Mỗi người tưởng niệm theo cách riêng của mình, với truyền thống kế thừa tốt đẹp của người Việt. 75 nghĩa sĩ đã ngã xuống ở Hoàng Sa, trong đó nhiều người chỉ còn có mộ gió.
Sau 1975, Câu lạc bộ Phục hưng của các linh mục dòng Đa Minh chi Lyon, trụ sở ở 43 Nguyễn Thông, Q.3 bị chính quyền trưng dụng làm Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật TP.HCM; mãi đến cuối năm 2006 mới trả lại một phần và phải đổi thành CLB Phaolo Nguyễn Văn Bình. Ngày xưa hay đi học thêm ở đây, mãi đến sau ngày ra khỏi B34 (trại tạm giam, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an - DCVOnline) 20/1/2011 tui mới có dịp vô lại.
Bữa đó trong hội trường tổ chức lễ tưởng niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7. Không ai nói ai, nhưng đều hiểu liệt sĩ gồm cả các chiến sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến biên giới phía Bắc, Tây Nam và Hoàng Sa, Trường Sa chống Trung Cộng. Ngoài ki tô hữu còn có nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng của thành phố, có cả bà quả phụ Ngụy Văn Thà. Và nhìn qua cũng không khó nhận ra mấy anh an ninh mặc thường phục ngồi lẫn trong khách đến.
Buổi lễ trang nghiêm, có thắp nhang trước tượng bán thân Hồ Chí Minh, rồi vài người lên phát biểu nghe cũng chừng mực. Tuy nhiên giữa buổi không khí bỗng ồn ào, sôi nổi hẳn khi các khẩu hiệu chống Trung Quốc viết vội trên mấy tấm bìa cứng xuất hiện khắp phòng. Đó là lần hiếm hoi các nghĩa sĩ được xướng danh và tưởng niệm chung, như những người con hy sinh bảo vệ đất nước; không phân biệt đã phục vụ dưới chính thể VNCH hay XHCN.
Bữa hổm Tuổi Trẻ làm loạt bài nhân kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa ai cũng cho là Tuổi Trẻ được bật đèn xanh, nhưng sự thật là bài ra tới kỳ 2 rồi mà vẫn nghe mấy anh bên đó vừa viết vừa…run; như đâu bác Tổng còn được ban Tuyên giáo Thành ủy mời lên uống trà…tám. Rồi cũng trót lọt, thở phào. Phát pháo của Tuổi trẻ đã mở đường cho nhiều bài viết về cuộc chiến oanh liệt của các chiến sĩ VNCH trước khi mất Hoàng Sa (19.1.1974). Sau gần 39 năm giải phóng đất nước, nhiều người đang cảm thán: Còn chờ đến lúc nào nữa mới vinh danh và công nhận 75 chiến sĩ hy sinh tại Hoàng Sa là Liệt sĩ!
Thật ra, nếu ngồi tính toán chuyện này rất đau đầu, nên những cái đầu còn phân chia chiến tuyến sẽ khó mà thông. Trong cuộc hải chiến 1974 nhiều người hiện vẫn còn sống. Nhà tui ở trong khu vực ngày xưa là cư xá các sĩ quan VNCH, nên vẫn thường qua lại và chơi với con cháu mấy ông. Bữa bài viết đầu tiên của báo Tuổi Trẻ phát hành, tui có nói chuyện với bác Vũ Hữu San. Ông là trung tá hạm trưởng Khu trục hạm Trần Khánh Dư số hiệu HQ4; cũng là người được lệnh khẩn cấp hành quân ra Hoàng Sa ngày 16.1.1974, ngay sau khi tàu Trung Quốc khiêu chiến.
Đồng đội kể về ông, báo TT viết lại thế này:
“Hạm trưởng San là một người thẳng thắn và nóng tính, sẵn sàng thực hiện ngay việc mình xác quyết là đúng. Trung tá San lệnh dùng cờ, quang hiệu lẫn loa phát tiếng Việt, Trung, Anh để đuổi tàu Trung Quốc. Lúc đầu tàu Trung Quốc còn im lặng, đậu lì. Sau đó họ cũng trả lời dối trá lại đây là vùng chủ quyền Trung Quốc, yêu cầu tàu VNCH phải rời ngay lập tức. Hai bên vờn nhau mãi không giải quyết được gì, trung tá San cảnh báo, rồi ra lệnh bẻ lái ủi thẳng vào chiếc tàu giả trang ngư nghiệp 407 của Trung Quốc theo hướng đẩy ra xa đảo. Mũi khu trục hạm Trần Khánh Dư cao lớn hơn, chồm lên đè bể một phần buồng lái chiếc tàu 407 làm nó và một chiếc gần đó hoảng sợ, phải lùi ra xa.”
Tính bác San bây giờ vẫn vậy, thẳng thắn và nóng tính nhưng đã học được cách nhẫn nại rồi. Ông cùng gia đình rời khỏi Việt Nam trước 30/4 mấy ngày, và đến nay chưa lần nào trở về. Ở Mỹ, ông đi học tiếp và đậu cử nhân ngành Cơ khí, làm kỹ sư và về hưu năm 2002. Vũ Hữu San đã biên khảo rất nhiều sách hàng hải, như cuốn Lược sử tổ chức Hải Quân VNCH, Địa lý biển Đông với Hoàng Sa & Trường Sa, Vịnh Bắc Việt & Chủ quyền hải phận, Tài liệu hải chiến Hoàng Sa, Sơ lược Hải sử& Thuỷ quân VN, Chiến hạm & Chiến đĩnh VNCH…Trong đó có cuốn Địa lý biển Đông với Hoàng Sa & Trường Sa vừa được NXB Trẻ tái phát hành.
Có người Việt nào ra đi mà không muốn trở về? Anh em ruột ông San, ngay cả cha ông là Vũ Hữu Soạn cũng gần ngót 100 tuổi mà vẫn liên tục bị từ chối visa nhập cảnh VN, không lý do. “Địa lý biển Đông với Hoàng Sa &Trường Sa” của ông trên mạng từ 1995, nhưng để xuất bản được trong nước thôi cũng mất gần 20 năm. Rất nhiều học giả phải dấn thân mới thể phát hành được.
Hạm trưởng HQ4 Vũ Hữu San sức giờ đã yếu; tui nói để post một tấm hình hiện tại lên đây nhưng ông bảo vừa bị bất tỉnh, mấy tuần lễ nay sức khỏe suy kiệt việc giờ chỉ đếm từng ngày. Rồi ông nhắn, kêu nhờ anh em trong nước tính giúp coi, có thể ra tiếp các tác phẩm khác của mình không. “Tôi không quan trọng nhuận bút, chỉ mong phổ biến những công trình làm việc 50 năm qua thôi!”
Ông san thường nói với tui, trên chiến hạmcó câu: “Steady as you go!” Nếu đã xác tín là đúng thì cứ vững tiến thôi! Đã gần 40 năm thống nhất, còn gì mà lăn tăn. Tới lúc cần có những thái độ rõ ràng và tích cực, nhất là đối với những người sống chết để bảo vệ biển đảo quê hương!
TB: Tới khuya hôm qua, một bạn Thanh Niên bức xúc: Dù Thanh Niên đã rất can đảm nhưng sáng nay (18/1/2014), 3 bài viết của mình nằm trong loạt bài 40 năm hải chiến Hoàng Sa bị đục bỏ sau 1-2 tiếng treo trên TNO bởi một lý do là kỷ niệm 64 năm quan hệ Việt-Trung. Rồi chương trình ca nhạc hát về biển đảo quê hương và Lễ thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa vào lúc 19 giờ hôm nay tại Công viên Biển Đông (Đà Nẵng) do Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa tổ chức cũng bị hủy bỏ.
Mỗi người tưởng niệm theo cách riêng của mình, với truyền thống kế thừa tốt đẹp của người Việt. 75 nghĩa sĩ đã ngã xuống ở Hoàng Sa,trong đó nhiều người chỉ còn có mộ gió.
Lê Nguyễn Hương Trà
Nguồn: 40 năm, kẻ ở người đi facebook. Lê Nguyễn Hương Trà. January 19, 2014. DCVOnline hieeji đính và minh họa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét