Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Ông Nguyễn Bá Thanh: Anh em nói vui Hà Nội không vội được đâu, thôi thì cũng biết thế

 Làm việc với TAND Tối cao sáng nay 11.9, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính T.Ư, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, đặt vấn đề phải làm rõ những vướng mắc của các cơ quan tố tụng trong việc xử lý các vụ án tham nhũng, biện pháp khắc phục.

 
Ông Trương Hòa Bình (trái, Chánh án TAND Tối cao) và ông Nguyễn Bá Thanh (phải, đứng phát biểu) tại buổi làm việc - Ảnh: Hoàng Trang
Đoàn công tác do ông Nguyễn Bá Thanh dẫn đầu là một trong bảy đoàn công tác được thành lập theo kế hoạch kiểm tra giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, đề ra từ hồi đầu tháng 8.
 
Chứ  tui thấy tình trạng trả đi trả lại hồ sơ, kéo dài gây phản cảm cho xã hội...
Trưởng ban Nội chính T.Ư
Nguyễn Bá Thanh
Tại buổi làm việc với TAND Tối cao, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết hoạt động kiểm tra lần này không đồng nhất với hoạt động kiểm tra của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 cũng như khác với hoạt động giám sát chấp hành pháp luật việc xử lý tội phạm tham nhũng của Ủy ban Tư pháp.
“Các đồng chí phải phục vụ nhiều đoàn rất vất vả nhưng đây công việc chung thì chúng ta phải làm. Đoàn thực hiện kế hoạch kiểm tra nhưng sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan tòa án”, ông Thanh nói.
Đề cập đến nội dung làm việc của đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị lãnh đạo TAND Tối cao đưa ra những vướng mắc cụ thể trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng. Theo ông Thanh, một trong những vướng mắc lớn trong việc truy tố xét xử án tham nhũng là còn thiếu các chế tài cơ sở pháp lý về giám định.
“Hiện nay khâu giám định tư pháp đang tắc vô cùng, các ngành đã gắng rồi nhưng nó vẫn dở dở ương ương, đến bây giờ đôn đốc các cơ quan rất là khó khăn. Nhiều vụ án giám định không biết bao giờ kết thúc, thích thì làm mấy tháng, không thích thì làm năm nọ qua năm kia cũng không ai làm gì được, đây là những sơ hở phải khắc phục”, ông Thanh nói.
Vấn đề trên, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng Tổng bí thư đã kết luận nhưng cuối cùng vẫn chưa chuyển biến và bản thân ông cũng thấy rất sốt ruột.
“Mấy bữa trước thấy kiểu này là tôi oải luôn, kiểu này chắc bay tiêu cả năm 2013. Anh em nói vui Hà Nội không vội được đâu, thôi thì cũng biết thế. Năm 2013 còn mấy tháng nữa làm sao mà làm cho kịp”, ông Thanh nói tiếp.
“Tinh thần cuộc làm việc này là có bất cập nào như về quy định pháp luật thì các đồng chí cứ xới ra để Ban Nội chính sẽ phối hợp với các ngành cùng tổng rà soát, qua đó kiến nghị với Bộ Chính trị, có kiến nghị tới Đảng Đoàn Quốc hội sửa luật luôn. Sửa như thế nào đó để vận hành trơn tru”, ông Thanh cho biết.
 
... Tôi thì không am hiểu nhiều về tòa nhưng tôi được biết ở các nước thì tòa có quyền triệu tập, mà tòa triệu tập thì phải đi chứ đừng ngồi đó mà cãi lý. Không có kiểu thích thì đến mà không thích thì không đến. Luật pháp mình mơ mơ màng màng thế chứ ở các nước là nghiêm lắm...
Trưởng ban Nội chính T.Ư
Nguyễn Bá Thanh
Ông Thanh dẫn ra vụ việc cụ thể là vụ “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn...” xảy ra tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (gọi tắt là Vifon): “Trong vụ này hai ông là Bộ Công thương và Bộ Tài chính không chịu làm nguyên đơn dân sự. Các ông đều có cái lý của mình. Tôi đề nghị anh Trương Hòa Bình cho triệu tập cả hai ông đến tòa với tư cách nguyên đơn dân sự được không? Triệu tập đây không phải là có tội gì đâu mà để làm rõ lấy lại tiền cho Nhà nước cả mấy chục tỉ đồng, nên làm cho dứt điểm vụ này đi, một vụ nhỏ như thế này mà đẩy lên Bộ Chính trị thì tốn thời gian quá”.
Trả lời về việc này, ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án TAND Tối cao, cho biết ba ngành tố tụng T.Ư xác định về thành phần tham gia tố tụng nên phải có sự thống nhất với nhau chứ riêng tòa án không quyết được.
“Thưa anh Sơn, tôi thì không am hiểu nhiều về tòa nhưng tôi được biết ở các nước thì tòa có quyền triệu tập, mà tòa triệu tập thì phải đi chứ đừng ngồi đó mà cãi lý. Không có kiểu thích thì đến mà không thích thì không đến. Luật pháp mình mơ mơ màng màng thế chứ ở các nước là nghiêm lắm”, ông Thanh nói.
“Vụ Vifon dù là nhỏ nhưng tôi thấy không đáng phải kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, khiến người dân cảm thấy bị chìm xuồng rồi, do vậy tôi đề nghị đưa vào làm cho dứt điểm”, ông Nguyễn Bá Thanh chốt lại.
Báo cáo của TAND Tối cao tại buổi làm việc cũng cho biết trong quá trình xét xử vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót. Đó là việc giải quyết một số vụ án tham nhũng còn để kéo dài. Vẫn còn một số bản án, quyết định giải quyết các vụ án tham nhũng bị tòa án cấp trên hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Bên cạnh đó, còn tình trạng quyết định cho bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo còn thiếu tính thuyết phục.
Báo cáo về công tác xét xử các vụ án tham nhũng, TAND Tối cao đề cập tới 10 “đại án” tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trong đó có các vụ án như PMU 18, Vinashin, vụ nhận hối lộ tại dự án Đại lộ Đông - Tây, vụ bí thư Thành uỷ Vĩnh Yên…
Theo dự kiến, đoàn công tác do ông Nguyễn Bá Thanh dẫn đầu sẽ làm việc với TAND Tối cao từ nay cho đến cuối tháng 9. Sau khi nghe báo cáo tự kiểm tra giám sát của Ban cán sự Đảng TAND Tối cao, đoàn công tác sẽ trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, làm việc trực tiếp với một số đơn vị trực thuộc TAND Tối cao về công tác xét xử án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng phức tạp.
Thái Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét