Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Thâm như…

thamnhutau



Sài Gòn Cô Nương
Nhiều ngày qua, mấy trăm gia đình dân chúng huyện An Lão (Bình Định) rủ nhau lên rừng hái nấm hòm để bán cho thương lái Trung Quốc.

Chẳng biết họ mua thứ nấm cực độc ấy về làm gì, nhưng với cách mua bán lạ kỳ đã trở thành quá quen thuộc từ Bắc chí Nam từ lâu, người dân chẳng tìm hiểu làm gì và cũng chẳng cách nào tìm hiểu được.

Các lái buôn từng đổ xô đến các tỉnh đồng bằng phía Bắc để mua đinh lăng, ngâu cổ thụ… Thế nhưng không phải chỉ dược thảo bị càn quét mà giống chè shan cổ thụ trên dãy Tây Côn Lĩnh của Hà Giang đã hàng trăm năm tuổi bị đốn phá tan tành chỉ để lấy thân vốn là gỗ dễ mục bán ít tiền. Hay tại xã Đồng Phước A (Hậu Giang), người dân đua nhau trồng cây sắn, không phải thu hoạch củ như bình thường mà chỉ để lấy ngọn và lá bán cho các thương lái “bí ẩn”. Khi sắn được trồng ngút ngàn thì thương lái mất tăm không dấu vết.
Thứ gì Trung quốc cũng mua. Nấm linh chi làm thuốc, lan kim tuyến làm cây cảnh thì còn hiểu được nhưng cỏ thông hay lá dừa tươi thì không biết để làm gì. Chỉ có điều hiển nhiên ai cũng biết là khi mất lá dừa để quang hợp thì cây sẽ chết khô và không thể đậu trái.

Bên cạnh việc thu tóm đủ các loại lá cây, thương lái Trung Quốc còn tìm mua cả rễ cây. Phong trào đào rễ cây sim ở Lộc Bình (Lạng Sơn) khiến rừng sim bị phá hủy dẫn đến xói mòn đất, nước từ thượng nguồn đổ về dễ gây lũ quét. Ngoài ra, gốc rễ cây hồ tiêu, rễ cây hồi… cũng bị hỏi thăm sức khỏe.
Xã Kon Pne (Gia Lai) rộ lên việc tận thu rễ cây T’rưng. Ngay cả dân địa phương cũng chẳng biết công dụng của rễ cây này để làm gì nhưng việc dân chúng bỏ nương rẫy, đào bới rễ cây khiến nguồn lâm sản dưới tán rừng bị cạn kiệt thì hiển nhiên.

Cũng thế, Chu ka là loại cây hoang ở các huyện miền núi biên giới Quảng Ninh đã bị người dân đua nhau vào rừng như trẩy hội để mỗi ngày hái giao cho thương lái TQ vài tấn lá. Dân Gia Canh (Đồng Nai) thì tấp nập gom lá điều khô bán mặc dù ai cũng biết thiếu nó thì không thể giữ độ ẩm và dinh dưỡng cho đất.

Không chỉ vơ vét nông sản, nhiều thứ lạ đời như khi họ thu gom đuôi trâu, móng trâu ở các tỉnh phía Bắc, khiến số trâu giảm mạnh và không thể phục hồi lại. Cả đỉa, ốc bươu vàng… những con vật phá hoại khó tiêu diệt này mau chóng sinh sôi nảy nở lúc nhúc hoành hành trên những cánh đồng, tràn bò vào nhà dân sau khi đầu nậu đột ngột ngừng thu mua.
Nhiều gia đình sạt nghiệp, mất hàng chục tỉ đồng trên 1.500 hécta, là vựa nuôi ngao lớn nhất ở Giao Thủy (Nam Định) bỗng điêu đứng vì thương lái TQ giở quẻ, thay vì mua thành phẩm chuyển sang mua ngao giống làm giá ngao giảm mạnh, có khi một ngày giảm năm lần.

Dù đã có quy định cấm thương lái nước ngoài trực tiếp thu mua nông sản trong nội địa nhưng núp dưới vỏ bọc khách du lịch, thương lái TQ vẫn vào tận vườn vơ vét vải thiều đóng thùng. Toàn bộ giá cả, sức mua, thị trường vải thiều hằng năm cao hay thấp đều do thương lái nước ngoài thao túng. Vừa qua khỏi biên giới, nó được đóng nhãn hàng TQ để chuyển đi các nơi.

Trong khi trái thanh long Bình Thuận chưa hết lo thì mới đây hàng trăm tấn chuối Khánh Sơn (Khánh Hòa) trên hàng trăm hécta chuối đang độ thu hoạch bị phơi nắng, chín rục trên rẫy, mặc cho chim ăn. Không bán được chuối, dân Raglai vào rừng đào củ mang bán đổi gạo. Tàu TQ vào đậu tận sông Hàm Luông đẩy dừa khô Bến Tre ồ ạt chảy sang TQ làm nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải sang Indonesia để tìm mua dừa về sản xuất. Kéo theo đó, các sản phẩm phụ của dừa như cơm dừa nạo sấy, thạch dừa, sữa dừa, kẹo dừa, than gáo dừa, chỉ xơ dừa… cũng điêu đứng vì thiếu nguyên liệu.

Không cần phải qua trung gian thương lái Việt Nam mà lái TQ vào tận vườn, tận ruộng mua bán. Giá cả do họ khống chế, tùy ý tăng giảm, Việt Nam hoàn toàn thụ động.

Chỉ một kịch bản không thay đổi diễn ra lặp đi lặp lại: Thay vì trải đều khoai vàng, khoai đỏ… thì sau một thời gian trúng giá, đất trồng khoai lang Nhật riêng tại tỉnh Vĩnh Long tăng lên khoảng hơn 6.000 hécta, nông dân ùn ùn chuyển đất trồng lúa, hoa màu, ăn trái… sang trồng khoai Nhật, thậm chí thương lái TQ còn thuê đất để tự trồng khoai. Rồi họ đột ngột giảm mua khiến giá khoai rớt mạnh và nông dân chết đứng. Long An cũng thế. Nông dân bỏ lúa, khoai mỡ, đay để tăng gấp đôi đất trồng mì và không lâu, chỉ trong vòng một năm, họ thấy ngay đã bị lừa một cách ngoạn mục. Trái chín, củ quả tới mùa thu hoạch chẳng thà bỏ lún ngoài đồng còn hơn tốn nhân công thu hoạch về không có chỗ chứa và chứa không bán đâu được. Nguy hiểm hơn nữa là nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên phá rừng phòng hộ đầu nguồn để lấy đất trồng sắn bán cho TQ mà không cần biết sẽ bán được mấy vụ sắn trước khi lũ tràn về?

Nông dân cứ bị dụ sản xuất một loại nông sản đến khi dư thừa thì không thể tiêu thụ. Hàng hóa bị ép giá không ai mua. Ngược lại, khi hàng Việt Nam vào chính vụ đưa lên biên giới thì thương lái TQ sẽ bày ra màn kiểm dịch, nhằm đánh tụt chất lượng cũng như giá cả. Các xe dưa, trứng, vải thiều… đâu có xếp hàng mãi ở biên giới được, đành chấp nhận bán rẻ, hàng hỏng vất đi hoặc quay về bán tháo. Buôn bán bất cứ mặt hàng nào, TQ đều thao túng chẳng những về giá cả mà còn làm cho các doanh nghiệp trong nước đi tới chỗ phá sản, đóng cửa nhà máy vì không có nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu. Sau khi tiêu diệt các doanh nghiệp Việt Nam, họ mang hàng Việt Nam đã mua, quay lại, bán cho các doanh nghiệp Việt Nam đang đói nguyên liệu. Một cận cảnh chứ không hề viễn cảnh chút nào.

Thương lái TQ nợ tiền mua heo ở Gia Kiệm (Đồng Nai), nợ tiền mua cua ở Năm Căn (Cà Mau) bỏ trốn quịt tiền. Từ tôm, cua biển… cho đến khoai tím Nhật, dừa khô, khóm xanh… khiến thương lái và nông dân miền Tây thiệt hại trên một trăm tỉ đồng chỉ trong vòng nửa năm… Thật ra chỉ cùng một thủ đoạn lừa đảo thôi. Trả tiền trước lấy hàng sau sòng phẳng một thời gian để lấy uy tín, sau đó lấy hàng trước, tiền hứa trả sau, rồi lặn mất tăm không tung tích. Ai cũng biết thương lái TQ đều làm ăn lừa lọc kiểu đó nhưng hám lợi lúc đầu khiến người ta vẫn không đề phòng.

90 % “đặc sản” Đà Lạt là hàng Trung Quốc. Các nông sản ngoài chợ cũng thế: gừng, khoai tây, hoa quả… tất thảy đều là hàng TQ. Và khi bị tẩy chay thì hàng TQ tìm cách thay nhãn, tẩm hóa chất sao cho biến thành hàng Việt Nam.
Chợ biên giới gần như 100% là hàng TQ, không có chỗ cho hàng Việt. Cửa hàng nào cũng chất đống các loại chai lọ xì dầu, thùng gói bột nêm, mì chính, nước ép trái cây… nhãn mác bằng tiếng TQ, giá rẻ bất ngờ.
Cá tầm Việt Nam sau nhiều công phu gầy dựng đã thua thảm hại khi cá TQ tràn vào nội địa với giá rẻ mạt. Chẳng phải các loại thủy sản có giá trị như tôm sú, cá tra, mực bạch tuộc… mà tại cảng Vĩnh Lương (Khánh Hòa), TQ trực tiếp đứng ra mua xô tất cả các loại cá, chẳng chừa lại một con. Chẳng những thu gom theo kiểu quét sạch, họ còn mua tôm bơm tạp chất và thậm chí hướng dẫn người bán cách bơm tạp chất như từng chỉ nông dân trộn đất vào trà, vào khoai… để sau đó rêu rao hàng Việt Nam kém chất lượng.Thu gom ồ ạt mủ cao su giá cao, rồi săn lùng nông sản và bây giờ là thủy sản bất chấp chất lượng. Chẳng lãnh vực nào TQ không nhúng tay vào. Thấy ngay trước mắt các nhà máy chế biến thủy sản hầu như không còn nguyên liệu hoạt động. Các cảng cá ở Ninh Thuận cũng y trường hợp: Xe gom cá hấp đậu chật đường vào cảng làm các nhà máy Việt Nam nhìn nhau méo mặt. Tới chừng các nhà máy đóng cửa thì chắc chắn cũng là lúc thương lái TQ hoàn thành nhiệm vụ!

Bộ Công Thương nói đó là “chuyện nhạy cảm”. Tức là khó nói lắm, không nói được!

Đồ chơi TQ nổi tiếng vì các chất độc hại gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em: Thú nhún chứa chất phthalates (gây dậy thì sớm, vô sinh và ung thư) cao gấp 5-9 lần tiêu chuẩn hiện hành. Đèn lồng chứa chất cadmi độc không kém chì, thủy ngân, khi ngấm vào cơ thể trẻ sẽ làm chậm phát triển xương, còi xương. gây ung thư tiền liệt tuyến, phổi, vú… Vải vóc, mỹ phẩm, thực phẩm… đều chứa chất độc hại. Đi đâu cũng gặp hàng hóa Tàu. Lên cao nguyên ăn mứt Tàu. Đi Huế mua chiếc quạt của Tàu. Kỳ công ra Hà Nội sắm cái chăn cũng của Tàu… Ngoài chợ là tỏi Tàu, cà rốt Tàu, quần áo Tàu… Các công ty của Trung Quốc còn nhập lao động “chui” sang làm việc. Hậu quả để lại là một số con lai.
Phòng khám đa khoa APOLLO (Trần Hưng Đạo, Quận 1). Khi thấy người của cơ quan chức năng xuất hiện, các “bác sĩ” cởi áo blouse bỏ chạy tán loạn, nhiều phòng khóa cửa. Khi buộc phải phá cửa vào thì phát hiện tám người TQ khác đang trốn trong toilet, tầng thượng, gầm giường…

Qua lãnh vực xây dựng, do chọn nhà thầu giá thấp nhất nên vô số dự án rơi vào tay nhà thầu TQ. Câu “Tiền nào của nấy” thật đúng trong những trường hợp này qua thiết bị xấu, thi công chậm dẫn tới đội vốn… “Bẫy” thầu luôn luôn thấy rõ từ trước bởi giá rẻ đến vô lý nhưng chủ đầu tư Việt Nam vẫn đâm vào để lãnh đủ hậu quả.

Cuối cùng tin mới nhất cho biết hàng chục con chó được cho là chó TQ gắn chíp cắn người và cắn cả chó nhà xuất hiện ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Trẻ con không dám ra đường, người lớn thì chỉ có việc đồng áng mới ra khỏi nhà.

Không biết còn những chuyện gì bày ra nữa. Dường như không bao giờ dứt những chuyện như vậy.


Sài Gòn Cô Nương

1 nhận xét: