Những kẻ khủng bố, Khodorkovski i Pusy Riot, đối lập, Phương Tây và những người đồng tính – danh sách kẻ thù của nước Nga của Putin dài và khác nhau. Trong danh sách này, một số có thật, số khác do tưởng tượng. Tất cả chúng có thể có lợi cho chính quyền, đặc biệt trước thế vận hội mùa đông.
Dân Nga hiện nay có cuộc sống tốt hơn dưới thời khủng khoảng của tổng thống Yelsin, vậy với lương tâm trong sạch, Vladimir Putin có thể cống hiến cho xã hội một thế vận hội. Thời tiết có thiếu tuyết cũng không thể làm hỏng thế vận hội vì đã có tuyết được dự trữ. Sẽ không có ai làm lu mờ thành tích của các vận động viên Nga, vì không có các đối thủ cạnh tranh ngang tầm. Sự vắng mặt của các chính khách phương Tây trong lễ khai mạc hay bế mạc, sẽ không làm hỏng hình ảnh của thế vận hội, bởi có thể thay thế thủ tướng Đức Angela Merkel hay tổng thống Pháp Francois Hollande bằng các nhà lãnh đạo các nước thuộc Liên Xô cũ, châu Á hay châu Phi.
Chỉ những kẻ khủng bố từ Kavkaz, đặc biệt là các chiến binh của Dok Umarov, những người đòi thành lập một nhà nước Hồi Giáo ở Kavkaz, có thể làm gián đoạn thế vận hội, họ là những láng giềng của Sochi. Những chiến binh này tiếp tục võ trang chống lại quân Nga tại Chechnya, người ta cho rằng, chính họ đã thực hiện các cuộc nổ bom khủng bố ở Volgagrad. Nhóm chiến binh của Dok Umarov không phải là nhóm khủng bố duy nhất, nhưng là nhóm Hồi Giáo cứng rắn nhất ở Nga mà Putin đã tuyên chiến trong thông điệp đầu năm vừa qua.
Tổng thống Putin cảm thấy thích thú trong vai trò của người đi săn. Trước đây, nhờ mấy vụ nổ bom khiêu khích, ông đã trấn áp giới chính trị Nga và tiến hành cuộc chiến Chechnya lần thứ 2. Nhờ kẻ thù mà Putin đã tạo ra hệ thống phản ứng mạnh, điều này vừa là sự thật, vừa là tưởng tượng. Nếu kẻ thù chiến thắng, hoặc thất bại hoàn toàn đều có thể tạo ra sự không an toàn cho hệ thống.
Những người da màu
Trong hai thập kỷ qua, nước Nga giầu lên đã thu hút vài triệu người nhập cư. Trong cùng thời gian này, chỉ có Mỹ tiếp nhận số người đến định cư nhiều hơn. Các thành phố lớn của Nga càng ngày càng trở nên bài ngoại, dân chúng nói thẳng rằng, họ không thể chấp nhận số người da màu xuất hiện ngày một nhiều trên đường phố, trong xe điện ngầm.
Tháng 10 năm ngoái, ở một quận của Moskova, công an đã bắt giam 380 người. Những người này đã đập phá một chợ rau của những người buôn bán đến từ Trung Á và vùng Kavkaz, vì một người bị cáo buộc tội giết một thanh niên Nga 26 tuổi đang ẩn náu ở đây.
Hai tuần lễ sau ngày đập phá chợ rau , ngày lễ Đoàn Kết Dân Tộc, ghi nhớ quân Nga đánh đuổi quân Ba Lan ra khỏi Kreml*, Ngày lễ truyền thống này có hàng chục ngàn người theo chủ nghĩa dân tộc tham gia diễu hành.
Trong cả hai sự kiện kể trên, những người tham gia đều hô cùng một khẩu hiệu: ”Nước Nga để cho người Nga”. Theo Trung tâm nghiên cứu dư luận quần chúng độc lập Juri Levada, 60% người Nga được hỏi cho rằng, không có điều gì đáng chê trách trong khẩu hiệu này. ”Chúng ta đã biết đến sự tan giã của các đế quốc già cỗi trước đây. Người Anh, người Pháp đã cố gắng bằng mọi giá để duy trì chế độ thực dân, chỉ đến khi thất bại họ mới chuyển sang khuyến khích nhập cư” – Fiodor Lukainov tổng biên tập tạp chí „ Nước Nga trong toàn cầu hóa” nói.
Phong trào Hồi Giáo phát triển mạnh sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, các cuộc chiến ở vùng Kavkaz, những nhóm tội phạm và khủng bố xuất phát từ đây đã kích thích chủ nghĩa Sô Vanh phát triển nhanh. Và nó đã không mất đà, càng ngày nó càng có nhiều người ủng hộ. Tình hình này có thể đem đến tín hiệu xấu cho các nhà lãnh đạo, họ phải tiếp tục đi tìm mô hình một nhà nước đa chủng tộc, phức hợp, trong đó hàng trăm dân tộc cùng chung sống. Nhưng khi thiếu những người da màu, chính quyền sẽ gặp khó khăn vì thiếu lao động cho nền kinh tế quốc gia. Giải quyết vấn đề di trú bằng cách nào cho hoàn thiện?
Thoạt nhìn vào, mọi việc đều tốt đẹp, nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc được Kreml khuyến khích, đề cao lòng tự hào về quá khứ dân tộc Slav và Chính Thống Giáo. Nhưng với vị trí địa chính trị, Nước Nga trong tương lai muốn ràng buộc các nước như Tazykistan, Kirgistan và Azerbayzan…, họ phải mở cửa thị trường lao động của mình cho công dân các nước này, nhưng Nga lại không muốn như vậy. Mặc dù theo tinh toán dân số học, trong tương lai gần, Nga sẽ trong trạng thái báo động về thiếu lao động . Theo tính toán của các nhà dân số học, dân số Nga đang già đi, yêu cầu cần vài triệu người nhập cư. Nhưng hiện nay chiều hướng xua đuổi những người da màu vẫn bám chắc trong xã hội Nga.
Đối lập trẻ
Putin không phải sợ các nhà đối lập chính trị, nhưng không có nghĩa là họ không cần thiết cho ông. Trong khối cử tri Nga, 45% sống ở các tỉnh, 20% sống ở các thành phố trên một triệu dân, số còn lại sống ở nông thôn.
Những người ở các tỉnh thì bảo thủ, sống phụ thuộc vào nhà nước, vẫn nhớ tiếc thời XHCN, chính thành phần cử tri này quyết định kết quả các cuộc bầu cử. ”Cử tri ở các thành phố không thích chế độ, họ ủng hộ các thành phần đối lập, họ hoàn toàn không hiểu biết các vấn đề của các tỉnh nên họ không hiểu tại sao cử tri ở các tỉnh lại ủng hộ Putin.”- Lev Gudkow, nhà xã hội học, giám đốc trung tâm Juri Levada nói. Sự chia rẽ của xã hội cho phép những quan chức bảo vệ lợi ích riêng tư của họ, vì vậy nhà chính trị nào muốn thách thức tổng thống, không thể đứng vững trước những phê phán đưa ra. Cần tiến hành hàng loạt cuộc đấu tranh chống tham nhũng và nhắc nhở các sứ mệnh lịch sử mà nước Nga phải thực hiện. Aleksei Navalny, cựu cố vấn cho một thống đốc vùng thuộc đảng của Putin, nay là một nhà đối lập đã thổi một luồng gió mới vào phong trào đối lập Nga. Anh có ưu điểm của thế hệ trẻ so với những nhà đối lập đã quen thuộc với phương Tây như cựu phó thủ tướng Boris Niemcov.
Khác với những nhà đối lập các thế hệ trước, anh bắt đầu nổi tiếng nhờ viết blog, trên blog anh công bố những hành động tham nhũng của các quan chức chính quyền, phê phán những tập tục hồi giáo, yêu cầu giới hạn cung cấp nhu cầu cho vùng Kavkaz thuộc Nga. Navany chỉ ra rằng, những người Nga không hài lòng, họ mong muốn trước hết phải giải quyết vấn đề người nhập cư, chứ không phải vấn đề bầu cử tự do hay các luật lệ khác mà giai cấp trung lưu, giống như ở các nước phương Tây giầu có yêu cầu.
Mùa đông năm 2011/12 Navany đã dẫn đầu cuộc biểu tình phản đối gian lận trong bầu cử, khởi đầu hàng loạt các phản đối chính trị. Các nhà đối lập thế hệ già đã bị bất ngờ trước các cuộc phản đối này, họ đã không lợi dụng được các ưu thế của nó. Tổng thống Putin cũng không mong đợi sự kiện này. Phe đối lập không đe dọa cương vị của Putin, nhưng những cuộc phản đối đã buộc Viacheslav Volodin, người đứng đầu văn phòng chính trị của Putin phải điều chỉnh hệ thống chính trị. Ê kíp của tổng thống tiếp tục tập trung quyền lực ở trung ương. Nhưng đã thỏa thuận để các thành phần đối lập cạnh tranh ở các cấp địa phương, thị trưởng các thành phố và các chức vụ ảnh hưởng trong dân chúng ở cấp vùng. ”Kreml muốn đối lập hiểu rằng, họ sẽ được chia sẻ lãnh đạo ở địa phương nếu thực sự được dân chúng ủng hộ”- Fiodor Lukianow giải thích. Nhưng con đường này còn dài. Tháng 09 năm ngoái, trong cuộc tranh cử chức thị trưởng Moskova, Navalny chỉ đạt được 27%. Để chiến thắng, số phiếu này còn ít, để thua cuộc, số phiếu này là nhiều, điều này phù hợp với học thuyết của Putin.
Mandela của Nga?
Cách đây vài tuần, Mikhail Khodorkovski, nhà đối lập có tiềm lực nhiều hơn Navalny và Umarova đã ra khỏi nhà tù. Đã từng là người giầu nhất nước Nga, sau đó trở thành tù nhân chính trị đầu tiên. Sau 10 năm ngồi tù vì bị gán cho tội trốn thuế, M. Khodorkovski đã ra tù trong đợt đại ân xá nhân ngày lễ an ninh Cheka. Cũng nhân ngày này, nhiều tù nhân khác như những người tàn tật, hai phụ nữ thuộc nhóm nhạc Pussy Riot, nhóm hoạt động thuộc tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) cũng được ân xá.
Đợt đại ân xá, như báo Pháp „Le Figaro” đã bình luận, rằng đây là thủ đoạn giảo quyệt của Kreml, nhằm giảm nhẹ tính scandal của vụ Pussy Riot hay Khodorkovski, đưa đến bất lợi cho phe đối lập, cho những người yêu tự do và kẻ thù của Putin. Thật bất lợi cho chính quyền khi giữ họ ở trong nhà tù, ở đây họ vẫn có thể trả lời các nhà báo. Ngoài ra, sự tự do của Khodorkovski tác động tốt, nó như một sự nhắc nhở những nhà doanh nghiệp muốn bước sang lĩnh vực cạnh tranh quyền lực chính trị trong đất nước. Sự xuất hiện không chờ đợi của cựu chủ nhân công ty khai thác dầu hỏa Jukos trong khách sạn sang trọng, bên cạnh cổng Brandenbur ở Berlin, đã tạo ra rất nhiều các đồn đại, trong đó có ý kiến cho rằng nếu Chodorkovski muốn, có thể trở thành Nelson Mandela của Nga. Ngược với mong đợi , ngay sau khi được tự do, ông đã không thách thức Putin, ông chỉ nói rằng, sẽ giúp đỡ các tù nhân chính trị còn trong tù, trong đó có những người đã công tác làm việc với ông và hỗ trợ xây dựng một xã hội dân sự ở Nga.
Câu chuyện trên đây có thể làm các chuyên gia, các phân tích chính trị chú ý, nhưng đối với các cử tri bình thường thì nó chưa rõ ràng. Cần nói thêm, trong các cuộc gặp gỡ đầu tiên với các nhà báo, Chodorkovski dường như phải kìm giữ những giọt nước mắt và xúc động thật sự, ông cám ơn tất cả những người đã giúp đỡ cho mình được tự do. Ông nói nhỏ, giọng điềm tĩnh, chỉ sôi nổi khi trả lời câu hỏi về mất mát tài sản của Jukos.
Chodorkovski bước vào tù với tội danh ăn cắp, ra tù với hào quang của một tù nhân lương tâm. Ông có cơ hội nếu đi theo bước chân của Mandela. Từ giây phút đầu tiên trong tù, đã từ chối nhận tội, ông đã trải qua những biến đổi, trở nên vững vàng, trước đây ông là con người kiêu ngạo, dễ bị kích thích hay giận dữ, các nhân viên dưới quyền ông sợ hãi, nay ông trở nên nhẹ nhàng hơn. Có ai đó đã mong muốn thấy Chodorkovski như là một nhà đối lập thẳng thắn, hãy đừng quên rằng, Chodorkovski đã tự học hỏi trở thành người phát ngôn của xã hội công dân theo phong cách Mỹ. Người ta đã mất thời gian thuyết phục được Chodorkovski thay đổi kiểu kính, com lê cùng với trừ bỏ ria mép và để râu theo kiểu Freddie Mercury**.
Đợt đại ân xá trước hết đã sửa chữa được hình ảnh của Kreml trong vài tuần trước khi khai mạc thế vận hội. Nhờ đó, sau đợt bom khủng bố thứ nhất, chính quyền đã tránh được những câu hỏi khó trong nhiều năm, đã làm họ mệt mỏi, đó là những câu hỏi của các nhà báo nước ngoài , những nhà chính trị và những tổ chức bảo vệ quyền con người. Ân xá đồng thời vô hại đối với Chodorkovski.
Mỹ và Liên Minh Châu Âu – ”Titanic”
Sự ân xá đã được tiến hành cùng lúc với những hứa hẹn của Putin với quân đội. Tầu ngầm mang tên ”Aleksander Newski” kiểu mới, trong đó trang bị loại tên lửa mới đã đi vào hoạt động. Đúng như đảm bảo của các tướng lĩnh, nó sẽ làm tất cả các kẻ thù bên ngoài của Nga phải khiếp sợ, vì không ai có khả năng bắn phá nó, ngay cả quân đội Mỹ.
Bên cạnh đó, Nga vẫn duy trì chủ nghĩa chống Mỹ, tinh thần không sẵn sàng đến với phương Tây cũng như không thực hiện các cải cách xã hội. Trong những năm 90, kinh tế suy xụp, Nga đã buộc phải đáp ứng với những mong muốn của Mỹ và châu Âu, vì Nga đã bị phụ thuộc vào các khoản tiền của phương Tây cho vay. Nhưng một thập kỷ qua Nga đã trả các món nợ, sau đó hệ thống đường ống dẫn gaz và dầu hỏa đã giải phóng họ khỏi sự phụ thuộc trên đây. Giờ đây, thảo luận với Nga các vấn đề như quyền con người, về sự tôn trọng đối với các tổ chức ngoài chính phủ hay về những người đồng tính, trong thảo luận, dù là nói với họ một cách thô lỗ, cứng rắn hay tế nhị để khuyến khích họ cải cách, đều không có ý nghĩa gì.” Putin không nghe ai hết”- Fiodor Lukianov khẳng định.
Người Mỹ vẫn chưa kịp thích ứng với tình hình mới, họ không hiểu rằng, người Nga đã bỏ ngoài tai những yêu sách của họ. Thí dụ như điều luật Magnicki (cho phép cơ quan ngoại giao Mỹ từ chối cấp visa cho các quan chức Nga) như là một sự sỉ nhục, nhưng không có ảnh hưởng lớn tới chính trị. Nhưng đồng thời Mỹ cũng cần đến Nga để giải quyết xung đột ở một số nơi trên thế giới như ở Trung Đông, Syria và trong thương thuyết với Iran. Ngựơc lại, Putin cũng cần đến người Mỹ giúp họ vượt qua những khó khăn của nước Nga từ những năm 90, đồng thời là đối tác trong lãnh đạo thế giới, một cường quốc quân sự mà Nga có xu hướng tiến đến cân bằng.
Viacheslav Nikonov, một nghị viên rất có ảnh hưởng của Duma (cháu nội của cựu bộ trưởng bộ ngoại giao Liên Xô Viacheslav Molotov), một trong số những nhà tư tưởng của chủ nghĩa Putin cho rằng, Vladimir Putin với tư cách một nhà dân chủ Cơ Đốc Giáo, giống như Charles de Gaulle , cổ võ cho một chính phủ mạnh và kinh tế thị trường. Ông giải thích:
”Phương Tây phải làm quen để hiểu rằng, người Nga có triết lý và những giá trị riêng của mình, bắt nguồn từ mười điều răn. Khi mà Cộng Đồng Châu Âu và Mỹ càng ngày càng nhắc nhở ta liên tưởng đến ”Titanic”, thì một tương lai tươi sáng đang chờ đợi Nga. Các kẻ thù của tổng thống hiện nay cần tiếp nhận thông tin này”.
Jedrzej Winiecki
Đinh Minh Đạo dịch
Dịch từ POLITYKA Ba Lan
GHI CHÚ:
* Trong cuộc chiến tranh Ba Lan – Nga (1609-1618), năm 1610, quân Ba Lan đã chiếm được Moskova. Ngày 07-11-1612, quân Nga đã đánh đuổi quân Ba Lan ra khỏi Moskova. Từ năm 2004, theo sáng kiến của Putin, ngày 07-11 hàng năm trở thành ngày lễ Đoàn Kết Dân Tộc của Nga.
**Freddie Mercury (1946-1991), ca sỹ rock của nhóm Queen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét