Minh Văn
Những người mà có tài năng xuất chúng đặc biệt mà còn nhỏ thì người ta vẫn gọi là thần đồng. Họ hoàn thành sự nghiệp từ khi còn rất ít tuổi, đó là các hoạ sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà toán học...; tỉ lệ thần đồng là rất hiếm, họ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cuộc sống chúng ta. Những thần đồng thì dường như sinh ra đã có tài năng thiên bẩm, khác hẳn người thường. Tài năng kiệt xuất của họ có những đóng góp to lớn cho nhân loại. Sự nghiệp của các thần đồng là phi thường, vì họ làm được những việc mà người thường không thể làm nổi. Cứ thế mà suy, thì ở Việt Nam ta cũng có một loại thần đồng được gọi là “Tuyên giáo”. Những thần đồng này được đào tạo có hệ thống và xuất xưởng với số lượng lớn. Họ cũng làm được những việc phi thường mà người thường không làm nổi, đó là biến cái sai thành cái đúng. Các cán bộ tuyên giáo này làm cho cả nước Việt Nam tin rằng “Chủ nghĩa Cộng Sản là chân lý duy nhất đúng”. Họ nói hay đến nổi ở Việt Nam người dân vẫn gọi những cán bộ tuyên giáo này là chim (hót hay như chim).
Ở nước tôi có một nhà thơ, vì làm một bài thơ ám chỉ chuyện này mà bị nhà nước kỷ luật và ghép vào tội phản động. Bài thơ là lời tâm sự ân cần của một người cha đáng kính với đứa con của mình. Ông dặn con rằng đừng có mãi mê lắng tai nghe chim hót quá mà vấp phải sỏi đá vì đường đi gập ghềnh. Rằng cuộc sống đời thường thì chúng ta phải kiểm cái ăn, cái mặc thay vì chỉ nghĩ đến những chuyện viễn vông trên trời. Với sự nhạy cảm tuyệt vời của một “thần đồng”, ngành tuyên giáo địa phương lập tức ghép nội dung bài thơ này vào loại thơ phản nghịch. Họ suy diễn rằng, “chim” là để ám chỉ cán bộ ngành tuyên giáo, còn sự “viễn vông” kia là để chỉ chủ nghĩa Cộng Sản. Và kết cục thì như đã nói ở trên.
Theo chúng tôi được biết, thì những thần đồng tuyên giáo ở Việt Nam được đào tạo để làm các công việc sau:
- Phối hợp chỉ đạo công tác nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị;
- Tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước;
- Lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động báo chí, xuất bản;
- Định hướng hoạt động công tác văn hoá, văn nghệ;
- Nghiên cứu, định hướng và nắm bắt dư luận xã hội;
- Tham mưu định hướng hoạt động khoa giáo. Bao gồm: Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, thể dục thể thao, dân số kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, du lịch, viễn thông, khuyến nông khuyến lâm, và một số hội đoàn khác.
- Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng;
- Ngoài ra, tuỳ từng vùng miền mà ngành tuyên giáo còn kiêm nhiệm thêm một số nhiệm vụ khác theo nhu cầu của địa phương.
Thực là, chưa thấy thần đồng ca sĩ nào có quyền hành to như vậy. Ngoài cái giọng hót trời phú ra, thì họ còn kiêm luôn cả thần đồng trí tuệ nữa. Thảo nào họ được ví như chim cũng phải, vì chỉ có hót theo như chim thì mới có thể chuyển tải hết chừng ấy nội dung, chứ dù có là thần đồng đi nữa mà dụng tâm suy nghĩ nhiều như vậy thì cũng mắc phải bệnh viêm não thôi.
Nói tóm lại, nhiệm vụ của ngành tuyên giáo rất nhiều, ngoài họ ra thì người thường chúng ta không hiểu nổi. Chỉ biết rằng, các thần đồng tuyên giáo luôn phải hót làm sao để mọi người luôn tin tưởng vào Đảng Cộng Sản, dù trong mọi hoàn cảnh. Họ là hệ thống bôi trơn lý luận để biến một chế độ Cộng Sản ngược đời và phi nhân trở thành đúng đắn và duy nhất. Họ làm cho người dân tin rằng, cứ cố gắng lao động và sản xuất nhiều hơn nữa, đừng than phiền và trách móc, chúng ta đang quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội và đã sắp đến đích. Chỉ có điều, cái đích mà họ hứa với người dân luôn lùi xa, lùi xa mãi, và không bao giờ chạm tới được.
Lừa dối cả một dân tộc, làm được điều đó thì cán bộ ngành tuyên giáo quả xứng đáng được mệnh danh là thần đồng, những thần đồng đất Việt. Nhà nước có trí tuệ của thần đồng tuyên giáo, thì người dân cũng có trí tuệ của riêng mình. Để đối chọi lại hệ thống thần đồng tuyên giáo được nhà nước đào tạo bài bản, người dân có vũ khí dân gian truyền khẩu. Họ đã sử dụng phương pháp nói lái dí dỏm, đơn giản nhưng hiệu quả: Thần Đồng tức là Thằng Đần.
23/9/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét