Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Một đàn, tang tình là...

Hạ Đình Nguyên

Âm hưởng của bài dân ca tuyệt vời “Cây đèn cù”, “Lý trống cơm” bỗng xuất hiện trong tôi, khi đọc tin tức thời sự không dính dáng một chút nào về văn nghệ hay âm nhạc.
Đó là những bài phân tích về kinh tế, chính trị, xã hội mới đây của các vị, cả lề trái và lề phải, như ông Trần Đình Thiên (kế hoạch và kế hoạch vỡ …), bà Phạm Chi Lan (chi tiêu công cắt giảm mà tăng..), chuyện chống tham nhũng của ông Nguyễn Bá Thanh, (vừa cấp bách mà không vội được.)., đến chuyện dân chủ-nhân quyền có sự giúp sức của bộ máy công an khổng lồ của ông Chủ tịch nước, cho đến bài giảng huấn “rất cực kỳ” về văn hóa nghệ thuật của ông Tổng bí thư, và mới đây, nạn tham nhũng làm kiệt quệ sinh lực đất nước làm ông TBT thấy khó ngủ, như “ngứa ghẻ rất khó chịu” .
Khi trạng thái tâm lý căng thẳng, nặng nề lên tới đỉnh điểm, thì bản năng sinh tồn trong con người trỗi dậy, tự tạo sự cân bằng cho não trạng của mình bằng những hình thái bất ngờ. Đó là trường hợp của tôi. Tự dưng bài dân ca “cây đèn Cù” hiện lên trong tôi với những hình tướng sinh động, quay tít với nhiều màu sắc hấp dẫn, trong đó có các từ ngữ thuộc loại tích cực, như “khen, khéo” và “voi, ngựa” nhộn nhịp. Các ca từ thì bình thường, những âm trung chuyển thì nhừa nhựa rất khó hát theo, nhưng dễ thở, và tâm thức người nghe trở nên nhẹ nhàng dễ bật cười. Tôi nhẫm trong trí :
“ Khen ai khéo xếp (ô-í-a) …cái đèn Cù.
Âm hạ xuống bất ngờ ở cuối câu với một hình ảnh thật đơn giản, và gọn : đèn Cù !
Voi giấy (ới-a) ngựa giấy (ơ) tít mù nó (ới) lại vòng quanh.
(Ơ) bao giờ em bén (ới) duyên anh.
Voi giấy (ới-a) ngựa giấy (ơ) vòng quanh (ới-a) tít mù, tít mù là…Khen ai khéo xếp (ô-í-a)…”
Voi giấy, ngựa giấy thật là nhẹ nhàng dí dỏm
Đúng là nó vòng quanh rồi lại tít mù.! Bài ca có mấy chữ lặp tới lặp lui, nhấn nha nhấn nhá với cái âm điệu dấm dớ, nửa chừng xuân, mà lẳng lơ thu hút, đến không biết lúc nào chấm dứt.
Thế rồi, một lát sau, các ca từ “voi giấy, ngựa giấy”,“vòng quanh” và “tít mù” lại bắt đầu ám ảnh tôi theo chiều hướng khác, gợi lên trong tôi những khái niệm chệch hướng. Chợt nhớ cái “nhận định” dễ gây mất thiện cảm của ngài Lý Quang Diệu : “Việt Nam bị nhốt trong ý thức hệ XHCN”. Cái đèn Cù, voi giấy, ngựa giấy lại hiện lên. Tôi cố thoát ra khỏi cái mớ bùng nhùng trong đầu . Tôi men theo âm hưởng khá mơ hồ nào đó trong tiềm thức, cố tìm một âm điệu vui tươi và mạnh mẽ. ( tôi vốn là người dốt âm nhạc)
Tôi vâng lời bà GS,TS Nguyễn thị Gioan vừa phát biểu tươi rói : “Không thể nói cả nền kinh tế tê liệt, cho dù có khó khăn, có trì trệ. Phải nhìn cả điểm sáng, chứ không chỉ nhìn vào điểm tối của nền kinh tế”*
May quá, một điểm sáng chợt lóe lên trong tôi, bài “lý trống cơm” bỗng dưng xuất hiện, tôi nhẩm âm thanh trong trí nhớ. Đúng thế rồi. Âm điệu rõ ràng, mạnh mẽ, lời lẽ dứt khoát, vui nữa, và có điểm sáng :
“Tình bằng – có- cái- trống- cơm –
Khen ai- khéo- vỗ,
Ố mấy bông- mà nên- bông.
Ố- mấy bông- mà nên- bông…”
Tôi cần phải nghĩ theo cách tích cực, hướng về các phương diện tích cực của xã hội . Đặc biệt, cái tích cực của các quan chức nhà nước đang vội vã ngày đêm đi đằng đông, chạy đằng tây, lên bắc, xuống nam ra chiều quan trọng, khẩn trương, để xoay xỡ tìm các giải pháp. Nào vay mượn tiền cho ngân khố đang rách, ngân hàng đang thủng đít, tham nhũng tung hoành quay tít, quốc kế dân sinh chưa xây đã đỗ, kinh tế tuột dốc, dân tình bất mãn chống đối lung tung, giặc Tàu thì hò reo trương nhiều cờ xí đỏ ối ở Biển Đông…
Tôi phải khiến tâm mình hân hoan, như lời bà Phó Chủ tịch Gioan.
Bây giờ trí nhớ tôi đã phục hồi, bài ca hiện ra đầy đủ. Tôi có thể hát to thành tiếng. Tôi gõ mạnh tay xuống bàn, theo nhịp tư do, tùy thích, tùy hứng của mình, chơi luôn một đoạn:
“ Tình bằng- có cái trống cơm !
khen ai khéo vẽ ? khéo vẽ !
Ố mấy quan mà nên quan ?
Mấy quan mà nên quan !
Một đàn, tang tình mà, tang tình mà quan… chức.
Ố mấy lội, lội, lội sông, đ..i i tìm…
Đôi con mắt ố mấy lìm dim…lìm dim,
Ố mấy đi tìm…
Duyên nợ…khách tang bồng !
Duyên nợ... khách tang bồng….
Con xít là con gì tôi không biết. Tôi thay bằng từ có dấu giọng tương đồng, để hát được. Trống cơm tôi nghĩ là cái bụng chứa cơm ( thế mới vỗ /vẽ được chứ). Còn câu “duyên nợ (ơ) khách tang bồng, duyên nợ (ơ) khách tang bồng” được lặp lại, nhẫn nha, lơ lững. Nhưng nghĩa nó là gì mà ca từ thì nghe rất đẹp, lại sang ? Nghĩ cho cùng, ‘duyên nợ” là cấu trúc của nhân quả, gắn bó nhau, sinh ra nhau, chịu đựng lẫn nhau của nam nữ…và “khách tang bồng” chẳng qua là chỉ anh giang hồ cà chớn. Toàn câu là diễn tả trạng thái nhũng nhằng chơi bời của giới giang hồ cơ hội, nửa người thật, nửa giả người, vậy thôi.!
Chẳng biết có đúng thế không !
Bài dân ca hay thật đấy !
(Chẳng rõ tôi có làm xúc phạm gì nó chăng?)
Tôi rời bỏ trang mạng, bắt đầu ca hẳn hoi :
“ Một đàn, tang tình là quan chức, ô mấy lội, lội, lội…”


H.Đ.N.
Sáng chủ nhật, 29-9-2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét