Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Những đường nét mờ ảo (phần 2)

Vào một tối, tôi gặp thông tín viên George Page của NBC trên hàng hiên của‘Continental’. Thời đó, hàng hiên với những người bồi bàn chậm chạp chính là điểm gặp gỡ của giới nhà báo. Lúc nào cũng thế, có một em gái nhỏ, dơ dáy, liên tục được người chị cử đi, ngước lên xin những người Mỹ, người Âu, người Úc khổng lồ với giọng nói bé nhỏ của em “gimme fi’pi’”. Vài ngày trước đó, George Page đã phỏng vấn tôi về công việc làm của chiếc tàu bệnh viện. Anh đi ngang qua những cái bàn đến chỗ tôi với vẻ mặt của một người đang mừng rỡ vì đã gặp được một người quen nào đó. Tôi nhận ra là anh muốn tạm quên đi những nỗi phiền muộn nào đó. Với mối quan tâm hơi quá mức cho câu chuyện của chúng tôi, anh cố xua đi nỗi phiền muộn mà người ta có thể nhận thấy rõ được.

Chúng tôi nói về những chuyện đâu đâu, cho tới khi những người đồng hương của anh ở bàn bên cạnh uống bia Philippine nhiều cho tới mức chúng tôi chỉ còn có thể hiểu nhau bằng cách gào lên. Anh đề nghị tiếp tục nói chuyện trong phòng khách sạn của anh ở đối diện với ‘Caravelle’.
Chiếc tàu Helgoland, biểu tượng của niềm hy vọng và tình nhân đạo trong cuộc Chiến tranh Việt Nam
Chiếc tàu Helgoland, biểu tượng của niềm hy vọng và tình nhân đạo trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Hình: Ennulat
Chúng tôi thong thả bước qua quảng trường trước nhà hát cũ, cái bây giờ đã trở thành trụ sở của Quốc Hội. Quảng trường được bao quanh bằng những rào cản bằng gỗ sơn trắng, để ngăn không cho ném chất nổ vào tòa nhà và tạo chỗ đậu xe cho các dân biểu. Nó vắng không một bóng người, ngược với những con đường và quảng trường khác, vì ba người cảnh sát đang nói chuyện và hút thuốc lá, đứng dựa người vào một góc cổng, thổi còi của họ ngay lập tức khi có một người Việt vượt qua rào cản. Người da trắng không bị xem như là những kẻ có thể khủng bố và được phép đi ngang qua sát bên cạnh tòa nhà.
Trong phòng của anh, thật ra là một căn hộ nhỏ và so với chỗ ở chật chội và đơn sơ trên chiếc tàu bệnh viện thì đã khiến cho tôi phải ganh tỵ về sự phân chia sở hữu không công bằng của thế giới này, người chủ nhà đi đi lại lại không mục đích, tôi có cảm giác như vậy, mang Whisky và ly đã dùng rồi ra – “phục vụ trong khách sạn tốt nhất của thành phố là phục vụ tồi nhất, nhưng bù lại thì đó là khách sạn mát nhất” – và Ginger Ale, tiếp tục bước qua bước lại, cầm lấy một tờ giấy từ trên cái bàn viết, đọc những gì ở trên đó và ngần ngừ đưa cho tôi. Đó là một bài thơ ngắn về cái chết của một người lính trẻ.
Người tiếp đãi tôi thuật lại việc anh đã đi theo một chuyến tuần tra qua các cánh đồng ruộng ở phía Bắc Sài Gòn như thế nào, và một phát súng duy nhất của một người thiện xạ đã chấm dứt cuộc sống của người lính trẻ đó ra sao. Đó là việc đã khiến anh buồn rầu. Qua câu hỏi về ý nghĩa của mỗi một cuộc chiến tranh, chúng tôi bàn đến câu hỏi của ý nghĩa cuộc chiến này.
“Anh nghĩ như thế nào về vai trò của nước Mỹ ở Đông Nam Á?”, anh hỏi tôi. Tôi trả lời, rằng tôi tự xem mình là người khách của đất nước này, với một chức năng trung lập về mặt chính trị, và nguyên tắc tự đưa ra của tôi là trong lúc ở Việt Nam sẽ không bao giờ phát biểu về những đề tài chính trị. Nhưng anh thì có gì để nói, anh, người Mỹ, nhà báo, một nhà quan sát mang tính phê phán?
“Người Mỹ quả quyết”, anh nói, “rằng họ chiến đấu ở đây là cho tự do của người dân Nam Việt Nam. Mỗi một người lính Mỹ đều được nói như thế ở Mỹ và ở đây, mỗi một người vợ, người mẹ, người chị em gái ở Hoa Kỳ đều tin như thế. Phần lớn các chính khách đều luôn khẳng định điều đó. Và không có ai trên thế giới này tin chúng tôi cả, vì đó là một sự lừa dối. Chúng tôi chiến đấu ở đây cho quyền lợi của đất nước chúng tôi, và lẽ ra thì người ta sẽ tin tưởng chúng tôi nhiều hơn, nếu như thừa nhận điều đó.”
Sinh viên và diễn viên xã hội chủ nghĩa trong nước Đức đã kéo cao ngọn cờ của Việt Cộng, hay của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, nếu như muốn nói thế, lên trên cột buồm của sự phản đối của họ. Bất cứ họ chống lại điều gì, lá cờ đó đều trở thành biểu tượng, trở thành thể hiện của sự phản đối to tiếng. Không biết là Việt Cộng có vui mừng hay không, nếu như họ biết được điều đó. Vì ngày nào cũng có người chết cho cùng biểu tượng đó, cho dù người ta có nghĩ về lá cờ đó và về ý nghĩa của cái chết cho lá cờ đó như thế nào đi chăng nữa. Tất cả những người đã để biểu tượng đó bay phấp phới trong gió cho các mục đích riêng của họ có biết rõ những gì đứng ở đằng sau biểu tượng đó hay không, ở nơi mà nó được sử dụng một cách chính danh theo sự đồng thuận chung, ở Việt Nam?
Một nhân viên của tôi có dịp thăm một trại tù binh ở Quảng Ngãi.
Đó là một trại giam cho tù binh đã được công nhận. Chỉ một phần của Việt Cộng là có thể tương ứng với Công ước Genève, tức, ngoài những điều khác, mặc quân phục của một đơn vị quân đội chính quy và được công nhận, việc rồi sẽ bảo đảm được đối xử theo Công ước Genève. Tù binh do người Nam Hàn canh gác, những người đã lịch sự dẫn nhân viên của tôi đi trong trại giam và chỉ cho anh xem tất cả những gì anh muốn thấy. Người Việt Nam được sắp xếp chỗ ăn ở rất nhân đạo, còn có thể chơi thể thao nữa. Cho phép đi thăm một trại giam tù binh vào lúc đó là một việc không phải bình thường. Có lẽ tiếng tăm của chiếc tàu bệnh viện cũng giống như một chiếc chìa khóa trong lúc đó. Nhân viên của tôi được người Nam Hàn để cho nói chuyện với tù binh một mình. Anh tìm được một người nói tiếng Pháp trong số họ và hỏi họ có phải là Việt Cộng không.
“Không”, họ nói, “chúng tôi không phải là Việt Cộng.”
“Nhưng các anh đang ở trong một trại tù binh, các anh là tù binh chiến tranh cơ mà.”
Sau một lúc: “Tôi là người Đức, không phải là người Mỹ, tôi không phải từ CIC, tôi đơn giản chỉ muốn biết điều đó thôi, và các anh có thể nói chuyện hoàn toàn cởi mở với tôi.”
“Không”, họ nói, “chúng tôi không phải là Việt Cộng, nous sommes des combattants, quân lính chiến đấu.”
“Thế tức các anh là người miền Bắc?”
“Không, chúng tôi là người miền Nam.”
“Các anh sống ở đâu, nhà các anh ở đâu, gia đình ở đâu?”
“Người này đến từ một ngôi làng cách Quảng Ngãi năm kilômét, người này từ một ngôi làng cách Quảng Ngãi tám kilômét.”
“Nhưng các anh là người Cộng sản!”
“Không phải, chúng tôi không phải là người Cộng sản, chúng tôi là người Quốc gia.” – “Thế các anh chiến đấu vì cái gì?”
“Chúng tôi chiến đấu cho nền độc lập của Nam Việt Nam. Chúng tôi muốn tự mình cầm quyền đất nước này. Nếu rồi chúng tôi cần người Mỹ  hay sự giúp đỡ của ai khác, thì chúng tôi sẽ xin họ giúp đỡ cho.”
“Nhưng các anh nhận mệnh lệnh của các anh từ miền Bắc chứ?”
“Không, chúng tôi độc lập. Tất nhiên là chúng tôi nhận được vũ khí và tiếp tế từ miền Bắc; và trong các đơn vị của chúng tôi cũng có người miền Bắc, nhưng chúng tôi độc lập.”
Câu hỏi, tại sao trong cuộc chiến tranh quốc gia này lại có những hành động khủng bố được tiến hành để chống phụ nữ và trẻ em, chống lại chính những người cùng quê hương với họ, không được họ trả lời.
Người nhân viên của tôi rất có ấn tượng về cuộc trao đổi đó và thuật lại cho một người Việt Nam, một dược sĩ, vào ngày hôm sau. Trong câu chuyện, người này ngày càng bị kích động, cuối cùng bật khóc và nói:
“Tất cả những điều đó chỉ là tuyên truyền thôi. Anh đừng tin, không đúng đâu. Việt Cộng được hướng dẫn rất cụ thể là cần phải nói những gì khi họ bị bắt.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét