Có một số ý kiến cho rằng việc trình Tuyên Bố 258 của một số blogger Việt Nam lên Liên Hiệp Quốc và một số tổ chức phi chính phủ (NGO) bảo vệ nhân quyền, sứ quán các nước phương Tây được gọi là hành động "bán nước, cầu viện ngoại bang". Vậy nên hiểu những hành hoạt động này ra sao?
Tại sao có Tuyên Bố 258?
Tuyên Bố 258 chống lại việc lạm dụng Điều luật 258 trong Bộ Luật hình sự Việt Nam để bỏ tù các tiếng nói ôn hòa, bất bạo động chỉ trích chính quyền VN về cách họ hành xử với những quyền tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình....
Tại sao không trình lên cơ quan chức năng Việt Nam để giải quyết?
Tuyên Bố 258 đã được gửi đến các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam như một cách hành xử bình thường của một xã hội bình thường, nơi người dân có quyền phản đối hoặc ủng hộ một chính sách nào đó của chính quyền.
Tuy nhiên, do hệ thống chính trị Việt Nam không hoạt động theo nguyên tắc tam quyền phân lập, việc một chính sách, điều luật của chính quyền bị coi là trái Hiến pháp không thể được xét xử bởi một tòa án độc lập với hành pháp và tư pháp.
Tại sao lại trình lên LHQ và các nước?
Việt Nam là thành viên đầy đủ của Công ước quốc tế Nhân quyền bao gồm Công ước QT về quyền dân sự, chính trị. Theo cơ chế của LHQ, VN và các nước nào là thành viên của công ước này sắp phải trãi qua đợt kiểm điểm trước Hội đồng nhân quyền LHQ về tình hình bảo vệ và tôn trọng nhân quyền, các điều ước về nhân quyền mà chính quyền nước đó đã thực thi.
Các quốc gia khác và các tổ chức NGO có quyền đưa ra các khuyến nghị và bàn thảo về tình hình nhân quyền của một quốc gia là thành viên của công ước này.
Do đó, việc một nước có ý kiến nhận xét về tình hình nhân quyền của một nước là việc bình thường.
Việt Nam đang vận động để có một ghế thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ, do đó việc kiểm điểm nghiêm túc trước cơ chế này về nhân quyền chiếu theo luật quốc tế càng có ý nghĩa và tất nhiên.
Chỉ trích chế độ là chửi quê hương đất nước?
Sai. Chế độ chính trị và khái niệm quốc gia cần phân tách rõ ràng. Chế độ chính trị thuộc phạm trù lịch sử tức là có hình thành, phát triển và tiêu vong. Nhiều chế độ trong lịch sử từ thời phong kiến, thuộc địa nửa phong kiến... đã hình thành và tiêu vong. Ngay cả học thuyết Marx cũng đề cập đến sự tiêu vong của nhà nước khi tiến lên XHCSCN.
Chính quyền được thành lập để bảo vệ nhân quyền của dân nước đó.
Việc chỉ trích chính quyền đã mắc lỗi hoặc không bảo vệ tốt nhân quyền không có nghĩa là "Chửi quê hương, đất nước" như một số quan niệm đã nhập nhằng giữa hai khái niệm này.
Sự thật là việc chỉ trích một chính sách nào đó của một chính quyền ở Tây phương là một việc hết sức bình thường, nó chỉ bất bình thường trong một xã hội nơi mà các quyền tự do bị buộc phải co lại cho vừa với khuôn khổ mà chính quyền muốn.
Thậm chí, Chủ tịch HCM có câu "Nếu chính phủ làm hại dân, dân có quyền đuổi chính phủ" chứ không chỉ dừng lại ở việc chỉ trích hay phê phán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét