Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Tổng công-kích Tết Mậu-Thân Tại Sài Gòn



Năm 1967, quân cộng sản bị tổn thất nặng sau những trận đánh lớn với quân đội VNCH và đồng-minh. Biết rằng không thể đương đầu với QLVNCH trong một trận chiến trực diện, Hà-Nội đã bí mật chuẩn bị cho một trận tấn công bất ngờ. Lợi dụng thời gian hưu chiến cho Tết Mậu- Thân 1968, quân CSBV / Việt cộng phát động chiến dịch Tổng công-kích / Tổng khởi-nghiã trên khắp miền nam Việt-Nam. Địch quân đã tấn công hoặc pháo kích vào 36 trong số 44 thành phố chính của miền nam, 5 thành phố lớn, và hầu hết các phi trường để trì hoãn các cuộc chuyển quân của QLVNCH và đồng minh.

Tại mặt-trận Saigon, các đơn vị chủ lực Việt cộng thuộc công trường (sư-đoàn) 7, 9 và các đơn vị điạ phương đặt duới quyền điều động của hai bộ tư lệnh tiền phương. Bộ tư lệnh tiền phương bắc (Tiền phương 1) lãnh đạo bởi Trần-văn-Trà, Mai-chí-Thọ và Lê-đức-Anh. Tiền phương 2 với Võ-văn-Kiệt và Trần-bạch-Đằng.

- Một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 271 (Q.761), công trường 9 phối hợp với tiểu đoàn 56, trung- đoàn U80 (nhiệm vụ chính của trung đoàn này là bảo vệ cục "R") đánh trung tâm huấn- luyện Quang-Trung và vùng phụ cận.

- Hai tiểu đoàn 267, 269 và một đơn vị thuộc trung đoàn 271 tấn công phi trường Tân-sơn-Nhất.
- Hai tiểu đoàn của trung đoàn 273 (Q.763), công trường 9 đánh chi khu Thủ-Đức.
- Tiểu đoàn 1 Củ-Chi, một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 101, công trường 7 và một đơn vị cơ-động của cục "R" đánh các căn cứ quân sự trong khu vực thuộc quận Gò-Vấp.

- Tiểu đoàn 2 Gò-Môn (Gò-Vấp / Hốc-Môn) phối hợp với một đại đội thuộc tiểu đoàn F-100 đặc-công tấn công cổng số 4 bộ
Tổng-Tham-Mưu.

- Tiểu đoàn 3 Dĩ-An (3 / 165A), trung đoàn 165A đánh khu vực Hàng Xanh.
- Tiểu đoàn 4 Thủ-Đức (4 / 165A) chiếm đóng khu vực gần xa lộ Biên Hòa.
- Tiểu đoàn 6 Bình-Tân (6 / 165A) chiếm đóng khu vực Phú-Thọ, Bà-Hạt.
- Tiểu đoàn 508 Long-An tấn công khu vực Bình-Tây, quận 7.

Hôm mùng 2 tết (31-01-68), tiểu đoàn 3 Dĩ-An Việt cộng xâm nhập vào khu Hàng Xanh, tấn công bót cảnh sát. Sau khi hạ xong bót này, địch quân sửa sang lại hệ thống phòng thủ, bố trí chờ quân đội VNCH. D ến. 4 giờ 30 sáng hôm sau, bộ tư-lệnh Biệt-khu Thủ-Đô ra lệnh cho tiểu đoàn 30 Biệt-động-quân tái chiếm lại bót cảnh sát đồng thời đánh đuổi giặc cộng ra khỏi khu vực Hàng Xanh. Khi đoàn xe chở BĐQ đến khu vực giao tranh, Việt cộng đã chuẩn bị trước bắn B-40 cháy xe dẫn đàu làm cho hai quân nhân tử thương và hai bị thương. Lập tức các binh sĩ BĐQ nhẩy xuống xe, dàn đội hình tấn công. Lúc đó Việt cộng từ các cao ốc gần đó xả súng bắn như mưa làm chậm lại mũi tấn công của tiểu đoàn 30. Binh sĩ BĐQ cũng được lệnh giới hạn hỏa lực, tránh gây thiệt hại cho nhân mạng và nhà cửa dân chúng trong vùng giao tranh.

Đến 6 giờ 15 sáng, Biệt-động-quân dùng loa phóng thanh kêu gọi dân chúng di tản ra khỏi khu vực do Việt cộng kiểm soát trước 10 giờ sáng. Từ các ngõ hẻm, dân chúng tràn ra ngoài đường, bồng bế trẻ con, đồ đạc chạy về hướng có binh sĩ BĐQ để được che chở bảo vệ, tuy nhiên vẫn còn một số dân vẫn còn kẹt lại trong vùng Cầu Sơn.

Bắt đầu lúc 10 giờ 30 sáng, tiểu đoàn 30 BĐQ chia làm hai mũi tấn công, mũi thứ nhất phát xuất từ Tân cảng, dọc theo đường Hùng Vương đánh vào phía nam, mũi thứ hai từ hướng xa lộ tiến quân đánh thẳng vào bót cảnh sát. Tiếng súng nổ dữ dội, sau đợt xung phong chớp nhoáng, BĐQ tái chiếm lại bót cảnh sát, Việt cộng bỏ chạy vào các ngõ hẻm lẩn trốn. Khi các binh sĩ BĐQ tiếp tục truy lùng đám tàn quân địch trong các ngõ hẻm, bỗng dưng một toán VC khác xuất hiện vào chiếm lại bót cảnh sát. Một lần nữa, Biệt-động-quân phải quay trở lại đánh đuổi VC, Sau đó một trung đội phải ở lại giữ bót cảnh sát trước khi tiếp tục truy lùng đám tàn quân ma Việt cộng. Trước sức tấn công vũ bão của Biệt-động-quân, địch phải rút lui về hướng Cầu Sơn và cố thủ trong đó. BĐQ tịch thu nhiều vũ khí và một lá cờ mặt trận giải phóng miền

3 giờ 30 chiều, quân ta di chuyển vào hướng Cầu Sơn, BĐQ được nhắc nhở giới hạn hỏa lực vì còn nhiều dân bị kẹt trong vùng. Mũi tiến quân của BĐQ bị khựng lại dưới chân cầu. Lực lượng Việt cộng đã được tăng cường với một đại đội thuộc tiểu đoàn Q.10, Dại đội này rải quân dọc theo bờ kinh, bắn xối xả vào đội hình BĐQ đang định tiến qua cầu. Một thiết vận xa M-113 tiến lên yểm trợ bị trúng đạn B-40 bốc cháy. Đến 8 giờ tối Biệt-động-quân dừng quân, bố trí đóng quân đêm.

Trong đêm 01 tháng hai, hai đại đội Việt Cộng từ Cát Lái di chuyển đến tấn công đồn điạ phương quân đóng dưới chân cầu Saigon, đồng thời địch pháo kích vào Tân Cảng làm cháy một kho nhiên liệu. Tiểu đoàn 38 BĐQ với xe tăng M-41 yểm trợ được điều động đến giải vây cho điạ-phương-quân và bảo vệ cây cầu huyết mạch vào thủ đô. Được hỏa lực chiến xa yểm trợ, Tiểu đoàn 38 tiến quân dễ dàng, đẩy lui quân Việt cộng ra khỏi khu vực xung quanh cầu Saigon. Tuy nhiên một đơn vị cộng sản khác đã vượt sông Saigon nhập vào với đám tàn quân Việt cộng trong vùng Cầu Sơn. Biệt-động-quân cũng biết thêm là địch đã di chuyển một số thương binh ra khỏi khu vực giao tranh đêm quạ

Sáng mùng bốn tết (02-02-68), Việt cộng xuất hiện tại nhiều nơi trong thành phố Saigon, BĐQ được lệnh thanh toán chìến trường gấp (Hàng Xanh) để nhận nhiệm vụ mới. BĐQ lại dùng loa phóng thanh kêu gọi dân chúng tản cư, sau đó xung phong tấn công quyết liệt. Mặt trận lan rộng ra với đám cháy lớn, Biệt-động-quân làm chủ tình hình khu vực Hàng Xanh, Cầu Sơn trước khi trời tối, địch quân bỏ chạy để lại 85 xác chết, BĐQ bắt được 3 tù binh cùng nhiều vũ khí đủ loại. Phía VNCH có 14 binh sĩ BĐQ tử trận, 25 bị thương, 2 binh sĩ thiết giáp chết, 2 bị thương, hàng ngàn căn nhà thường dân bị lửa thiêu rụi.

Tại Gia Định, tiểu đoàn 38 BĐQ giao tranh với địch trong khu vực đông dân cư, phải đánh chiếm từng căn nhà một. Việt cộng lợi dụng đám cháy, lẩn trốn trong các đường hẻm nhỏ làm cho binh sĩ Biệt-động-quân mất nhiều thì giờ lùng địch.
Trong Chợ Lớn, Việt cộng xuất hiện tại nhiều nơi, một cánh quân khác của tiểu đoàn 38, lục xoát trong khu vực gần chùa Ấn Quang, bắn hạ 4 giặc cộng, bắt sống một nữ cán bộ trang bị AK-47 và 8 băng đạn. Trong khu vực Bàn Cờ, Lý thái Tổ, hai trung đội Việt cộng kiểm soát khu vực này, chúng thiết lập chướng ngại vật và chia thành từng tổ 3 người canh gác. 8 giờ sáng, Biệt-động-quân thuộc hai tiểu đoàn 35 và 38 siết chặt vòng vây tấn công. Địch quân bố trí từ các nhà lầu bắn xuống như mưa làm cho BĐQ phải tiến từng bước một, chiếm từng cao ốc, từng căn nhà. Trận đánh kéo dài cho đến chiều, Việt Cộng đốt nhà dân, lợi dụng đám cháy và trời tối rút đi qua khu Bà Hạt, Nguyễn tri Phương, Triệu Đà.

Trận đánh dữ dội nhất tại mặt trận Saigon xẩy ra trong khu vực Phú Lâm (Quận 6), Bình Đông, Bình Tây (Quận 7) và xứ đạo Bình An (Quận 8). Tiểu đoàn 508 Long An Việt cộng xâm nhập vào xứ Bình An và hoàn toàn kiểm soát khu vực này. Sau khi chiếm xong, Việt cộng đào hầm hố, lập công sự phòng thủ kiên cố. Biệt-động-quân chia thành hai mũi dùi tấn công nhưng khựng lại dưới hỏa lực địch, ngoài ra trong khu vực quận 7, 8 có nhiều kinh đào làm trở ngại cho sự tiến quân của BĐQ. Trận đánh kéo dài trong nhiều ngày, sau cùng được trực thăng võ trang yểm trợ, Biệt-động-quân xung phong quyết liệt vào các ổ kháng cự của địch và sau đó làm chủ chiến trường. Sau trận đánh, rất nhiều nhà cửa dân chúng trong khu Bình An bị cháy hoặc bị tiêu hủy do bom đạn.

Việt cộng xuất hiện tại nhiều nơi trong quận 7, và đặt bộ chỉ huy trong hãng rượu Bình Tây. Đêm mùng 7 tháng hai, bộ chỉ huy tiểu đoàn 41 BĐQ ra lệnh cho hai đại đội 2 và 3 di chuyển đến bao vây hãng rượu, Trên đường đi hai đại đội này chạm địch lẻ tẻ gần cầu Bình Tiên do địch quân bất thần xuất hiện ngoài đầu hẻm bắn vài loạt đạn rồi biến mất. Trong hãng rượu Bình Tây, quân cộng sản đóng chặt cửa rồi cố thủ bên trong. Tiểu đoàn 41 xử dụng đại đội 2 làm nỗ lực chính dàn quân trước cổng chờ lệnh xung phong. Trong khi đó đại đội 3 chia làm ba nhóm, một nhóm chiếm các nhà lầu xung quanh bắn yểm trợ cho hai nhóm kia và đánh lạc hướng địch (chỉ chú ý đến nhóm này). Hai nhóm kia từ hai hướng dùng búa tạ, cuốc xẻng đục tường rồi âm thầm chui vào bên trong hãng rượu, sau đó dùng chất nổ phá hủy cổng trước. Khi cánh cổng xập xuống, các binh sĩ thuộc đại đội 2 hò hét, xung phong vào chiếm mục tiêu. Việt cộng bị tấn công bất ngờ bỏ chạy tán loạn, trận đánh kết thúc trong chớp nhoáng, Biệt-động-quân giết tại chỗ 20 giặc cộng, bắt sống 3 tù binh, thâu nhiều vũ khí, giải thoát cho nhiều thường dân trong đó có một bác sĩ. Sáng hôm sau, ba tù binh dẫn binh sĩ BĐQ đến bến Lê quang Liêm bắt thêm một cán bộ giao liên, tên này cho biết tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn Đồng Tháp VC đã hiện diện trong vùng.

Để phản công đánh đuổi giặc cộng ra khỏi thành phố Saigon và vùng phụ cận, QLVNCH mở chiến dịch Trần hưng Đạo I và tiếp theo là Trần hưng Đạo II càn quét tàn quân địch đang lẩn trốn hoặc trà trộn với dân chúng. Tiểu đoàn 41 BĐQ đang hành quân trên vùng bốn chiến thuật được gọi về phối hợp với các tiểu đoàn 30, 33, 38 cùng đại đội trinh-sát liên đoàn 5 BĐQ. Các đơn vị Biệt-động-quân được giao nhiệm vụ bảo vệ phòng tuyến phiá nam và đông-nam thành phố Saigon. Trong các cuộc chạm súng nhỏ với địch trong vùng trách nhiệm, BĐQ bắn hạ 40 Việt cộng.

Sau khi thanh toán xong Việt cộng trong khu Hàng Xanh, tiểu đoàn 30 BĐQ được đưa xuống khu Rạch Cát thuộc quận 7 để tiêu diệt một đơn vị thuộc trung đoàn Đồng Tháp Việt cộng. Khi thấy đoàn xe chở Biệt-động-quân đến, dân chúng biết sắp sửa có giao tranh, chạy ùa ra về hướng có binh sĩ BĐQ để được bảo vệ. Sau khi dân di chuyển đến nơi an toàn, tiểu đoàn 30 bắt đầu tấn công d" dội và một tiếng đồng hồ sau chiếm được cầu Rạch Cát. Việt cộng thấy BĐQ sắp sửa tràn qua, bèn rút lui về hướng bến Mễ Cốc. Một tù binh Việt cộng khai rằng đơn vị anh ta gồm có 35 người trang bị AK-47 và B-40.

Vào ngày 10 âm lịch (08-02-68), tiểu đoàn 38 lục xoát tàn quân địch lẩn trốn trong khu vực Phú Lâm quận 6, Việt cộng bắn cầm chừng rồi phân tán mỏng trốn ra khỏi vùng hành quân của Biệt-động quân. Trong khi đó tiểu đoàn 35 liên đoàn 6 BĐQ và tiểu đoàn 33 tiếp tục truy lùng giặc cộng trong quận 5, BĐQ đuổi Việt cộng chạy từ khu này sang khu khác như mèo vờn chuột.

Quân lực VNCH hoàn toàn làm chủ tình hình trong thành phố Saigon sau chiến dịch Trần hưng Đạo II. Bộ chỉ huy liên đoàn 5 BĐQ về đóng trong trường đua Phú Thọ để trực tiếp điều động các đơn vị Biệt-động-quân đang đóng quân trong vùng ven đô ngăn chặn địch. Ngày mùng 5 tháng năm, quân cộng sản lại phát động chiến dịch Tổng công-kích / Tổng khởi-nghĩa đợt hai. Lần này mặt trận nặng nhất xẩy ra bên kia cầu chữ "Y", khu lò heo Chánh Hưng và gần nơi trung tâm Chợ Lớn, đại lộ Khổng Tử, cầu Ba Cẳng. Trong quận 6 khu vực Phú Lâm, đường 46 Việt cộng xâm nhập vào cấp tiểu đoàn giao tranh ác liệt với BĐQ. Sau một tháng giao tranh, Biệt-động-quân đẩy lui các đơn vị Việt cộng ra khỏi vùng ven đô, tái lập an ninh cho thủ đô Saigon. Tinh thần chiến đãu và sự hy sinh của binh chủng Biệt-động-quân lên rất cao, trong tuần lễ đầu tháng bẩy năm 1968, BĐQ mất đi ba sĩ quan cao cấp, cố đại tá Đào-bá-Phước liên đoàn trưởng liên đoàn 5 BĐQ, đại úy Nguyễn-văn-Úc tiểu đoàn phó tiểu đoàn 34 BĐQ và thiếu tá Nguyễn-Ngành tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 41 BĐQ.

Dallas, ngày 11 tháng 8 năm 1995
Vũ - Đình - Hiếu







Theo tài liệu:
- Will Fowler, The Vietnam Story, Winchmore Publishing Services, 1983
- Hoàng An, Thanh Liêm, Thanh Nhã, Tết Mậu Thân 68 tại Saigon, Sống Mới, Fort Smith, AR.
- Nguyễn đức Phương, Nh"ng trận đánh lịch sử, Đại Nam Glendale, CẠ91202, 1993


NHỚ GÌ KHÔNG ? MẬU THÂN 1968


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét