Trà Học Lương
Thực thường được hiểu là cái ăn.
Cũng phải thôi, ông Nguyễn Hưng Quốc đã viết hẳn một bài để nói rằng dân tộc Việt Nam “hình như chỉ có một ám ảnh lớn: Ăn. Nói văn hoá Việt Nam quá coi trọng miếng ăn thì có vẻ hơi kỳ nhưng không chừng đó lại là sự thật.”[1]
Ông Trần Văn Khê thì bảo: “Người Việt Nam thường thường để chữ “ăn” trước nhiều động từ khác như ăn mặc, ăn nói, ăn nhậu, ăn chơi, ăn thua, ăn quà, ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, ăn mày, ăn xin, ăn gian, ăn hại, ăn chịu, ăn vạ… Dạy chuyện đời cũng có nghĩ đến việc ăn uống như:
- Liệu cơm gắp mắm/ Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm
- Ăn trái nhớ kẻ trồng cây
- Uống nước nhớ người đào giếng
- Ăn chưa no, lo chưa tới
- No mất ngon, giận mất khôn
- Ăn thua đối đáp người ngoài
- Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau…”[2]
Theo đó ta có thể coi thực bao gồm cái ăn, cái mặc, cái ở, và cái nếp ăn ở (lại ăn!), tức là những bậc đầu tiên của cái thang nhu cầu Maslow. Tra trong Việt-Pháp Tân Từ-Điển của Đào Đăng Vỹ, ngạn ngữ đang bàn được lấy làm ví dụ trong từ mục Thực Manger. Aliment, nghĩa là Ăn. Đồ ăn. Sau đó ít dòng lại có tiểu mục có thực mới vực được đạo, được chú là Primum vivere, deinde philosophari. Đi tìm nghĩa câu tiếng La-tinh, tôi thấy trong tiếng Pháp nó được dịch là “Vivre d'abord, philosopher ensuite”, trong tiếng Anh là “Life comes first, then theory” hoặc “First live, then philosophize”. Vậy có thể thấy các ngạn ngữ trên của ta và của tây là đồng nghĩa đến từng chữ, thực (vie, life) và đạo(philosophie, philosophy).
Trong một bài viết của Giuseppe Tortora đăng trên tập san Metalogicon [3], Kierkegaard cho rằngthực không chỉ là một điều kiện thiết yếu cho đạo – thiếu kinh nghiệm sống thì chẳng có gì để chiêm nghiệm - mà trên hết còn vì đạo khả đạo chỉ khi nó phản ánh các sự thực sinh động. Cũng theo Tortora, Schopenhouer viện đến câu Primum vivere, deinde philosophari để vạch mặt đám giáo sư triết học nô tài chuyên núp sau mớ lý thuyết lòe loẹt để kiếm ăn (chuyện sao thấy rất quen!). Tác giả còn chỉ ra nhiều ý tưởng của Aristotle trợ giúp cho lập luận của Schopenhauer. Qua cái sự tầm chương trích cú mà thấy nhân loại gần nhau lắm. Dù ở bên tây hay ở bên ta, người ta đều có sẵn một câu nói thuận miệng để khỏa lấp nỗi bần cùng nhân cách trong những thời buổi khốn khó của Chân-Thiện-Mỹ…
Thế mà tôi lại nghĩ rằng thực ở đây chính là sự thực-chân lý (vérité, truth), chân thực(authenticité, authenticity), hay trung thực(honnête, honesty). Suốt mấy ngàn năm, biết bao nhiêu triết gia Đông - Tây tốn biết bao nhiêu giấy mực để luận về những cái thực đó. Tiền nhân ta đã nói đến đạo, chẳng lẽ không từng từng suy gẫm sâu xa về chân lý của vạn vật, về lẽ sống trên đời. Với sở học còn nông cạn, tôi không dám bàn về bản chất của sự thực-chân lý hay khả năng nhận biết sự thực, mà sau đây chỉ muốn nói đến cái thực theo nghĩa không dối trá, không giả hình.
Làm người Việt, từ tấm bé đã nghe chuyện cổ tích về con trâu, con cọp, con người - “Trí khôn của tao đây!”, làm sao khỏi in vào đầu rằng trí khôn là giỏi đánh lừa kẻ khác. Khi ước hẹn, cam kết chỉ là lời nói gió bay, khế ước, giao kèo không hơn giấy lộn, người với người sẽ luôn ngờ vực nhau. Ăn gian thành ăn quen thì việc ăn làm rồi chẳng ra làm sao. Đã vậy, dân Việt phải sống dưới chế độ cộng sản hơn nửa thế kỷ nay; Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để đời câu gì ai cũng biết. Ông Nguyễn Minh Thuyết, một cựu thành viên quốc hội của chế độ, cũng thấy:“hiện nay có thể nói là cả nước ta bị một căn bệnh nói một đằng làm một nẻo. Đây là căn bệnh chung đã có từ lâu lắm rồi nhưng nay thể hiện quá rõ, từ trong cơ quan, với hàng xóm láng giềng, với việc quốc gia... cả xã hội người ta không dám nói thật ý của mình” [4]. Một căn bệnh vốn hiểm nghèo đã có điều kiện quá tốt để thành ung thư di căn.
Cái họa lớn nhất đến từ sự dối trá trong giáo dục. Việc dạy học giống như gieo trồng, lẻ ra chỉ lựa những hạt mầm tráng kiện nhất cho mùa sau. Thế mà ngành giáo dục cứ như chỉ toàn lấy lúa lép làm giống. Từ hạt giống kém cỏi sẽ sinh ra bông lúa còi cọc, cứ vài đời như vậy ắt tới một lúc hạt lúa trở thành không khác hạt cỏ, và rồi cỏ cũng được gọi là lúa. Người nước ta có câu chuyện cười về một con amip chuyên ăn não lăn ra chết sau khi mới nếm phải miếng não một giáo sư [5], có vẻ ngoa ngoắt nhưng nào xa sự thật. Ông Ngô Bảo Châu cũng nói “sự trung thực là một trong những sự quan trọng nhất trả lời cho câu hỏi: Cần học như thế nào, sự trung thực là một hành vi mà trẻ khó có thể học trong sách vở, trước hết người lớn phải trung thực [6]”, và thành công của một trường đại học “đến từ sự trung thực, kiên quyết nói không với những hành vi gian lận và cực kỳ nghiêm túc [7]”. Thế mà sinh viên Việt Nam phải học với biết bao giáo sư vốn là sản phẩm của “kỹ nghệ đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam” (từ dùng của Nguyễn Văn Tuấn [8], ông cũng trích dẫn nhiều nguồn khác cho thấy sự phồn thịnh của “kỹ nghệ” này).
Đã thế, các em bị cả một đạo quân giảng viên ngành hàng Mác-Lê nhồi nhét bao nhiêu thứ rác được tái chế để giả mạo kiến thức. Một người bạn tôi đang theo chương trình PhD ở Mỹ viết trên FB: “Hôm nay vào thăm trang mạng của trường mình hồi đại học. Sự thay đổi đáng chú ý là số giảng viên bộ môn Mác-Lê Nin tăng từ, nếu mình nhớ không nhầm, thì khoảng 5-6 người gì đó lên 22 người trong khi mấy bộ môn chuyên ngành kỹ thuật thì cũng có tăng, nhưng không nhiều thế. Thật là một tín hiệu "đáng mừng" cho công cuộc đào tạo nguồn nhân lực ngành khoa học kỹ thuật... Các kỹ sư ra trường ngày nay chắc là được trang bị rất vững vàng kiến thức về....chủ nghĩa Mác-Lê Nin”. Cả một nền giáo dục-đào tạo dựa trên sự giả mạo và dối trá, không lạ khi đi kèm theo nó là chợ luận văn tấp nập người mua kẻ bán, nơi những thứ đồ dỏm lại được trao tay và tiếp tục nhân bản. Trong một thế giới đang chen nhau tranh đoạt và sáng tạo tri thức, người Việt rồi sẽ có chỗ đứng nào đây khi những nơi dạy làm người tràn ngập đám “trí thức” quái thai chuyên gieo rắc những “kiến thức” dị dạng bằng những cách “đào tạo” không giống ai?
Tiền nhân chúng ta đã biết cái hại kinh khủng của sự dối trá nên đã dạy phải sống trung thực, thế mà con cháu cứ đinh ninh thực chỉ là ăn… Cụ Phan Châu Trinh đặt “chấn dân khí” và “khai dân trí” lên trước “hậu dân sinh”. Tựa vào vào nghĩa cái chân thực, sự trung thực trước nghĩa cái ăn để hiểu về cái thực trong câu Có thực mới vực được đạo, theo tôi đó chính là bước đầu để “chấn dân khí”.
Khi cuộc sống dầy dẫy điều trá ngụy, chỉ có sự chân thực mới đem lại niềm tin, hy vọng và sự cổ vũ. Khi các loại “chân lý” độc quyền rập rình thủ tiêu mọi ý kiến khác biệt, chưa cần là ý kiến đối lập, người ta không dễ nhìn thấy sự chân thực. Nhưng có biết trân trọng sự chân thực, người Việt mới có ngày ngẩng mặt mà đi cùng với nhân loại trong cuộc tìm kiếm không chỉ kế sách sinh tồn, mà còn ý nghĩa của sự sinh tồn.
Trà Học Lương
____________________________________________
[1] Miếng ăn trong văn hoá Việt Nam (Tiền Vệ)
[2] Nghệ Thuật Nấu Bếp và Ăn Uống của Người Việt (Bếp Thực Dưỡng)
[4] Gs Nguyễn Minh Thuyết: Trí thức có trách nhiệm bày tỏ chính kiến của mình (Văn Hóa Nghệ An)
[5] Cái lợi của bằng cấp (Sài Gòn Tiếp Thị)
[7] Hai khó khăn lớn trong nghiên cứu khoa học của GS Ngô Bảo Châu (Pháp Luật Tp. HCM)
[8] Bình luận: "Đào tạo tiến sĩ - 'Chất' và 'lượng'" (Blog Nguyễn Văn Tuấn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét