Đào Tuấn
Việc người dân ít tham gia tố cáo tham nhũng có thể hiểu là sự thắng thế của tâm lý “makeno”, có thể hiểu đó là một tín hiệu sự đầu hàng, của người ngay trước kẻ gian! Hoặc đơn giản hơn, đó là một thất bại khi khẩu súng bắn vào “giặc nội xâm” đang thiếu “đầu đạn- người tố cáo”.
14h15 chiều 22.8.2001, anh Đặng Vũ Thắng, người tố cáo tham nhũng tại Thảo Cẩm Viên Sài Gòn, đang cùng bạn bè ngồi tại quán Hương Dừa (Thủ Đức) thì nhận một cú điện thoại tới máy di động. Nghe xong, anh không ăn nữa mà ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi. 15 phút sau, Thắng mượn xe bạn về phòng làm việc ở Thảo Cầm Viên. Và đó là lần cuối cùng anh còn được gặp bạn bè.
Dưới cơn mưa tầm tã, anh bị những kẻ côn đồ do thủ quỹ Lâm Bích Thủy thuê “dằn mặt”, gần như băm nát cơ thể. Cẳng chân bị chặt. Thắt lưng bị chém. Ruột lòi ra ngoài. Phổi bị đâm thủng. Cơ hoành rách. Lá lách vỡ đôi. Đặng Vũ Thắng mất tới 4 lít máu và sau đó tử vong mà không nói được một lời.
Cái giá của việc “biết quá nhiều”, của những lá đơn tố cáo tham nhũng trong vụ Thảo Cẩm Viên, chính là tính mạng người tố cáo.
Có thể, vụ Thảo Cẩm Viên chỉ là một cá biệt trong việc trả thù bằng xã hội đen. Nhưng cá biệt trong một tình trạng không hề cá biệt là người tố cáo tham nhũng bị trả đũa tới nơi tới chốn, khi việc làm của họ, không chỉ là chống lại những tiêu cực của những người có quyền, có tiền, mà có khi còn đụng đến “nồi cơm chung” của những người hôm qua còn là đồng nghiệp. Một vị bí thư đảng ủy phường ngay tại thủ đô mất chức. Một cán bộ ở Hà Tiên bị “vụt gãy giò”. Một nông dân bị cắt điện suốt 19 tháng, bị xả nước ao cá. Và thậm chí, ngay cả một ĐBQH như ông Lê Như Tiến cũng nhận không ít tin nhắn hăm dọa, cảnh cáo “ông đừng có dây vào địa hạt của tôi”.
Vì sao người dân giờ đây ít tố cáo tham nhũng? Đơn giản là họ sợ bị trả thù. Và những trường hợp chống tham nhũng giống với việc “con giun xéo lắm cũng quằn”, hơn là người ta nhìn thấy cái xấu và tự giác chống lại nó, phê phán nó.
Ngày hôm qua, trong ngồn ngộn những con số, những tình trạng, những kê khai, những thành tích… còn có một dòng đánh giá, trong cáo cáo chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ. Nguyên văn: “Rất ít người dân tham gia tố cáo tham nhũng”.
ĐBQH Dương Trung Quốc có lần phát biểu: chống tham nhũng của ta rất hoành tráng, súng nổ rất to, nhưng chẳng ai bị thương. Vì đạn bắn không có đầu.
Việc người dân ít tham gia tố cáo tham nhũng có thể hiểu là sự thắng thế của tình trạng không ít phổ biến, nói như ĐBQH Lê Như Tiến- là tâm lý “makeno” (mặc kệ nó), vô cảm, hoặc “ngậm miệng ăn tiền”, tức không động đến mình thì mình cũng không động đến”. Nhưng cũng có thể hiểu đó là một tín hiệu sự đầu hàng, của người ngay trước kẻ gian! Hoặc đơn giản hơn, đó là một thất bại khi khẩu súng bắn vào “giặc nội xâm” đang thiếu “đầu đạn- người tố cáo”.
Trong câu chuyện thời sự liên quan đến “Chị Nguyệt Hoài Đức”, có lẽ cả những người tố cáo và những người đang có ý định tố cáo tham nhũng đều sẽ không thể quên “những giọt nước mắt người ngay”, ngay trong lễ vinh danh. Những giọt nước mắt cho thấy nỗi cô đơn của người tố cáo kể cả khi họ làm đúng và chưa, chứ không phải là không, bị trả thù.
Rất muốn hỏi Tổng Thanh tra Chính phủ một câu, rằng vì sao hệ thống pháp luật để bảo vệ người tố cáo hoàn toàn không thiếu, trong khi thực tế xảy ra biết bao nhiêu tai bay vạ gió chỉ vì những người tố cáo đã làm đúng.
Và liệu cuộc chiến chống “giặc nội xâm” sẽ đi đến đâu khi “người ngay” vẫn phải sợ kẻ gian đến như thế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét