Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

LÍ TƯỞNG CỦA THANH NIÊN AN NAM (PHẦN I)

LÍ TƯỞNG CỦA THANH NIÊN AN NAM (PHẦN I)

Nguyễn An Ninh (1900-1943)

Nguyễn An Ninh sinh ngày 15/9/1900 tại quê mẹ ở xã Long Thượng, quận Cần Giuộc, Chợ Lớn (nay thuộc Long An).

Nguyễn An Ninh theo học ở trường Taberd, rồi trường Collège Mỹ Tho. Năm 1915, mới 15 tuổi, ông đã được nhận làm biên tập cho tờ Courrier saigonnais. Năm sau, nhờ tốt nghiệp trung học với bằng ưu nên ông ra Hà Nội học Cao đẳng Y Dược và được miễn chuẩn bằng Tú Tài.
Nhưng học được nửa năm, Nguyễn An Ninh quyết định chuyển sang học luật tại Trường Cao đẳng Pháp chính thuộc Đại học Đông Dương. Năm 1918, ông sang Pháp, tiếp tục học đại học ngành luật tại Đại học Sorbonne. Hai năm sau, ông đã hoàn thành chương trình học tập và được cấp bằng cử nhân Luật hạng xuất sắc.
Trong thời gian ở Paris, Nguyễn An Ninh liên hệ với Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc. Họ trở thành nhóm “Ngũ long” có uy tín trong kiều bào ở Pháp.
Trong nhóm, ông Ninh được Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường rất tin cậy, quý mến. Đối với Nguyễn Ái Quốc, ông Ninh là bạn, là người cộng sự cùng tham gia sáng lập Hội Liên hiệp Các dân tộc thuộc địa, cùng viết bài và quảng bá cho báo Le Paria (Người cùng khổ).
Ngoài ra, Nguyễn An Ninh còn dành thời gian nghiên cứu các học thuyết cách mạng trên thế giới. Ông cũng kết giao rộng rãi với các nhà hoạt động cánh tả ở Pháp và một số nước ở châu Âu.
Tháng 10/1922, ông về nước. Lần đầu tiên, Nguyễn An Ninh ra mắt công chúng Nam Kỳ tại Hội khuyến học với một bài diễn thuyết "Une culture pour les Annamites" bằng tiếng Pháp (được dịch là "Chung đúc học thức cho dân An Nam") cốt để kêu gọi mọi người dân Việt hãy mau "noi theo cái học thức Pháp, đặng mở mang trí dân, rộng tư tưởng của dân, làm cho giòng giống tráng kiện, mau thoát cái ách nô lệ. Bằng cứ theo nẻo hoạn đồ, lấy việc làm quan là mục đích của việc học thì hỡi ơi! Sau này giòng giống sẽ yếu ớt, ắt có ngày kia rút vô rừng mà ở!".
Ông cho rằng "cứ suy tôn Khổng Tử, khó cho ta tiến bước được", "tự do không phải là một vật gì mà ta có thể chuyền tay, có thể cho hay bán. Ai cũng có thể tự do được", "thanh niên ngày nay, không ai cấm chúng ta phác họa ước mơ và cao vọng" và sau đó ông còn đả kích thực dân Pháp "khai thác bóc lột đến tận xương tủy cả Đông Dương”.
Ông cũng là người sáng lập ra tờ báo “Tiếng chuông rè”; “Thanh niên Cao vọng đảng”,  một tổ chức yêu nước hoạt động theo nguyên tắc hội kín ở Nam kỳ để truyền bá tưởng tự do, cách mạng.
Ông đã bị bắt giam ba lần. Lần thứ 3, ra khỏi tù, ông đi hẳn với những cộng sản trong nhóm Dân chúng và viết cho báo Dân Chúng, góp phần tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi các quyền tự do dân chủ, ra ứng cử vào Hội đồng Quản hạt (Hội đồng thuộc địa Nam kỳ).
Năm 1939, ông lại bị bắt lần thứ năm và cũng là lần cuối cùng. Sau đó, ông nhận án 5 năm tù lưu đày Côn Đảo. Nguyễn An Ninh mất trong tù vào ngày 14/8/1943, hai năm trước khi Việt Nam giành lại được độc lập, hưởng dương 43 tuổi.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết của Nguyễn An Ninh “Lý tưởng của thanh niên Việt Nam” –một bài viết còn nguyên tính thời sự cho hôm nay…

(Nguồn: chungta.com)

 

Lý tưởng của thanh niên An Nam (phần 1)

Nguyễn An Ninh

Thưa các ông,
Năm ngoái, cũng tại đây, trong một buổi thuyết trình ngắn, tôi có đề cập đến vấn đề “cần xây dựng cho dân An Nam ta một nền văn hoá”.
Buổi thuyết trình đó không mấy người nghe hiểu đúng, hay nói thẳng ra, không ai hiểu đúng cả.

Nền văn hoá Trung Hoa trên nước ta đang suy và thế hệ chúng ta đang chìm đắm trong vòng ngu dốt, nên việc không hiểu đó, không làm cho tôi ngạc nhiên.

Tôi vừa nói: “Nền văn hoá Trung Hoa trên nước ta đang suy”, ra vẻ như có lúc nào đó, trên nước ta, nền văn hoá Trung Hoa đã trải qua một thời kỳ rực rỡ. Nhưng xét cho thật, tôi phải tự hỏi: Liệu có lúc nào, nền văn hoá Trung Hoa đã chịu được cái phong thổ nước ta chưa?
Hai chữ văn hoá tự nó đã bao hàm ý nghĩa về cái chỗ rộng mênh mông, một chỗ cao hơn hết mà ta có thể đạt được sau khi hấp thu những chân trời cao rộng.

Tên tuổi của những người, những tác phẩm đã đóng góp vào việc nâng cao trình độ học thức của người Trung Hoa, thật là nhiều. Nhưng đối với các nhà Nho học của ta, khi nghe các ông ấy bàn luận, thì dường như các ông chỉ biết có mỗi một mình Khổng Tử. Người có học đương nhiên đều tôn kính Khổng Tử như một bậc thánh nhân đáng cho người da vàng tưởng nhớ và biết ơn. Nhưng những bậc cao siêu thì rất khó mà nhận Khổng Tử làm thầy mình, làm người hướng dẫn con đường trí tuệ và tinh thần của mình, là người lo về luân lý trong dân, là người làm thầy dạy dân.
Trang Tử đã nhiều lần lên tiếng chống lại các luân lý hẹp hòi, những ý nghĩa ràng buộc của Khổng Tử. Những tác phẩm của ông quả là một chiến dịch chống đối nhà hiền triết lừng danh của Trung Quốc. Lời châm biếm khôn khéo của ông đã lắm phen làm cho các môn đồ của Khổng Tử cũng phải cười theo. Như vậy thì còn gì cái oai nghiêm và uy thế của bậc đại hiền triết.

Chúng ta phải công nhận công lao to lớn của Khổng Tử trong việc đem lại hoà thuận, trật tự, bình yên trong dân, dân đến cho họ bao nhiêu nguồn hạnh phúc nho nhỏ.

Nhưng từ đó, phải suy tôn đạo Khổng lên tới giá trị cao nhất về tinh thần và trí tuệ của loài người, thì lại là một bước khác, chúng tôi thấy là khó lắm.

Hãy để nguyên đạo Khổng trong cái phận sự dạy dân của mình, và chúng ta sẽ làm ngơ đi, để mặc cho đạo Khổng chuyên lo trong phận sự mình.

Lại nữa trong thời buổi tranh đấu này, nếu ta bằng lòng với những thú vui đồng áng và hạnh phúc gia đình cỏn con, thì con người hoá ra yếu; tức là ta dọn sẵn một mảnh đất cho bạo lực và sự quyết đoán sẽ nhân đó mà làm chủ nhà ta dễ như chơi.

Ý tưởng của Khổng Tử, néu hiểu nó cho thấu đáo thì giá trị con người sẽ được nâng lên, quan niệm về cuộc sống trở nên rộng rãi và độ lượng.

Điểm khởi đầu trong đạo Khổng là nằm trong con người, trong việc tự tu dưỡng bản thân của mỗi người. Nó đòi hỏi trước hết phải: “tìm cho ra nguồn gốc muôn việc làm của con người”. Như vậy là sự công bằng của Khổng Tử là ở nơi “hiểu” mà ra, phải “hiểu” chớ chẳng phải là dò theo từng câu, từng chữ trong Tứ Thư, Ngũ Kinh mà cư xử người, như các quan toà y theo luật mà xử vậy. Hiểu trước rồi sẽ xử người. Xét cho tận rồi sẽ xử người. Thì tự nhiên thấy rõ rằng chỉ còn cái khoan dung, cái độ lượng, cái hào hiệp mà thôi. Như vậy thì con người buộc người ít hơn buộc mình, buộc mình nhiều hơn buộc người khác và chỉ còn biết buộc mình mà thôi.

Chữ “Trung” là sức mạnh giúp ta gìn giữ lời hứa, là một hệ quả khác của nguyên tắc lớn làm nền tảng cho đạo Khổng.

Hai chữ “Trung”, “Thứ” là cái gốc của kẻ muốn làm người theo như Khổng Tử dạy: Trung để buộc mình, Thứ để đối với người.

Nhưng rồi theo dòng thời gian, đạo Khổng bên Trung Hoa đã trở thành một món hàng hoá xuất cảng. Và chính cái tác hại của món hàng hoá xuất cảng của nền văn hoá giả tạo đó trong giới ưu tú xứ ta, làm cho số ưu tú ấy tưởng mình đầy đủ mà phô trương cái “đầy đủ” ấy ra một cách thô kệch thường thấy với các nhà Nho có tuổi của chúng ta. Chính là để chống lại sự hạ thấp trình độ trí thức xứ ta gây ra bởi “đạo Khổng dưới dạng hàng xuất cảng” đó, mà tôi phải nói phớt qua hôm nay với các bạn. Tôi nói phớt qua là vì muốn xác định vị trí xứng đáng của Khổng Tử trong số những bậc thánh nhân làm thầy của nhân loại, thì tôi phải viết rõ ra trong năm ba quyển sách mới đầy đủ được.

Tôi có lòng mơ ước rằng: Trời sẽ giúp cho tôi có đủ sức và dư thì giờ để mà viết ra một số những tác phẩm nhằm giúp cho đồng bào hiểu rõ tinh thần Viễn Đông ta và tinh thần Âu Tây.

Chiều nay, tôi chỉ muốn giới thiệu qua với các bạn về vị trí xứng đáng của Khổng Tử trong nhận thức của những ai muốn vươn lên đến một trình độ trí thức cao.Vì rằng chính lúc còn sinh thời, Khổng Tử cũng chưa bao giờ dám tự nhận rằng học thuyết của mình là ước vọng cao quý nhất của tri thức loài người. Chính ông đã tự mình tìm đến để nghiêng mình chào Lão Tử, gọi Lão Tử bằng thầy và công nhận Lão Tử cao hơn mình, sánh Lão Tử như con Rồng, Khổng Tử đã nói: “Tôi biết rằng chim bay, cá lội nhưng cái lực, cái tinh thần của con Rồng tôi không đo được”. Trong khi đó thì Lão Tử đã kề vai nói nhỏ với Khổng Tử rằng: “Học thuyết của ông ví như một con ruồi bay vo vo trong cái vò”.

Thuật lại câu chuyện này với các bạn, tôi chỉ muốn hỏi các bạn nghĩ gì khi có người ở nước ta lại cố tình đưa đạo Khổng lên hàng cao nhất của tri thức nhân loại, như lý tưởng cao quý nhất của con người, trong khi chính Khổng Tử lại nhìn nhận có người khác hơn mình. Phải chăng, điều đó chứng minh sự hèn kém của nòi giống An Nam, cho thấy nỗi bắt lực của những tâm hồn đẹp đẽ nhất trong chúng ta. Tất nhiên thử hỏi có mấy người có thể đọc được sách của Lão Tử. Nhưng người táo bạo nhất cũng ráng sức, miệt mài, họ còn dựng lên một cái đài cao, những con người biếng nhác, bất tài đã không ngại ngùng mà lên trên chót đài ấy rao cùng thiên hạ rằng đạo Lão là một cái “đạo thầy pháp” làm nản lòng những ai còn ham muốn tìm hiểu. Nhưng như vậy cũng còn chưa có thể gọi là phá hoại.

Đạo Khổng dưới dạng một món hàng xuất cảng mang sang nước An Nam ta, đã gây tai hại như thế này: Các nhà Nho học nổi tiếng của ta được nhồi nặn theo đạo Khổng, cứ tưởng rằng ngoài cái đạo Khổng không có ý tưởng nào là rộng, là thật. cứ biết một mình đạo Khổng thôi, các nhà Nho học xứ ra hễ đọc sách nào thì không lo hiểu cho tận sách ấy, lại lấy ý Khổng Tử mà giải sách ấy, thành ra ngoài cái ý của Khổng Tử thì không hiểu chi cả; hễ động đến đạo nào, dẫu cho đạo ấy khác đạo Khổng như ngày khác đêm, cũng hoá ra đạo Khổng; làm cho mấy ý tưởng cao thượng để giúp người trí thức dễ thở hoá ra hẹp hòi.

Tôi lấy một ví dụ: Đây nói về ông Trang Tử, người học trò xuất sắc của Lão Tử. Ai ai cũng nghe biết mẩu huyền thoại rất phổ biến về giấc mộng của thầy Trang Tử thấy mình hoá bướm, về câu chuyện đã xảy ra cho vợ thầy Trang. Như thế này: Trong buổi lễ tang vợ thì Trang Tử vẫn ngồi gảy đàn, hẳn là không phải ông muốn quên lãng một sự thật đau đớn mình mới biết, hay để cười cái tội lỗi ngàn đời của người phụ nữ.

Vì cười như vật là đau đớn lắm. Mà nếu như Trang Tử đã phải xúc cảm đến mức độ đó thì những tư tưởng trong sáng của Lão Tử nhất định đã chẳng giúp được gì nhiều cho học trò ông.

Lời giải thích đúng nhất, có lẽ nằm trong tác phẩm của chính Trang Tử.

Trả lời những câu trách móc của anh bạn Huệ Tử rằng: “Anh đã sống với chị ấy, mà đến khi người ta chết, anh không hề thương khóc thế là đã nhềiu rồi, đằng này anh còn dạo đàn, tôi tưởng như vậy là thái quá chăng?”. Trang Tử trả lời: “Không đâu, lúc vợ tôi tắt thở thì tôi cũng có buồn. Nhưng tôi lại nhớ đến lúc chưa có tạo hoá, lúc hãy còn chưa có “Sinh”, chưa có “Hình”, rồi tôi nghĩ đến sự biến đổi đột ngột từ đâu ra. Nó biến đổi cái không “khí trời” thành ra cái có “khí trời”, rồi sinh ra cái có “Hình”, sinh ra sự “Sinh”, rồi lại dắt trở về với sự “Chết”, làm cho ta thấy bốn mùa như nối đuôi nhau vậy, xoay vòng không cùng vậy.
Hôm nay, vợ tôi như người trở về nơi mình sinh ra, êm đềm trở về với cội nguồn vũ trụ, mà tôi lại khóc than thì chẳng hoá ra là tôi chẳng hiểu tí gì về quy luật của Trời đất hay sao?”. 

Người có nhận thức về triết học Ấn Độ, về đạo Lão, thì cách giải thích này là đúng nhất, chớ giải thích khác hơn thì hoá ra Trang Tử như người thường, như con người theo nghĩa của đạo Khổng vậy. Mà Trang Tử cũng thú nhận rằng ông có một chút buồn lúc vợ chết, ấy là Trang Tử nhận rằng mình hành chưa trọn cái đạo của Lão Tử.

Tôi có hơi dông dài về đạo Khổng, chẳng là để dẫn chứng qua một trong hàng nghìn ví dụ, rằng hiểu biết của ta về các vấn đề Trung Hoa hãy còn rất xa yêu cầu hiểu biết thực sự về nền văn hoá TrungHoa. Nhận xét này nói lên cho các bạn hiểu vì sao trong các nhà Nho học của ta ít người hiểu tôi. Hiểu thấu đáo ăn hoá Trung Hoa, tôi tưởng cũng đủ cho ta hiểu nổi các luồng tư tưởng khác trong nhân loại vậy.

Còn trong các bạn đã được nước Pháp đào tạo bây giờ cũng ít người hiểu tôi. Là vì ngày nay tôi chưa thấy người An Nam nào tiếp thu đầy đủ ý nghĩa của văn hoá Pháp. Và như tôi đa nói trong buổi nói chuyện lần trước “Học Tây trong nước ta bây giờ chỉ học để làm nô lệ cho nhà nước. Tại Đông Dương này tuổi trẻ An Nam khó mà tìm cho ra cái cao thượng của Âu Tây lắm”. Dẫu cho chúng ta có được thừa hưởng một truyền thống gia đình, hay nhờ vào những hoàn cảnh thuận lợi khác đi nữa, không mấy người trong chúng ta đủ sức vươn lên đến trình độ một học giả ở Châu Âu. Mà giờ đây, vào thời buổi hiện nay, mỗi người châu Á chúng ta lại phải được trang bị hai phía, vừa phải tiếp thu văn hoá Âu Tây và cả văn hoá Á Đông nữa.

Lần diễn thuyết trước tôi có nói về dùng thuốc: “Trong ta phải có hai thứ thuốc chống nhau để rồi hoà tan sinh ra một thứ thuốc mới. Trong ta phải có thắng trận hai lần” và không ai theo kịp tôi muốn nói gì. Có thể lời lẽ tôi nêu ra hôm ấy không sát với hiện tại, có thể là lời dự báo trước vậy.

Chiều hôm đó, người nghe có vỗ tay khen tôi lúc tôi bài bác cá tính ưa làm quan của ta. Có vỗ tay hoan nghênh tôi nhưng thực ra là cũng để tự khen chính mình. Họ đã vỗ tay hoan nghênh và lấy làm kiêu hãnh vì chính họ đã chống ý nghĩ mốn học để ra làm quan. Khi tôi lên tiếng chống những cái hại đó đang đầu độc những mầm sống đẹp đẽ nhất của nòi giống ta, là tôi đã nói cho những người muốn học cao hiểu rộng muốn có một địa vị xã hội cao, những người tin rằng mình có một sứ mạng xã hội xứng đáng với tài đức của mình.
Tôi sẽ nói với các bạn về xứ mạng xã hội đó, bắt buộc đối với những người thông minh nhất, mạnh mẽ nhất trong chúng ta.

Tôi lại kéo dài thời gian thêm chút nữa để nói về sự cần thiết phải xây dựng cho nòi giống ra một nền văn hoá riêng.

Khi tôi nói đến nền văn hoá cho nòi giống ta, chắc các bạn ai cũng liên nghĩ đến việc tại sao lại không dùng tiếng An Nam để nói. Chắc hẳn, tôi không dám tự liệt mình vào hàng những nhà viết văn bằng quốc ngữ lớn nhất hiện nay, nhưng tôi có thể khẳng định là tôi đủ sức trình bày mọi ý kiến của tôi bằng tiếng An Nam. Thú thật với các bạn là cái “vừa đủ” ấy làm cho tôi thẹn với nòi giống ta lắm, song tôi biết thẹn và biết cố gắng để quay về với tiếng mẹ đẻ thì cũng đã an ủi tôi và đủ cho các bạn thứ cho tôi.

Tuy nhiên, dùng tiếng Pháp có thể là một điều bắt buộc đối với thanh niên ta, những nhà trí thức tương lai mà tư tưởng sẽ dẫn đường cho nòi giống ta, nay phải qua con đường văn hoá Châu Âu để hiểu sâu hơn văn hoá Viễn Đông. Lại nữa, tôi nói chuyện với các bạn bằng tiếng Pháp là cũng cốt để phơi bày mọi ý tưởng của mình,d dể cho có nhiều người khác nghe được, để đính chính mọi nghi ngờ ngu xuẩn cứ lảng vảng quanh tôi. [(1) N.A.N ám chỉ bọn mật thám]

Các bạn cần hiểu tại sao tôi nói “cần thiết” phải có một nền văn hoá riêng cho nòi giống ta. Nhiều dân tộc nhờ có nền văn minh của mình mà nổi danh trên thế giới, mà gây được ảnh hưởng của mình trên thế giới. Dân tộc nào bị thống trị bởi nền văn hoá ngoại bang thì không thể có độc lập thật sự. Văn hoá là tâm hồn của một dân tộc. Giống như một con người có tâm hồn cao thượng thì mới biết những thú vui thanh cao trong cuộc sống, một dân tộc có nền văn hoá cao thượng thì mới hưởng được những đặc ân mà một dân tộc thấp kém hơn không thể biết được. Như vậy một dân tộc muốn sống, muốn độc lập, muốn rạng danh trong nhân loại, cần phải có một nền văn hoá riêng của mình.

Tôi lấy ví dụ: một nền văn hoá mà chúng ta chịu ảnh hưởng mãi cho đến ngày nay, nền văn hoá Trung Hoa. Nhiều lần bị bạo lực lấn áp bị các dân tộc “man di” láng giềng xâm chiếm, nhưng nhờ có nền văn hoá mà nước Trung Hoa vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Hơn thế nữa, cứ mỗi lần biến cố xã hội xảy ra, lẽ ra phải nô dịch hay huỷ hoại nước Trung Hoa, thì lại mở rộng biên cương và càng làm cho nước Trung Hoa thêm hùng mạnh, ảnh hưởng càng rộng lớn.

Kẻ xâm lược, chinh phục được nước Trung Hoa rồi nhưng tự mình lại bị nền văn hoá Trung Hoa chinh phục. Dần dần, họ từ bỏ những phong tục của đất nước họ, văn chương nước họ, cả ngôn ngữ dân tộc họ để đồng hoá với nền văn hoá Trung Quốc. Và cứ như thế qua mấy lần bị đô hộ, mỗi lần giành tự do, thì đất nước Trung Hoa lại được mở rộng thêm một bước sát nhập vào lãnh thổ của mình.

Chứng minh sự cần thiết phải xây dựng một nền văn hoá riêng cho nòi giống ta không đến nỗi khó. Cái lúng túng của chúng ta, là phải tìm ra một di sản tinh thần thật vững chắc làm nền tảng cho việc thực hiện mong ước của chúng ta. Nếu chúng ta gom góp tất cả những gì về văn chương, về nghệ thuật đã được toạ ra trên đất nước ta, thì nguồn tài sản tri thức của tổ tiên ta để lại nhất định sẽ hết sức mỏng manh so với nhiều dân tộc khác. Đó chính là lý do đầu tiên mà cũng là lớn nhất dễ làm cho ta chán nản, làm giảm niềm phấn chấn của chúng ta. Mớ vốn văn chương để lại cho chúng ta quá mỏng manh, mà thêm vào đó, nó còn sặc mùi sa đoạ, bệnh hoạn, mệt mỏi, mang vị đắng của những giấy phút hấp hối. Và nhất định không thể từ cái di sản đó mà chúng ta có thể tiếp thêm sức mạnh, thêm lực sống cho nòi giống ta trong cuộc chiến đấu giành cho mình một chỗ đứng trên thế giới.

Cái gọi là giới tinh hoa Nho học đã được đào tạo theo sách vở Tàu đã chẳng cố bám vào đạo Khổng như những con người chết đuối cố bám vào khúc gỗ mục đó sao?

Ngay như, chỉ cần đem so sánh với nước Ấn Độ thì Việt Namta chỉ là một chú tí hon bên cạnh ông khổng lồ. Vì rằng Ấn Độ đã có một quá khứ lẫy lừng và bây giờ đây, nước Ấn Độ, và nước Nhật Bản đang cung cấp cho loài người những nhà tư tưởng, những nghệ dĩ, mà thiên tư và tài nghệ đang rực sáng bên cạnh những thiên tư và những tài nghệ của Châu Âu. 

Nước Nam ta xí như một trẻ nhỏ còn chưa có được ý nghĩ hay sức lực để mò mẫm đi lên một tiền đồ tốt đẹp hơn, đi trên đường giải phóng thật sự.

Và làm sao người ta có thể nói đến tự trị về chính trị, đến tự do, người ta đang đọc những bài diễn văn rỗng tuếch , đưa ra những yêu sách điên rồ, chỉ để phung phí thêm nữa sức mạnh của nòi giống.

Ta đòi tự do nào? Tự do để làm gì?

Đứa trẻ còn chập chững bước đi chưa vững, có phải cần đến cả cái trái đất này để tập đi hay không? Tự do không phải là một vật gì mà ta có thể chuyền tay, có thể cho hay bán. Ai cũng có thể có tự do được. Người nào đã sinh ra tự do, thì dù có bị bắt làm nô lệ họ cũng sống tự do. Ngược lại, một người sinh ra đã nô lệ, thì dù ngồi trên ngai vàng họ cũng là tên nô lệ. Cho đến ngày giờ này, trong xứ ta may mắn có một vài người sáng suốt, đã chú ý đến việc chuẩn bị một cơ sở vững chắc cho tương lai của đất nước. SỐ còn lại, tất cả những người còn lại, họ nói chính trị, xem như chỉ có chính trị, duy nhất bằng con đường chính trị mới đạt được một lời hứa nào đó từ lâu mong đợi. HỌ xem như vấn đề sống còn của nòi giống là vấn đề chính trị chứ không phải là vấn đề xã hội. Nếu trong nước dốt nát đến mức ấy mà những đầu óc sáng suốt lại nín thinh thì tội ấy nặng bằng giết cả nòi giống mình. Vấn đề sống còn của nòi giống mình là vấn đề xã hội, nó ở trong tinh thần của dân tộc ta từ Nam chí Bắc. Ta còn đang phải lo cho có một lý tưởng chung cho thời bây giờ để tạo nên hạt giống của cái cây “ngày mai” của dân ta.

Tagore nói về Ấn Độ có nói câu này đáng cho ai lo cho ngày mai của dân ta để tâm suy nghĩ. Nhắc đến một thời xôn xao bên Ấn Độ, ông nói: “Trí tôi lúc ấy không chịu để cho mấy cái rung động, xôn xao của các cuộc vận động chính trị thời đó mê hoặc, vì mấy cái xôn xao ấy không có nghĩa lý gì cả; trong đấy không có lực lượng nào thực sự có tinh thần dân tộc, trong đấy hoàn toàn không hiểu biết gì về đất nước và từ đáy lòng thì dửng dưng với việc phụng sự Tổ Quốc”. Và bên cạnh cái vinh quang của một nhà thơ lớn, ông Tagore còn mang lại gì cho đất nước Ấn Độ? Ông đã hết lòng hết sức vì sự nghiệp giáo dục quốc dân, đã sáng tác ra bao nhiêu tác phẩm văn chương bằng tiếng Bengali, các tác phẩm này được dịch ra nhiều thứ tiếng và tung ra khắp châu Âu. Ta hãy nghe ông Ananda Coomarasvvany, một nhà thông thái của Ấn Độ giới thiệu về nền giáo dục quốc dân đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét