Thú linh trưởng, chim sẻ nhà, chim cu cu... là những "phụ huynh" sẵn sàng vứt bỏ, giết chết con non của mình hay loài khác.
Những loài động vật muốn tồn tại lâu dài trong tự nhiên buộc phải có cách thích nghi với cuộc sống đầy biến động và hiểm nguy. Để duy trì được nòi giống, một số loài động vật đã hình thành những tập tính rất kì quặc, chúng chấp nhận mang tiếng “xấu” để có thể tồn tại và phát triển được một cách tốt nhất…
Cùng điểm lại một vài ông bố bà mẹ "tồi tệ" trong thế giới động vật này qua danh sách của trang Mentafloss.
1. Bộ linh trưởng (Vượn cáo đuôi vòng, voọc xám): giết chết con nhỏ
Linh trưởng là một trong những bộ tiến hóa nhất trong giới động vật. Việc sinh sản và nuôi dạy con cái của nhóm thú linh trưởng cũng tiến bộ hơn so với các động vật khác. Tuy vậy vẫn còn không ít loài linh trưởng có hành động rất kì lạ, tàn bạo - giết chết những đứa con nhỏ không thương tiếc.
Một số loài linh trưởng thường có tập tính này có thể kể đến như: vượn cáo đuôi vòng (Lemur catta), khỉ đầu chó, voọc.
Ở loài voọc xám có trường hợp những con đực trưởng thành còn độc thân “kết bè” thành một băng đảng chuyên đi phá rối các gia đình khác. Chúng thường đánh đuổi “ông bố” trước, rồi “tự xử” nội bộ nhóm để chọn ra kẻ mạnh nhất - có quyền giao phối với “bà mẹ”. Con đực chiến thắng trong trận chiến này sẽ giết chết các con non trong gia đình để tái thiết một tổ ấm mới.
Khỉ đầu chó - một trong những loài linh trưởng có tập tính giết trẻ nhỏ.
Hành động loại bỏ các con non đang trong thời kì bú sữa mẹ của “ông bố mới” sẽ khiến voọc mẹ động dục trở lại và tăng thêm sức để giao phối. Với loài khỉ đầu chó ở Cựu lục địa, nếu khỉ mẹ đang mang thai thì “bố dượng” chẳng cần phải ra tay, bởi khỉ mẹ sẽ loại bỏ chính con mình bằng cách tự sẩy thai.
Theo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu trường ĐH Michigan (Hoa Kỳ) để làm việc này, cơ thể của khỉ mẹ sau khi nhận tín hiệu có “chồng mới” sẽ tiết những hormone đặc biệt để phá hủy cái thai và sau đó động dục trở lại để có thể thực hiện giao phối càng sớm càng tốt.
Những đứa con luôn được ba mẹ chúng bao bọc an toàn cho đến khi một con đực khác nhập đàn.
Mặc dù tập tính này có phần man rợ nhưng chúng lại mang một ý nghĩa sinh thái rất quan trọng. Việc giết chết chính con non của mình sẽ giúp chúng điều chỉnh mật độ quần thể và cũng có thể coi đó là một sự chọn lọc tự nhiên để tạo ra những thế hệ con với sức sống cao hơn, mang nguồn gene tốt hơn.
2. Họ chim cu cu: Lười nuôi con, đẻ trứng vào tổ chim khác
Đây là họ chim rất lười biếng trong việc nuôi con. Đa số loài thuộc họ chim cu cu (chim chích, cu cu mỏ vàng... ) này có hiện tượng kí sinh tổ, tức là đi đẻ trứng vào tổ chim của những con chim khác.
Quả trứng của loài chim kí sinh tổ trông gần giống với các quả trứng còn lại.
Nhưng sự “lười biếng” này cũng chính là điều “khôn lỏi” của những con chim chuyên đi đẻ nhờ. Hành động đó giúp chúng có nhiều thời gian để kiếm ăn và sinh sản hơn trong khi, con cái của chúng lại có tỉ lệ sống sót cao hơn trước những nguy cơ từ tự nhiên. Tuy vậy, đối với các con chim bị đẻ nhờ vào tổ thì đây là điều không may mắn, chúng có thể bị tụt lại trong cuộc đua tiến hóa.
Cận cảnh một chú chim non mới nở đẩy trứng chính chủ ra khỏi tổ.
Trứng của chim kí sinh trông gần giống với trứng của chim “bố mẹ nuôi” nên chúng vẫn vô tư ấp nó cho đến khi nở. Quả trứng này đã được canh để nở trước những quả trứng “chính chủ” một vài ngày. Sau khi ra đời, con chim non sẽ đẩy tất cả các quả trứng con ruột của bố mẹ nuôi ra khỏi tổ để loại bỏ sự cạnh tranh.
Chim mẹ đáng thương không biết gì vẫn cần cù nuôi con của người khác.
Bố mẹ nuôi đáng thương vẫn ngỡ đó là con của mình nên chăm sóc vô cùng chu đáo cho đến khi chim non lớn lên và bay đi. Khi phát hiện chim khác lén chèn thêm trứng con mình vào tổ và đẩy bớt trứng đi, bố mẹ chim kí sinh sẽ trở thành những mafia chính hiệu.
Chúng sẽ bay đến phá tổ, đánh chim non để trả thù đối phương vì… không nuôi con hộ mình. Tuy tàn nhẫn nhưng đây là một cách tiến hóa để thích nghi rất độc đáo của những loài chim này trong việc sinh sản và nuôi con.
3. Chim sẻ nhà: Giết chết "con riêng"
Chim sẻ nhà - cô vợ nóng tính.
Chim sẻ nhà là một loài chim phân bố rộng trên thế giới. Chúng thường làm tổ trong nhà người dân, ở mái hiên hay các vách nứt. Tới mùa giao phối vào mùa xuân, các con đực sẽ tìm kiếm một vùng lãnh thổ, bảo vệ nó và tạo dựng chiếc tổ thật đẹp để thu hút con cái. Sau khi bắt cặp được với một cô chim và có con, sẻ đực sẽ “lăng nhăng”, tìm nơi để xây dựng một gia đình mới.
Hình ảnh tổ của một con chim sẻ mái sau khi bị đánh ghen.
Giống như con người, chim sẻ mái sẽ vô cùng tức giận và sẽ tìm cách đánh ghen bằng cách tìm ra “cô đào” mới của chồng và phá tổ, giết chết những đứa con vô tội của “ả” đó không thương tiếc.
Vì phải nuôi một bầy con nên chim sẻ mái rất cần sẻ trống hỗ trợ.
Bằng cách này, chim sẻ trống buộc phải dành nhiều thời gian hơn để kiếm ăn và bảo vệ cho những đứa con cũ. Không thể một mình nuôi hết một bầy con mới nở nên chim sẻ mái buộc phải tấn công, tiêu diệt những đứa con “ngoài giá thú” để tăng khả năng sống sót cho con ruột của mình. Dù sao đi nữa, đây cũng là một hành động hơi “quá tay” của loài chim nhỏ bé này.
4. Gà lôi nước: Tiêu diệt con của đối thủ
Gà lôi nước là một loài chim thuộc họ Trĩ, bộ Gà. Chúng thường sống ở các vùng ao hồ, đầm lầy nước ngọt để kiếm ăn. Trong bộ Gà thường có sự phân biệt giữa đực và cái rất rõ rệt - con trống đẹp thì thường đa thê, nhiệm vụ sinh sản và chăm sóc con cái là của những con mái.
Nhưng ở loài gà lôi nước thì ngược lại - gà mái đẻ trứng nhưng gà trống mới là những người chịu trách nhiệm chăm sóc trứng cho đến khi trứng nở. Con mái sẽ đi vòng quanh để bảo vệ lãnh thổ và tranh thủ kiếm thêm vài bạn tình khác. Nó tiếp tục giao phối, đẻ trứng và để lại cho gà trống chăm sóc.
Điều đặc biệt là những bà mẹ gà lôi nước này có hành động giành bạn tình rất “giang hồ”, nó đã được phát hiện trong nghiên cứu của Emlem và Demong. Trong vùng lãnh thổ, nếu nó phát hiện ra có một con mái nào khác đang làm tổ, đẻ trứng, hay ve vãn con đực “trong tầm kiểm soát”, nó sẽ ngay lập tức tổ chức một cuộc “khủng bố” vào buổi chiều và đêm.
Cuộc chiến giữa hai bà mẹ.
Gà mẹ sẽ đến gây chiến, chúng đánh nhau một trận một mất một còn, kẻ chiến thắng sẽ có được “ông chồng lý tưởng” để chăm sóc con. Chưa dừng lại ở đó, bà mẹ sống sót sẽ đi phá tổ của kẻ bại trận, tiêu diệt cả những đứa con non vô tội, thậm chí cả những đứa con chưa kịp ra đời.
Không những không làm tròn nhiệm vụ của một người mẹ là chăm sóc, nuôi dạy con cái, gà lôi nước mái còn trở thành “dân anh chị” khi có nhiều hành động rất bạo lực trên. Tuy nhiên, xét trên mặt sinh thái học, đó là một cách rất độc đáo mà chúng đã chọn để thích nghi với cuộc sống, để tồn tại cho đến ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét