Sau thời gian kêu than khó khăn vì nợ xấu cao, buộc Chính phủ phải thành lập Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nhưng VAMC đi vào hoạt động thì nhiều ngân hàng lại không muốn bán nợ cho Công ty này.
Tỷ lệ nợ xấu đẹp, cần gì VAMC?
Vào cuối năm 2012 khi có đề xuất thành lập VAMC thì tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng đều cao, từ 4% đến trên 10%. Nhưng nay khi VAMC đi vào hoạt động thì tỷ lệ nợ xấu của phần lớn các ngân hàng đã hạ xuống mức dưới 3%, đạt tiêu chuẩn quốc tế và không cần phải bán cho VAMC.
Trong số 15 ngân hàng công bố tỷ lệ nợ xấu 6 tháng đầu năm 2013, chỉ có 3 ngân hàng có tỷ lệ vượt mức 3%, ngưỡng phải bán cho VAMC, gồm NaviBank (6,1%), SHB (9,04%) và TechcomBank (5,28%), còn lại đều ở mức từ 3% trở xuống.
Ngoài ra, một số ngân hàng cho biết, hiện đang cố gắng tự thân vận động và tự xử lý trước khi nghĩ đến chuyện bán lại cho VAMC. VAMC dù là công cụ tốt nhưng tự thân các ngân hàng xử lý nợ xấu vẫn tốt hơn.
h |
Một số ngân hàng hiện đã cử nhân sự tham gia vào bộ máy hoạt động của DN vay vốn nhưng không có khả năng trả nợ đúng hạn để giúp DN tái cơ cấu, quản lý trực tiếp, quản trị dòng tiền… Thậm chí, có trường hợp nhân sự của ngân hàng phải tham gia điều hành trực tiếp tại DN. Điều này vừa giúp DN ổn định sản xuất, vừa giúp ngân hàng có thể kiểm soát chặt DN, không để DN có cơ hội tẩu tán tài sản, bảo vệ lợi ích của mình.
Với quyết tâm xử lý nợ xấu của các ngân hàng thì VAMC được dự đoán sẽ phải “đốt đuốc” đi tìm khách hàng trong thời gian tới. Không có khách hàng bán nợ thì VAMC chắc thành lập ra cũng chỉ để “ngồi chơi xơi nước”.
Tuy nhiên, một nguồn tin mới đây cho biết, VAMC đã có danh sách một loạt các ngân hàng buộc phải bán nợ xấu và sẽ gửi xuống tận nơi trong nay mai. Những ngân hàng này sẽ phải bán nợ xấu với mức giá do VAMC xác định.
Điều này đang gặp phải phản ứng từ các ngân hàng. Nhiều ngân hàng cho biết, vấn đề định giá tài sản đảm bảo rất phức tạp và khó chính xác. Nếu định giá quá chặt thì DN và ngân hàng chịu thiệt, nếu định giá thoáng thì VAMC không thể bởi như vậy Chính phủ chịu thiệt. Chỉ khi nào giải quyết được cách định giá hợp lý thì việc mua bán nợ mới diễn ra suôn sẻ được.
Câu chuyện vẫn diễn ra theo hướng khó khăn và có lẽ không phải bán nợ cho VAMC là cách tốt nhất mà các ngân hàng mong muốn.
Theo các chuyên gia kinh tế thì ngân hàng không muốn bán nợ cho VAMC bởi quy định, các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3% bắt buộc phải bán nợ cho VAMC, nhưng khi bán nợ rồi thì vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/ năm cho số đã bán, sau 5 năm số nợ này VAMC không xử lý được thì lại trả về cho các ngân hàng.
Vì vậy, nhiều ngân hàng không muốn bán nợ cho VAMC, bởi bán nợ rồi mà vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro. Nợ xấu khi còn thuộc về ngân hàng, họ có toàn quyền xử lý, nay phải phụ thuộc vào 1 tổ chức khác thì chưa biết thế nào.
Sợ lộ con số thật
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, lý do quan trọng nhất khiến các ngân hàng không muốn bán nợ cho VAMC là nếu bán nợ, ngân hàng sẽ phải công khai với Ngân hàng Nhà nước là khoản nợ này từ đâu mà ra, ai là đối tượng vay.Ngân hàng lo sợ là bởi, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng rất nghiêm trọng, nhiều ngân hàng huy động tiền của dân rồi cho công ty sân sau vay, nảy sinh nợ xấu.
Nếu công khai các khoản nợ xấu này, có nghĩa ngân hàng thương mại phải thừa nhận với Ngân hàng Nhà nước tình trạng cho vay sân sau, có nghĩa ông chủ ngân hàng có nguy cơ phạm luật.
Bản thân các ngân hàng lớn hay nhỏ, hoạt động tốt hay không đều có xu hướng giấu nợ xấu. Ngân hàng nhỏ giấu vì sợ nếu lộ ra sẽ bị phân biệt đối xử, khách hàng rút chạy. Còn những ngân hàng lớn, giấu nợ xấu, trích dự phòng rủi ro thiếu để tăng lợi nhuận, kích giá cổ phiếu cũng như thu hút khách hàng.
Một chuyên gia ngân hàng cho biết mỗi ngân hàng có tới 4 cấp có thể che giấu, làm sai lệch con số nợ xấu. Cấp thứ nhất là cán bộ tín dụng, do thấy khách hàng không trả được, sợ ảnh hưởng đến bản thân đã câu kết với khách hàng tìm nguồn vốn khác đập vào, cho vay khoản mới đảo nợ. Tiếp tới là các Phòng giao dịch và Chi nhánh cũng lo sợ nợ xấu ảnh hưởng tới mình, tìm cách xử lý theo hướng có lợi. Cao hơn nữa các Hội sở chính cũng thấy nợ xấu có thể gây tác động xấu nên tìm cách xử lý tương tự và cuối cùng là cấp phát ngôn có thể điều chỉnh để có con số “đẹp”.
Việc che giấu nợ xấu có ảnh hưởng tiêu cực tới sự tồn tại và phát triển ngân hàng, không phản ánh đúng thực trạng của ngân hàng, để có giải pháp áp dụng phù hợp mà sẽ làm kéo dài thời gian trì trệ, thua lỗ.
Các chuyên gia cũng đặt ra vấn đề, nếu xử lý nợ xấu theo cách khác như dùng tiền mặt mua nợ xấu theo giá thị trường thì chắc chắn tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng cao vọt và không ngân hàng nào lại không muốn đẩy “cục nợ” này đi cho rảnh. Nhưng cách này nghe chừng khó. Vậy chỉ còn cách đẩy mạnh thanh tra kiểm tra các tổ chức tín dụng và DN thì nợ xấu mới không thể giấu được.
Kiểm toán Nhà nước vừa cho biết, trọng tâm kiểm toán 2014 là tìm ra nợ xấu và sở hữu chéo mà mọt số DN và ngân hàng sẽ bị đưa vào tầm ngắm. Theo dự kiến tổng số cuộc kiểm toán trong năm 2014 sẽ là 160, tăng 12 cuộc so với năm 2013. Riêng lĩnh vực DN và tổ chức tài chính – ngân hàng tăng 14 đầu mối so với năm trước.
Trần Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét