Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Về bản đồ mốc giới do Phan Văn Song và Dương Danh Huy

Dương Danh Huy
Chia sẻ bài viết này
Bằng việc vẽ và công bố các bản đồ mốc giới độ phân giải cao, ông Phan Văn Song và tôi đã nghĩ là lúc đó chúng tôi đang đóng góp một công cụ hữu ích cho việc tìm hiểu về biên giới trên bộ.
Thí dụ, với bản đồ của chúng tôi, người ta có thể zoom vào để thấy vị trí của từng cột mốc ở khu vực Móng Cái, Tục Lãm.
Hình 1: Bản đồ cho phép xem xét cột mốc vùng Móng Cái, Tục Lãm, Bắc Luân
Một thí dụ khác là tại khu vực Ải Nam Quan có thể zoom vào để thấy từ cột mốc 1115 đến 1125 đường biên giới tạo một vòng cùng lõm về phía Việt Nam thay vì đi thẳng từ Đông sang Tây.
Hình 2: Bản đồ cho phép xem xét cột mốc tại khu vực Ải Nam Quan
Hay là trên Núi Đất, có thể zoom vào để thấy đường biên giới lõm vào Việt Nam lân cận cột mốc 255, và khả năng là đó là khu vực nghĩa trang quân sự Trung Quốc mà Việt Nam đã nhượng bộ trong đàm phán.
Hình3: Bản đồ cho phép xem xét cột mốc trên Núi Đất
Chúng tôi đã vẽ các đường vĩ tuyến cách nhau từng phút lên bản đồ. Người hiểu tọa độ sẽ biết rằng mỗi phút vĩ tuyến là khoảng 1850 m trên mặt đất, và sẽ ước lượng được những vùng lõm kia là khoảng bao nhiên trăm mét.
Có thể zoom vào để xem xét bất cứ điểm nào trên biên giới.
Mục đích và giá trị chính của bản đồ là cho thấy một cách rất chính xác các cột mốc nằm ở đâu, so với các đường kinh tuyến, vĩ tuyến được kẻ từng phút, và so với nhau, ở bất cứ điểm nào trên biên giới. Đây là điều có ý nghĩa khi chúng ta chưa thấy bản đồ độ phân giải cao của nghị định thư.
Trong bối cảnh cộng đồng chưa hề thấy mặt mũi bản đồ biên giới độ phân giải cao, thì công cụ này không có ích sao?
Dĩ nhiên là nó chưa đưa được người xem tới đích mà họ muốn tới, nhưng tôi cho rằng nó là một bước tiến bộ.
Vì hấp tấp, chúng tôi đã công bố những bản đồ đó trước khi viết bài giải thích chúng là gì, và sau đó, vì chủ quan, vì bận rộn, đã chậm chạp trong việc viết bài này. Điều đó đã làm cho nhiều người không hiểu những bản đồ đó là gì – đó là khuyết điểm của chúng tôi.
Ở đây cũng xin nói thêm là mới đây diễn đàn Quân Sử Việt Nam (vnmilitaryhistory.net), ông Phan Văn Song và tôi đã riêng biệt nhau tìm được bản đồ biên giới chính thức có độ phân giải cao của chính phủ Việt Nam, nhưng trước đó chúng tôi chưa nghe nói ai đã tìm được, cho nên chúng tôi mới phải thực hiện và công bố những bản đồ này. Có thể ví việc chúng tôi vẽ bản đồ như một nỗ lực thắp lên một ngọn nến khi đèn bị đứt bóng nhiều năm. Nhưng bây giờ trên diễn đàn Việt Nam Quân Sử, ông Phan Văn Song và tôi đã tìm được bóng đèn rồi. (Cũng xin nói thêm là diễn đàn Việt Nam Quân Sử đã bàn về biên giới trên bộ từ lâu rồi, và cái thread dẫn tới việc họ tìm ra “bóng đèn” được bắt đầu bằng việc ông Phan Văn Song và tôi “thắp nến” với bản nghị định thư trên Thư Viện Luật Pháp).
Ông Nguyễn Huệ Chi có yêu cầu tôi giải thích về bản đồ của chúng tôi, và có người trong Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cũng hỏi, nên tôi xin viết từ quan điểm của tôi như sau (ông Phan Văn Song đã viết từ quan điểm của ông ấy).

1. Bác bỏ vài “phản biện”

Nhưng trước hết tôi cũng muốn bác bỏ một số “phản biện” phi hiểu biết về bản đồ nói chung, và phi hiểu biết về bản đồ của chúng tôi nói riêng, của ông Trương Nhân Tuấn (TNT).
“Các bản đồ được các tác giả gọi là “bản đồ mốc giới Việt Nam – Trung Quốc theo tọa độ từ nghị định thư phân giới cắm mốc” đã được thực hiện không theo đúng bất kỳ một qui cách quốc tế “cartographie – vẽ bản đồ” nào [1]. Cách vẽ của các tác giả là cách vẽ của con người thời cổ đại, lúc nhân loại chưa biết trái đất có hình cầu [2]. Thật vậy, các tác giả đã vẽ các bản đồ biên giới Việt-Trung theo tiêu chuẩn trái đất hình vuông [3].”
Rõ ràng những điều TNT nói là bậy bạ, và tôi đã chỉ ra trong phản hồi của tôi (http://www.boxitvn.net/bai/19611).
“Tôi đã nói phương pháp vẽ của quí vị là phương pháp vẽ từ thời trung cổ, trái đất hình vuông. Điều cần nói rõ thêm, thời trung cổ là thời nào? Đó là khoảng từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 15. Tôi có viết trong một comment là cách vẽ của quí vị là cách vẽ mercator (cách vẽ này xuất hiện từ thế kỷ thứ 16).
Tôi nói quí vị vẽ theo cách từ thời trung cổ là không oan cho quí vị đâu. Có điều phương pháp Mercator này hiện nay không ai sử dụng, kể cả cho các học sinh ở tiểu học.”
Thứ nhất, trong khi điều Trương Nhân Tuấn nói là “Cách vẽ của các tác giả là cách vẽ của con người thời cổ đại, lúc nhân loại chưa biết trái đất có hình cầu”, thì trong chống chế ông ta lại biến nó thành “Tôi đã nói phương pháp vẽ của quí vị là phương pháp vẽ từ thời trung cổ.
Thứ nhì, phép chiếu Mercator được đề xuất năm 1569. Năm 1569 thì không còn là thời trung cổ mà là thời Renaissance, khi khoa học và hàng hải đã tiến bộ vượt bậc so với thời trung cổ. Thế mà Trương Nhân Tuấn cũng cố biến nó thành thời trung cổ và thời cổ đại.
Thứ ba, tới năm 1569, khi phép chiếu Mercator được đề xuất thì người ta đã biết “trái đất hình cầu” từ lâu rồi. Colombus đã suy luận rằng có thể đi về hướng Tây để đi đến Ấn Độ, và đã tìm ra châu Mỹ từ năm 1492. Cuộc hành trình vòng quanh trái đất do Magellan tổ chức được hoàn thành năm 1521 và đã confirm beyond reasonable doubt những lý thuyết và đo đạc đã có từ trước về “trái đất hình cầu”.
Và chính vì người biết “trái đất hình cầu” thì mới cần tới các phép chiếu, thí dụ như phép chiếu Mercator, chứ nếu họ còn nghĩ “trái đất hình vuông” thì chiếu làm gì cho mệt? Mà cũng không thể có phép chiếu Mercator, vì không có cầu thì làm sao mà chiếu cầu lên trụ?
Và Trương Nhân Tuấn đã nói bừa khi nói rằng “Có điều phương pháp Mercator này hiện nay không ai sử dụng, kể cả cho các học sinh ở tiểu học.” Trên thực tế, bản đồ Bing của Microsoft dùng phép chiếu Mercartor. Trong khoa học người ta cũng có dùng phép chiếu Mercatorhttp://www.sciencedirect.com/science/article/pii/0040195181900718.
Việc Trương Nhân Tuấn quy chụp rằng chúng tôi muốn tuyên truyền cho Chính phủ Việt Nam cũng là vô lý.

2. Về vài vấn đề liên quan đến bản đồ

Dưới đây tôi xin trả lời một số câu hỏi về bản đồ của chúng tôi.
2.1 Những bản đồ đó là gì?
Chúng là bản đồ tỷ lệ cao dùng phép chiếu Mercator và hệ trắc địa WGS84.
2.2 Các ô trên bản đồ là gì?
Chúng là các đường kinh tuyến, vĩ tuyến. Chúng là vuông góc với nhau (vì đó là bản đồ Mercator) và tạo thành các ô chữ nhật không bằng nhau. Vĩ độ càng cao thì chiều cao (tức chiều Bắc-Nam) của các ô càng lớn.
2.3 Các điểm vuông trên bản đồ là gì?
Là vị trí của các cột mốc và điểm biên giới với tọa độ (dùng hệ trắc địa WGS84) từ công báo của Chính phủ Việt Nam về nghị định thư biên giới cắm mốc. Các điểm vuông này cho thấy cột mốc nằm ở đâu và đường biên giới có hình thù thế nào.
Nhưng đáng tiếc là bản đồ không có sông, núi, đồi, ruộng, làng mạc (trừ những sông lớn) cho nên không có thông tin về sông, núi, đồi, ruộng, làng mạc nào nằm bên nào của biên giới.
2.4 Các đường đỏ và xanh trên bản đồ là gì?
Đường đỏ là biên giới theo CIA World Data Bank II. Đường xanh là sông, cũng theo CIA World DataBank II. CIA World DataBank II là cơ sở dữ liệu biên giới các nước do Chính phủ Mỹ tạo ra trong thập niên 1980. Theo tôi hiểu, biên giới này này là snapshot of point in time và thể hiện nhận thức của Mỹ lúc đó về biên giới, và đã không được cập nhật sau việc phân giới cắm mốc giữa VN và TQ.
2.5 Tại sao dùng phép chiếu Mercator?
Theo toán học thì không thể có bản đồ hoàn hảo trên một tờ giấy phẳng cho bất cứ vùng nào trên trên hình cầu, hay bầu dục ba chiều. Vùng đó càng lớn thì nhược điểm càng có nhiều ảnh hưởng. Bản đồ nào cũng có nhược điểm, và người ta phải chọn bản đồ nào thích hợp nhất cho việc mình đang làm, trong đó bản đồ Mercator vẫn còn là một trong những bản đồ hữu dụng. Trong trường hợp cụ thể này, phép chiếu Mercator là rất thích hợp cho việc chúng tôi làm vì những lý do sau.
Một ưu điểm của phép chiếu Mercator là nó thể hiện phương hướng một cách chính xác. Chẳng hạn, nếu trên thực địa cột mốc X nằm ở y độ từ phía Bắc của đỉnh núi Z gần đó, thì trên bản đồ nó cũng nằm ở y độ với đường thẳng đứng.
Một ưu điểm nữa là lân cận bất cứ điểm nào trên bản đồ thì hình trên bản đồ cũng giống với thực địa.
Đó là những điều có giá trị cho bản đồ nói chung và bản đồ mốc giới nói riêng.
Một trong những nhược điểm của phép chiếu Mercator là tỷ lệ của bản đồ thay đổi theo vĩ độ (vì vậy mà Alaska và Greenland trông có vẻ rất lớn). Nhưng bản đồ của chúng tôi là về biên giới VN-TQ, không phải là để làm những chuyện như so sánh VN và Alaska. Việt Nam nằm gần xích đạo, và biên giới Việt-Trung chỉ nằm trong phạm vi 2 độ vĩ độ, cho nên sự thay đổi tỷ lệ theo vĩ độ là rất nhỏ. Theo tính toán của ông Phạm Quang Tuấn thì trong phạm vi đó sự thay đổi của tỷ lệ theo vĩ độ chỉ là 1.3% là tối đa. Đối với những điểm gần nhau (tức là cách nhau dưới 2 độ vĩ độ) thì sự thay đổi tỷ lệ còn nhỏ hơn 1.3% nhiều. Những nhược điểm của phép chiếu Mercator là vấn đề cho bản đồ của khu vực rộng lớn hơn, tỷ lệ thấp hơn, nhưng trên thực tế không là vấn đề cho bản đồ của chúng tôi, vốn là bản đồ tỷ lệ cao cho khu vực trải lên ít vĩ độ.
Vì vậy việc chúng tôi dùng phép chiếu Mercator là hoàn toàn hợp lý.
(Trương Nhân Tuấn, vì đã không hiểu về bản đồ Mercator và còn làm toán sai. Bản đồ của Mercator của chúng tôi là vùng biên giới VN-TQ thôi, đâu có dài xuống tới Indonesia, mà Trương Nhân Tuấn lại đi so sánh tỷ lệ ở xích đạo với tỷ lệ ở vĩ độ 22 Bắc để kết luận là có sai số 20-25%).
2.6 Có thật bản đồ đó là Mercator không? Các ô trông có vẻ bằng nhau mà.
Nếu phóng bản đồ Posts.pdf lên cỡ 500% trên màn hình thì có thể thấy được khoảng cách từ vĩ tuyến 21°00' Bắc đến 21°10' Bắc nhỏ hơn từ 23°20' Bắc đến 23°30' Bắc vài mili mét (tức là các ô khác vĩ tuyến có chiều cao khác nhau). Đó là do bản đồ dùng phép chiếu Mercator và là sự thay đổi của tỷ lệ trên bản đồ Mercator.

Hình 4 & 5: Có thể thấy trên màn hình khoảng cách từ vĩ tuyến 21°00' B đến 21°10' B nhỏ hơn từ 23°20' B đến 23°30' B vài mm, do hệ quả của phép chiếu Mercator
Nếu có ai không tin đó là bản đồ Mercator thì có thể vẽ hay kiếm một bản đồ Mercator WGS84 độ phân giải cao của khu vực này và kiểm tra.
Đúng là sự thay đổi của tỷ lệ trên bản đồ chỉ là nhỏ, cho nên có thể khó thấy, nhưng chính việc thay đổi của tỷ lệ trên bản đồ là nhỏ tới nỗi khó thấy, có nghĩa ấn tượng sai có thể bị gây ra cũng là nhỏ tới nỗi khó thấy, và việc chọn phép chiếu Mercator là đúng đắn.
2.7 Việc vẽ các cột mốc lên bản đồ có chính xác không?
Rất chính xác. Thứ nhất, cả cột mốc và bản đồ đều dùng hệ WGS84, cho nên không có sai số do sai hệ. Thứ nhì, vị trí trên hình của từng điểm theo phép chiếu Mercator được tính bằng phần mềm chuyên dụng.
2.8 Việc vẽ “biên giới CIA” lên bản đồ có chính xác không?
Rất chính xác. Thứ nhất, cả “biên giới CIA” và bản đồ đều dùng hệ WGS84, cho nên không có sai số do sai hệ. Thứ nhì, vị trí trên hình của từng điểm trên biên giới đó theo phép chiếu Mercator được tính bằng phần mềm chuyên dụng.
2.9 Có bất cập gì trong việc vẽ và so sánh như trên (bằng cách vẽ cột mốc và “biên giới CIA” lên bản đồ Mercator với phép chiếu Mercator) không?
Không. Cột mốt và “biên giới CIA” đều dùng hệ WGS84, cùng được vẽ với phép chiếu Mercator lên 1 bản đồ Mercator dùng hệ WGS84. Nếu tọa độ có nghĩa cột mốc X nằm 500 m phía Tây Bắc “biên giới CIA”, thì theo bản đồ nó cũng nằm 500 m phía Tây Bắc “biên giới CIA”. Bản đồ và việc so sánh này chỉ nói những gì các tọa độ nói.
(Trương Nhân Tuấn đã không hiểu được điều đó, hay cố ý không hiểu, và cho đó là “so sánh trái banh với mặt trăng”, “đưa trái banh vào khuôn bánh tráng”, v.v. (http://boxitvn.blogspot.de/2013/09/so-sanh-ban-o-hay-so-sanh-trai-banh-voi.html).
2.10 Vậy thì nguyên nhân của những sự chênh lệch giữa cột mốc với biên giới CIA (đường đỏ), cũng như với sông suối (đường xanh), là gì?Có phải là lỗi trong kỹ thuật vẽ bản đồ không?
Tôi đã nói về vấn đề này trên Dân Luận từ ngày 17/9/2013 rồi (https://danluan.org/tin-tuc/20130916/duong-danh-huy-ban-do-moc-gioi-viet-nam-trung-quoc-theo-toa-do-tu-nghi-dinh-thu).
Đó không phải là lỗi trong kỹ thuật vẽ bản đồ, không phải là chúng tôi vẽ cột mốc vào sai chỗ trên bản đồ, không phải là chúng tôi vẽ biên giới theo CIA (đường đỏ) và sông suối theo CIA (đường xanh) vào sai chỗ trên bản đồ.
Như tôi đã nói trên Dân Luận, đó là trong CIA World DataBank II thì các đường biên giới và sông suối đã bị đơn giản hóa, cho nên tọa độ của chúng đã bị mất phần nào độ chính xác, tức là không còn phản ảnh chính xác thực địa.
Ngày 17/9/2013 tôi đã đưa ra trường hợp sau cho Dân Luận như một thí dụ.
Đây là bản đồ Google Maps cho đoạn Sông Hồng là biên giới:
Hinh 6: Sông Hồng (ở đoạn sông là biên giới) theo Google Maps
Và đường đỏ dưới đây là sông Hồng và biên giới CIA cho đoạn sông Hồng là biên giới.
Hình 7: Sông Hồng (ở đoạn sông là biên giới) theo CIA World DataBank II
So sánh bản đồ sông Hồng theo Google Maps và bản đồ sông Hồng theo CIA World DataBank II có thể thấy được CIA World DataBank II đã đơn giản hóa bản đồ sông Hồng, chẳng hạn làm mất đi một số khúc quanh, và làm cho bản đồ sông Hồng không còn chính xác.
Chỉ sau khi vẽ và công bố bản đồ tôi mới thấy việc CIA World DataBank II đã đơn giản hóa bản đồ sông và biên giới.
Việc đơn giản hóa đó dẫn đến sự chênh lệch giữa các cột mốc và biên giới và sông trong CIA World DataBank II. Nói cách khác, trên bản đồ của chúng tôi,
  • vị trí của các cột mốc là chính xác với tọa độ trong nghị định thư,
  • vị trí của biên giới CIA và sông là chính xác với tọa độ trong CIA World DataBank II,
  • nhưng (đáng tiếc là) tọa độ của biên giới vào sông trong CIA World DataBank II là không chính xác,
  • vì vậy, việc so sánh các cột mốc và đường đỏ, đường xanh liên quan đến những khoảng cách cỡ vài km trên bản đồ của chúng tôi sẽ không có ý nghĩa.
Điều có ích để làm từ điểm này là tìm một bản đồ khác chính xác hơn CIA World DataBank II để so sánh với các cột mốc. Và kỹ thuật vẽ bản đồ để so sánh của chúng tôi là chuẩn xác.
Tôi bác bỏ hoàn toàn quan điểm của Trương Nhân Tuấn rằng sự chênh lệch đó là do lỗi kỹ thuật của chúng tôi vẽ bản đồ, do cái mà Trương Nhân Tuấn gọi là “géodésie”. Trương Nhân Tuấn không hiểu về bản đồ, không hiểu chúng tôi đã làm gì, và đã đi lạc trong việc quy chụp và“phản biện” của ông ấy.
2.11 Vậy việc so sánh cột mốc và đường đỏ có nói Việt Nam được gì, mất gì không?
Không. Sau khi so sánh, tôi thấy trong bản đồ CIA, “biên giới” và sông đã bị đơn giản hóa, không có đủ độ phân giải để nói về những sự được-mất so với “biên giới CIA” ở hạng km (tiếng Anh là of the order of 1 km) trở xuống.
(Lưu ý là tôi chỉ nói “những sự được-mất”, chứ tôi không nói bên nào được, bên nào mất.)
Thật ra tôi cũng thất vọng về kết quả đó. Nhưng khoa học có những chuyện như thế: có khi chúng ta làm một thí nghiệm, nhưng làm xong mới thấy kết quả của thí nghiệm không làm sáng tỏ về điều chúng ta muốn biết.
Và, như tôi đã nói, mục đích chính của chúng tôi là đưa ra công chúng thông tin về cột mốc nằm đâu (chẳng hạn vị trí cột mốc so với các đường kinh tuyến, vĩ tuyến) và chúng được bố trí ra sao (chẳng hạn, vị trí cột mốc so với nhau), chứ không phải là để nói VN đã được gì, mất gì.
2.12 Vậy thì công bố đường đỏ làm gì? So sánh đó có nói gì không?
Theo ý tôi, việc công bố với đường đỏ có nói rằng không có sự được-mất so với “biên giới CIA”ở hạng 10 km trở lên. Tôi nghĩ đó cũng là một thông tin có giá trị tham khảo (với nghĩa xem cho biết nó nói gì nhưng không nên dựa vào nó để kết luận). Ngoài ra, trong khoa học cũng có khi nên công bố về những thí nghiệm chưa trả lời được câu hỏi.
2.13 Tại sao nhấn mạnh “so với “biên giới CIA””?
Thứ nhất, biên giới CIA là của bên thứ 3, không có giá trị pháp lý, chỉ có thể có giá trị tham khảo (với nghĩa xem cho biết nó nói gì nhưng không nên dựa vào nó để kết luận). Thứ nhì, khó biết được cơ sở và lý luận của Mỹ khi vẽ biên giới đó (có thể theo diễn giải của họ về hiệp định Pháp-Thanh), cho nên khó biết biên giới đó có phải là một chuẩn mực hợp lý hay không.
2.14 Vậy tại sao dùng “biên giới CIA” để so sánh?
Cá nhân tôi hy vọng rằng Chính phủ Mỹ đã vẽ biên giới Việt-Trung với một sự khách quan và kỹ lưỡng nào đó, và “biên giới CIA” có thể là một trong những biên giới chúng ta có thể dùng để so sánh với các cột mốc hiện nay. Điều đó có nghĩa chúng ta nên so sánh với một số biên giới khác nữa. Dĩ nhiên việc so sánh đó không thay thế được việc Việt Nam công bố chi tiết về cuộc đàm phán.
2.15 Không nói được Việt Nam được hay mất gì, thì công bố bản đồ đó làm gì?
Mục đích và giá trị chính của bản đồ là cho thấy một cách rất chính xác các cột mốc nằm ở đâu, so với các đường kinh tuyến, vĩ tuyến được kẻ từng phút, và so với nhau, ở bất cứ điểm nào trên biên giới. Đây là điều có ý nghĩa khi chúng ta chưa thấy bản đồ độ phân giải cao của nghị định thư.
Như đã nói, biên giới đỏ và các dòng sông xanh theo CIA World DataBank II là bản đồ độ phân giải thấp, cho nên nếu so sánh cột mốc mới biên giới đỏ và các dòng sông xanh thì không có mấy ý nghĩa. Tuy nhiên, việc so sánh đó cũng chỉ là mục đích phụ của chúng tôi.
Nếu có ai cho rằng bản đồ của chúng tôi là vô ích, thử hỏi: trước khi chúng tôi công bố những bản đồ này, ông, bà có biết hình thù của biên giới trong khu vực Ải Nam Quan, Núi Đất trông ra thế nào không? Ông, bà có gì để cho cộng đồng biết nó trông ra thế nào không? Ông, bà có gì để giúp cộng đồng biết điều tương tự trên toàn bộ biên giới không?
Mục đích chính của chúng tôi là đóng góp công cụ đó, không phải là để nói Việt Nam đã được gì, mất gì.
Trương Nhân Tuấn cho rằng nó không phải là “cần thiết và bổ ích” ư? OK. Tôi phớt tỉnh Ăng Lê. Ça m'est égal. You’re most welcome to that view. Ông cứ đi vẽ bản đồ hữu ích hơn đi. Ông nghiên cứu về biên giới trên bộ mười mấy năm rồi, sao ông không làm? Tại sao nằng nặc đòi BVN gỡ bản đồ của chúng tôi xuống? Tại sao quy chụp, “phản biện” bậy bạ?
Trương Nhân Tuấn làm tôi nghĩ tới chuyện cua Nhật và cua Việt trong rổ.

3. Trao đổi với ông Tô Oanh

Cuối cùng, tôi xin nhân tiện có vài lời trao đổi với ông Tô Oanh.
Tôi rất mừng và rất cảm ơn ông đã lên tiếng, và nói chung thì tôi đồng ý với ông về những gì ông nói về bản đồ. Nói là đồng ý thì cũng không đúng. Thật ra tôi là một tay nghiệp dư, ông là một nhà chuyên nghiệp, nên nếu nói là tôi mừng khi một nhà chuyên nghiệp nói rằng điều chúng tôi làm là “có thể chấp nhận được” thì đúng hơn.
Nhưng có một điểm nhỏ mà tôi không đồng ý, và xin mạo muội múa rìu qua mắt thợ. Đó là khi ông nói “...chẳng ai có thể vẽ được tấm bản đồ lên giấy chính xác 100% như trên thực địa. Nguyên nhân là bề mặt lồi lõm của trái đất hình khối cầu này.”
Bề mặt lồi lõm của trái đất cũng là một vấn đề, nhưng vấn đề cơ bản hơn là trái đất là hình khối cầu (tạm gọi thế cho ellipsoid). Giả sử như mặt đất có bằng phẳng như mặt gương Tây Hồ đi nữa, thì cũng không ai có thể vẽ bản đồ hoàn hảo lên giấy.
Lý do là vì trái đất là hình cầu cho nên 1 hình tròn trên mặt đất với bán kính r sẽ có diện tích nhỏ hơn pi r bình phương (trong toán học người ta nói đó là “mặt đất có độ cong Gauss dương”), trong khi 1 hình tròn trên giấy với bán kính r sẽ có diện tích bằng pi r bình phương (trong toán học người ta nói đó là “tờ giấy có độ cong Gauss zero”). Vì vậy, không thể nào “trải” một hình tròn bán kính r trên nặt đất (dù có bằng phẳng như mặt gương Tây Hồ đi nữa) lên một một hình tròn bán kính r trên tờ giấy mà không có co giãn khác nhau ở chỗ này hay chỗ kia. Theo thiển ý của tôi, đó là vì sao không ai có thể vẽ bản đồ hoàn hảo lên giấy.
Lập luận trên cũng cho thấy bán kính r càng nhỏ thì sự khác biệt giữa mặt đất và tờ giấy càng nhỏ, và bản đồ cho khu vực trong vòng tròn đó càng ít bị co giãn khác nhau, tức là bản đồ càng tốt.
Về điều này ông nói “Nhà khoa học, người dân rất cần Nhà nước công bố tập bản đồ tỷ lệ lớn (theo tọa độ ô vuông chứ không phải kinh, vĩ tuyến là đường cong) đính kèm Hiệp định biên giới Quốc gia.”, thì tôi hoàn toàn đồng ý và xin nói rằng chính vì lúc đó chúng ta chưa thấy được bản đồ như ông nói mà chúng tôi đã cố gắng thắp lên một ngọn nến trong bóng tối với những bản đồ này (tức bản đồ tọa độ lớn, kinh tuyến, vĩ tuyến là đường thẳng vuông góc, của chúng tôi).
Nhưng có lẽ ông không hiểu tại sao tôi lại phản ứng gay gắt với Trương Nhân Tuấn như thế. Tôi có thể tóm tắt như sau:
1. Trong 5 năm qua, tôi đã thấy nhiều phản biện bừa của Trương Nhân Tuấn như phản biện lần này. Thường thì tôi không trả lời, nhưng thỉnh thoảng có lý do làm cho tôi trả lời. Ban đầu thì tôi còn kiên nhẫn, làm mãi thì thấy kiên nhẫn với Trương Nhân Tuấn cũng vô ích.
2. Trong 5 năm qua, Trương Nhân Tuấn luôn quy chụp tôi là tuyên truyền cho chính phủ VN. Điều đó là không lành mạnh.
3. Lần này Trương Nhân Tuấn còn nằng nặc đòi BVN phải rút bản đồ của chúng tôi xuống. Điều đó là không lành mạnh. BVN không rút thì Trương Nhân Tuấn quy chụp BVN luôn. Ông ấy cho rằng bản đồ của chúng tôi là sai ư? Cứ việc vẽ bản đồ “đúng” và gửi BVN hay nơi khác đăng.
Với tóm tắt đó, hy vọng ông hiểu phần nào tại sao tôi lại phản ứng gay gắt với Trương Nhân Tuấn như thế. Tôi nghĩ ông có thể tìm hiểu thêm bằng cách đọc những “phản biện” khác của ông Trương Nhân Tuấn về những gì tôi và QNCBĐ viết.
Còn về vấn đề chính phủ Việt Nam không/chưa công bố đầy đủ, minh bạch thông tin thì tôi cũng vừa nói trên BBC trong trao đổi với ông Trần Công Trục (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/09/130916_trao_doi_bien_gioi_viet_nam.shtml).
D. D. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét