Phạm Quang Tuấn
Hôm nay thấy ông Trương Nhân Tuấn (TNT) tiếp tục đả kích các bản đồ của Dương Danh Huy và Phan Văn Song (DDH-PVS) một cách nặng nề, dùng những từ ngữ như "Nói láo (và tiếp tục nói láo)", "ăn gian", "tuyên truyền", tôi xin bàn vài điểm.
TNT: "Tôi đã nói phương pháp vẽ của quí vị là phương pháp vẽ từ thời trung cổ, trái đất hình vuông".
Phương pháp Mercator không dựa vào "trái đất hình vuông" mà là một phép chiều hình cầu lên mặt phẳng. Nếu tin là trái đất hình vuông thì những người làm địa đồ đã không cần phép chiếu Mercator hay bất cứ phép chiếu nào khác.
TNT: "Phương pháp Mercator này hiện nay không ai sử dụng, kể cả cho các học sinh ở tiểu học".
Sai. Phương pháp Mercator vẫn rất thông dụng. Chẳng hạn bản đồ trực tuyến Bing của Microsoft dùng Mercator, và bản đồ Google Maps cũng dùng Mercator, chỉ biến đổi một chút vì trái đất không hoàn toàn hình cầu (xích đạo hơi phình ra so với hình cầu).
TNT: "Cách vẽ của quí vị là cách vẽ của học sinh mới học trung học, sơ đẳng. Nhìn lên bản đồ mà quí vị vẽ, ta thấy thiếu các ghi chú không thể thiếu: hệ thống qui chiếu, kinh tuyến trung ương (tức kinh tuyến chuẩn, thí dụ kinh tuyến Paris hay kinh tuyến Greenwich) và tỉ lệ".
Bản đồ của DDH-PVS tuy không có tỉ lệ, nhưng có kẻ các đường kinh và vĩ tuyến ở mỗi phút. Những đường vĩ tuyến cách nhau khoảng 1850 m trên mặt đất. Cách vẽ này chính xác và tiện dụng cho người xem hơn là cho một con số tỷ lệ hay vẽ một cái thước nhỏ ở góc bản đồ nhiều, vì tỷ lệ trong một bản đồ thay đổi từ chỗ này qua chỗ khác (vì phải chiếu một mặt cầu lên một mặt phẳng). Hơn nữa, xác định tỷ lệ cho một bản đồ chỉ có trên mạng là một chuyện vô lý, vì tỷ lệ đó còn tùy cỡ màn hình máy tính và độ zoom mà người xem dùng! Với cách vẽ đường kinh-vĩ tuyến như bản đồ DDH-PVS dễ dàng nhận định về những điểm cách nhau chừng 300-400 m trở lên. Còn về hệ thống qui chiếu và kinh tuyến "trung ương" (kinh tuyến gốc) thì dù không ghi ra cũng không thể gây hiểu lầm hay sai lạc, miễn là dùng cùng một hệ thống vàkinh tuyến gốc cho cả cột mốc Hiệp ước 1999 lẫn đường biên theo CIA như DDH-PVS đã làm.
TNT: "Vấn đề cần thảo luận, quí vị đem bản đồ của CIA, một bản đồ đã được thực hiện theo tọa độ géodésie, vào trong một hệ thống mercator. Việc đem một bản đồ bất kỳ (ở đây là bản đồ CIA) vào hệ thống tọa độ nào đó, không phải là hệ thống mà nó được thực hiện, là việc làm sai".
Không biết vô tình hay cố ý, ông TNT đã "nhầm lẫn" giữa hệ tọa độ và phép chiếu. Hệ thống (ông TNT nên nói "phép chiếu" thì đúng hơn là "hệ thống") Mercator hay bất cứ phép chiếu nào khác nào cũng có thể dùng bất cứ tọa độ nào. Chẳng hạn Google Earth dùng phép chiếu General Perspective (trái đất hiện ra như hình tròn), còn Google Maps dùng phép chiếu Mercator (trái đất hiện ra như hình chữ nhật), nhưng nếu đánh vào tọa độ của chợ Bến Thành (10.772034,106.698271) thì cả hai bản đồ đều dẫn ta tới... chợ Bến Thành! Bản đồ CIA trên mạng không phải là bản đồ họa (graphic) mà ở dưới hình thức một chuỗi tọa độ, bỏ tọa độ đó vào bản đồ nào nó cũng sẽ hiện lên chính xác.
TNT: "Quí vị lấy các tọa độ các mốc giới, được đo đạc theo tiêu chuẩn géodésie, vẽ trên một trục tọa độ thẳng. Quí vị có thể biện luận rằng quí vị vẽ theo phương pháp Mercator. Nhưng điều quan trọng trước đó phải cho mọi người biết việc này. Vì nếu không nói, mọi người sẽ không biết sai số ở các vĩ tuyến (sai số ở các vĩ tuyến 22°, 23° khoảng 20-25%)".
Không hề có sai số như ông TNT nói, vì bản đồ của ông DDH đã kẻ những đường kinh tuyến như nói ở trên nên rất chính xác. Sai số nếu có chỉ là do thị giác của người xem có giới hạn. Ở vĩ tuyến 22°, mỗi độ kinh tuyến ngắn hơn ở xích đạo chừng 20%, nhưng đó không phải là "sai số" như ông TNT nói, vì bản đồ khu biên giới chỉ bao gồm một khoảng vĩ độ chừng 2°. Trong khoảng đó, sự xê xích tối đa chỉ khoảng 1,3%, mắt thường không nhìn thấy được (tức là bản đồ Mercator của khu đó là một hình chữ nhật, trong khi thực ra nó là một hình thang hơi cong với đường đáy trên nhỏ hơn đường đáy dưới khoảng 1,3%). Tuy nhiên, sự xê xích nhỏ xíu đó cũng không phải là sai số, vì đã có những đường kẻ kinh và vĩ tuyến làm chuẩn để tính khoảng cách một cách chính xác.
(Khoảng cách giữa hai đường kinh tuyến ở một vĩ tuyến x tỉ lệ với cos(x). Do đó, sự xê xích về khoảng cách đông-tây giữa vĩ độ 20° và vĩ độ 22° là cos(22°) - cos(20°), tức là khoảng 1,3%.)
TNT: "Quí vị so sánh hai bản đồ. So sánh như thế là so sánh trái banh với mặt trăng. Đây là việc làm phi khoa học. Việc so sánh hai bản đồ trước tiên là lựa một trục chuẩn. Bao nhiêu lần quí vị thay đổi trục chuẩn? Nhận xét trên các bản đồ trong “công trình” của quí vị, có bao nhiêu bản đồ đoạn biên giới là có bấy nhiêu lần quí vị thay đổi trục".
Không hiểu khi quy chụp DDH-PVS "thay đổi trục chuẩn" (một thành ngữ vô nghĩa về mặt khoa học nhưng có thể hiểu là TNT bảo DDH-PVS làm xê xích biên giới CIA so với cột mốc của Hiệp ước 1999), ông TNT dựa vào chứng cớ nào? Khi kết án một tác giả làm chuyện sai trái hay gian dối thì phải đưa ra bằng chứng tối thiểu chứ?
TNT: "Dĩ nhiên, phải ăn gian thôi, nếu không đổi trục chuẩn, bản đồ «các mốc giới» của quí vị sẽ chạy lệch ra ngoài bản đồ CIA".
Tại sao ông TNT không vẽ lại thử xem các mốc giới có chạy lệch ra ngoài bản đồ CIA hay không? Nếu không có khả năng làm chuyện đó thì sao ông TNT dám đoan quyết là DDH-PVS "ăn gian"? Người có học và tự trọng không thể kết án bừa như vậy.
Tôi không hiểu vì sao ông Trương Nhân Tuấn viết nhiều cái sai sơ đẳng và có thái độ hằn học như vậy, nhưng trong thời đại internet này cái gì viết ra dù đúng hay sai cũng lan truyền nhanh chóng trên mạng và gây hỏa mù, nên không thể không lên tiếng.
P.Q.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét