Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Ước gì có một nhà độc tài

Vương Văn Quang
Chia sẻ bài viết này


“Một trong những hiệu quả lợi ích đầu tiên của văn chương diễn ra ở cấp độ ngôn ngữ. Một cộng đồng không có một nền văn chương bằng chữ viết thì sẽ tự diễn đạt ít chính xác hơn, ít phong phú về sắc độ tình cảm hơn, và cũng ít minh bạch hơn so với một cộng đồng nơi mà công cụ thông tri chính, tức là chữ viết, đã được trau dồi và được hoàn thiện qua các văn bản văn chương. Một nhân loại không đọc, không được văn chương chạm đến, thì giống như một cộng đồng mù điếc và mắc bệnh vong ngữ…”
“Một người không đọc, hoặc đọc ít, hoặc chỉ đọc những thứ rơm rác, là một kẻ thiểu năng: hắn có thể nói rất nhiều nhưng chẳng phát biểu được bao nhiêu, bởi từ vựng của hắn thiếu thốn phương tiện để tự diễn tả”
“Văn chương thậm chí còn ban cho tình yêu, dục vọng và cả hành động tính giao […]. Không có văn chương, ngôn ngữ nhục cảm sẽ không hiện hữu. Tình yêu và lạc thú sẽ nghèo nàn hơn, chúng sẽ thiếu hẳn sự tao nhã và tinh tế, chúng sẽ không thể đạt tới độ mãnh liệt mà sự phóng tưởng trong văn chương mang lại…”
“Trong một thế giới mù chữ, tình yêu và dục vọng sẽ không khác gì những thứ làm thoả mãn thú tính, chúng cũng không vượt qua khỏi sự thoả mãn thô lậu của những bản năng sơ khai”
[Trích dẫn trong tiểu luận “Tại sao văn chương?” (Why Literature?) của Llosa Vargas]
Nếu quan niệm ngôn ngữ là công cụ giao tiếp thuần túy và đơn giản, thì đó là thứ ngôn ngữ thứ cấp. Bởi vì ngôn ngữ chính là tư duy, hay nói cách khác, ngôn ngữ thể hiện tư duy. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta tán thưởng ý kiến “Tư tưởng là dấu phẩy đặt đúng chỗ”
Đã nhiều lần tôi viết bài, cổ vũ nhiệt thành cho “văn hóa đọc sách”, [mà lần gần nhất là status trên facebook cá nhân ngày hôm qua, khi tôi nói mình ghen tức khi nhìn hình ảnh bọn Tây tay lăm lăm cuốn sách trên tầu trên xe] và tôi cũng biết rằng cố gắng của mình là vô ích, nhưng như ai đó đã nói, viết lách là nhu cầu tự thân, nên nhiều khi biết vô ích mà vẫn làm.
Sách không nhất thiết là văn chương, nhưng văn chương lại là tiên đề của sách. Nếu sách văn chương kiến tạo tâm hồn, làm dầy văn hóa thì các thể loại sách khác làm dầy kiến thức. Thông tin từ sách là thứ kiến thức chắc chắn, bồi đắp tâm hồn và tri kiến trong khi thông tin từ báo chí là loại kiến thức ăn xổi, mỏng manh hời hợt.
Đừng bao giờ bao biện cho việc không đọc bằng không có thời gian và ít tiền. Thời gian nào dài bằng ở quán nhậu? Và một cuốn sách đổi mấy chai bia?
Hơn bao giờ hết, ở Việt Nam hiện nay, dù còn bị kiểm duyệt khắt khe nhưng cũng có đủ sách để đáp ứng cho những con mọt sách dữ dằn. Sách tốt, tử tế, của nhà Tri Thức, nhà Nhã Nam, nhà Alpha Book…
Hơn thế kỉ trước, bậc tiền bối đã hô hào “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” nhưng không thành công. Điều này đã chứng minh rõ nét cho phẩm tính “đéo cần đọc” và tư chất nô lệ, hay ở mặt ngược lại, là hỗn láo, cuồng tín, hãnh tiến… v.v, tóm lại là ngu xuẩn của dân tộc này.
*
Nếu ở Việt Nam xẩy ra cuộc cách mạng bằng bạo lực của bần nông (bao gồm các thành phần bất mãn và bị đụng chạm quyền lợi – con số cũng khá lớn) với những lãnh tụ là đám chính trị cơ hội xôi thịt, tôi sẽ là kẻ đầu tiên phản đối. Cuộc cách mạng như vậy [nếu có] không có điểm gì chung với tự do dân chủ.
Nhưng muốn thay đổi triệt để, ta lại cần tới một cuộc cách mạng. Trớ trêu, “cách mạng là ngày hội của quần chúng”, mà quần chúng là đám đông tuân thủ tuyệt đối tinh thần “đéo đọc”thì cuộc cách mạng ấy sẽ chỉ đem lại sự đổi thay theo chiều hướng tồi tệ. “đéo đọc” đương nhiên sẽ tối tăm ngu xuẩn, mà ngu thì dễ dàng bị lợi dụng.
Cuộc “cách mạng nhung” ở Tiệp Khắc là điều đáng mơ ước. Yếu tố để làm nên một cuộc cách mạng nhung [ngoài những điều kiện khách quan tới từ chính thể hay quốc tế] là đám đông không quá ngu dốt, sự ủng hộ tuyệt đối của tầng lớp trí thức và lãnh tụ là những gương mặt sáng rỡ về tâm cùng tri kiến uyên thâm được thử thách qua thời gian, như Havel, chẳng hạn.
Ở Việt Nam chưa có Havel, cũng như, thậm chí, chưa có giới tinh hoa trí thức đúng nghĩa. Trí thức ở Việt Nam hiện nay là một đám trí thức phiến diện, què quặt. Còn lại là một đám đông ngu dốt tuyệt đối
Chắc chắn ở Việt Nam sẽ không bao giờ có cách mạng nhung
Xã hội Việt Nam hiện tại đang nát bét, có công lớn của đám đông “đéo đọc” [bao gồm cả trí thức“đéo đọc”], tất nhiên không thể bỏ qua công ơn của đảng và nhà nước ta trong vai trò làm ngu dân hoàn hảo toàn diện.
Thể chế của chúng ta hiện nay, không phải xã hội chủ nghĩa, càng không phải cộng sản chủ nghĩa như đảng ta hay rêu rao, nó cũng không hẳn là một nhà nước độc tài. Nhà nước ta là thứ nhà nước dở ông dở thằng dở nạc dở mỡ dở dắm dở địt. Một loại nhà nước hình thành bởi những “nhóm lợi ích” hay ngắn gọn, nhà nước mafia.
Nếu có một nhà độc tài đúng nghĩa, xã hội ta không đến nỗi tồi tệ quái gở quân hồi vô phèng như hiện nay
Dân ngu tuyệt đối thì không thể thụ hưởng nền chính trị nào khác ngoài độc tài
Ước gì có một nhà độc tài!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét