Nghiêm Hoa
“Vận động chính sách” không còn là một khái niệm mới mẻ với những người “làm phát triển” và các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Việt Nam. Hầu hết các NGO Việt Nam đang chuyển mình theo hướng này, nhiều NGO có hẳn một ban vận động chính sách. Rất nhiều tài liệu, sổ tay, hướng dẫn đã được viết để chia sẻ kiến thức căn bản về vận động chính sách. Nhiều cuộc tập huấn, hội thảo được tổ chức để chia sẻ các bí quyết khi vận động chính sách. Bài viết này muốn thảo luận về một cách hiểu và vận dụng khái niệm “vận động chính sách” ở Việt Nam của các NGOs trong bối cảnh xã hội đang nảy sinh những yêu cầu mới. Cụ thể, tôi thử xem xét mô hình vận động chính sách phổ biến hiện nay của các NGOs qua ba khía cạnh: quan niệm về phạm vi vận động chính sách, chiến thuật áp dụng, và tính bền vững trong tiếp cận.
Từ Vận động thành Vận động chính sách: chọn phương tiện hay mục đích?
Advocacy, hay vận động, được định nghĩa đơn giản là một quá trình chính trị do một cá nhân hay một nhóm tiến hành nhằm gây ảnh hưởng lên những quyết sách hay việc phân bổ nguồn lực trong phạm vi các thiết chế hay hệ thống chính trị, kinh tế hay hệ thống xã hội. (Advocacy is a political process by an individual or group which aims to influence public policy and resource allocation decisions within political, economic, and social systems and institutions – định nghĩa được viết lại đơn giản từ một số nguồn, tại Wikipedia).
Có lẽ một phiên dịch Anh – Việt giàu kinh nghiệm nào đó đã thêm chữ “chính sách” khi dịch “Advocacy” thành “vận động chính sách”. Cụm từ “vận động chính sách” tạo ra một khái niệm tập trung hơn, gắn nó với “chính sách” chứ không phải vận động gì khác. Cụm từ này thu hẹp phạm vi khái niệm “vận động” một cách tương đối, khi mà việc “vận động” thường được ngầm hiểu mở rộng là hành động vì một mục đích hay một động lực nào đó. Trong khi mục đích hay động lực là một mục tiêu di động, “chính sách” là một trong số các phương tiện để đạt được mục đích. Vì vậy khi đưa “vận động” thành “vận động chính sách”, một khái niệm mở, động và chú trọng vào “mục đích” đã được thu hẹp lại thành một khái niệm “tĩnh” và chú trọng vào “phương tiện”. Có lẽ khái niệm “vận động chính sách” rất vừa vặn và dễ hiểu cho một khóa tập huấn căn bản về vận động, nhưng việc thu hẹp khái niệm này đã khiến phạm vi công việc của những người “vận động” hẹp lại nhiều. Đây là dây trói đầu tiên của khái niệm “vận động” khi nó được chuyển thành “vận động chính sách”. Nhưng vấn đề không dừng lại ở thuật ngữ vận động.
Người diễn dịch “advocacy” thành “vận động chính sách” đã gọi đúng tên cho phạm vi công việc “advocacy” của các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam hiện nay, khi mà việc vận động cho một chủ đề nào đó thường được coi là đạt mục đích khi có một văn bản chính sách hay một quy định thành văn ra đời, trong đó có ghi nội dung mà tổ chức vận động mong muốn. Hội chứng “cần được ghi vào luật” đã thành một căn bệnh, khiến cho người ta muốn có cả Luật Nhà thơ (!) để rồi nhận ra cái đích mình muốn đi tới đã bị che khuất bởi một rừng luật. Việc hiểu chính sách là nội dung văn bản, thay vì quan niệm chính sách là một quá trình, đã khiến khái niệm “vận động” bị hạn chế thêm một lần nữa. Não trạng này góp phần tạo ra một rừng luật rối rắm và bất lực trong thực thi, trong đó có những Luật chỉ mang tính tuyên bố như Luật Thanh niên, có những quy định tưởng là tiến bộ nhưng cuối cùng lại là cái bẫy hạn chế các phương án mở khác. Có thể nói, gốc rễ của cách nhìn này là do tiền đề “luật nào cho anh làm điều này” thay vì chỉ quan tâm “luật nào cấm anh làm điều này” phổ biến ở không riêng gì người lập pháp hay hành pháp ở Việt Nam.
Khái niệm chính sách phải được hiểu rộng hơn là nội dung quy định tại một văn bản, chính sách cần được đặt trong một chu trình chính sách với các bên liên quan đến chu trình chính sách đó. Cái đích cuối cùng của vận động phải là một chính sách được thực hiện trên thực tế như thế nào, còn chính sách đó có những nội dung gì chỉ là một trong số nhiều mục tiêu ngắn hạn của vận động. Vận động chính sách mới là vận động để đạt được phương tiện chứ chưa phải là đạt được mục đích. Việc vận động cần được nhìn toàn diện hơn như thế nào và bao gồm những đối tượng nào bên cạnh nội dung chính sách? Đây sẽ là nội dung chính của phần II bài viết này: Sự đồng thuận tự nguyện. Trước khi nói về nội dung này, những phần sau của bài viết sử dụng cụm từ “vận động chính sách” theo cách hiểu thông thường hiện nay.
Chiến thuật: Vận động chính sách hay “Đi đêm” chính sách?
Khi nói về vận động chính sách, bí quyết mà hầu hết những người vận động chính sách thành công từ các NGO Việt Nam chia sẻ có thể được gói gọn ở một từ: đi đêm. Đi đêm ở đây là những “đối thoại chính sách” một cách nhẹ nhàng, ngọt ngào và kín đáo với những người làm chính sách, bao gồm cả người soạn thảo và người ra quyết định. Gần đây những cuộc đi đêm chính sách này có thêm gia vị, là “bằng chứng”. Những bằng chứng ấy cũng được đưa ra một cách tế nhị và khéo léo, đầy sức thuyết phục nhưng cũng mang tính khiêm tốn, nhún nhường, đôi khi là xin xỏ được ban cho một câu hay một chữ vào luật hay quy định.
Trong ngôn ngữ hiện đại, đi đêm chính sách được gọi bằng cái tên: lobby. Nghĩa là những người đi đêm chính sách chọn cách tiếp cận những cuộc hoạch định chính sách từ bên lề. Một người vận động chính sách giỏi đồng thời cũng là người thiết lập được mối quan hệ tin cậy với người hoạch định chính sách để có thể “đi đêm” với người ra quyết định, một cách ngọt ngào và kín đáo, không làm ai bị mất mặt, cũng không khiến ai cảm thấy mình đã có một sai lầm hoặc thiếu hụt nhận thức ở một điểm nào đó. Việc lựa chọn tiếp cận hoạch định chính sách từ bên lề có hai lý do: hoặc người vận động muốn giấu mặt khỏi vận động chính sách, hoặc người vận động đứng ở một tư thế “bên lề” cuộc hoạch định chính sách. Với các NGO Việt Nam, có lẽ lý do thứ hai giải thích lựa chọn chiến thuật của họ.
Lobby bản thân nó không phải là một chiến thuật tồi nếu xét về hiệu quả trước mắt, nhưng lobby là một chiến thuật không lành mạnh và tạo ra những tiền lệ xấu. Lobby là chiến thuật cơ bản của các nhóm lợi ích khác nhau, tất nhiên bao gồm cả lợi ích công (public interest) và lợi ích tư (của các công ty, tập đoàn và cá nhân và cả những người đối lập với lợi ích công). Khi người vận động dùng chiến thuật này, nếu nhóm lợi ích ở thế yếu thì gọi là “đi đêm” (xin tùy ý quý vị gọi tên và liên tưởng đến bản chất của mối quan hệ chính trị xảy ra trong cuộc “đi đêm chính sách”), nếu nhóm lợi ích ở thế mạnh, đó là một cuộc “bắt cóc chính sách”. Vì sự thiếu minh bạch trong cách tiếp cận này, dù lobby là một thủ đoạn không thể thiếu của cuộc chơi vận động chính sách, nhưng nó không phải là một phương thức công chính để đạt được mục đích. Lobby, vì thế, được quy định rất chặt chẽ về thể lệ và những hạn chế ở một môi trường lập pháp đòi hỏi sự công bằng và minh bạch cao.
Từ bỏ thủ đoạn và hướng đến sự công chính
Quan niệm về vận động, mục đích và phạm vi của vận động cũng như tính hiệu quả của vận động cần được định nghĩa như thế nào và cách tiếp cận nó ra sao sẽ được bàn ở bài viết số II của chủ đề này. Trong khuôn khổ phần còn lại của bài viết này, tôi đề xuất lý do tại sao những người làm phát triển và các NGO Việt nên cân nhắc thêm về cách tiếp cận vận động chính sách hiện nay, dù cách này có thể được coi là thành công và phù hợp với một số tổ chức.
Tôi nghĩ rằng quan niệm vận động chính sách tập trung vào thay đổi nội dung văn bản/chính sách, và sử dụng chiến thuật tiếp cận một cách tế nhị với người làm chính sách là một quan niệm không bền vững cho các NGO, và tạo ra những tiền lệ bất lợi cho xã hội trên bình diện chung.
Thứ nhất, văn bản luật cũng có thể bị thay đổi hoặc vô hiệu hóa theo chủ quan của cả người lập pháp lẫn hành pháp. Nếu chỉ thay đổi nội dung văn bản mà không thay đổi quan điểm của người lập pháp và hành pháp thì sự thay đổi đó sẽ chỉ dừng lại trên giấy. Việc tập trung vận động vào việc thay đổi nội dung luật/chính sách và những người lập ra luật/chính sách, như vậy, là chưa đủ. Dù đạt kết quả trước mắt, kết quả của vận động chính sách tập trung vào nội dung luật lệ sẽ thay đổi nhanh chóng nếu có sự thay đổi về người ra quyết định (khi chính sách quay đầu). Ngay cả nếu không có sự thay đổi đột ngột đó, chính sách đẹp về nội dung nhưng không có biện pháp thực hiện đã trở thành vấn nạn ở Việt Nam. Các NGO không nên tiếp tục đóng góp vào việc xây lâu đài cát này nữa.
Thứ hai, vận động chính sách dựa vào chiến thuật “đi đêm”, như đã nói ở trên, tạo ra một tiền lệ bất lợi. Tiền lệ ấy là cơ chế xin – cho, việc đối thoại phải dựa vào quan hệ thân quen nên không có sự minh bạch. Quan trọng hơn, cuộc chơi thiếu minh bạch thực sự không phải là thế mạnh của những người làm phát triển đúng nghĩa. Nếu chỉ nhập cuộc với tư cách là một nhóm lợi ích, NGO không là gì so với các nhóm lợi ích khổng lồ khác. Nếu tự coi mình là những con người và những tổ chức theo đuổi những giá trị mẫu mực, NGO cần sử dụng những cách tiếp cận công chính để đạt được mục đích công chính.
Việc lựa chọn cách tiếp cận hoạch định chính sách như hiện nay có lẽ do NGO ở Việt Nam còn thiếu tính chính danh và vẫn giữ một vị trí “bên lề” trong môi trường chính trị và xã hội. Chiến thuật bên lề không phải là một cách tiếp cận công chính, hiệu quả và bền vững mà sớm muộn các NGO cần thay đổi. Tuy thế, từ bỏ chiến thuật “bên lề” như hiện nay cũng đòi hỏi những tố chất quan trọng, trong đó quan trọng nhất là phải từ bỏ vị trí bên lề cuộc hoạch định chính sách. Thay đổi ấy sẽ bắt đầu từ đâu?
__________________
Note: Đây là bài đầu tiên trong loạt bài về vận động chính sách và quan hệ giữa các tổ chức Xã hội dân sự và nhà nước ở Việt Nam. Mời các độc giả quan tâm viết bài về chủ đề này và gửi về Ban biên tập theo địa chỉ email: info@dienngon.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét