Đào Tuấn
Tháng 6 năm nay, sau khi “sự biến nhà vệ sinh dát vàng” ở một trường tiểu học miền núi được đưa ra dư luận, báo chí phát hiện ra vô số những tréo ngoe trong việc thực hiện các chương trình, dự án gắn với mục tiêu tốt đẹp là xóa nghèo. Trong những tréo ngoe đó, kỳ cục nhất là chuyện một trường học nhỏ, ở một xã miền núi xa lắc xa lơ, với chỉ trên 300 học sinh, có tới 3 khu nhà vệ sinh thuộc 3 dự án khác nhau.
Tại sao nhà vệ sinh “chương trình” lại đắt như dát vàng?
Tại sao trong khi nhiều trường học “lấy bờ rào làm nhà vệ sinh” thì có trường lại có tới 3 nhà wc?
Câu trả lời, đã được giải đáp vào ngày hôm qua, khi những điều được gọi mềm mại dễ nghe là tồn tại, được “nói thẳng nói thật” trong phiên giải trình liên quan đến giảm nghèo.
Trong hàng trăm trang báo cáo của đủ các bộ ngành, xuất hiện mỏng manh một tài liệu dưới tiêu đề “Một số ý kiến phản biện” báo cáo của Bộ trưởng. Tác giả: Một Chuyên gia độc lập về phản biện.
Chúng ta nhìn thấy trong đó nhiều câu chữ có tính chất đánh giá: Báo cáo thì “liệt kê”; Nguồn lực thì “khan hiếm”; Trong khi chương trình, chính sách thì “nhiều và chồng chéo”. Thực nhận chỉ “10%” vốn dự kiến.
Hóa ra, có tới 70 chính sách liên quan đến xóa đói giảm nghèo. Nhưng trong giảm nghèo trong lĩnh vực y tế chẳng hạn, lại đang tồn tại nguyên lý “Chia sẻ vùng nghèo cho vùng giàu” mà con số kết dư BHYT ở một tỉnh nghèo lên tới 700 tỷ là ví dụ sinh động nhất.
Hóa ra, nguồn vốn thì lớn, trong khi đó người nghèo muốn vay mua một con bò chỉ được vay 5 triệu “làm sao mà nuôi”. Đi xuất khẩu lao động cần 100 triệu tiền cược chỉ cho vay 20 triệu “làm sao mà đi”.
Hóa ra việc phân nguồn vốn là “ấn từ trên ấn xuống” không cần quan tâm đến nhu cầu thực tế, chẳng hạn ngôi trường mục tiêu đã có bao nhiêu cái nhà vệ sinh.
Hóa ra nguồn tiền quốc tế được coi như tiền chùa, rơi hết vào dự án, vào tư vấn.
Nếu phải tìm một ví dụ, thì đó là con số mà Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đã không vô tình xếp cạnh nhau: Nguồn vốn giảm nghèo mỗi năm: 90 ngàn tỷ. Kết quả xóa nghèo mỗi năm: 500 ngàn hộ. Mỗi hộ nghèo, trên lý thuyết sẽ được hưởng ít nhất 180 triệu. Và “báo cáo từ các địa phương”, mỗi hộ nghèo chỉ tiếp cận được 10-15 triệu.
3 cái nhà vệ sinh là chuyện “chỉ có ở Việt Nam”. Nhưng con số 3 chưa phải là kỷ lục cuối cùng của sự bất cập. Có một chi tiết đã được nhắc tới trước nghị trường: Ở nhiều địa phương 1 hộ nghèo “được” chụp 5 bức ảnh, ở 5 góc độ khác nhau để những người xóa nghèo làm 5 bộ hồ sơ khác nhau giải ngân giảm nghèo.
Trong tờ phản biện mỏng tang, nhiều nhất là các từ “yếu kém”, “tồn tại”, và tất nhiên, hai từ “trách nhiệm”.
Nếu thực sự có cái gọi là trách nhiệm, có lẽ, tất cả những điều trên đã không cần phải được đặt ra.
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét