Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

(REPOST) Huế, 25 ngày kinh hoàng của 40 năm trước


Thưa quí vị, trong bài trình bày trước, để mở đầu cho loạt bài về biến cố Mậu Thân năm 1968 tại Huế, chúng tôi đã gởi đến những con số tổn thất nhân mạng, những nhận định liên quan đến vụ thảm sát nhiều ngàn người tại Huế trong tháng Hai năm 1968.

Watch the video Vietnam Battle for Hue on Youtube.
Hôm nay, chúng tôi xin tiếp tục phần thứ nhì. Trong phần này, xin gởi đến tiếng nói của những người trong cuộc, kể lại Huế trong 25 ngày kinh hoàng cách đây đúng 40 năm. Bên cạnh đó, các nhân chứng cũng không khỏi bùi ngùi nhớ lại đất cố đô những ngày trước thảm sát, trong một không khí thanh bình, cho dù vẫn còn văng vẳng xa xa tiếng đại bác. Biên tập viên Thiện Giao trình bày sau đây.
Những ngày giáp Tết Mậu Thân
1968, những ngày giáp Tết Mậu Thân, Huế vẫn bình yên, một tình trạng bình yên của thời chiến.
Huế, những ngày ấy, bỗng nhiên thanh bình hơn. Chợ hoa đầu cầu Trường Tiền vẫn mở. Chợ Đông Ba, dân chúng vẫn tụ tập, mọi người vẫn hớn hở.
Vẫn có tiếng đại bác xa xa vọng về, nhưng vẫn là một trạng thái yên bình.
Linh mục Phan Văn Lợi, vào thời điểm năm 1968, mới 17 tuổi, hồi tưởng:
“Tình hình tạm yên, vẫn nghe tiếng đại bác từ xa vọng về. Nhưng lúc ấy tôi thấy yên lành hơn. Vì thường thường hai bên đình chiến.”
Đình chiến, một danh từ hấp dẫn. Đối với Huế, đình chiến có nghĩa là được thêm vài chục giờ thanh bình.
Hồi tưởng lại những ngày giáp Tết Mậu Thân, ông Nguyễn Phúc Liên Thành, lúc ấy là Phó Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia tại Thừa Thiên cho biết:
“Huế những ngày ấy thanh bình hơn những ngày khác. Chợ Hoa đầu cầu Trường Tiền, Chợ Đông Ba, đông dân chúng tụ tập, mọi người hớn hở. Mọi người biết có thoả hiệp đình chiến giữa Việt Nam Cộng Hòa, đồng minh và Việt Cộng. Đình chiến 3 ngày Tết để dân chúng được hưởng một cái tết thanh bình giữa tình trạng chiến tranh.”
Từ Sài Gòn, những người gốc Huế cũng háo hức về đất thần kinh đón Xuân. Anh Nguyễn Xuân Thắng, năm 1968 vừa mới tròn 7 tuổi, nhớ lại:
“Mình là dân Huế, được về Huế thì rất mừng. Khung cảnh Huế yên tĩnh, rất thơ mộng. Tối 30, ông Bác dẫn về nhà ông nội ở đường Hàn Thuyên đối diện nhà luật sư Lê Trọng Quát. Tối đó người lớn đi chơi thì chở mình đi theo.”
Cộng sản bắt đi trên 500 người, thanh niên từ 15, 16 tuổi đến ông già 60, 70 bị đưa đi giam ở chùa Từ Đàm. Đến đêm, họ bị dẫn đi lên đường núi và qua sông. Sau đó tàn sát hết mọi người trong tư thế bị trói. Khi tàn sát thì dùng súng máy, trung liên, đại liên, cả lựu đạn. Các xác đó đã bị vùi xuống khe.
Tấn công ngay trong đêm Giao thừa
Khoảng thời gian đình chiến, theo tài liệu xuất bản tháng 8 năm 1968, do trung tá Phạm Văn Sơn chủ biên, trước định 48 giờ, sau được lệnh rút xuống 36 tiếng, nghĩa là, lệnh hưu chiến chỉ còn giá trị từ 18 giờ ngày 29 tháng Giêng đến 6 giờ ngày 31 tháng Giêng năm 1968.
Quân đội Bắc Việt chọn tấn công miền Nam đúng vào giờ giao thừa, và xem đó là một trong những bí mật của trận Mậu Thân. Đại Tướng Quân Đội Bắc Việt Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh, trận Mậu Thân có ba điểm bất ngờ, là mục tiêu, qui mô, và trên hết là thời điểm, đúng giao thừa:
“Ra đến cầu Tràng Tiền thì thấy xe tăng hai bên đường. Tôi nghe người lớn nói với nhau: Không biết chuyện gì xảy ra tối nay.”
Mà thật là như vậy, tối hôm ấy, mọi chuyện bắt đầu xảy ra.
Bộ Đội Bắc Việt đã có mặt trong thành phố Huế từ sáng sớm mùng Một Tết. Ông Trần Ngọc Huế, vào thời điểm đó, là Đại Đội Trưởng Đại Đội Hắc Báo thuộc Sư Đoàn Một Bộ Binh, kể lại rằng cho đến buổi tối, khi phía Bắc Việt bắt đầu tấn công, ông mới trực tiếp nhìn thấy bộ đội đặc công di chuyển vào sân bay Thành Nội. Ông thừa nhận, quân đội Bắc Việt có ưu điểm là giữ bí mật:
“Tối đó, sau khi bố trí đơn vị, tôi về nhà. Đến khuya thì một trung úy của tôi lái xe đi tuần. Tôi nói, mai về sớm để đón tôi vào đơn vị. Đến khuya thì phía Bắc Việt bắt đầu đánh. Tôi mặc áo quần rồi lấy chiếc xe đạp ra đi. Trên đường đi, tôi thấy Đặc Công tiến vào sân bay Thành Nội. Họ đi lúp xúp, tôi nhìn kỹ, thấy không phải mình. Khi thấy họ ngụy trang đi quẹo vào phi trường. Tôi đi chầm chậm sau đó, rồi băng qua cống Vĩnh Lợi rồi đánh kẻng báo động.”
Đến 2 giờ 33 phút sáng ngày mồng Hai, những trái đạn pháo đầu tiên bắt đầu bắn vào phi trường Tây Lộc, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Một Bộ Binh và một số địa điểm tại Quận 3 thuộc thị xã Huế.
Communist-Massacre-Hue2-1968_200.jpg
Thân nhân họ hàng đứng cạnh các bộ phận thân thể vừa được đào lên từ các mộ tập thể trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Photo courtesy of Wikipedia.
Ông Trần Ngọc Huế nhớ lại, có thời điểm, Đặc Công của phía Bắc Việt đã vào đến bên trong Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Một Bộ Binh, cách phòng tướng tư lệnh Ngô Quang Trưởng chỉ có 30 mét, và tướng Trưởng cũng đang có mặt tại đó:
“Đặc công đã vào trong bộ tư lệnh Sư Đoàn Một rồi. Lúc đó là 10 giờ sáng, chuẩn bị mở đường máu vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn để giữ an ninh cho bộ tư lệnh. Đặc công chỉ còn cách văn phòng tướng Trưởng 30 mét.”
Cuộc thảm sát kinh hoàng
Chiếm thành phố Huế đến đâu, phía Bắc Việt lập Chính Quyền Cách Mạng đến đó. Ông Nguyễn Phúc Liên Thành kể lại, khi Việt Cộng làm chủ Huế qua ngày thứ hai thì họ bắt đầu thành lập chính quyền Cách Mạng.
Cụ thể, tại Quận Nhì, Thành Ủy Viên Thành Ủy Huế Hoàng Kim Loan, cấp trung tá, đứng đầu cùng Hoàng Lanh. Chính quyền Quận Nhất cũng được thành lập. Riêng Quận 3 chưa kịp nhưng được giao cho đại tá Bảy Lanh, phụ trách an ninh thành.
Ông Liên Thành nhớ lại: “Sau khi lập chính quyền thì bắt đầu thảm sát. Đầu tiên họ kêu gọi quân nhân cán chính trong thành phố Huế ra trình diện. Sau khi trình diện thì được cấp giấy, có quyền đi lại, coi như giấy thông hành. Những người này về nói lại với những người khác, người kế tiếp ra trình diện. Đến lần thứ 3 thì họ yêu cầu tất cả những người đã trình diện lần l và 2 ra trình diện lại, đây là lần quyết định. Và cuộc thảm sát xảy ra.”
Đầu tiên là những tòa án nhân dân: “Ngay lúc đầu, có một số người bị đưa ra tòa án nhân dân xử và chôn sống tại Bãi Dâu, tại vùng Chùa Áo Vàng gần chùa Diệu Đế và một số nơi khác trong Quận Nhì.”
Tiếp theo là Dòng Chúa Cứu Thế và nhà thờ lớn Phủ Cam: “Riêng tại Quận Ba, Việt Cộng bắt đi hơn 500 người đang trốn trong Dòng Chúa Cứu Thế, dẫn đi hết, rồi chôn sống. Tội nghiệp nhất là một số nạn nhân hoàn toàn không dính dáng gì đến chính quyền. Ngoài ra, trong số này còn có một người rất tiếng tăm là Thượng Nghị Sĩ Trần Điền. Ngoài ra, tại vùng Phủ Cam, bốn ngày sau khi Việt Cộng chiếm Huế, Nhà Thờ Lớn Phủ Cam bị ập vào, bắt đi 300 thanh niên sau này được tìm thấy xác ở vùng phía tây Nam Hoà, tức vùng núi dọc khe Đá Mài, lăng Gia Long.”
Massacre_Hue1-1968_200.jpg
Các quan tài của những nạn nhân chưa nhận dạng nằm trong một trường học tại Huế, Tết Mậu Thân, 1968. Photo courtesy of Wikipedia.
Đã có bao nhiêu người bị giết, và đã có bao nhiêu địa điểm chôn người? Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân Biểu đại diện khu vực Thừa Thiên, nói rằng con số 5 đến 6 ngàn người là không sai lệch mấy. Và khoảng 22 địa điểm trở thành nơi che dấu các thi hài:
“Tại thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, 22 địa điểm tìm được là các mồ chôn tập thể. Trong 22 địa điểm này, người ta đếm được 2,326 sọ người. Sau tết, chúng tôi lập Hội Gia Đình Nạn Nhân Cộng Sản trong Tết Mậu Thân. Các gia đình kê khai có người chết, có người mất tích, lên đến 4,000 gia đình. Người ta ước tính vào khoảng 6,000 người. có nhà báo ước tính 5,000. Chúng tôi cho con số 5 đến 6 ngàn là không sai lệch lắm đâu.”
Ông Nguyễn Lý Tưởng kể rằng, cuộc tìm kiếm nạn nhân Tết Mậu Thân bắt đầu từ giai đoạn Tết đến mùa Hè năm 1968 và đỉnh điểm là vụ Khe Đá Mài, thuộc đỉnh núi Đình Môn Kim Ngọc, tại đây, khoảng 400 bộ hài cốt đã được tìm thấy. Những hài cốt tìm thấy tại Khe Đá Mài chính là của những người trú ẩn tại xứ đạo Phủ Cam, thuộc làng Phủ Cam, xã Thủy Phước, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên:
“Cộng sản bắt đi trên 500 người, thanh niên từ 15, 16 tuổi đến ông già 60, 70 bị đưa đi giam ở chùa Từ Đàm. Đến đêm, họ bị dẫn đi lên đường núi và qua sông. Sau đó tàn sát hết mọi người trong tư thế bị trói. Khi tàn sát thì dùng súng máy, trung liên, đại liên, cả lựu đạn. Các xác đó đã bị vùi xuống khe.
Từ Tết, tức tháng 2 năm 1968 đến tháng 9 năm 1969, khoảng 20 tháng, có một số người của Cộng Sản về hồi chánh, họ chỉ. Mở đường hành quân vào tìm, thì tìm được. Sọ người xương người dồn đống dưới khe. Nơi đây thuộc quận Nam Hòa, có tên là Khe Đá Mài, thuộc vùng núi Đình Môn Kim Ngọc.
Quân đội mang hết xương và sọ về để tại một trường tiểu học thuộc quận Nam Hòa, các đồ vật gồm có thẻ căn cước bọc nhựa, có áo quần, đồ dùng, vật kỷ niệm mang theo trong người. Hàng ngàn thân nhân đến tìm. Nhờ đó, gia đình tìm được dấu vết. Trong số các nạn nhân, có cả học trò tôi, như em Phan Minh, Bùi Kha, mới 16, 17 tuổi.”
Một trong các vụ thảm sát gây phẫn nộ dư luận quốc tế là vụ giết 4 bác sĩ người Đức sang giảng dạy và làm việc tại trường Đại Học Y Khoa Huế. Trong bài viết “The Vietcong Massacre at Hue,” xuất bản năm 1976, một bác sĩ có tên Elje Vannema, kể rằng ông bà bác sĩ Horst Gunther Krainick và hai bác sĩ Raymund Discher cùng Alterkoster đã bị giết trong tháng Hai năm 1968 tại chùa Tường Vân hoặc một vùng đất nhiều cây cối cách chùa chừng nửa dặm, nơi người ta tìm thấy thi hài của các nạn nhân. Bác sĩ người Pháp, có tên Le Hir khám nghiệm tử thi các nạn nhân cho biết có dấu vết đạn xuyên qua đầu và ót.
Ngày 13 tháng Tư, linh cữu đưa thi hài các bác sĩ này rời Việt Nam, về Đức. 250 sinh viên y khoa Huế và Sài Gòn cùng đội quân danh dự của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đi theo chiếc xe có bốn ngựa kéo, bên trên chở linh cữu của các ân nhân.
Chiến sự tiếp diễn trong thành nội Huế đến ngày 22 tháng Hai. Vào ngày này, các lực lượng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã kết thúc 2 trận đánh quan trọng, đẩy phía Bắc Việt lui khỏi Đại Nội, nơi cung điện các vua triều Nguyễn, và kéo lá cờ Việt Nam Cộng Hoà lên thay cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại Kỳ Đài ở Phu Văn Lâu.
Hai ngày sau đó, chiến trường Huế chấm dứt. Huế lại trở về vòng kiểm soát của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Vừa rồi là những nét chính về tình hình Huế những ngày trước và trong khi quân đội Bắc Việt kiểm soát thành phố. Như đã trình bày, gần như ngay lập tức sau khi kiểm soát Huế, Bắc Việt đã cho thành lập chính quyền và bắt đầu các cuộc thảm sát. Trong bài tiếp theo vào kỳ sau, biên tập viên Thiện Giao sẽ trình bày tổng quát kế hoạch tái chiếm Huế, hai trận đánh đặc biệt tại Đại Nội và Kỳ Đài Phu Văn Lâu qua lời kể của những người tham gia trận đánh. Cuộc truy tìm và cải táng nạn nhân trong các mồ chôn tập thể sau khi quân đội miền Nam cùng đồng minh tái chiếm Huế được thực hiện ra sao? Những nhân chứng cũng sẽ trình bày lại ký ức của những ngày đau buồn ấy, 40 năm trước.

Thiện Giao, 
phóng viên đài RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét