Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Dương Chí Dũng và những lời khai 'dưới giá treo cổ' chấn động

Lương Liễu -  Lại Cường
Sau khi bị tuyên án tử trong phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Dương Chí Dũng đã có những lời khai gây rúng động dư luận. Theo quan điểm của bị cáo này "sự thật không giấu được".

 Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tâm lý tội phạm, xét theo mọi khía cạnh, "lời khai phút thứ 89" của Dương Chí Dũng cũng hoàn toàn bình thường. Trên thực tế, đã có rất nhiều bị cáo lĩnh án tử đã khai ra đồng bọn vào phút chót và dù xuất phát từ động cơ gì thì những hành động cuối cùng này cũng chỉ nhằm cứu mạng chính bị cáo đó!


Dương Chí Dũng và sự thật chấn động

Sau 3 ngày (từ 12 đến 14/12/2013) xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Dương Chí Dũng đã bị tuyên tử hình về tội tham ô tài sản và 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là tử hình.

Ngay trong phiên tòa này, Dương Chí Dũng đã "hé lộ" một thông tin động trời rằng Dũng bỏ trốn nhờ một cú điện thoại của "người quen" và Dũng xin phép không tiết lộ tên của người này.

Tuy nhiên, khi tham dự phiên tòa sơ thẩm xử Dương Tự Trọng (em trai Dũng) và đồng phạm trong vụ án tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài, Dương Chí Dũng đã quyết định tiết lộ danh tính người đã báo tin cho mình vì theo Dũng "sự thật không thể giấu được". 

 Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc Dương Chí Dũng bỏ trốn đã gây không ít khó khăn cho công tác điều tra vụ án tham nhũng xảy ra ở Vinalines. Khi bị bắt, trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng luôn tiền hậu bất nhất về nhân vật đã "mật báo" để Dũng bỏ trốn.

Trong phiên tòa xét xử bị cáo Dương Tự Trọng, HĐXX cho biết, tòa không khống chế lời khai của Dũng, yêu cầu Dũng khai rõ những gì Dũng muốn nói. Tất cả những người dự khán cũng như những ai quan tâm đến vụ án này đều "chết lặng" khi Dương Chí Dũng khai ra người đã "mật báo" cho Dũng bỏ trốn. Dũng khai: Trưa 17/5/2012, Dương Chí Dũng có điện cho một vị lãnh đạo bộ Công an để hỏi thăm. Ông này nói đang đi công tác. Tới chiều tối cùng ngày, Dương Chí Dũng gọi điện lại thì được vị cán bộ cao cấp này nói Dũng đã bị khởi tố và sẽ bị bắt tạm giam, đồng thời khuyên Dũng nên tắt điện thoại lánh đi một thời gian...

Vẫn theo lời Dũng thì sau khi nhận được “mật báo” từ vị cán bộ trên, Dương Chí Dũng đã điện thoại cho em trai là Dương Tự Trọng và Trọng đã tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài.

Cũng trong phiên tòa này, Dương Chí Dũng còn khai đã đưa cho vị cán bộ nói trên 500.000 USD tại nhà riêng của vị này với mục đích nhờ ông "giúp đỡ chạy án". Và 1 triệu USD trong "phi vụ" dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn.

Đây là tình tiết hoàn toàn mới bởi trước đó, suốt quá trình điều tra, Dũng không hề "hé răng" về vị cán bộ cao cấp này. Ngày 8/1, sau khi tuyên án đối với 7 bị cáo trong vụ án tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, HĐXX đã công bố quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật Nhà nước theo Điều 263 Bộ luật Hình sự và đề nghị điều tra làm rõ những tình tiết mới nói trên.

Hy vọng phút thứ 89?

Bình luận về lời khai của Dương Chí Dũng, nhiều người đã liên tưởng tới vụ án ma túy lớn đã từng chấn động dư luận cả nước, Vũ Xuân Trường - Xiêng Phênh khi phút cuối cùng chuẩn bị ra pháp trường, Xiêng Phênh đã khai ra "ông anh" Vũ Xuân Trường. Nhờ lời khai này, Phênh đã thoát án tử trong gang tấc.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 18/1/1995, Xiêng Phênh cùng em họ vợ là Xiêng Nhông, trú bản Xốp Nạo, Mường Mày, tỉnh Phong Xa Lỳ (Lào) lái chiếc Toyota biển số Lào 0054 lướt trên đoạn đường Giảng Võ - Đê La Thành, Hà Nội thì bất ngờ bị cảnh sát chặn lại. Qua kiểm tra, khám xét lực lượng cảnh sát phát hiện 90 bánh hêrôin (trọng lượng 15,05kg) được giấu ở các ngóc ngách trong chiếc xe. Ngay lập tức Xiêng Phênh và Xiêng Nhông bị bắt. Khi hầu tòa, Xiêng Phênh đã phải lãnh án tử. 

Ngày 21/6/1996, Xiêng Phênh được đưa vào phòng để làm các thủ tục trước khi thi hành án tử hình. Biết mình sắp chết, y đã hoàn toàn suy sụp và trong giây phút cuối cùng, y đã khai toàn bộ sự thật về một "người anh" trong đường dây buôn bán ma túy khủng này.

Trùm ma túy Xiêng Phênh cười tươi tại phiên tòa xét xử đường dây ma túy Vũ Xuân Trường.
 Xiêng Phênh đã thừa nhận rằng, y đinh ninh rằng hai ông anh Vũ Xuân Trường và Vũ Hữu Chỉnh sẽ tìm cách cứu y ra ngoài nên trong suốt quá trình điều tra, y đã không khai ra bất kỳ ai. Nhưng Phênh không ngờ rằng chính Vũ Xuân Trường (lúc đó là Đại úy thuộc cục Cảnh sát hình sự) lại là người cung cấp thông tin để Thiếu tá Vũ Hữu Chỉnh (Phó phòng 8, cục Cảnh sát kinh tế cũ) bắt hắn. Đến lúc chuẩn bị lê bước ra pháp trường, trong giờ phút cận kề cái chết, hắn đã xin khai toàn bộ sự thật.

Khi đó Trung tá Nguyễn Đức Nhanh (nay là Trung tướng, nguyên Giám đốc công an TP.Hà Nội) là Trưởng phòng cảnh sát điều tra, thành viên hội đồng thi hành án tử hình xin được đứng ra bảo lãnh, chịu trách nhiệm về việc hoãn thi hành án đối với Xiêng Phênh để tiếp tục mở rộng điều tra. Từ lời khai của Xiêng Phênh, đường dây buôn bán ma túy lớn của Vũ Xuân Trường và một số cán bộ công an, biên phòng cùng nhiều đối tượng liên quan khác lần lượt bị bắt.

Hai năm sau, Vũ Xuân Trường cùng đồng bọn bị đưa ra thi hành án tử hình, còn Xiêng Phênh, bằng "lời khai ở phút 89" đã giúp công an Việt Nam triệt phá được đường dây ma túy cực lớn đã được hưởng lượng khoan hồng, giảm án từ tử hình xuống chung thân. Trong suốt 15 năm ngồi tù, Phênh luôn chấp hành tốt nội quy của trại nên sau 5 lần giảm án, y được đặc xá đúng vào dịp Quốc khánh 2/9/2010.

Tuy nhiên ngay sau đó, do ngựa quen đường cũ, tên trùm ma túy này lại bị bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh và Công an tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) bắt giữ.

Những lời khai chấn động

Sau hai ngày xét xử (27/12 và 30/12/2013) sơ thẩm vụ án giết người, gây rối trật tự công cộng và không tố giác tội phạm xảy ra vào cuối tháng 4/2013 ở Hải Phòng, mọi người tham dự phiên tòa đã vỡ òa khi lời khai phút cuối cùng của hung thủ khiến mọi kết luận của cơ quan điều tra "bị đổ". Phiên tòa kết thúc bằng việc "trả hồ sơ điều tra bổ sung" bởi bị cáo bị truy tố về tội giết người trước đó đã bị thay đổi.

Theo cáo trạng của VKSND TP.Hải Phòng, khoảng 23h40' ngày 29/4/2013, Phạm Hoàng Sơn, Lê Anh và 5 người nữa đã đến quán rượu để uống rượu. Tại đây xảy ra mâu thuẫn, Phạm Hoàng Sơn đã dùng dao đâm anh Nguyễn Văn T. (một khách hàng tại quán) tử vong. Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, Phạm Hoàng Sơn không nhận việc dùng dao đâm chết anh T.. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của nhóm bạn đi cùng và các chứng cứ thu thập, cơ quan điều tra xác định Sơn chính là hung thủ. Đối với Lê Anh, khi thấy Sơn đánh nhau với anh T. và bị T. đạp ngã thì Lê Anh xông vào đấm, đá anh T., tạo điều kiện để Sơn vùng dậy dùng dao đâm anh T..

VKSND TP.Hải Phòng đã truy tố Phạm Hoàng Sơn, Lê Anh về tội giết người; truy tố các bị can còn lại về tội gây rối trật tự công cộng và tội không tố giác tội phạm.

Tuy nhiên tại phiên tòa ngày 30/12, điều bất ngờ là vào phút cuối, bị cáo Lê Anh đã xin khai lại. Mặc dù được đại diện VKS đề nghị chuyển tội danh có khung hình phạt nhẹ hơn nhưng bất ngờ Lê Anh thừa nhận mình mới chính là người dùng dao đâm anh T. chứ không phải là Phạm Hoàng Sơn.

Với tình tiết mới xuất hiện tại tòa, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra lại vụ án này. Cùng với quyết định này, vụ án lại trở về với vạch xuất phát: Điều tra!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét