Đỗ Ngọc Viết
Phong trào cộng sản được Marx và Engels khai sinh trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản từ thế kỷ thứ 19, ngày 24/2/1848, với những lời lẽ đầy chất lửa kích động:
”Công nhân không có Tổ quốc. Những người vô sản chẳng có gì là của mình để bảo vệ cả. Họ phải phá huỷ hết thảy những cái gì, từ trước đến nay, vẫn bảo đảm và bảo vệ chế độ tư hữu. Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với những tư tưởng kế thừa của quá khứ. Trong cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành,những người vô sản chẳng mất gì hết ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới“. Từ đó, phong trào cộng sản đã phát sinh, phát triển. Tính đến năm 2013, tuổi thọ của phong trào này là 165 năm.
Các nhà nước cộng sản lần lượt ra đời: Năm 1917 là nước Nga Xô Viết do Đảng cộng sản Bôn-sê-vích lãnh đạo. Năm 1922 là Liên bang Xô viết, bao gồm: Nga, Ukraine, Belarus, Georgie, Armenie, Azerbaijan, sau đó sát nhập thêm: Estonie, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Lithuanie, Moldovie, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan. Kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, năm 1945 có thêm một số nước cộng sản ở Đông Âu: Albanie, Balan, Bosnia, Bulgarie, Croatia, Đông Đức, Hungary, Macedonie, Montenegro, Romanie, Serbie, Slovakie, Slovenia, Tiệp khắc, Nam tư.
Cũng trong khoảng thời gian này một số nước cộng sản ra đời ở Châu Á và Châu Phi: Bắc Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Trung hoa lục địa, Mông Cổ, Cuba, Lào. Tiếp theo là Afghanistan, Congo, Yemen, Angola, Benin, Ethiopie, Somalie, Eritrea, Mozambique, Campuchia của Khơme đỏ (1).
Những năm cường thịnh nhất của phong trào cộng sản là năm 1957 và 1960. Tại Moscow, năm 1957 đã tổ chức được Đại hội của 68 Đảng cộng sản, thông qua 9 nguyên lý xây dựng chủ nghỉa xã hội do Stalin khởi thảo. Cũng tại Moscow, năm 1960 đã triệu tập được Đại hội gồm 87 Đảng cộng sản. Ngoài ra còn có nhiều nhóm cộng sản ở Châu Á và Châu Mỹ La tinh theo học thuyết cộng sản Mao Trạch Đông và học thuyết cộng sản Che Guevra.
Nhưng ngay trong thời gian cường thịnh của phong trào cộng sản đã xuất hiện trào lưu “xét lại“ những luận điểm của Marx và Engels về cương lĩnh, chiến lược, sách lược cách mạng vô sản. Người khởi xướng đầu tiên là Eduard Bernstein (1850-1932) cho rằng Marx và Engels kết hợp chủ nghĩa xã hội với cách mạng là sai lầm vì đây là 2 vấn đề khác nhau về nguồn gốc và bản chất. Ông cũng phủ nhận tiên đoán của Marx về sự sụp đổ đến nơi của chủ nghĩa tư bản.
Từ trào lưu “xét lại“ này đã đi đến sự thành lập các Đảng dân chủ xã hội (ở Pháp, Thuỵ Điển, Phần Lan..). Các lãnh tụ cộng sản “ xét lại “ tiếp theo là Leon Trotsky, Josip Tito - Nam tư, Nikita Sergeyevich Khrushchyov và Mikhail Gorbachov - Liên Xô (2).
Thập kỷ 60 của thế kỷ 20 đã mở đầu lịch sử khủng hoảng chính trị ở các quốc gia cộng sản:
Tháng 6/1953 có cuộc nổi dậy của công nhân xây dựng ở đông Berlin rồi lan ra toàn CHDC Đức, bị quân đội Liên Xô can thiệp đàn áp dập tắt. Tháng 10 /1956 có cuộc nổi dậy đẫm máu ởHungary, kéo dài đến tháng 1/1957, cũng bị quân đội Liên Xô can thiệp đàn áp dập tắt. Năm 1968 ở Praha thủ đô Tiệp Khắc có “cuộc nổi dậy Mùa Xuân Praha“, lập ra chính quyền chống lại mô hình nhà nước XHCN ở Tiệp Khắc, tồn tại được 8 tháng, từ tháng 1 đến tháng 8/1968 rồi bị quân đội khối Varsovie do quân đội Liên Xô làm chủ lực đàn áp dập tắt. Tháng 8/1980 tại BaLan nổi lên Phong trào Công đoàn đoàn kết, giành được thắng lợi quyết định trong cuộc bầu cử ngày 4/6/1989, kết thúc mô hình nhà nước XHCN ở Ba Lan rồi đi vào thể chế dân chủ kể từ tháng 12 năm 1990 (3).
Sự thoái trào của phong trào cộng sản bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ 20, đột biến suy yếu vào cuối năm 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ, tan rã kể từ cuối năm 1991 khi Đảng cộng sản Liên Xô bị giải thể.
Các nhà nước cộng sản lần lượt sụp đổ, tại Châu Âu: BaLan ngày 4/6/1989, Turkmenistan ngày 7/1/1990, Uzebekistan ngày 18/2/1990, Lithuanie ngày 24/2/1990, Moldovie ngày 25/2/1990, Kyrgystan ngày 25/2/1990, Belarus ngày 3/3/1990, Nga 4/3/1990, Ukraine 4/3/1990, Đông Đức 18/3/1990, Estonie 18/3/1990, Latvia 18/3/1990, Hungary 25/3/1990, Kazakhstan 25/3/1990, Slovenia 8/4/1990, Croatia 24/4/1990, Rumanie 20/5/1990, Armenie 20/5/1990, Tiệp Khắc 8/6/1990, Bulgarie 10/6/1990, Azerbaijan 30/9/1990, Georgie 28/10/1990, Macedonie 11/11/1990, Bosnia và Herzegovina 18/11/1990, Serbie 8/12/1990, Montenegro 9/12/1990, Albanie 7/4/1991.
Sự sụp đổ các nhà nước cộng sản ở Châu Âu không có đổ máu, trừ trường hợp Rumanie có khoảng 1100 người chết, lãnh tụ cộng sản độc tài Ceausescu bị giết chết.
Giải thích vì sao các nhà nước cộng sản này sụp đổ hàng loạt trong một thời gian ngắn như thế, nhà bác học hạt nhân Liên Xô là Sakharov đã từng bị Brê-giơ-nép bắt giam vì đấu tranh đòi quyền dân chủ đã nói rất ngắn gọn: “Mô hình nhà nước Xô Viết hiện hữu không tồn tại được vì nó không tôn trọng con người. Đó là cốt lõi của vấn đề“.
Còn tại Trung Đông, Trung Mỹ và Châu Phi: Nicaragua năm 1990, Ethiopie năm 1991, Eritrea tuyên bố tách khỏi Ethiopie và từ bỏ chủ nghĩa cộng sản từ năm 1991, CHDCND Yemen do ĐCS lãnh đạo sụp đổ vào năm 1990, Afghanistan năm 1992 (1).
Hiện nay trên thế giới chỉ còn một số ít quốc gia do Đảng cộng sản lãnh đạo và cầm quyền gồm Trung Hoa lục địa, Việt Nam, Lào, Cuba và Bắc Triều Tiên.
Ở thời kỳ hưng thịnh, các nhà nước cộng sản tồn tại nhờ vào 3 nền tảng: Ý thức hệ Mác-xít + Kế hoạch hoá tập trung toàn bộ nền kinh tế cùng với chính sách quốc hữu hoá toàn bộ tư liệu sản xuất của xã hội + Chế độ độc đảng toàn trị cùng với hệ thống công cụ đàn áp các chính kiến đối lập gồm toà án, nhà tù, công an, quân đội.
Ngoại trừ Bắc Triều Tiên, ở các nước cộng sản còn lại nói trên, ý thức hệ mác-xít đã bị lung lay, buộc phải chấp nhận con đường tư bản chủ nghĩa với các mức độ và hình thái khác nhau, chấp nhận đi theo kinh tế thị trường nhưng không từ bỏ chế độ độc đảng toàn trị, vẫn duy trì học thuyết đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản.
Đảng cộng sản Việt Nam được Nguyễn Ái Quốc, đại diện của Quốc tế cộng sản III triệu tập thành lập ngày 6/1/1930. Theo yêu cầu của Quốc tế cộng sản III, ngày 14/10/1930, ĐCSVN đổi tên thành Đảng cộng sản Đông Dương, trở thành một phân bộ của Quốc tế cộng sản III, do Trần Phú làm tổng bí thư. Ở thời điểm này, Quốc tế CS III do Stalin lãnh đạo đặt trọng tâm vào đấu tranh giai cấp để xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản.
Trong tác phẩm Giai cấp công nhân Việt Nam của Gíáo sư Trần Văn Giàu có đoạn viết khác với Marx-Engels đã giải thích trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản “ Giai cấp vô sản là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp “; ở Việt Nam bất kỳ ai không có tư liệu sản xuất phải bán sức lao động mà sống thì dù làm nghề gì, kể cả cố nông, đều thuộc giai cấp công nhân“ (tức là thuộc giai cấp lãnh đạo cách mạng. Phải chăng đây là nguyên nhân cơ bản giải thích vì sao ĐCSVN chỉ giỏi phá hại nhưng dốt xây dựng?).
Từ tháng 4 đến tháng 9/1930, tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã nổ ra các cuộc biểu tình vũ trang do ĐCS Đông Dương lãnh đạo, chống lại chính quyền thuộc địa, thành lập chính quyền mới tương tự hệ thống Xô Viết , cùng với khẩu hiệu tiêu diệt trí, phú, địa, hào. Chính quyền Xô Viết này chỉ tồn tại được 5 tháng.
Tháng 11/1945 ĐCS Đông Dương tự giải tán để che giấu mối liên hệ với chính quyền VNDCCH mới thành lập. Năm 1951, ĐCS Đông Dương ra công khai, đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam, ghi trong Điều lệ Đảng là: ” Đảng LĐVN lấy chủ nghĩa Mác – Ăngghen – Lênin- Stalin và tư tưởng Mao Trạch Đông kết hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng “. Từ đó chủ nghĩa Mao-ít chính thức thông qua ĐLĐVN thâm nhập vào mọi hoạt động của Đảng và nhà nước VNDCCH.
Sau khi Liên Xô và hệ thống các nước XHCN Đông Âu tan rã, cương lĩnh của ĐCSVN ghi: “ĐCSVN lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động…. Mục tiêu của Đảng là xây dựng nước Việt Nam dân chủ, giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa và cuối cùng là thực hiện lý tưởng cộng sản chủ nghĩa“ (4).
Con đường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam rất khác so với Tuyên ngôn cộng sản của Marx và Engels.
Marx và Engels đã trịnh trọng công khai tuyên bố: ”Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất là xoá bỏ chế độ tư hữu”, nhưng Đại hội ĐCSVN họp năm 2006 đã quyết định cho phép các đảng viên cộng sản được làm kinh tế tư nhân, tức là cho phép đảng viên cộng sản trở thành chủ tư bản tư nhân. Năm 2011, Đại hội ĐCSVN lần thứ 11 còn quyết định thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng cộng sản, nghĩa là cho phép nhà tư bản tư nhân có thể đứng trong đội ngũ tiền phong của giai cấp vô sản để lãnh đạo cách mạng vô sản, xoá bỏ chính họ, do đó nhiều người cho rằng ĐCSVN đang diễn vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt“.
Tháng 4 năm 2012, tại trường đảng cao cấp Nico Lopez của Đảng cộng sản Cuba, GS Nguyễn Phú Trọng, TBT ĐCSVN trịnh trọng giới thiệu với Đảng cộng sản Cuba rằng “ Đảng cộng sản Việt Nam đã có 1 đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo “. Nhưng chỉ sau 11 tháng, ngày 8/1/2013, ông Uông Chu Lưu, phó chủ tịch Quốc hội đã cho báo Vietnamnet biết là dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bỏ hiến định kinh tế nhà nước là chủ đạo. Các đồng chí Cuba chắc thừa khả năng sử dụng con chuột của máy tính, truy cập tin tức của hãng Reuters đăng trên BBC ngày 8/4/2012 để biết rằng “ các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam có vốn chiếm tới 40% tổng sản phẩm quốc nội GDP đang nợ khoảng 50 tỉ USD, tương đương 1/3 GDP của cả nước và theo thông báo của Thanh tra chính phủ thì sai phạm của các tập đoàn lớn của nhà nước đã lên tới 30.720 tỉ VND, tương đương 1,5 tỉ USD, do hệ thống quản lý tồi dẫn đến tham nhũng, gian dối, tư lợi “. Chắc chắn các đồng chí Cuba không muốn du nhập những kinh nghiệm của ĐCSVN và thành quả tệ hại này và nếu còn có lòng tự trọng thì người Việt chúng ta không thể không xấu hổ với họ.
Trên thực tế, thể chế chính trị của Việt Nam do ĐCSVN độc quyền lãnh đạo hiện tại không là chủ nghĩa xã hội như ông Marx và ông Engels đã trịnh trọng công bố công khai trong Tuyên ngôn cộng sản.
Điều này nói lên rằng ĐCSVN đang khủng hoảng về lý luận, mò mẫm định hướng, dẫn toàn dân tộc đến nhiều hệ luỵ về mọi mặt trong đời sống xã hội nhưng vẫn nhất quyết bảo vệ chế độ độc tài toàn trị, dối trá, đàn áp mọi đòi hỏi về quyền tự do dân chủ của người dân, ngày càng tha hoá, tham nhũng, mất sự tín nhiệm của nhân dân, dần dần trong mắt nhân dân Việt Nam họ chỉ còn là chiếc bóng mờ của quá khứ.
Tư liệu tham khảo:
(1)- “Ai đánh bại cộng sản“ của Nguyễn Hưng Quốc, (http:// voatiengviet.com/), 2013
(2)- “Chủ nghĩa xét lại là gì?”, (http://vi.wikipedia.org/), 2013
(3)- “Đừng xuyên tạc lịch sử“ của Nguyễn Trung, (https://danluan.org/), 2013
(4)- Báo điện tử của Đảng cộng sản Việt Nam, 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét