Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Đề cao cảnh giác

Nguyễn T. Bình

Tối thứ bảy 21/9, từ Sài Gòn, tôi đọc được trên Quê Choa của Bọ Lập bài “Viết nhanh nhân đọc bài viết của ông Trần Chung Ngọc trên báo Nhân Dân” của chị Vũ Thị Phương Anh (Blog Anh Vũ). Tôi vốn không lạ gì các “sản phẫm trí tuệ” của ông Trần Chung Ngọc. Đó là những “sản phẩm” mang tính tự sát – theo cách nói của ông trùm cách mạng XHCN đảo quốc CuBa Fidel Castro. Vì vậy, tôi tán đồng ý kiến ‘đề kháng” của chị Vũ Thị Phương Anh.



                   Theo tôi, vấn đề chúng ta cần đặt ra ở chỗ báo Nhân Dân – cơ quan trung ương ĐCSVN – đã sử dụng “sản phẩm trí tuệ” của ông Trần Chung Ngọc trong bối cảnh vấn đề tôn giáo nói chung đang từ âm ỉ chuyển sang nóng dần lên và có thể trở thành nóng rực, bắt đầu bởi một loạt sự kiện nhỏ lớn mang dấu ấn cây thánh giá vốn gắn liền với đức tin của khoảng 6 triệu con người cụ thể đang sống trải dài khắp đất nước Việt Nam. Khó nói khác, một khi “sản phẩm” của ông Trần Chung Ngọc chễm chệ trên mặt báo Nhân Dân có nghĩa là ông Ngọc và cơ quan (ngôn luận) của trung ương ĐCSVN tuy hai mà một. Sự việc này chắc chắn không phải do thiếu khôn ngoan hoặc do ấu trỉ đâu. Bởi, thực tế đã cho thấy, ĐCSVN rất dày dạn kinh nghiệm về “tôn giáo vận”. Đạo Phật vừa kỹ niệm ngày Phật đản sinh lần thứ 2553. Vậy mà, Phật giáo VN được thành lập và hoạt động theo giấy phép của nhà nước cấp, đề cao phương châm “Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội”. Vậy thì khả năng “tôn giáo vận” của ĐCSVN đâu phải dở. Mặc dù ai cũng biết trong phương châm này, bốn chữ sau cùng “chủ nghĩa xã hội” rỏ ràng rất xa lạ trong bề dày lịch sử truyền bá đạo Phật nói chung và nói riêng tại VN.

                   Trong khối “Đại Đoàn Kết Dân Tộc” có sự hiện diện của nhiều tôn giáo. Những người đàng hoàng, chân chính đều tỏ rỏ sự tôn trọng và cả sự cẩn trọng khi nói và viết về tôn giáo. Dỉ nhiên tôn giáo khác tà giáo. Rất hiếm ai làm cái chuyện như ông Trần Chung Ngọc đã làm, đả phá tôn giáo này nhằm bênh vực tôn giáo kia. Đụng đến niềm tin thế sự tuy có nguy hiểm nhưng không nguy hiểm bằng đụng đến đức tin tôn giáo – xét toàn diện. Thế sự có thể thay đổi theo mong muốn chủ quan của con người. Nhưng tôn giáo thì rất khó thể. Do vậy, đức tin, nói cách nào đó, có độ bám rất chặt hơn niềm tin trong đầu óc, tâm tư con người. Như vừa qua báo chí lề phải đã lên tiếng biết bao nhiêu về tình trạng “bầy hầy” do mê tín dị đoan xuất hiện ngày càng dày đặc tại không ít chùa chiền miếu mạo ngoài Bắc trong Nam bổng dưng được khôi phục, xây mới tưng bừng, cấp tập và cơ quan quản lý nhà nước đã can thiệp nhưng xem ra vô ích. 

                   Tôi tin chắc tuyệt đại đa số Phật giáo đồ thành tâm với đạo pháp và chỉ vì đạo pháp “cứu khổ chúng sinh” của đức Phật mà thôi đã, đang và sẽ không bao giờ chấp nhận các “sản phẩm” của ông Trần Chung Ngọc, nói chi tiếp nhận nó thông qua báo Nhân Dân. Nhất là trong tình hình có vẻ như tôn giáo đã / bị buộc phải “nhập cuộc” bởi đạo và đời cùng chung số phận khổ nạn. Thông thường khủng hoảng sẽ dẫn đến khủng bố, không loại trừ kể cả đối với tôn giáo. Có lẽ bài viết của ông Trần Chung Ngọc được đăng trên báo Nhân Dân mới đây là một dấu hiệu báo trước qui luật thông thường này. Dỉ nhiên, xét về mặt thủ đoạn, khủng bố không chỉ là bắt bớ. Nó có thể là chiêu pháp “tọa sơn quan hổ đấu” kiểu của Mao Trạch Đông. Hoặc giống như hình thái “đấu tranh giai cấp” trong các cuộc “cải cách ruộng đất”, “cải tạo tư sản mại bản” đã diễn ra ở đất nước chúng ta. Sự thể này một khi thật sự diễn ra trong thực tế sắp tới đây thì đó không phải là “tai họa của riêng ai”, nếu không nói có khi “tác giả kịch bản” bị đi vào cửa tử trước tiên. Do đó chúng ta cần đề cao cảnh giác .Đến nay nhiều người vẫn chưa quên số phận đen thui của triều đại nhà Ngô tại miền Nam trong thập niên 60 của thế kỷ 20 khi sử dụng tôn giáo này chống lại tôn giáo kia, ai dè giờ cuối xuất hiện Hội Đồng Liên Tôn bao gồm đại diện thật sự có uy tín trong đạo của nhiều tôn giáo “trụ cột” đồng thanh lên tiếng với uy lực của đức tin vững bền. Thế là chế độ độc tài gia đình trị nhà họ Ngô tiêu. Tiện đây xin lưu ý một điều, sự thật Bồ tát Thích Quảng Đức đã “vị pháp thiêu thân” năm 1963, hoàn toàn không dính dáng gì đến những cái “vị” mà vừa qua người ta đã cố gán ghép theo thói quen “tranh thủ chính trị” khi kéo nhau đến trước tượng đài của ngài đọc diễn văn “ngợi ca” trong không khí tổ chức rình rang, gây cản trở giao thông công cộng trên đường Cách Mạng Tháng Tám Q3, Tp.HCM gần cả buổi sáng. 

                  Hãy thật tâm, thật sự tôn trọng tôn giáo, chớ đụng đến hoặc lợi dụng tôn giáo, dù công khai hay bí mật. Đụng đến tôn giáo kiểu Trần Chung Ngọc và những người ủng hộ cũng như lợi dụng các “sản phẩm trí tuệ” của Trần Chung Ngọc đều là tự sát – tôi nghĩ vậy trong ý thức từ bi đã bất ngờ xuất hiện trong tôi lúc còn trẻ khi được nghe câu vọng cổ “đời là bể khổ chơi vơi, tìm nơi thanh tịnh thảnh thơi linh hồn”. Đó mới thật là tu !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét