Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Thủ tướng tiếp tục khẩu hiệu đổi mới


Ảnh bên:Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với nhóm chuyên gia tư vấn Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia vào chiều 22/1/2014 tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác định trong hai năm 2014-2015 phải cổ phần hóa 500 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước và sẽ niêm yết công khai danh sách này.


Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã nói như vậy trong dịp làm việc với nhóm chuyên gia tư vấn Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia vào chiều 22/1 tại Hà Nội. Thông tin này do VietnamNet, Người Lao Động và nhiều báo đưa lên mạng với hàm ý đột phá thể chế kinh tế và trên ý nghĩa nào đó là thực hiện thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nên tư nhân hóa tất cả

 Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên, ông Bùi Kiến Thành chuyên gia tài chánh độc lập hiện sống và làm việc ở Hà Nội cho là, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trở ngại bao nhiêu năm qua và bây giờ mới quyết tâm làm mạnh. Tuy nhiên ông Bùi Kiến Thành đưa ra ý kiến rất đặc biệt:
“Riêng phần tôi cổ phần hóa là chưa được, cổ phần hóa là tư duy của bao cấp để cho nhà nước còn giữ lại tỷ lệ cổ phần chi phối trong những doanh nghiệp. Chuyện này là không thể nào tồn tại được cho nên phải tư nhân hóa tất cả những doanh nghiệp nào mà nhà nước không cần phải tham gia vào trong đó. Qua thời đại mới dùng từ mới bỏ cổ phần hóa đi mà nói thẳng là tư nhân hóa mới là đúng. Tôi mong rằng trong năm nay nhà nước sẽ làm hết sức quyết liệt, đã nói thì phải làm không thì làm sao người dân còn tin cậy được. Đã nói thì năm nay phải làm thôi, nếu không làm sẽ có những hậu quả không đo lường được.” 

Về chi tiết tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết 500 doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa trong năm nay và 2015 có chủ đích rõ rệt như, cổ phần hóa toàn bộ tổng công ty 90 và một số tập đoàn như Tập đoàn Công nghiệp Dệt may Việt Nam chứ không làm từng doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng tiết lộ là từ tháng 2/2014 tức sau Tết sẽ công khai danh sách doanh nghiệp cổ phần hóa và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành thực hiện. Đối với vấn đề đang được dư luận quan tâm, Thủ tướng tái khẳng định  tập trung xử lý nợ xấu, sở hữu chéo, doanh nghiệp tư nhân vay vốn ngân hàng do mình sở hữu.

Theo Người Lao Động Online, GSTS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu ý kiến, thay đổi thể chế kinh tế đất nước là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ trong năm 2014. Theo lời ông, đây chính là đột phá sau 30 năm đổi mới về kinh tế đất nước để đưa vào nghị quyết của Đảng. Từ thể chế cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài đến thể chế khu vực phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng phải đổi mới và cần xem xét đặc thù từng vùng miền.

Vẫn theo báo mạng Người Lao Động, TS Lê Xuân Nghĩa kiến nghị phải đổi mới Ban Chỉ đạo cải cách doanh nghiệp nhà nước, tăng thêm quyền giám sát. Trước đó vị chuyên gia đã nêu quan ngại của các tổ chức quốc tế về vấn đề doanh nghiệp nhà nước là nơi cản trở mục tiêu của Chính phủ Việt Nam và tác động lớn đến đời sống cùng việc làm. Trong khi đó, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, quan ngại về tình trạng một số doanh nghiệp qui mô lớn đang rất khó khăn lại liên quan “gần gũi” đến ngân hàng thương mại. Theo cách nói còn rào đón của ông Ngoạn có thể hiểu chính phủ cần ứng phó với kịch bản sụp đổ hàng loạt ngân hàng thương mại.


bên bờ sông Sài Gòn ở TPHCM hôm 19/11/2013
Theo VietnamNet, TS Lê Xuân Nghĩa dẫn những khuyến cáo từ các báo cáo quốc tế cho rằng, Việt Nam cần tập trung xử lý nợ xấu không chỉ của các tập đoàn lớn mà cả nợ xấu trong bất động sản. Theo đó, nếu kinh tế phục hồi chậm, xử lý không khéo sẽ khiến hệ thống ngân hàng rơi vào khó khăn, cản trở cải cách.
Trả lời chúng tôi chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định:
“Hiện giờ đương chốt những nợ xấu đưa qua công ty mua bán nợ xấu, công ty này giải quyết trong 5 năm đối với những ngân hàng có những nợ xấu đó. Việc này hết sức là kỹ thuật cần phải theo dõi. Nói chung chính phủ muốn có thời gian 5 năm để giải quyết nợ xấu được thuận lợi. Nhưng điều quan trọng hơn là từ đây sắp tới sẽ như thế nào? nếu không quản lý tốt hệ thống ngân hàng thì sẽ tiếp tục cho ra những nợ xấu nữa. Vì phương cách hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam nó không phải là hệ thống ngân hàng, nó vẫn ở trong hình thức cấp tín dụng theo thế chấp nghĩa là theo kiểu tiệm cầm đồ, chứ không phải theo mục tiêu sản xuất kinh doanh có dự án cụ thể vì vậy phải bắt đầu làm việc một cách nghiêm túc hơn. Tín dụng phải theo dự án chứ không thể nào tín dụng mà không theo dõi luồng tiền đó được, nó sẽ tạo thêm nợ xấu nữa. Việc quan trọng từ đây về sau phải làm như thế nào để ngăn chận việc phát sinh thêm nợ xấu. 

Phải đảm bảo khách quan


Trong buổi làm việc với Thủ tướng, ông Vũ Viết Ngoạn đề cập tới vấn đề cải cách thể chế kinh tế phải bảo đảm quy luật khách quan của thị trường như quan hệ cung cầu, giá thành, giá bán…Cụ thể là làm rõ chức năng của nhà nước và thị trường, làm rõ mối quan hệ nhà nước với doanh nghiệp nhà nước là theo kinh tế thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quả quyết với các chuyên gia sắp tới sẽ không còn chuyện dịch vụ và sản phẩm bán dưới giá thành mà chính phủ phải bù lỗ. Theo đó xăng dầu đã áp dụng giá thị trường, giá than bán cho  sản xuất điện đã ngang giá xuất khẩu. Năm 2014 nhà nước không bù lỗ giá điện nữa, nhưng tiếp tục hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình nghèo mỗi năm khoảng 1.000 tỉ đồng, khi điện tăng giá sẽ điều chỉnh mức hỗ trợ.
Nhận định về vấn đề liên quan, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành phát biểu:

“Qua Mỹ, đi Pháp đi khắp các nơi các vị lãnh đạo đều yêu cầu các cường quốc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đã là kinh tế thị trường thì giá cả phải đồng nhất và phù hợp qui luật thị trường. Từ trước đến nay giá điện quá thấp để bao cấp cho một số hộ nghèo, nhưng số hộ nghèo này có thể được trực tiếp giúp đỡ, chứ không phải đại trà cho mọi người, thang giá điện như thế là không hợp lý hay là giá than giá xăng hay bất kỳ thứ gì, cần áp sát với thị trường.”
Theo lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà các báo trích thuật, hiện nay nhà nước Việt Nam mới tính đúng, tính đủ đối với giá dịch vụ y tế, giáo dục ở khía cạnh tiền lương cán bộ, thuốc men trong khi nhiều yếu tố đầu vào khác vẫn bao cấp như đầu tư cơ sở vật chất, đất đai…
Những gì Thủ tướng nói trong dịp gặp gỡ nhóm chuyên gia tư vấn chiều 22/1 cho thấy Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài trước khi thực sự là một nền kinh tế thị trường. Trong dịp trả lời chúng tôi trước đây, bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế ở Hà Nội đã nhận định:
“Khả năng cải cách, cơ hội cải cách thì bao giờ cũng có. Chỉ có điều những người lãnh đạo có đủ quyết tâm chính trị mà làm hay không, có làm tới nơi tới chốn hay không thôi.
Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm công khai minh bạch theo cách là thiết chế lại xem lại rà soát lại tất cả luật pháp, hệ thống chính sách. Những chỗ nào không hợp lý, chỗ nào chưa đảm bảo được độ minh bạch thì phải sửa lại cho nó minh bạch hơn.”
Theo VietnamNet, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhóm chuyên gia tư vấn cũng thảo luận về tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại đa phương quan trọng như Hiệp định thương mại tự do FTA với EU hoặc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương TPP với Hoa Kỳ và một số nước khác.
Năm 2014 với tín hiệu le lói trong vấn đề đổi mới thể chế kinh tế chính trị ở Việt Nam, chúng tôi xin trích lại nhận định của chuyên gia kinh tế độc lập Lê Đăng Doanh:
“Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước các cơ hội rất tốt nếu như vòng đàm phán TPP kết thúc được sớm, thì lúc đó đầu tư nước ngoài sẽ đổ mạnh vào Việt Nam và rất có thể Nhật Bản sẽ đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp Việt Nam sể sản xuất nông sản và xuất khẩu lại Nhật Bản với thuế suất bằng 0. Bởi vì cả Việt Nam và Nhật Bản lúc đó là thành viên TPP (* Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương). Vì vậy cho nên cơ hội và khó khăn hiện nay đang chen lẫn nhau, chúng ta nên thúc đẩy nỗ lực cải cách để cho những lời Thủ tướng tuyên bố sớm trở thành hiện thực ở Việt Nam.”
Nhiều người ở Việt Nam chưa quên khẩu hiệu “Đổi mới hay là chết” của nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trong thập niên 1980, dù thực tế lịch sử cho thấy nhân vật này chỉ đổi mới nửa vời. Hơn ba thập niên sau, hiện nay đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang trong một thời kỳ cần đổi mới bản thân trước sự thất vọng của người dân.
Có lẽ không phải là một ngẫu nhiên tình cờ, khi từ đầu năm 2014 tới nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trở thành người phát biểu nhiều nhất về đổi mới thể chế kinh tế, chính trị. Liệu ông có là một nhà cải cách hay không thì cần chờ thời gian trả lời, nhưng điều đáng ghi nhận là lần đầu tiên có một nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam nhận thức được, việc hội nhập thông qua các hiệp định thương mại đa phương chính là một cơ hội đẩy mạnh cải cách từ bên trong.
Nam Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét