câu chuyện tương tự từ bạn bè, những người xung quanh và tưởng rằng nó là của chính mình.
Do đó, hãy cố gắng tin vào những điều tốt đẹp trong quá khứ, hay thậm chí tự vẽ ra một kỉ niệm đẹp và tươi sáng cho cá nhân mình. Đó không phải sự huyễn hoặc bản thân, mà chỉ là một cách giúp bạn lạc quan, tin tưởng hơn vào thực tại và tương lai mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét