Quá 4g rưỡi sáng tôi bước vào chùa Xá Lợi viếng tang ông Lê Hiếu Đằng. tối hôm trước mình rủ thằng Bảo đi chung. Thường khi thấy nó cũng hô hào dân chủ dữ dội lắm… Thế mà khi rủ nó đi viếng tang ông Đằng thì nó nói: không được, tao đi đến đó kẹt lắm. Công việc của tao không cho phép…. Tao không muốn an ninh để ý hic
Đã có những vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự thì sao nó lại sợ như sợ ma thế này. Chẳng riêng gì nó, một số bạn khác của mình cũng từ chối với đủ lý do. “Mặc xác tụi bây, Tụi bây không đi thì tao đi.” Tôi tự nhủ. Chán đám dân chủ salon này thiệt.
Tôi chợt nhớ đến một khái niệm về quyền lực. Quyền lực của người khác chỉ có trên ta nếu ta tuân thủ nó. Nếu ta kháng cự thì họ chẳng có quyền nào nữa…
Tối thứ bảy 25/1 tôi vào Quê Choa xem tình hình tang lễ thế nào mà bạn tôi đành cúi đầu trước thế lực. Ngoài các bài nói về những chuyến viếng tang của các vị lãnh đạo, tôi đặc biệt chú ý đến vụ có người quay phim lén và những kẻ cải trang làm côn đồ nhào vô giật những băng chia buồn của các tổ chức như Bauxit, xã hội dân sự và các tổ chức bên Công giáo… Vua giả làm dân để dễ vi hành. An ninh giả làm côn đồ để dễ vi phạm hic Nghe cũng hơi ớn đấy. Thế nên từ đêm thứ bảy, tôi đã quyết định sẽ mang theo cái gì đó hộ thân. Những cái gì đó mà có thể giấu được thì xin bạn đừng tò mò. Cái gì đó hộ thân không giấu được chính là cái mũ bảo hiểm hihihi. Tôi đến nơi bằng xe ôm và mang theo mbh vào dự tang… Cuối cùng sau khi về đến nhà an toàn, không gặp gì rắc rối hết trong suốt thời gian viếng tang và cả lúc ra tận lò thiêu… tôi nhận ra, dường như cái mbh là dấu hiệu tốt nhất để các anh an ninh nhớ mặt tôi hic ngu vãi rồi hihihihi
khi còn trên đường đến chùa, tôi alo cho QH. Hy vọng cô này đang ở đó và có ai đó quen mình cũng đỡ cô đơn hơn là đến đó với con bò trổng. Xui quá, QH đang ở Hà Nội hic tội nghiệp QH bị mình đánh thức lúc chưa đầy 5g sáng. May sao vào đến sân chùa xá Lợi thì 1 cô gái chạy đến nói QH nhắn ra gặp mình… Trong cái tình hình mà mình chẳng quen ai thì mình phải biết tự giới thiệu và làm quen chứ ngồi không thì da non đâm kín miệng làm sao?
Tôi ngồi lặng thinh trong đám tang. Đêm thứ bảy rạng sáng chủ nhật những người bạn của ông đằng đã hàn huyên, đã hát hò bên linh cửu của ông với ý nghĩa đây là lần sau cùng được ở cạnh ông. Sáng sớm nay, trời cuối năm vẫn còn lạnh và các cụ ấy chắc cũng thấm mệt.
Tôi ngồi nghe họ rì rầm bàn với nhau về cách tổ chức lễ di quan. Chẳng có gì đáng chú ý cả. Ở đó chắc chừng hai mươi người thôi. Gần đến giờ động quan, khách đông dần, chắc khoảng hơn trăm người. Những người mới đến chào những người đang có mặt rồi im lặng.
Khoảng 5g30, tiếng violon của nhạc sĩ Tạ Chí Hải khe khẻ vang lên với bài Hồn Tử Sĩ. Suốt buổi lễ động quan, ông chơi đi chơi lại chỉ một bài này. Tiếng violon tha thiết và khẻ khàng dẫn những suy nghĩ rời rạc của từng người dần dần quyện lại thành một suy nghĩ chung nhất của đám tang.
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng đứng ra làm người dẫn chương trình cho buổi lễ truy điệu. Ông mời bác sĩ huỳnh Tấn Mẫm đọc điếu văn. Tôi rất thích bài điếu văn này, ai muốn xem chi tiết thì xin vào Quê Choa nhé. Tiếng violon của ông Tạ Chí Hải lại khe khẻ vang lên giúp người nghe tập trung hơn vào từng lời từng chữ của bác sĩ mẫm. Tôi chợt nhớ lần chót nghe giọng nói của bác sĩ Mẫm qua loa phóng thanh là những ngày cuối tháng 4, 1975, trong những giờ phút cuối của chế độ VNCH. Người ta đã trả tự do cho ông và ông lên tiếng trên đài phát thanh Sài gòn… Trong suốt 40 năm nay, ông chắc cũng có nhiều lần nói trên đài nhưng vô duyên cho số tôi vì không có dịp nào tôi được nghe.
Cho đến 1975, tôi chẳng biết Lê Hiếu Đằng là ai. Cái tin ông Đằng bị tuyên án tử hình vắng mặt thì có gì lạ với những người dân thường đâu. Thời đó có bao nhiêu kẻ chống chế độ hay còn gọi là bọn ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản đã bị tuyên án tử hình vắng mặt. Học sinh như tôi thời đó chỉ biết những cái tên như Huỳnh Tấn Mẫm, Hạ Đình Nguyên, tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng… Ấy là những cái tên rất gần với giới trẻ đấu tranh, những cái tên đủ mạnh để chui qua hàng rào kiểm duyệt của hệ thống thông tin thời ấy …
Tôi biết ông Đằng từ sau những vụ phản đối Tq gây hấn trên biển Đông. Tôi may mắn được gặp ông một lần vào Trung Thu 2012 tại trường của bs Mẫm. Nhưng đó là một lần gặp vô nghĩa bởi tôi chỉ chào hỏi xã giao ông Đằng và chẳng có câu thân tình nào cho nhau cả. Tôi ấn tượng với ông từ những tâm thư trên giường bệnh.
Chiều chủ nhật cùng ngày, tôi lại ghé chùa Diệu Pháp ở đường Nơ trang Long để được lần chót tiễn đưa ông. Khoảng 3 giờ chiều thì tro cốt của ông Đằng được mang về đến chùa Diệu pháp. Có chừng 30 người đứng đó chờ ông. Lần nữa tôi gặp lại nhạc sĩ Tạ Chí Hải với cây violon mượt mà. Một chiếc đò máy chờ đó. Những người thân của ông Đằng và một vài bạn bè lên đò cùng với vài vị sư và tro cốt. Đò xình xịch rời bến chừng vài mét thì mọi người nhận ra chưa có bác sĩ Huỳnh Tấn mẫm. Một chị đã dùng loa gọi bác sĩ Mẫm về và gọi đò quay lại bến.
Không đầy phút sau, bác sĩ Mẫm cũng mặc áo phao lên đò. Người đi đò này phải mặc áo phao... Con đò lần nữa xình xịch rời bến. Lâu nay đã có bao chuyến đò đưa ông Đằng băng sông vào chiến trường, vào với đảo điên của thế sự? thế mà đến phút cuối đời, ông vẫn muốn đi thêm một chuyến đò nữa. Con đò chiều nay sẽ đưa tro cốt ông hòa vào núi sông của tổ quốc, đưa hồn ông tan vào hồn thiêng dân tộc…
Đò ra giữa sông, người nhà mở gói tro của ông Đằng và rắc tro xuống sông. Từ đây chúng ta trả ông về với tĩnh lặng của đất trời. Đò đi chừng 10 phút thì quay vào bờ. Mọi người lặng lẽ ra về…
Nhớ kỹ lại thì… dường như trước phút động quan có tiếng khóc phụ nữ bên cạnh linh cửu ông Đằng. tôi chẳng nghe ai khóc cả. Nhiều lắm, có lẽ chỉ là một thoáng nghẹn ngào trong lòng mọi người khi nghĩ đến cõi vĩnh hằng mà ông Đằng đã đến. Mọi người dường như không tiễn đưa một sinh linh giả từ trần thế. Tôi đến để chiêm ngưỡng những giờ phút anh linh cuối của một kỳ nhân. Ông đã hoàn thành sứ mạng làm người của ông. Đi tiếp con đường lịch sử là chúng ta, những người đang sống. Chúng ta ngưỡng mộ, yêu mến nhưng không tiếc nuối mà tri ân và kính phục Lê Hiếu Đằng. Sẽ còn nhiều người tiếp tục nói về cái chí của Lê Hiếu Đằng nhưng sẽ có bao người dám noi theo cái dũng của Lê Hiếu Đằng?
Monday, January 27, 2014
Huỳnh Bá Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét