Vũ Hoàng
phóng viên RFA
Đối với nhiều người, cái tên Nguyên Khang không còn lạ lẫm; người ca sĩ có chất giọng trầm ấm, sang trọng ấy đã cộng tác với Trung tâm Asia vừa tròn một thập kỷ. Thế nhưng câu chuyện đến với âm nhạc của Nguyên Khang thật tình cờ, bởi từ nhỏ anh chưa bao giờ qua một trường lớp đào tạo thanh nhạc nào, phải chăng bởi chất giọng thiên phú của anh mà người nghe có được một Nguyên Khang của ngày hôm nay.
“Khang thực sự từ bé đến lớn mình chưa bao giờ có ước mơ sẽ trở thành người ca sĩ, nhất là ca sĩ chuyên nghiệp.
Vào một ngày đẹp trời, Khang đến đám cưới của một người bạn. Khang gặp được anh Hoàng Trọng Thụy, nghe Khang hát, anh Hoàng Trọng Thụy đề nghị Khang hát thử một số bài hát mà anh mới sáng tác, và Khang đã hát những bài hát của anh. Sau đó, anh Thụy phát trên đài VNCR, là một đài truyền thông ở miền Nam California, khi những bài hát được phát đi, thì nhiều thính giả hỏi người ca sĩ đó là ai. Lúc đó, Khang chưa có tên là Nguyên Khang, cái tên Nguyên Khang cũng là do nhạc sĩ Hoàng Trọng Thụy đặt cho Khang.
Sau đó, Khang được Trung tâm Asia và Vân Sơn mời, kể cả Trung tâm Thúy Nga cũng mời Khang, nhưng Khang chưa có duyên để cộng tác với Thúy Nga. Cái gì cũng có số mệnh, Khang chưa bao giờ muốn làm ca sĩ, nhưng cuối cùng đây lại là một cái nghiệp của mình, và Khang rất vui khi làm được một điều gì mà mình rất yêu thích, và đó là hạnh phúc nhất của một con người.”
Nguyên Khang tâm sự rằng khi bàn về chất giọng đặc biệt của mình nhiều người cho rằng anh có chất giọng khàn kiểu “thuốc lào” trong khi đó, giới nhạc sĩ lại đánh giá anh có quãng hát rộng và đủ khả năng để chuyển tải những bài hát đòi hỏi tính kỹ thuật cao:
“Nếu nói về chất giọng của Nguyên Khang thì điều đầu tiên Khang được quý vị nhận xét là Khang có chất giọng “rất thuốc lào” mà thực sự Khang chưa bao giờ hút thuốc lào, mà Khang chỉ hút thuốc lá thôi, giọng có vẻ khàn khàn, có vẻ nhựa nhựa. Quý vị nhận xét giọng của Khang có độ trầm và vang, thực sự điều đó là trời cho.
Mình chưa bao giờ được qua một trường lớp nào, nếu Khang qua trường lớp thì có thể Khang sẽ hát tốt hơn nhiều. Bởi thực sự ra, những giọng ca nam của tân nhạc Việt Nam có rất nhiều giọng hát hay. Điều thứ hai, Khang được các nhạc sĩ nhận xét là Khang có quãng (hát) rộng, quãng của Khang đủ để hát được những bài hát khó, nó cần một quãng rộng để có thể chuyên chở được bài hát.”
Trong số những giọng hát nam nổi tiếng trong nước lẫn hải ngoại, người nghe thường so sánh giọng hát của Tuấn Ngọc, Nguyên Khang và Quang Dũng, dường như có chút gì hơi giống nhau, từ thể loại nhạc cho đến những nốt ngân, nhả chữ và cách nhấn nhá; nhưng nếu nghe kỹ thì rõ ràng 3 giọng hát này luôn có những thần thái khác biệt và làm nên thương hiệu riêng của mỗi người.
“Thú thực với quý vị khi Khang bắt đầu thu băng, Khang chưa biết ca sĩ Tuấn Ngọc, Khang chỉ nghe nhạc nước ngoài nhiều mà chưa nghe nhạc Việt nhiều. Sau này, khi đi hát, mọi người mới nói sao giọng Khang giống Tuấn Ngọc quá, Khang bắt đầu nghe và mua đĩa Tuấn Ngọc nghe và thấy mình có nhiều điểm rất giống anh Tuấn Ngọc là ở cách phát âm và quãng; cái giống nhất là hai người cùng có tần số chọn bài, cái cảm nhận về bài hát giống nhau, cho nên đó là một điều và là một sự trùng hợp rất thú vị. Sau khi Khang nghe Tuấn Ngọc rồi, Khang bị ghiền, Khang bị ảnh hưởng của Tuấn Ngọc nhiều lắm, nhưng sau đó, mình hát nhiều, mình có kinh nghiệm, mình tạo ra cho mình một cách riêng, và sau này Nguyên Khang thoát ra được cái bóng của Tuấn Ngọc.
Còn nói về Quang Dũng, Quang Dũng là người đi hát sau Khang, Quang Dũng là người chịu ảnh hưởng của Khang. Khang nhớ có một lần, Khang về Việt Nam và đến phòng trà của ca sĩ Cẩm Vân – Khắc Triệu thì Khang có gặp một người ca sĩ đến, bắt tay Khang, cao ráo, đẹp trai, tự giới thiệu em là Quang Dũng, em rất thích anh hát, Quang Dũng có lên sân khấu hát tặng Khang một bài nằm trong đĩa đầu tiên của Khang là bài Vì Tình Đây. Khi Quang Dũng xuống, thì Khang có nói em hát hay hơn anh đấy chứ. Lúc đó, Quang Dũng chưa nổi tiếng, sau này thì Quang Dũng hát rất hay và là một giọng trẻ Khang rất quý.”
Xướng ngôn viên của đài SET
Ca sĩ Nguyên Khang. Photo courtesy of Dân Huỳnh/Người Việt. |
“Khang đến với xướng ngôn viên rất tình cờ, có lẽ vì giọng nói của mình, giọng nói làm cho người ta nhớ và đó là điều tiên quyết của làm xướng ngôn viên.
Sở dĩ lúc đó là đài truyền hình SBTN mở thêm một đài địa phương có tên SET (Saigon Entertainment Tivi), lúc đó Khang bị nhạc sĩ Trúc Hồ “bắt” làm. Khang vào tập huấn 3 tháng với anh Việt Dũng, sau 3 tháng anh Việt Dũng gật đầu và cuối cùng thì SBTN chọn Khang làm xướng ngôn viên.
Khi làm xướng ngôn viên, Khang học được nhiều thứ, những chuyện gì đang xảy ra, nói chung nó mang lại cho mình một cuộc sống lành mạnh hơn.”
Có thể nói, với kỹ năng của người làm truyền thông, cùng với sự lãng mạn vốn có của một người ca sĩ, đang tạo nên một Nguyên Khang đầy năng động, nhiệt huyết. Xin chúc ca sĩ Nguyên Khang ngày càng thành công hơn nữa trên con đường nghề nghiệp mà anh đã chọn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét