Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Ai sẽ thay đổi nước Việt?

Hiệu Minh

Chính tôi sẽ đổi. Ảnh: HM
Từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên là thời kỳ đô hộ 1000 năm Bắc thuộc, nước Văn Lang bị xâu xé và chưa có tên chính thức trên bản đồ thế giới. Cho tới năm 938, sau trận Bạch Đằng giang nổi tiếng, Ngô Quyền đã giành độc lập cho nước Việt từ tay Trung Quốc phong kiến. Dù chỉ xưng vương, nhưng có thể nói Ngô Quyền là người đầu tiên đặt nước Việt vào vị trí xứng đáng trên quả địa cầu.


Đế vương họ Ngô đóng đô ở Cổ Loa, kinh đô của nước Âu Lạc từ thời An Dương Vương một nghìn năm trước. Là một trong 14 anh hùng trong lịch sử nước Việt, Ngô Quyền được coi là người đã thay đổi nước Việt lần đầu tiên. Ông trị vì 6 năm rồi mất.

Nhà Ngô rơi vào nội chiến với 12 sứ quân trong nhiều năm. Rất may có vị tướng quân xuất thân từ trẻ trâu là Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau dẹp loạn, dựng nên nước Đại Cồ Việt. Ông xưng vua, đứng đầu quốc gia, như một thách thức đối với phương Bắc. Đó là một nhà nước chính thống đầu tiên trong lịch sử Việt nam. Từ tiết đế sang vương, từ vương sang vua, Đinh Bộ Lĩnh là người thay đổi nước Việt lần 2 mang tính quyết định.

Suốt gần 1000 năm sau đó, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 19, Việt Nam bị ảnh hưởng lớn của Phật giáo, văn hóa kiểu phong kiến Trung Quốc và đặc biệt là Nho giáo. Người Âu bắt đầu đi thám hiểm. Các giáo sỹ Bồ Đào Nha đến truyền giáo, thay chữ Nho bằng chữ Quốc ngữ (latin). Người Pháp biến nơi này thành thuộc địa. Lần này nước Việt bị thay đổi bởi người Pháp, nhất là chữ Việt có như ngày nay là nhờ giáo sỹ Alexandre de Rhodes.

Gần một thế kỷ đô hộ của Pháp kết thúc bằng Điện Biên Phủ. Ông Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi Việt Nam bằng trận chiến cuối cùng. Pháp rút nhưng Việt Nam bị chia cắt làm hai. Người Mỹ nhảy vào vẽ lại bản đồ nước Việt, nhưng cũng chỉ kéo dài được 21 năm (1954-1975), để cuối cùng chiếc xe tăng 390 của anh Vũ Đăng Toàn, sau khi đâm đổ chiếc cổng thép của dinh Độc Lập sáng ngày 30-4-1975, đã thay đổi số phận nước Việt một lần nữa.

Như vậy trải qua mấy ngàn năm, người Việt, người Pháp, người Mỹ, người Trung Quốc thi nhau thay đổi mảnh đất này. Lúc huy hoàng, khi thất bại, khi đổ máu thành sông, cuối cùng dân tộc Việt có đất nước như hôm nay.

Câu hỏi tiếp theo là, ai sẽ là người thay đổi Việt Nam trong tương lai. Trong entry trước, tôi có nói thế hệ 9X là những người chủ trong vài thập kỷ tới. Nhiều bạn lo lắng, với cách sống như thanh niên hiện nay, liệu họ có đảm đương nổi cây thánh giá nặng trĩu do cha anh để lại. Dù muốn hay không, họ phải vác cây thánh giá của quá khứ, tốt hay xấu đều do họ và có cả trách nhiệm của chúng ta đang sống.

Để giúp 90X, thế hệ 60X, 70X, 80X, phải làm gì bây giờ, bằng cách nào.

Ở tầm vĩ mô, ĐCS VN đang nắm vận mệnh của đất nước phải thay đổi đầu tiên. Hãy học bài học của Đông Âu và nhiều cuộc cách mạng mầu, từ đó tìm con đường đi lên.

Tại sao thế hệ trẻ đều có xu hướng tìm đến với thế giới phương Tây nếu có dịp. Running man chạy theo đội Arsenal. Travelling woman vươn tận châu Phi. Gần 20 ngàn du sinh VN đang học tại Mỹ, chục ngàn khác đang ở Tây Âu. Chắc chắn họ phải có một giá trị phổ quát mà cả nhân loại hướng tới. Bỏ qua, chúng ta mất đi cơ hội thay đổi nhanh và tốt hơn.

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của bác có nick là Nông Dân khi comment trong entry trước
  1. Để thay đổi đất nước, để khắc phục những bất cập của xã hội Việt Nam hiện nay là trách nhiệm của mọi người, mọi lứa tuối. Thế hệ 9X hôm nay, sau 10 năm nữa, họ sẽ phát triển cả về chất và lượng, họ sẽ là thế hệ quan trọng nhất trong việt phát triển và hòa nhập của Việt Nam khi đó. Nhưng họ sẽ là thế hệ dấn thân cho sự phát triển của dân tộc, hay họ vẫn duy trì nếp tư duy “ăn mày quá khứ, ăn cắp tương lai” hoặc tiếp tục chia rẽ “địch ta” với những người cùng dòng máu Việt hồng. 
  2. Trách nhiệm này còn thuộc về thế hệ đi trước. Thế hệ 9X sẽ làm như thế nào khi cha anh của họ đã “ăn hết không từ một thứ gì?”, khi họ phải trả một đống nợ từ vốn vay của nước ngoài, từ phát hành trái phiếu mà cha, anh của họ làm, những đầu tư không hiệu quả. Kể cả những người hôm nay đang thuộc thế hệ U60, U70 và cả U80, đang có trách nhiệm không, khi họ biết rõ là hiện nay người ta đang nhồi nhét cho con cháu mình nhiều điều dối trá. 
  3. Muốn thế hệ 9X sẽ thay đổi đất nước, thì những người thuộc thế hệ đi trước phải biết tự trọng, phải trung thực với chính mình, và trung thực với con cháu. Các cháu trong thế hệ 9X sẽ học rất nhanh và cũng bắt chước cũng rất nhanh.
Trong hang Cua thuộc tầm vi mô, bạn đọc có biết tôi mong muốn gì không? Đó là những đóng góp chân thành cho đất nước hơn là ngồi than vãn mà không đưa ra giải pháp gì.

Hướng tới tương lai. Ảnh: HM
Dạo này blog nóng dần, số comment mang tính negative nhiều hơn. Một số bạn đọc đã email riêng góp ý, muốn tránh cho blog khỏi bị rơi vào tình trạng “đọc mà thấy khói bốc lên đầu”. Góp ý cho người ta nghe được mới là nghệ thuật. Không thể chửi và bắt người ta thay đổi. Đó là cách ít văn hóa và không hiệu quả.

Nếu không thể làm như hơn 100 trí thức vừa ra “Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự và Chính trị”, ký tên tuổi đàng hoàng của người chính nhân quân tử, mang sinh mạng chính trị, thậm chí cả tù tội, để đổi lấy sự công bằng xã hội, thì các bạn cũng nên tạo sự chính danh cho bản thân trên thế giới ảo, hơn là núp dưới các nick khác nhau. KTS Trần Thanh Vân lên tiếng thì chắc chắn hơn là một ktsvanvan. Một đòi hỏi quá đơn giản và dễ làm.

Không thể đưa đất nước tiến tới dân chủ bằng sự giấu mặt. Muốn người khác thay đổi, thì bạn hãy thay đổi chính mình, đòi hỏi sự công bằng dân chủ bằng tên tuổi của mình. Làm được điều đó, bạn đang đóng góp vào phát triển như những tướng quân huyền thoại Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh và Võ Nguyên Giáp đã tạo nên những bước ngoặt Việt Nam.

Ai là người thay đổi nước Việt? Tại sao không phải chính là các độc giả đang đọc đến cuối entry này.

Hiệu Minh. 23-09-2013

PS. Khi tôi nháp xong entry này thì đọc được tin 9X và chuỗi cửa hàng doanh thu hàng chục tỷ, nói về cô bé sinh năm 1990, trượt đại học, nhưng đã thành triệu phú đô la. Chủ nhân tương lai của đất nước chính là những 9X năng động này.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét