Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Hợp tác với Hoa Kỳ là yêu cầu bức thiết

Nguyễn Thanh Giang
Chia sẻ bài viết này
HỢP TÁC VỚI HOA KỲ LÀ YÊU CẦU BỨC THIẾT
KHÔNG CHỈ VÌ NƯỚC GIẦU, DÂN MẠNH
MÀ CÒN VÌ ĐỘC LẬP DÂN TỘC, TOÀN VẸN LÃNH THỔ
Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số một trên thế giới. Ông Lạc Ngọc Thành, lãnh đạo cơ quan hoạch định chính sách Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã viết trên tờ chuyên san của Bộ này như sau: Mỹ vẫn sẽ là cường quốc đứng đầu thế giới trong ít nhất hai mươi năm nữa, không nên cho rằng họ đang suy yếu đến mức không thể cải thiện được hoặc hai bên (Trung Quốc, Hoa Kỳ) sẽ sớm gần ngang bằng. Mỹ vẫn là Mỹ. Nước này chiếm 1/4 nền kinh tế thế giới, có sức mạnh quân sự, khoa học vượt trội và chúng ta không được đánh giá thấp khả năng điều chỉnh và phục hồi của họ.
Từ cuối thế kỷ 19 đến nay, Hoa Kỳ đã và vẫn đang dẫn đầu thế giới trong sáng tạo kỹ thuật và nghiên cứu khoa học. Hoa Kỳ là nôi sinh của nhiều phát minh sáng chế. Năm 1876, Alexander Graham Bell được cấp bản quyền chế tạo điện thoại lần đầu tiên. Phòng thí nghiệm của Thomas Edison sáng chế được máy hát, bóng đèn điện dây tóc chịu nhiệt đầu tiên, và máy thu hình bền đầu tiên. Năm 1903Anh em nhà Wright được xem như người phát minh ra máy bay đầu tiên. Ngay trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Hoa Kỳ đã khai mở thời đại nguyên tử, chế tạo hỏa tiễn, đưa người lên Mặt Trăng. Hoa Kỳ là nước chính yếu phát triển Arpanet, tiền thân củaInternet. Hoa Kỳ là quốc gia phát triển và trồng trọt chính yếu thực phẩm biến đổi gen; trên phân nửa những vùng đất thế giới được dùng trồng các vụ mùa kỹ thuật sinh học là ở tại Hoa Kỳ….
Với 333 giải Nobel đã đạt được, số giải Nobel của Hoa Kỳ sấp sỉ tổng các giải Nobel của tất cả các nước khác trên thế giới công lại.
Hoa Kỳ luôn dẫn đầu 5 trong số 6 lĩnh vực được trao giải Nobel: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Kinh tế, Hòa bình.
Nói chung nhân loại mang ơn và rất cần Hoa Kỳ. Thử hình dung, nếu không có Hoa Kỳ thì đời sống nhân loại còn lạc hậu biết chừng nào? Bao nhiêu phương tiện, thiết bị hiện đại chưa xuất hiện? Bao nhiêu chứng bệnh nan y chưa được chẩn trị?…
Việt Nam muốn có nước giầu, dân mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì không thể không hợp tác với Hoa Kỳ.
Vấn đề đó đã quá hiển nhiên, bài viết này chủ yếu bàn định về yêu cầu bức thiết của hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ để giữ gìn độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.
Cuối cuộc hội đàm tại Washington ngày 25 tháng 7 năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tay Tổng thống Obama một bản sao bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman cách đây 67 năm.
Bức thư được viết và gửi từ ngày 16 tháng 2 năm 1946 nhưng phải một tháng sau đó mới đến được tay người nhận. Nội dung như sau:
“Chủ tịch Hồ Chí Minh – Việt Nam dân chủ cộng hòa – Hà Nội xin gửi tới ngài Tổng thống Hoa Kỳ, Washington DC
Thay mặt chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin trân trọng thông báo đến ngài rằng trong quá trình các cuộc hội thoại giữa Chính phủ Việt Nam và đại diện Pháp, Pháp đòi hỏi sự ly khai của Nam Bộ và sự trở lại của quân đội Pháp tại Hà Nội, trong khi đó dân và quân đội Pháp đang hoạt động chuẩn bị cho một cuộc đảo chính ở Hà Nội và xâm lược quân sự. Vì vậy, bản thân tôi đưa ra lời yêu cầu tha thiết tôn trọng nhất tới Ngài và những người dân Mỹ để can thiệp khẩn cấp và hỗ trợ độc lập cho chúng tôi và giúp làm cho các cuộc đàm phán phù hợp với các nguyên tắc của Điều lệ Đại Tây Dương và San Francisco”.
Kính Hồ Chí Minh”
Bức thư trên biểu lộ rõ “yêu cầu tha thiết tôn trọng nhất” của Hồ chủ tịch muốn dựa vào Mỹ để giành độc lập dân tộc. Câu chuyện sau đây minh chứng thêm điều đó:
Năm 1944, khi được tin một máy bay Mỹ bị nạn trên bầu trời Cao Bằng và viên trung úy phi công Mỹ William Shaw được Việt Minh cứu sống, cụ Hồ đã lệnh cho tiểu đội du kích Lê Quảng Ba phải bảo vệ Shaw. Cụ đã tiếp Shaw và cuối 1944 đã đưa Shaw cùng mình sang Côn Minh. Nhờ câu chuyện trao trả Shaw, Hồ chủ tịch được Charles Fenn, chỉ huy Cơ quan cứu trợ không quân (AGAS) và tướng Claire Chennault, chỉ huy Không đoàn 14 Hoa Kỳ tiếp đón. Thông qua Charles Fenn và Claire Chennault, chập choạng tối ngày 24 tháng 4 năm 1945 đã có cuộc tiếp xúc giữa Hồ chủ tịch với Archimedes Patti, phái viên của Tướng tình báo William Donovan, chỉ huy trưởng cơ quan OSS (tiền thân của CIA) tại một ngôi làng nhỏ cách Tĩnh Tây khoảng 10km. Trong cuộc gặp, Hồ chủ tịch đã nói rất thẳng: “Việc hợp tác với Đồng minh chống Nhật trên chiến trường Đông Dương mà chúng tôi đã làm, trên thực tế, chứng tỏ rằng chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Mỹ”
Kết quả hội đàm là ngày 15-4-1945, nhóm tình báo Đồng minh được đưa vào căn cứ Việt Minh. Cụ Hồ dặn các ông Cao Hồng Lĩnh và Quốc Văn rằng: “Đây là đám Đồng minh nói là chống phát xít, ngoài việc chúng nắm tình hình Nhật, đồng thời cũng nắm tình hình của ta. Đây là nhóm tình báo chuyên nghiệp, ở Đông Dương đã lâu. Đã cho chúng vào rồi thì trong quan hệ hàng ngày nên xử trí như thế nào cho được việc của họ và cũng có lợi cho ta. Ba phương châm các chú phải nhớ để giải quyết mọi công việc: Thứ nhất là làm gì có lợi cho hợp tác với Đồng minh, không có hại cho công việc của ta. Thứ hai là không từ chối một việc gì có ích chung nhưng cũng không hứa hẹn một điều gì không làm được. Thứ ba là nên khôn khéo đối xử, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng người, linh hoạt giải quyết mọi công việc để tranh thủ họ”.
Do cơ trời không thuận nên mối giao hảo Việt Mỹ đã không được tiếp nối và phát triển tốt đẹp nhưng rõ ràng chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt rất cao cái yêu cầu liên kết với Hoa Kỳ cho mục tiêu giành độc lập dân tộc. Yêu cầu đó rất có thể đã được đáp ứng nếu ta không gắn vấn đề độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.
Vào thời gian ấy, năm 1941, với sự đồng thuận của Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, Hiến chương Đại Tây Dương ra đời đã khẳng định sự tôn trọng không chỉ chủ quyền quốc gia mà cả công cuộc giành độc lập của các quốc gia bị tước chủ quyền.
Trước đấy, cha ông ta cũng đã từng muốn dựa vào Hoa Kỳ để giành độc lập. Năm 1873, vuaTự Đức cử Bùi Viện như một "đại sứ đặc mệnh toàn quyền" sang Hoa Kỳ để cầu viện chốngPháp.Tổng thống Ulysses Grant đã tiếp và tỏ ý muốn giúp đỡ. (Lúc này Pháp và Mỹ đang đụng độ trong trận chiến ở Mexico). Nhưng vì Bùi Viện không đem theo quốc thư nên hai bên không thể có một cam kết chính thức. Năm 1875 ông mang trình quốc thư nhưng khi ấy Mỹ và Pháp đã hết thù địch nên Ulysses Grant tỏ ra thờ ơ với yêu cầu giúp Đại Nam đánh Pháp.
Trước họa xâm lấn Biển Đông của giặc Tàu, cách đây 145 năm, trong bản văn “Tiễu trừ giặc biển” đề ngày 15 tháng 10 năm 1868 Nguyễn Trường Tộ đã viết:
Người Thanh ở trên các đảo này tụ nhau làm giặc. Đây là số giặc biển nhiều nhất trên địa cầu. …Giặc biển là mối hại chung cho cả nước ta, nạn giặc này đã lâu lắm rồi chẳng phải một sớm một chiều nữa mà tương lai cũng không biết đến lúc nào thì hết, nghiễm nhiên là một giặc dai dẳng. Những thứ giặc khác cũng có lúc bại vong, chứ bọn giặc biển này thì cha truyền con nối. Nước ta bị chúng nhiễu hại, nếu chỉ một vài năm còn có thể dần dà mong khỏi, nếu chỉ có một vài lần còn có thể tìm cách bắt. Nhưng đến nay chúng tới lui chẳng phải chỉ một hai năm, cướp bóc giết hại chẳng phải chỉ một hai lần nữa. Sự tổn thất của công và của tư mỗi năm kể có số vạn, đường thương mại không thông, hàng hóa ứ đọng, thật là một cái hại lớn cho sinh dân.
… Giặc biển so với binh thuyền người Tây thì cũng như chuột so với hổ mà thôi … Nếu ta biết cư xử thỏa đáng với người Tây thì sẽ cùng nhau sống yên ổn vô sự, mà lại có thể tăng cường tiễu trừ giặc biển khiến chúng không dám lui tới… Nay nếu ta thành thật đi lại với họ, coi như anh em, đem việc đó nói rằng: Bọn giặc biển lấy biển làm vườn, lấy nước làm nhà, ẩn hiện bất thường, nước tôi có lắm việc không thể phòng tiễu được hết, nay Tây Nam đã hòa hiếu mà đường đi lại Nam Bắc không thông như thế cũng chẳng lợi ích gì cho quý quốc, quý soái trước đã có lời như vậy nay nếu thỉnh thoảng tuần hành trên mặt biển bắt hết thuyền phỉ giao cho nước chúng tôi xử trị thì chẳng những thông được đường buôn bán mà còn làm tăng thêm tình giao hảo giữa hai nước”.
Niềm tin vào Phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng của cha ông ta rất sáng suốt. Hoàn toàn có thể soi rọi tới ngày nay.
Thực tế cho thấy, trong khi Trung Quốc không chỉ ra sức cướp đoạt hầu hết Biển Đông cùng với Trường Sa, Hoàng sa và gặm nhắm từng mét đất, từng khuỷu sông ở Bản Giốc, ở Mục Nam Quan …thì Hoa Kỳ chưa hề có nhu cầu xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải của ta.
Những nhận định sau đây của chính trị gia Nguyễn Gia Kiểng được xem là rất đúng đắn:
“Mỹ hoàn toàn không phải là một đế quốc thực dân, trái lại còn là một cường quốc chống chủ nghĩa thực dân. Từ ngày lập quốc họ chưa hề đánh chiếm để sáp nhập hay thống trị một nước nào. Mỹ là một cường quốc không gian, hàng hải và thương mại cần thị trường chứ không cần thuộc địa. Cho tới nay họ vẫn từ chối sáp nhập Porto Rico dù không ai, kể cả người Porto Rico, chống lại; họ trả độc lập cho Philippines sau khi mua lại quần đảo này từ Espana. Sự hiện diện của Mỹ tại Việt Nam đáng lẽ đã phải được coi là một may mắn lớn, nó đem lại cho chúng ta sự hợp tác tận tình của cường quốc mạnh nhất, giầu nhất, tân tiến nhất và sáng tạo nhất thế giới mà không hề có nguy cơ mất nước”.
Trở thành đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ là hoàn toàn có thể bởi ngày nay hai bên không có những mâu thuẫn cơ bản về quyền lợi. “Giấc mơ Mỹ” nếu không góp phần nâng cánh “Giấc mơ Việt Nam” thì cũng sẽ không uy hiếp nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng như “Giấc mơ Trung Hoa”. Giá trị Mỹ nói chung là những giá trị văn minh, tiên tiến mà Việt Nam cần vươn tới, kể cả vấn đề nhân quyền.
Định nghĩa của “giấc mơ Mỹ” trong từ điển “Kodzien” được hiểu là hệ thống tổ chức xã hội Mỹ đảm bảo sự bình đẳng cho mọi cơ hội của tất cả mọi người, con người có thể thành công nhờ vào tài năng và nỗ lực của bản thân, có thể phát triển không hạn chế trong mọi lĩnh vực kinh tế, và xã hội. Chính vì vậy mà hơn 200 năm qua nước Mỹ không những tồn tại vững bền mà phát triển rất nhanh, rất mạnh trong khi chế độ XHCN chưa đầy một trăm năm đã sụp đổ tan hoang ở Liên Xô, Đông Âu. Tương lai Trung Quốc ẩn hiện đầy hiểm họa. Triều Tiên, Cuba thì sống dở chết dở.
Rất may là Hoa Kỳ đang chủ trương xoay trục về hướng Đông và ngày 27/7 vừa qua, trong chuyến thăm ba nước Đông Nam Á, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết Mỹ sẽ tiếp tục là một cường quốc Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định vai trò của nước này trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Kết thúc chuyến thăm Singapore hai ngày, ông khẳng định rằng sự hiện diện của Mỹ sẽ bảo đảm cho các nước Châu Á-Thái Bình Dương tập trung phát triển kinh tế.
Hoa Kỳ cũng đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael W. Michalak khi trả lời báo Dân Trí ngày 26 tháng 5 năm 2010 đã từng nói:
Tôi cho rằng Việt Nam có thể trở thành một quốc gia quan trọng trên chính trường thế giới. Việt Nam đang trên đà hội nhập toàn cầu, đã tổ chức hội nghị APEC năm 2006, gia nhập WTO năm 2007, làm thành viên Hội đồng Bảo an LHQ năm 2008-2009… Bằng nhiều cách, Việt Nam đang mở cửa nền kinh tế và tham gia vào nhiều hoạt động quốc tế. Với việc Việt Nam phát triển được kinh nghiệm trên trường quốc tế và tham gia vào việc nêu ra cũng như tiếp nhận các ý kiến, tôi cho rằng chắc chắn Việt Nam sẽ có vai trò lãnh đạo trong tương lai”.
Cha ông đã dạy, Hoa Kỳ đã chìa tay đón, những người lãnh đạo ĐCSVN hãy biết vượt thoát khỏi vòng luẩn quẩn lú lẫn của ý thức hệ, sám hối trước những tai ương quá khứ, gạt bỏ tỵ hiềm mà nắm lấy cơ hội đặng cứu nước và chấn hưng dân tộc.
Sự kiện chủ tịch Trương Tấn Sang tặng lại tổng thống Obama bức thư của chủ tịch Hồ Chí Minh tuồng như thể hiện ý thức đó. Bởi vậy chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ vừa qua của ông đã mang lại nhiều kết quả tích cực đối với quan hệ 2 nước. Ông Murray Hiebert - Phó Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nơi Chủ tịch Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu quan trọng trong chuyến thăm vừa qua - cho biết: “Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), và đang tăng cường quan hệ với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quân sự. Trong ASEAN, Hoa Kỳ coi Việt Nam là một trong những quốc gia có tư duy chiến lược nhất, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông”.
Hạ tuần tháng 9 này thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại sang Hoa Kỳ. Rất trông mong.
Hà Nội ngày 22 tháng 9 năm 2013
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Mobi: 0984 724 165

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét