Ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban nội chính phụ trách chống tham nhũng, viếng thăm Trung Quốc ngày 16 tháng 12 năm 2013, mượn tiếng là đi học hỏi kinh nghiệm chống tham nhũng từ nước láng giềng có cùng chung một thể chế cộng sản. Nhưng kỳ thực có nhiệm vụ xin Bắc Kinh cho phép thanh trừng nội bộ, vì biết đâu trong số nạn nhân tương lai của ông Thanh sẽ có những người trung thành với mẫu quốc được Bắc Kinh đặt để ở chức vụ cao tại Việt Nam.
Ðồng thời ông Thanh cần phải báo cáo và xác định với quan thầy, tình hữu nghị không thay đổi trong khi Mỹ hứa viện trợ phương tiện kiểm soát chủ quyền hải đảo. Ngày 14 tháng 12 năm 2013, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố viện trợ $18 triệu để mua tàu tuần tra cao tốc cho cảnh sát biển Việt Nam, và còn cho thêm $4.2 triệu để tăng cường năng lực trong việc đàm phán thực thi TPP. Ðiều này làm Bắc Kinh bất bình và lo ngại. Tân Hoa Xã của Trung Quốc đả kích Washington đưa ra một tín hiệu sai lầm, có thể khuyến khích vài quốc gia trong khu vực có chính sách liều lĩnh trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Nên ông Thanh phải gấp rút khẳng định với Mạnh Kiến Trụ, ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Ủy ban chính pháp trung ương, rằng “Việt Nam trước sau như một, coi trọng phát triển quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, mong muốn cùng nhau thực hiện đầy đủ nhận thức chung đã đạt được qua các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao hai nước, đi sâu trao đổi, hợp tác thiết thực, toàn diện trên mọi lãnh vực, nhằm đưa quan hệ hữu nghị Việt-Trung phát triển ổn định”.
Tiếp đến ngày 19 tháng 12 năm 2013, ông Vương Gia Thụy, trưởng đoàn đại biểu đảng Cộng Sản Trung Quốc, sang Việt Nam xác định lại “Trung Quốc luôn coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị với Việt Nam, nỗ lực đưa mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện không ngừng phát triển”. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đáp lời: “Quan hệ hai nước đang có những bước phát triển mới, tích cực. Việc lãnh đạo cấp cao hai nước gặp gỡ giúp nhận thức rõ và đưa ra những định hướng quan trọng về phát triển một cách toàn diện và hiệu quả”.
Những sự việc kể trên cho thấy Hà Nội lệ thuộc Bắc Kinh đến mức độ nào! Thường xuyên mỗi khi lãnh đạo cấp cao Việt Nam viếng thăm Hoa Kỳ hay có một quan chức Mỹ nào sang Việt Nam thì Hà Nội phải xác định lại sự “hợp tác toàn diện” và tình “láng giềng hữu nghị” với Trung Quốc không bao giờ lay chuyển.
Trở về vấn đề bài trừ tham nhũng, người ta còn nhớ trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng lần thứ 6 khóa XI vào chiều ngày 15 tháng 10 năm 2012, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Bộ Chính Trị đã thống nhất 100% đề nghị với ban chấp hành trung ương, cho được nhận một hình thức kỷ luật, và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí ủy viên Bộ Chính Trị”, tuy nhiên BCHTU quyết định không thi hành kỷ luật. Dù không nêu tên, Chủ Tịch Trương Tấn Sang gọi một cách chua cay là đồng chí X, nhưng dư luận thừa biết đồng chí X đó là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tin tức xác nhận giữa phiên họp kín của ban chấp hành trung ương đảng, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Khổng Huyền Hựu, đòi gặp cho bằng được Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân đang tham dự hội nghị. Kết quả đồng chí X không bị kỷ luật. Dư luận cho rằng Nguyễn Tấn Dũng nhờ được sự bao che của quan thầy Trung Quốc mới thoát khỏi bị kỷ luật. Ðúng hay sai chỉ có các ủy viên trong hội nghị mới biết được thôi. Ðiều chắc chắn là ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng “triều cống” Cao Nguyên Trung Phần cho Tàu Cộng khai thác Bauxite bất chấp ý kiến của Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp và các chuyên viên trí thức đảng viên cao cấp. Ngoài ra chính phủ của ông Dũng luôn ra lệnh cho công an đàn áp những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng. Phải hiểu rằng Bắc Kinh muốn có tay sai dễ điều khiển trong đảng Cộng Sản Việt Nam để thi hành mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh. Và cũng muốn nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam càng chia rẽ, càng làm mất lòng dân, Trung Quốc càng dễ thao túng, bắt nạt.
Thực tế ông Nguyễn Bá Thanh không cần học hỏi kinh nghiệm chống tham nhũng gì của Trung Quốc. Vấn đề là có tham nhũng ở Việt Nam hay không? Có khám xét được hồ sơ giấy tờ nắm lấy bằng cớ hay không? Và có dám xét xử những tội phạm hay không? Còn nói học những lời tuyên bố của ông tập Cận Bình như: “Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là vấn đề sống còn đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc”. Việc xử ông Bạc Hy lai, ủy viên Bộ Chính Trị với bản án chung thân đã là công khai, việc điều tra ông Chu Vĩnh Khang cựu ủy viên Bộ Chính Trị và sẽ đưa ra xét xử, những điều đó ông Nguyễn Bá Thanh đều biết, có gì cần phải học nữa đâu? Ông Tập Cận Bình tuyên bố sẽ “bắt từ hổ tới ruồi”. Ông Thanh đã nói ngày 24 tháng 9 năm 2013: “Phải xử hết, từ lớn tới nhỏ”, ông Thanh còn nói thêm, đối với nạn tham nhũng “phải xáp vô làm ngay, không chờ đợi gì nữa, làm một cách quyết liệt”. Ngày 02 tháng 12, 2013 ông phát biểu trước cử tri thành phố Ðà Nẵng, việc xét xử các đại án tham nhũng là những “cú đấm mở màn”. Những vụ đưa ra xét xử chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, những thế lực bao che cho tham nhũng lộng hành vẫn chưa được xử lý. Ông thanh muốn ám chỉ ai đây? Vậy có phải là chuyến viếng thăm Trung Quốc lần này của ông chỉ có mục đích tham khảo ý kiến quan thầy về một số nhân vật cao cấp sẽ bị thanh trừng trong tương lai không?
Ông Thanh nói: Những thế lực bao che cho tham nhũng lộng hành chưa được xử lý, thì đây có câu trả lời: Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công khai thú nhận trước Quốc Hội ngày 22 tháng 10, 2012 trong kỳ họp thứ 4 khóa XIII: “Tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm lớn của người đứng đầu chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc Hội, trước toàn đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành... Nhứt là những yếu kém khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, điển hình là Vinashin, Vinalines, có nhiều sai phạm gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò kinh tế của nhà nước”.
Sau khi Thủ Tướng Dũng nhận lỗi, Bộ Chính Trị ra quyết định số 162-QÐ/TW ngày 1 tháng 2, 2013 thành lập ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban, thay vì từ trước tới nay vấn đề phòng chống tham nhũng trực thuộc quyền của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ðồng thời Bộ Chính Trị quyết định thành lập ban nội chính trung ương và cử ông Nguyễn Bá Thanh, ủy viên trung ương đảng, nguyên bí thư Thành Ủy Ðà Nẵng, làm trưởng ban.
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phản ứng liền bằng cách cho đoàn thanh tra chính phủ kiểm soát hoạt động của thành phố Ðà Nẵng và công bố kết quả: Ðà Nẵng làm thất thoát 3,400 tỉ đồng. Hai ngày sau, chủ tịch UBND Ðà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến, ra thông cáo phản hồi: Kết luận của ban thanh tra không có cơ sở, thiếu tính thuyết phục. Chủ nhiệm văn phòng phủ thủ tướng, ông Vũ Ðức Ðam, khẳng định trong cuộc họp báo ngày 29 tháng 1 năm 2013: Chính phủ sẽ giữ nguyên kết quả thanh tra về sai phạm trong việc định giá đất gây thiệt hại ở Ðà Nẵng không thay đổi. Thông báo qua lại trên báo chí cho thấy sự rạn nứt và một tín hiệu sẽ có trận đấu đá giữa các lãnh đạo cao cấp trong đảng. Tòa án vừa mới xử tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, hai nhân vật được thủ tướng giao quyền quản lý Vinashin, và việc ông Nguyễn Bá Thanh đích thân, bất ngờ đến dự phiên xử, đủ chứng minh sự quyết liệt của ông Thanh trong vụ bài trừ tham nhũng.
Ông Thanh còn tuyên bố sẽ đưa vụ Nguyễn Ðức Kiên ra xét xử vào cuối năm. Dư luận thừa biết Nguyễn Ðức Kiên có liên hệ mật thiết với thủ tướng, từng làm ăn với gia đình và các cộng sự viên của ông Nguyễn Tấn Dũng trong nhiều dự án lớn, bao gồm các hoạt động sát nhập ngân hàng. Bầu Kiên còn làm kinh tài và chuyển tiền ra nước ngoài cho phe nhóm của thủ tướng. Dư luận còn cho rằng việc bắt bầu kiên là Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng bí mật đặt kế hoạch bắt mà không ai hay biết. Ðương nhiên việc xử Bầu Kiên sẽ lòi ra nhiều nhân vật cao cấp khác có dính líu.
Nhân kỷ niệm ngày Quốc Khánh 2 tháng 9, 2012 Chủ Tịch Trương Tấn Sang tuyên bố: “Các áp lực gay gắt, khó khăn khốc liệt, không kém thời kháng chiến, đối với nhiệm vụ chỉnh đốn đảng, muốn phá bỏ chúng không phải dễ, tuy nhiên dù phải chấp nhận những biện pháp đau đớn cũng phải làm vì đó là sự sống còn của đảng.”
Vấn đề đặt ra là ông Nguyễn Bá Thanh có khả năng giáng những “cú đấm” tiếp tục hay không? Và cú đấm sấm sét cuối cùng của ông sẽ trúng vào những ai? Ông Thanh tuyên bố: “Phải làm sao xây dựng được nguyên tắc là 'không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng'”. Tuyên bố rất hay nếu được vậy thì ít ra người dân bớt được một tai nạn, mặc dù cảnh nghèo đói, bị áp bức vẫn còn gặp nhiều tai nạn khác dưới chế độ độc tài gian ác cộng sản.
Vấn đề tham nhũng đã được Cộng Sản Hà Nội dung túng, bao che, cấu kết làm cho nó trở thành một thứ “Mafia” có dây mơ rễ má từ cao xuống thấp, từ trung ương tới địa phương. Một khi bài trừ nó thì cũng giống như thanh toán một tổ chức Mafia, sẽ có hận thù, có trả đũa. Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Bởi lẽ phe nào cũng có đàn em, tay chân bộ hạ. Người ta còn nhớ ông Nguyễn Tấn Dũng đã phong hàm cho mấy chục tướng công an, và cân nhắc cho bao nhiêu người thân tín trong bộ máy chính quyền. Những người đó vì sợ liên lụy hay vì hận thù, cũng sẽ nghĩ chuyện phản ứng chống lại phe nhóm đã thanh trừng phe ta.
Thiết nghĩ cuộc thanh toán càng quyết liệt, dân chúng càng hưởng lợi bởi vì đảng càng yếu đi thì các phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền càng có cơ hội hoạt động mạnh hơn. Quy luật thông thường “ngao cò tranh công, ngư ông hưởng lợi”.
Nhược bằng việc phòng chống tham nhũng của hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Bá Thanh biến thành đầu voi đuôi chuột, như vậy đảng tự tạo thêm cho mình một trò hề để cho dân chúng mặc tình phê phán và càng chán ghét chê độ hơn. Người ta chờ xem ông Nguyễn Bá Thanh sẽ xử lý như thế nào khi ông đã “điểm mặt” 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng mà ông coi như “đại án” và còn 9 vụ khác xảy ra tại Hà Nội, có đủ tài liệu và chứng cớ để xử lý theo luật định. Dư luận rất muốn biết hậu quả của những vụ xét xử nghiêm minh 19 vụ án này và tình hình chính trị của đất nước sẽ ra sao?
by Võ Long Triều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét