Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Ban Tôn giáo VN đi Vatican đang lúc căng thẳng ở Mỹ Yên


Gia Minh
Tòa thánh Vatican
Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam do chính ông trưởng ban dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với phía Vatican hồi tuần rồi từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 9.
 
Lý do vì sao có chuyến đi như thế? Kết quả của cuộc làm việc thế nào? Và có dấu chỉ hy vọng gì cho mối quan hệ Vatican- Hà Nội trong thời gian tới?


Chuyến đến bất thường!
 
Hơn chục ngày sau khi xảy ra biến cố tại giáo xứ Mỹ Yên, giáo phận Vinh, đích thân ông trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam dẫn đầu một phái đoàn đến Vatican.

Vào ngày 19 tháng 9, tức một ngày trước khi kết thúc chuyến đi, thông tấn xã Việt Nam loan tin chính thức về đợt được nói thăm và làm việc tại Vatican của phái đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Một số mạng tin công giáo cũng loan tin này vào ngày 19 tháng 9.

Đức ông Nguyễn Văn Phương, người hiện làm việc ở Vatican và là  người thường được cử tham gia các phái đoàn của Vatican đến làm việc với phía Việt Nam trong những năm qua, cũng như tháp tùng các quan chức Vatican đến tham dự các sự kiện tôn giáo lớn ở Việt Nam, cho biết đây là một chuyến đi không nằm trong khuôn khổ vòng làm việc giữa hai phía. Đức ông Nguyễn Văn Phương nói:

Không bình thường bởi vì trước đây đoàn Việt Nam đã qua hôm tháng 6 rồi và tháng 9 lại sang. Tôi không ở trong Bộ Ngoại giao nên không biết; nhưng đây chỉ là chuyến đi thăm vậy thôi để trao đổi tin tức. Báo đài cũng có đăng nhiều rồi tin tức đó là vấn đề căng thẳng ở Vinh cũng như vấn đề Dòng Chúa Cứu Thế. Biết vậy thôi chứ không phải cuộc làm việc hai bên thảo luận chính thức thì không có. 

Không hiểu mục đích của đoàn Việt Nam sang như thế nào nhưng trong cuộc gặp gỡ- xin nói rõ không phải buổi làm việc, có đá động đến hai vấn đề đó.

Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc, nguyên giáo sư giảng dạy tại phân khoa Thần học Công giáo tại đại học Strasbourg, Pháp Quốc, người theo dõi sát tình hình giáo hội Công giáo Việt Nam với Vatican, cũng có nhận định về chuyến đi của phái đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đến Vatican từ ngày 15 đến 20 tháng 9 vừa qua như sau:

Cuộc gặp gỡ này theo tôi thấy cũng nằm trong toàn bộ chung của cố gắng hai bên để xây dựng quan hệ ngoại giao. Đây cũng không phải phái đoàn cao cấp, dù liên bộ nhưng cũng nội bộ có tính cách tôn giáo mà thôi. Tuy nhiên có mấy điểm đặc biệt là phía Tòa Thánh mới có một vị Quốc Vụ Khanh mới, và về phía Việt Nam từ đầu tháng 9 đến bây giờ có những vụ căng thẳng ở địa phương nhất là ở địa phận Vinh, nhất là vấn đề đàn áp tôn giáo. Do đó cuộc gặp gỡ này cũng làm cho dư luận lưu ý.
Trong thông cáo cuả phái đoàn Nhà nước Việt Nam sau khi về có nhắc đến việc nhờ Tòa Thánh nhắc nhở người Công giáo Việt Nam phải tôn trọng luật pháp. Câu nói đó làm cho người ta nghĩ đến vấn đề có sự liên hệ với vụ đàn áp vừa rồi tại địa phận Vinh 

Ý kiến Vatican

Cả hai ý kiến vừa nêu đều nhắc đến tình hình căng thẳng tại giáo xứ Mỹ yên, giáo phận Vinh. Tuy bản tin của Thông tấn xã Việt Nam không hề đề cập gì đến vụ việc đó, những bản tin của các mạng Công giáo như CatholicCulture.org và Fides đều cho biết vấn đề căng thẳng tại giáo xứ Mỹ Yên được nêu ra và ý kiến của phía Tòa Thánh là cần có điều tra thêm.

Đức ông Nguyễn Văn Phương cho biết về điểm này như sau:

Tòa Thánh nói rằng chúng tôi nghe về phía Việt Nam, nhưng chúng tôi cũng muốn và chưa được nghe về phía giáo hội tại Việt Nam. Đó là vấn đề rất quan trọng: bất cứ có nhận định gì cũng phải nghe cả hai bên. Đó là bình thường, dĩ nhiên. Tòa Thánh muốn biết thông tin chính thức từ phía giáo hội Việt Nam. 

Ngoài thông tin mà giáo hội Việt Nam trình cho Tòa thánh về vụ việc mới nhất tại giáo xứ Mỹ Yên, giáo phận Vinh thì hiện nay Tòa thánh Vatican có đại diện không thường trú tại Việt Nam là đức giám mục Leopoldo Girelli. Theo đức ông Nguyễn Văn Phương thì vị này có nhiệm vụ điều tra sự việc để có báo cáo riêng gửi về Vatican:

Đức Khâm sứ sẽ tường trình cho Tòa thánh biết sự việc xảy ra như thế nào. Đức Khâm sứ đại diện đức Giáo Hoàng, ngài đứng ở giữa khách quan. 

Nhà nước cũng thấy sự khách quan của ngài lâu rồi, và đánh giá cao việc làm của đức Khâm sứ. Đến nay chúng tôi mới chỉ nghe một bên thôi. Đức Khâm sứ có bổn phận phải hiểu rõ tình hình và cho Tòa Thánh biết thực sự như thế nào. Báo đài nói, nhưng rồi các giám mục, linh mục, giáo dân nói như thế nào. Nghe những người trong cuộc, những người giáo dân chất phác, họ không bịa ra những chuyện ‘cầu kỳ’ đâu.

Những người có bổn phận thì phải nghe nhiều rồi có nhận định của mình. Nhưng khi nghe những người chất phác thì dễ tin hơn, còn những người họ có mục đích của họ thì phải xem xét thôi.

Vụ việc tại giáo xứ Mỹ Yên, giáo phận Vinh và chuyến đến Tòa thánh Vatican của Ban Tôn giáo Chính Phủ Việt Nam sau đó khiến nhiều người nhớ lại trường hợp giáo dân Hà Nội tập trung cầu nguyện đòi lại Tòa Khâm sứ ở đó hồi cuối năm 2007 sang đến đầu năm 2008.

Nhân tố hiểu chuyện

Hiện nay Vatican có một vị tân quốc vụ khanh thay thế hồng y Tarcisio Bertone, là tổng giám mục Pietro Parolin. Vị này từng dẫn đầu phái đoàn Tòa Thánh sang làm việc với phía Việt Nam trong những vòng đàm phán song phương.

Đức ông Nguyễn Văn Phương nói về vị tân quốc vụ khanh của Tòa Thánh như sau:

Con người đức tổng giám mục Parolin hết sức quân bình, đơn sơ, một nhà ngoại giao được đánh giá cao không phải từ phía Tòa Thánh mà còn từ phía Việt Nam sau một số lần làm việc. Khi ngài được cử sang Venezuela thì phía Việt Nam cách nào cũng rất tiếc vì đang trong tiến trình đối thoại rất tốt mà ngài ra đi.Nhưng nay ngài trở lại trong cương vị cao hơn, quan trọng hơn. Tôi nghĩ địa vị và sứ mệnh mới của ngài sẽ giúp cho công việc đối thoại giữa Tòa Thánh và Việt Nam thuận lợi hơn.

Từ năm 2009 đến nay Nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam- Vatican đã có bốn vòng làm việc luân phiên tại Vatican và Hà Nội nhằm thảo luận về vấn đề quan hệ ngoại giao giữa hai phía.

Tuy nhiên theo đức ông Nguyễn Văn Phương còn nhiều trở ngại không thể giải quyết mà chủ yếu từ phía Việt Nam chứ không phải từ phía Vatican.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét