Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

TỐ PHONG

Ngự Thuyết


Tố Phong là một thi sĩ, nhưng ít người biết đến. Quá ít! Những dịp tiếp xúc với bạn bè trong giới viết lách, tôi hỏi về Tố Phong, ai nấy đều lắc đầu bảo không biết. Có người mách nước cứ tìm đọc cuốn Văn Học Miền Nam - Tổng Quan của Võ Phiến là biết ngay. Tôi tìm đọc cuốn đó. Đấy là một cuốn sách viết rất công phu, rất giá trị, viết với tấm lòng tha thiết đối với nền văn học Miền Nam; mà Võ Phiến bảo là một nền văn học thành hình thật nhanh, phát triển tưng bừng và vội vã, rồi bị vùi dập một cách tức tưởi; mà nhà cầm quyền Cộng Sản đã tìm mọi cách tận diệt để không còn sót lại một vết tích nào, và nếu có phần nào không xóa bỏ nổi thì mang ra bôi bẩn, xuyên tạc. Cuốn sách đề cập đến hàng trăm nhà văn, nhà thơ miền Nam. Không thấy nói gì về Tố Phong. Cho nên tôi nghĩ rằng Tố Phong thuộc lớp trước.


Tôi bèn tìm phần nói về các tác giả thuộc giai đoạn "hồi cư" từ sau 1945 cho đến ngày chia đôi đất nước năm 1954, gặp những tên tuổi như Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Thiên Giang, Thê Húc, Tam Ích, Triều Sơn, v.v. Ngay cả một số vị mà sự nghiệp viết lách đang còn phôi thai, một số vị chỉ có dăm ba bài thơ không lấy gì làm hay, một số vị chỉ có liên hệ đôi chút với văn học, cũng được đề cập. Võ Phiến sợ thiếu chứ không sợ dư. Do đó trong phần Danh Biểu ở cuối sách, con số liệt kê thật lớn lao, gần 500 người, theo thứ tự ABC, bắt đầu từ những nhà văn như An Khê, Anh Đức ... cho đến những người cuối cùng là Y Đạt, Y Uyên. Nhưng cũng không thấy tên Tố Phong. Túng quá, tôi đến gặp ngay nhà văn Võ Phiến để "hỏi cho ra lẽ". Và câu trả lời: Rất tiếc, tôi không biết gì về thi sĩ đó.

Có lẽ có người cho rằng người viết bài này rõ ngớ ngẩn. Đâu phải hễ cứ có dăm ba bài thơ, bài văn là có quyền đòi hỏi được ghi tên vào "bảng vàng bia đá"! Vậy Tố Phong có đáng được nhắc nhở đến hay không khi đã cho xuất bản vài tập thơ?

*
Tố Phong sinh sống tại Đà Lạt. Vào khoảng từ năm 1948 đến năm 1952, ông có đăng thơ trên một số tạp chí ở Bắc như Tiểu Thuyết Thứ Bảy, một tạp chí có tiếng tăm trước năm 1945, sau được tục bản tại Hà Nội do nhà viết kịch lão thành Vũ Đình Long đứng làm chủ nhiệm, và ở Nam như loại sách Bạn Trẻ của nhà xuất bản Nam Việt tại Sài Gòn, v.v... Sau đó Tố Phong có cho in hai tập thơ:Giòng Huyết Sử và Mai Sáng. (Người viết bài này nhớ được hai câu đầu tiên trong bài thơ Mai Sáng,không phải vì hai câu thơ ấy hay, mà vì do tình cờ: Mai sáng ngày mai dậy sắc hương/ Và cây thêm lục nắng thêm hường). Trong tuyển tập Thơ Mùa Giải Phóng có thơ của Hoàng Cầm, Nguyễn Bính, Vũ Anh Khanh, Thẫm Thệ Hà, Sơn Khanh ... cũng có bài Lòng Mẹ của Tố Phong. Bài Lòng Mẹ cũng đã được phổ nhạc. Vào thời đó, hào quang của kháng chiến chống Pháp còn rực rỡ, bộ mặt thật của Cộng Sản Việt Nam chưa hiện rõ. Nhiều người cầm bút có cảm tình hoặc thiên hẳn về phe kháng chiến. Chính thi sĩ Sơn Khanh, bút hiệu của luật sư Nguyễn văn Lộc, sau này có thời làm thủ tướng của Miền Nam quốc gia, là người chủ biên tuyển tập Thơ Mùa Giải Phóng.

Thú thật vào thời gian theo học những lớp đệ ngũ, đệ tứ trung học, (tức lớp 8, lớp 9) không mấy quan tâm đến văn chương, tôi có biết Tố Phong là ai đâu. Tôi cũng chưa từng đọc một bài thơ nào của thi sĩ đó. Mãi đến khoảng 1956-1957, có dịp lui tới nhiều lần tại Đà Lạt, tôi tò mò đọc Tố Phong. Đọc vì tò mò về con người mà mình có dây liên hệ, mà đến lúc ấy mình mới biết là người ấy có làm thơ. Cảm tưởng chung chung của tôi: thơ Tố Phong có một số bài mang những tứ lạ, có gây xúc động, nhưng thường thì tối tăm, hoang mang. Có thể hồi đó tôi còn nông nổi chưa hiểu được ông chăng. Về sau tôi cố tìm thơ ông để đọc lại xem sao nhưng không tìm đâu cho ra dù một bài. Có một số câu thơ của Tố Phong in hẳn vào trí nhớ của tôi, chẳng hạn:
Lênh đênh mực đọng lòng trang giấy
Chữ đảo điên mờ chảy mấy trăng...
Riêng bài Lòng Mẹ khá dài, tôi chỉ nhớ được bốn câu đầu và bốn câu cuối:
Lòng đứt đoạn nhìn con thơ tê tái
Thôi từ nay con hỡi hết trông cha
Đường sá lạ đi về nhà một mái
Nỗi niềm riêng đau xót mẹ con ta
...

Thang xã hội con bò trong tăm tối
Gió đông về cùng rét mướt tả tơi
Đầu thơ ngây tóc bù như cỏ rối
Làm đau lòng mẹ lắm hỡi con ơi!
*
Tố Phong sinh ở Truồi, một ngôi làng phía nam thành phố Huế thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Người mẹ yêu quý cuả ông Minh -- ông nhắc nhở nhiều đến mẹ trong thơ, Tố Phong tên thật là Nguyễn Ngọc Minh -- thường nói quê quán của ông có dâu Truồi ngọt, núi Truồi cao.

Núi Truồi ai đắp nên cao
Sông Gianh (?) ai bới ai đào nên sâu.

Mồ côi cha từ bé, ông theo mẹ vào Đà Lạt, có học nghề may đồ tây. Vào thời đó biết may Âu phục là có thể kiếm được "bộn bạc cắc". Cũng có học ít nhiều về nghề thuốc, đến trình độ nào thì tôi không rõ. Nhưng ông không thích hành nghề của mình để kiếm sống, mà lại xoay qua viết lách. Ông sống tại nhiều nơi, Đà Lạt, Sài Gòn, Huế, có đi Vinh tìm kế sinh nhai, và đã từng sống ở Nam Vang. Ông không có gia đình, vợ con. Thân nhân của ông cho biết ông từng yêu một người đẹp họ Bùi, nhà giàu, có tiệm vàng, của thành phố Đà Lạt, một thành phố cao nguyên hồi đó còn ít người, nhỏ bé, thanh lịch, nơi có rất nhiều người gốc Huế, và hầu như mọi người trong thành phố đều là họ hàng của nhau hoặc quen biết nhau. Ông nhờ người mai mối, bị từ chối khéo. Đó là một cú sốc lớn trong đời ông.

Vào những năm 1952, 1953 ông không còn viết được nhiều như trước. Ông thường đi thơ thẩn một mình suốt ngày trên khắp các đường phố Đà Lạt, trời mưa cũng đội mưa mà đi, ướt như chuột lột, đêm về nhà thì thức thâu đêm viết lách, xé bỏ, lầm bầm những gì không ai rõ, có khi đập phá đồ đạc. Có người cho ông quẫn trí vì chuyện hôn nhân thất bại, có người lại nghĩ rằng ông không chịu nổi những cảnh trái tai gai mắt của một xã hội nhiễu nhương nên ông thường lên cơn khủng hoảng tinh thần. Cuối cùng vì những bài viết dữ dội đụng chạm nặng đến nhiều nhân vật thế lực của thành phố, của chánh quyền, ông bị bắt giam vào lao xá Đà Lạt trong một thời gian ngắn. Sau đó ông bị đưa vào nhà thương điên Biên Hòa.

Hè năm 1959 - 60 thì phải, tôi và một người bạn, Phạm Đình Uyển, đến Dưỡng Trí Viện Biên Hòa thăm ông. Ông trông còn khỏe mạnh, phụ trách việc chia thuốc và chích thuốc cho bệnh nhân tâm thần, nhưng ông không còn sáng suốt nữa. Trong câu chuyện với chúng tôi, thật ra ông chỉ độc thoại chứ không bắt được những gì chúng tôi nói, ông miên man bàn về những đợt tiến quân của quân Anh, quân Ấn từ phía Sài Gòn dồn ra, những binh đoàn của Tưởng Giới Thạch, của Lư Hán từ phía Hà Nội tràn vào, khiến bọn Nhật dã man, hung tợn cũng phải bó tay nộp khí giới đầu hàng. Nhưng cái nguy mà chỉ một mình ông biết, ông nói thế, là hiện giờ quân Pháp lại "đục nước buông câu" rình rập mò về. Cho nên ta phải "đi nước trước" lấy tre đực đánh vào đầu chúng nó, tầm vông vạt nhọn đâm vào cổ chúng nó, bột ớt, bột tiêu xịt vào mắt chúng nó, đào hố sâu bẫy và chôn sống chúng nó. Chúng nó trốn dưới hầm, trong xó nhà, thì đừng có dại xông vào lãnh đạn, chỉ việc lấy rơm hun khói vào cho chúng nó nghẹt thở phải bò ra như lũ chuột. Nhiều lúc ông quên hẳn chúng tôi đang ngồi trước mặt, say sưa nói một mình đến sùi bọt mép.

Cũng may ông không có vẻ gì nguy hiểm. Hai đứa chúng tôi thì ngơ ngác, không biết làm thế nào để kéo ông về với thực tại. Cuối cùng chúng tôi lục hết túi lấy ra được một ít tiền tặng ông, rồi đứng dậy cáo từ ra về. Nhưng ông nhất định không cho chúng tôi đi. Ông nắm chặt cả hai cánh tay tôi, cặp mắt lóe ra những tia hung dữ, giữ tôi lại, bảo chúng tôi không được khi dễ ông, phải ở lại chơi với ông vài ba tháng vì bạn bè của ông đều đã "đi chơi" đâu cả chưa ai chịu về, nhà vắng, buồn lắm. Chúng tôi lại ngồi xuống chiếc ghế băng dài đặt trước cái bàn gỗ hình chữ nhật cũ kỹ, không có khăn bàn, không dơ dáy cho lắm, nhưng cũng bốc ra một mùi khó tả, không giống như "mùi tù" mà tôi đã từng biết. Thế là mùi gì vậy? Mùi bùn? Mùi phèn? Mùi mốc? Mùi ải? Mùi rã? Mùi oải? Bạn tôi bảo cứ cho nó là "mùi điên" cho gọn. Tôi hơi khó chịu trước lối nói đùa đó. Thấy chúng tôi ngồi xuống, ông vui vẻ nói:
"Mà trước hết, tôi làm trà cái đã. Hai anh chờ tôi một chốc."

Trong khi ông loay hoay đi tìm cái gì đó dưới gầm bàn, gầm giường, có lẽ ông tìm bình trà, ấm nước để pha trà, lò đun, không thấy đâu cả, ông chạy ra ngoài hiên lại lục lọi tìm tòi, chúng tôi thừa cơ lẻn bước đi nhanh.

Từ đó, khá lâu tôi mới đến thăm ông một lần. Ông không nhớ gì về những chuyến viếng thăm trước của tôi, cũng miên man nói chuyện quân Đồng Minh, quân Nhật, cũng giữ tôi lại, cũng loay hoay đi tìm bình trà, và nhân đó tôi cũng lẻn đi không cáo từ. Có một lần tôi gợi ý nói xa gần về thi sĩ Tố Phong, thì ông có vẻ ngơ ngác, thẫn thờ, đôi mắt nhìn đâu đâu như thất thần. Câu chuyện giữa ông và tôi vốn thường đã lông bông lại càng lạc lõng thêm.

"Thi sĩ hả, thi sĩ nào?"

"Nhà thơ Tố Phong ở Đà Lạt, anh có nhớ không?" tôi nhắc chừng.

"Đà Lạt hả? Tiệm vàng gần chợ Đà Lạt tôi đâu thèm ghé lại bao giờ."

Rồi ông lẩm nhẩm nói một mình chứ không phải hát: "Một ra đi là không trở về/Lòng tráng sĩ thề không nao núng"...

Tôi cố hỏi gặng thêm về nhà thơ Tố Phong thì ông đổi đề tài một cách đột ngột:
"Anh phải đồng ý với tôi là giải pháp Bảo Đại rồi cũng chả đi đến đâu. Bảo Đại rốt cuộc biến thành bù nhìn. Mà bọn Anh Mỹ Nga Tàu Pháp có bao giờ thực tâm giúp người mình. Nhưng những tụi ngu xuẩn cầm quyền bây giờ đâu biết được điều đó ... "

Tôi không thể đoán liệu ông ta có biết thi sĩ Tố Phong chính là ông hay không, hay ông ta có biết nhưng cứ giả vờ ngớ ngẩn, hoặc không muốn nhắc đến.

Khoảng cuối thập niên 60, may thay, tôi tình cờ đọc được một bài viết vắn tắt về Tố Phong, người viết là Thế Phong, còn có bút hiệu là Đường Bá Bổn, chủ trương nhà xuất bản Đại Nam Văn Hiến tại Sài Gòn. Dường như có nhiều tác phẩm của nhà xuất bản này được in bằng ronéo. Rất tiếc, tôi không nhớ một chút gì về bài viết đó. Và tôi nghĩ rằng bài viết ấy của Thế Phong là lời nói cuối cùng về nhà thơ Tố Phong. Quả thế, hơn 30 năm kể từ bài viết ngắn ấy, tên tuổi của Tố Phong hoàn toàn chìm trong quên lãng.

Thế rồi, một ngạc nhiên lớn đã đến với tôi. Trong tờ Văn Học Xuân Quý Mùi 2003, nhà văn Trúc Chi trong bài tùy bút nhan đề Nụ Đào Trong Sương đã nói đến Tố Phong bằng một giọng văn thật duyên dáng. Tôi xin mạo muội trích một đoạn trong bài ấy:
Tôi dừng bước nhìn vào một gốc anh đào trong một khu vườn khá rộng. Qua ánh đèn đường, gốc anh đào trụi lá và đầy nụ non này nổi hẳn giữa những loài cây khác, xum xuê giữa tháng cuối năm. ‘Vậy là gốc anh đào năm nay lại nở chậm rồi.’ Tôi nghĩ thầm vậy, rồi bất giác tôi nhớ đến anh Tố Phong, tác giả tập thơ Giòng Huyết Sử. Thơ của anh hay hoặc dở hay không có giá trị, tôi không hề biết mà có lẽ cũng sẽ không bao giờ biết, vì tôi chưa bao giờ đọc cái ấn phẩm ấy, bìa màu hồng với ba chữ Giòng Huyết Sửmàu đỏ. Từ lúc rời Dalat vào năm 1953 cho đến năm 1975, tôi không hề gặp lại bút hiệu của anh trên sách báo trong nước. Trên văn đàn, có nhiều cái bóng lướt qua rồi tan biến như vậy.

Tôi cũng không nhớ đã quen anh trong trường hợp nào. Hồi ấy, tôi tò mò về anh vì nghe thiên hạ ‘xầm xì’ rằng anh là thi sĩ, một ‘loại’ người xa lạ đối với tôi. So với người Việt thời ấy, anh khá cao lớn, vạm vỡ, da ngăm đen, mái tóc dày, cao mà không bờm xờm. Dalat có ngày lạnh buốt mà tôi không hề thấy anh mặc áo len. Luôn luôn quần dài xám hoặc xanh và sơ-mi trắng tay dài.

Từ chợ Dalat xuống đường Cầu Quẹo cũ, có một lối đi tắt toàn là bậc đá. Hai bên lối đi dốc dựng ấy có nhiều căn nhà gỗ. Anh Tố Phong sống trên cái gác xép ở một trong những căn nhà ấy. Tết năm ấy, vì lý do nào tôi không nhớ, tôi không về nhà. Sáng Mùng Một, ở trường ra, tôi đi lòng vòng khu Chợ, chưa dám vào nhà người quen nào, mà cũng không có cái quán nào trong chợ hoặc tiệm nào bên chợ mở cửa. Lục lọi mãi trong đầu, chỉ còn anh Tố Phong. Tôi bước xuống đi lối tắt, trèo lên gác trọ của anh thấy anh đang lui cui đun nước sôi từ một cái lò điện, loại cũ rích có cái lò - xo khoanh tròn đỏ rực. Tôi chúc năm mới rồi nói thật với anh là không biết đi đâu cả nên ‘phải’ ghé thăm anh. Anh tỉnh bơ:
‘Không hề gì ... trai nam nhi đầu đội trời chân đạp đất... có nghĩa là đất nhà ai mình cũng có quyền đạp cả, đừng có xô cửa vào nhà người ta là được rồi. Ngồi đấy, uống một ly cà phê đầu năm rồi xuất hành với anh luôn. Anh cũng chưa biết đi đâu nữa, nhưng cứ ra đường thở chút không khí Tết.’

Phòng trọ của anh không có một chút gì gọi là Tết trừ một cành đào hàm tiếu trong chiếc bình sứ Nhật Bản trên bàn viết của anh. Thấy tôi ngắm mãi những nụ hoa mới hé, anh nói:
‘Anh mới cắt ở nhà một người quen chiều hôm qua đấy. Nở hết là anh thay nhánh khác. Từ đây cho hết tháng Giêng, năm nào cũng vậy, phòng luôn có anh đào hàm tiếu. Cuối tháng, K. có dịp ghé vào đây sẽ thấy nhánh đào cuối cùng của mùa Xuân. Hoa cuối mùa đã quý mà lại có vẻ đẹp khiêm tốn của nó.’

Ngày ấy, tôi không biết hoa đầu mùa và hoa cuối mùa khác nhau ra sao. Mà cho đến bây giờ, ngồi gõ những hàng chữ này, thú thật tôi cũng chưa biết. Nhưng tôi tin rằng anh nhạy cảm hơn tôi khi ngắm những nét cười khác nhau của một loài thảo mộc. Lúc dừng lại bên đường để nhìn những nụ đào trong sương đêm, tôi đã nghĩ rất nhiều về con người Tố Phong mà tôi biết rất ít. Tôi biết anh nghèo. Không nghèo sao được khi anh cứ sống lì mãi trong cái gác trọ rẻ tiền, chênh vênh và trống trải ấy suốt mấy năm. Tôi biết thơ anh, dù đã in thành sách, rất ít người biết đến. Nhưng tôi cũng biết rằng anh có một tâm hồn thơ. Tôi nghĩ rằng anh giàu ở điểm này.

Bên hàng chữ mà tôi ghi vội trong khách sạn Duy Tân năm ấy, tôi cũng có nguệch ngoạc: ‘Có lẽ cũng nên bắt chước anh Tố Phong. Ngắm và tìm nét đẹp của hoa từ đầu đến cuối mùa. Như vậy chắc chắn sẽ có thêm nhiều ngày Xuân cho chính mình. Biết đâu lại còn thêm được một mùa Xuân trong lòng người khác.’”

Sau hơn 30 năm tôi mới được nhìn thấy những dòng chữ nói đến người mà tôi quyến luyến. Tôi cảm động vô cùng, gọi ngay Trúc Chi, rủ đi uống cà phê dù chúng tôi ở xa nhau hơn một giờ lái xe. Có cả Huy Văn cùng đi với Trúc Chi. Tôi đưa cho Trúc Chi xem tấm ảnh nhiều người chụp chung, chụp từ năm 1952, mà người thân của Tố Phong gởi cho tôi, trong đó có hình của ‘quái kiệt’ Trần văn Trạch. Trúc Chi nhận ra Tố Phong trong tấm hình đó ngay.

*

Tôi nghĩ đến Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan, Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Văn Học Miền Nam của Võ Phiến. Đó là những công trình đồ sộ ghi lại diện mạo và những nét đặc trưng của những thời kỳ văn học cận đại. Đặc biệt là bộ Văn Học Miền Nam giai đoạn 1954-1975 của Võ Phiến với tham vọng bảo tồn, gìn giữ "toàn bộ thành tích văn nghệ phản ảnh những cảm nghĩ, băn khoăn, những buồn vui khóc cười của hai mươi triệu đồng bào trong suốt thời gian hai mươi năm" (Văn Học Miền Nam, tổng quan), mà chính quyền cộng sản tại quốc nội đã và đang tìm mọi cách xóa bỏ. Tại quốc nội, chánh quyền quả đã có sức chi phối vô cùng mãnh liệt đối với giới cầm bút. Trên văn đàn trong nước, văn học Miền Nam, văn học Việt Nam ở hải ngoại hoặc không được nhắc tới, hoặc bị sổ toẹt, hoặc bị xuyên tạc, bôi bẩn, trong khi đó Miền Nam vẫn quý trọng những tên tuổi như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế lan Viên ... Ngay cả Tố Hữu cũng chỉ bị phê phán về mặt ca tụng lãnh tụ, ca tụng đảng, ca tụng Liên Xô, Trung Quốc một cách quá đáng và lố bịch. Ở hải ngoại thì một số người viết tha hồ nhận định, tán tụng những Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, Phan Ngọc, Phan Cự Đệ v.v...

Ngoài ra, những công trình khác như Văn học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản 1945-1990 của Nguyễn Hưng Quốc in tại California năm 1991, Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam của Thi Vũ in tại Paris vào năm 1993 (mới in tập hai, giai đoạn 1954-1963), Lưu Dân Thi Thoại (Tập I) của Diên Nghị và Song Nhị in vào năm 2003 tại San Jose, Hoa Kỳ, v.v… cũng là những tác phẩm rất cần thiết. Người đọc tùy theo nhãn quan của mình có thể đồng ý hay không đồng ý với một số luận điểm của người viết, nhưng phải thừa nhận rằng đó là những tiếng chuông gióng lên chờ những giao hưởng, những hồi âm và đối thoại.

Nhờ những nỗ lực biên khảo, nghiên cứu, phê bình như nói trên, cả một nền văn học “phi chính thống” và lớn lao sẽ không có nguy cơ bị chìm trong quên lãng. Hoặc những số phận hẩm hiu như Tố Phong có thể cũng sẽ dần dần được biết đến.

*

Vài dòng viết thêm.

Sau biến cố tháng Tư,1975, và sau mấy năm tù cải tạo, chúng tôi tìm cách đến Nhà Thương Điên Biên Hòa với một chút hy vọng là thi sĩ Tố Phong còn sống, và còn ở đó. Gọi là "tìm cách đến Nhà Thương" là vì tuy được "ra trại" trở về với gia đình, với xã hội, nhưng tôi còn bị quản chế thêm hai năm. Trong thời gian quản chế, tôi không được đi ra khỏi thành phố Sài Gòn, ngoại trừ tình nguyện đi "Kinh Tế Mới". Ngoài ra mỗi ngày phải tường trình với công an phường nhất cử nhất động của mình vào cuốn sổ "Báo Cáo Sinh Hoạt". Cho nên muốn đi Biên Hòa, tôi phải mượn xe gắn máy chạy trên những con đường không có trạm kiểm soát, chứ không dám đi xe đò. Đến nơi, sau một khoảng thời gian khá dài bị hỏi han, chất vấn đủ điều, cuối cùng tôi được đưa đến gặp ông Tố Phong. Ông già đi nhiều, mái tóc đã bạc, cặp mắt lờ đờ có vân đục che kín một phần, và gầy gò, rách rưới, hôi hám. Ông hoàn toàn không biết gì về những biến động bên ngoài bệnh viện, vẫn sống mải mê trong quá khứ, vẫn nhắc đến quân Anh, Ấn, thực dân Pháp, kháng chiến, giải pháp Bảo Đại v.v... nhưng bằng một giọng mệt mỏi, buồn bã. Khi tôi cáo từ ra về, ông không còn níu tay giữ tôi lại, cũng không loay hoay sục sạo đi tìm ấm pha trà. Tôi cũng ốm yếu, đói và buồn bã như ông, nhưng tôi cố gắng vài ba tháng lên thăm ông một lần. Trước chuyến đi vượt biên đầu tiên thất bại, tôi lên thăm ông, khoảng năm 1980. Không gặp.

Là vì Tố Phong không còn nữa! Tôi lặng người. Tôi có cảm tưởng như bị hụt chân, dù tôi biết rằng cái chết bây giờ hiện ra nhan nhản hàng ngày với người Miền Nam một cách quá nhanh chóng và dễ dàng và "hồn nhiên". Nhất là vô số cái chết trên biển. Người phụ trách ở Nhà Thương cho biết một hôm ông theo xe lãnh thực phẩm ra thành phố Biên Hòa, ông thuộc vào loại "điên hiền" nên thỉnh thoảng được theo xe để làm những công việc lặt vặt, thì ông trốn mất. Vài ba ngày sau, Bệnh Viện nhận được tin ông đã nằm chết bên lề đường gần rạp chiếu bóng Biên Hùng, kiến lửa bu đầy người. Những người chứng kiến nói thêm rằng thoạt đầu họ tưởng ông già mất trí ấy nằm xuống ngủ yên sau khi quờ quạng hai bàn tay lên đầu, lên vai, lên bụng ... để giết những đàn kiến lửa. Rồi tôi được dẫn đến ngôi mộ của ông, một nấm đất sỏi cát méo mó màu trắng, Biên Hòa có nhiều vùng đất trắng, cao chừng một tấc chưa có cỏ mọc. Tôi nghĩ rằng chỉ sau một mùa mưa, nấm đất đó sẽ bị san bằng. Thân nhân của ông xin được thờ cúng ông tại chùa Hải Quang gần Ngã Ba Ông Tạ, nhưng về sau, không hiểu vì lý do gì, lại thờ ông tại chùa Phước Hòa vùng Bàn Cờ, Sài Gòn.

Lại viết thêm.
Tháng 7/ 2013 vừa rồi nhân dịp Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn do nhà văn Phạm Phú Minh tổ chức tại Nam Cali, tôi được gặp nhà văn Nguyễn Văn Sâm. Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện, rồi lang bang đến chuyện văn chương. Tôi nhắc đến Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Lý Văn Sâm, Sơn Khanh, Thiếu Lăng Quân …- những nhà văn, nhà thơ miền Nam thuộc giai đoạn giữa năm 1945 và 1954 - với những truyện dài truyện ngắn như Nửa Bồ Xương Khô, Đầm Ô Rô, Bên Kia Sông, Bạc Xiu Lìn, Xin Đắp Mặt Tôi Mảnh Lụa Hồng, Thù Nhà Nợ Nước v.v…Tôi nói đến đâu Nguyễn Văn Sâm nói đến đấy, như “chim liền cánh, cây liền cành.” Tôi mừng quá, nghĩ đến Tố Phong. Tôi liền đề cập đến cuốn tuyển tập thơ Thơ Mùa Giải Phóng do Sơn Khanh chủ biên trong đó có thơ của Tố Phong, lòng đầy hy vọng nhưng cũng không ít lo âu. Thì ra Nguyễn Văn Sâm có cuốn đó, và có cả tập thơ Giòng Huyết Sử của Tố Phong. Đã thế, mấy hôm sau Nguyễn Văn Sâm nhờ người học trò ở Việt Nam đến chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ, Sài Gòn, chụp tấm hình của Tố Phong được thờ ở đấy.

Thế là hơn 10 năm lại trôi qua kể từ ngày tôi may mắn đọc bài viết của Trúc Chi trên tờ Văn Học Xuân Quý Mùi 2003, và nay, 2013, may mắn hơn, gặp được Nguyễn Văn Sâm. Ở đời quả có lắm chuyện tình cờ lạ lùng.

Nhìn lại hình anh Nguyễn Ngọc Minh - Tố Phong, mái tóc dày, cao, mà không bờm xờm như Trúc Chi nhận xét, tôi rất xúc động, đồng thời không biết nói gì hơn là cảm ơn anh chị Nguyễn Văn Sâm vô cùng./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét