Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Bản đồ chủ quyền - Báo Trung Quốc khai thác sơ hở trong giáo dục của Việt Nam

Chia sẻ bài viết này

Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi "đường lưỡi bò", hay hình chữ U.
eia.doe.gov
Trọng Nghĩa RFI
Từ một tuần lễ nay, dư luận báo chí tại Việt Nam đã sôi nổi hẳn lên sau phát hiện của báo Thanh Niên, theo đó, Bộ Giáo Dục Việt Nam, từ năm 2007, đã bắt học sinh phải sử dụng một phần mềm tin học bản đồ công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Sau khi vụ việc bùng lên, Bộ Giáo dục Việt Nam đã ra lệnh cấm, nhưng vụ này đã lập tức bị báo Trung Quốc khai thác để nhấn mạnh rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong một bản tin công bố vào hôm nay, 29/12/2013, ấn bản trên mạng của tờ báo Đài Loan Want China Times đã loan tin về quyết định của chính quyền Việt Nam, yêu cầu trường học trên toàn quốc đình chỉ việc dùng một tấm bản đồ điện tử, theo đó, Biển Đông và các quần đảo trong vùng thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Tờ báo Đài Loan đã trích dẫn một bản tin ngày 27/12 trên tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc cho biết là Bộ Giáo dục Việt Nam đã ban hành lệnh cấm nói trên vào ngày 24/12, yêu cầu các trường trung học không được sử dụng phần mềm tin học bản đồ đó trong chương trình địa lý.
Tuy nhiên, nhân sự kiện diễn ra tại Việt Nam, tờ Hoàn cầu Thời báo đã khẳng định rằng chính Việt Nam đã công nhận là vùng Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc trước năm 1975, vì vào năm 1974, bản đồ và sách vở tại Việt Nam, trong phần giới thiệu về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đều nói rằng các hòn đảo ở Biển Đông đã tạo thành một bức tường lớn bảo vệ lục địa Trung Quốc.
Cũng theo Hoàn cầu Thời báo, từ năm 1975, Việt Nam thay đổi quan điểm và bắt đầu đòi chủ quyền trên một phần của Biển Đông, và cho quân đội chiếm đóng một số đảo.
Tờ báo dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc như vậy là đã khéo lợi dụng một kẽ hở tại Việt Nam để quảng bá cho các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng Biển Đông và đặc biệt là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Vấn đề là ngay tại Việt Nam, nhận thức về nhu cầu quảng bá và giáo dục nhận thức về chủ quyền biển đảo vẫn chưa cao, và vụ phần mềm tin học bản đồ lần này nằm trong một chuỗi những vụ tương tự, như bản đồ in trên giấy, bản đồ trên các quả địa cầu thể hiện lập trường Trung Quốc về Biển Đông đã từng được lưu hành tự do trên thị trường Việt Nam.
Tuy vậy, vụ việc lần này được cho là nghiêm trọng hơn vì phần mềm tin học xác định chủ quyền của Trung Quốc bên trong đường lưỡi bò ở Biển Đông lại được giảng dạy chính thức trong trường học, trong chương trình tin học và địa lý của lớp 7, và từ năm 2007 đến nay.
Theo các nguồn tin báo chí trong nước, phần mềm đó mang tên là Earth Explorer, do Trung Quốc sản xuất và được Bộ Giáo dục Việt Nam cho nhập và đưa vào bắt buộc sử dụng trong nhà trường.
Về phần mềm này, báo Người Lao Động ở Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận : « Trong chương trình tin học lớp 7, bài học Học địa lý thế giới với Earth Explorer, học sinh vừa mở phần mềm Earth Explorer, vừa quan sát, vừa làm bài tập theo yêu cầu. Điều lạ là cũng trong phần mềm này, khi học sinh thao tác xem đường biên giới các nước, hình ảnh “đường lưỡi bò” cũng hiện ra rõ nét…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ hệ thống các trường trung học cơ sở đều dạy tin học theo quyển sách này từ năm 2007. Thông tin từ các giáo viên tin học một số trường trung học cơ sở ở quận 5, quận Tân Bình, quận 3 (Thành phố Hồ Chí Minh) và một số chuyên viên công nghệ thông tin các phòng giáo dục đều xác nhận có “đường lưỡi bò” trong phần mềm ».
Sau khi vụ việc bị tiết lộ, ngày 24/12 vừa qua, Bộ Giáo dục Việt Nam đã ra lệnh cấm dùng phần mềm này, và yêu cầu nhà xuất bản sửa đổi các sai sót.
Các quyết định trên được cho là hợp lý, nhưng vấn đề đặt ra là giới chức chịu trách nhiệm cho lưu hành các tài liệu sai lạc kể trên đã có nhận thức ra sao về vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam vì tranh chấp với Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông đã xẩy ra từ lâu.
Dẫu sao thì trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, sơ suất từ phía Việt Nam đã nhanh chóng bị Trung Quốc khai thác. Bài báo trên tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 27/12/2013 là một ví dụ điển hình.

Khách Lê Văn Mọi (khách viếng thăm) gửi lúc 21:40, 01/01/2014 - mã số 107119
Lại một si lầm nghiêm trọng, không chỉ chết người mà nghiêm trọng hơn là động đến quyền lợi quốc gia, quyền lợi của dân tộc. Thế là "khôn nhà dại chợ" hay "khôn với dân, dại với nước ngoài." Sai lầm rõ ràng nhưng rồi chẳng quy trách nhiệm cho ai được đâu.
Không chỉ có môn lịch sử, địa lý dạy sai mà trong cái nhà trường XHCN còn dạy sai nhiều thứ nữa. Có cái đã phát hiện ra và chính quyền thừa nhận, nhưng có cái chưa phát hiện ra. Có cái có người phát hiện ra thì không được khen thưởng mà còn bị kết tội phản động, có thể bị tù.
Tôi xin phát hiện ra một sai lầm lớn: đó là dạy cho người học (học sinh, sinh viên...) ca ngợi chủ nghĩa Mác Lê nin, về con đường tiến lên CNXH là một SAI LẦM LỚN.
NJ (khách viếng thăm) gửi lúc 18:33, 01/01/2014 - mã số 107104
Tên tác giả viết:
Từ một tuần lễ nay, dư luận báo chí tại Việt Nam đã sôi nổi hẳn lên sau phát hiện của báo Thanh Niên, theo đó, Bộ Giáo Dục Việt Nam, từ năm 2007, đã bắt học sinh phải sử dụng một phần mềm tin học bản đồ công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Sau khi vụ việc bùng lên, Bộ Giáo dục Việt Nam đã ra lệnh cấm, nhưng vụ này đã lập tức bị báo Trung Quốc khai thác để nhấn mạnh rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông.
Tại sao từ năm 2007 đến nay là 6 năm. Bộ giáo dục không hay biết gì về phần mềm trong chương trình giáo dục này?
Nếu báo Thanh Niên không phát hiện ra điều này, thì phần mềm này sẽ được tiếp tục sử dụng. Câu hỏi là đến bao giờ?
Đây lại là một sự cố về chủ quyền Tổ Quốc như các sự cố trước đó.
Bộ GDĐT chỉ ra lệnh cấm!
Câu hỏi được đặt ra là ai đã tạo ra các sự cố này và ai là người chịu trách nhiệm? Lòng tự trọng và luật pháp QG có dung dưỡng và tiếp tục dung dưỡng cho những hành vi này?
Tôi không muốn tin sự cố này là một cố ý. Nhưng nếu như vậy thì quản lý giáo dục ở VNthật đáng lo ngại.
Môn Sử Ký đã bị bóp méo theo lệnh từ TW.
Không lẽ bây giờ đến môn Địa Lý cũng được viết theo lệnh từ TW.
Các phần mềm và sách Địa Lý sẽ từ từ len lõi vào trường học, trong đó xác nhận chủ quyền TQ trên một phần biển đảo, đất đai vẫn còn thuộc về VN?
Nếu sự tình tiếp tục diễn ra với những sự cố khác, chưa được khám phá, thì một ngày nào đóngười dân VN, những thế hệ tiếp theo sẽ phải chấp nhận lãnh thổ VN còn bao nhiêu, rộng như thế nào theo ý TQ muốn? Để giữ ổn định, bảo vệ 16 chữ vàng 4 chữ tốt?
Nguyễn Jung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét