Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Biển Đông một thời sủi bọt

Nhân đọc ‘Sân Khấu Ba Đình’ của Bắc Phong
Đỗ Xuân Tê
Nếu Trường sơn trở thành chốn giao tranh ác liệt của những kẻ coi nhau như  kẻ nội thù, trong chuỗi dài lịch sử ba mươi năm nội chiến từng ngày thì biển Đông coi vậy mà hiền, được coi như dòng chảy đưa những con tàu xuyên đại dương băng ngang hải phận như một lộ trình ngã tư quốc tế, tuyệt nhiên nước không tanh mùi máu, gió không khơi mùi tử khí, sóng vỗ đều êm ả như biển thái bình.


Chỉ một lần vào năm 74, khi hai người anh em cùng cha khác mẹ lo quần thảo nhau trên rừng trên đất, thì đột nhiên nước biển Đông sủi bọt. Tàu chiến của người vừa là đồng chí vừa là anh em của các lãnh đạo Hà nội từ Hải nam tiến chiếm Hoàng Sa. Lúc này Hoàng Sa là của Việt nam, đất mẹ muôn đời phải gìn giữ nên chính quyền miền Nam không chịu làm ngơ. Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã xuất trận. Rất tiếc lực lượng  không đủ mạnh, khiến hạm trưởng Ngụy văn Thà cùng 58 chiến sĩ đã ở lại với biển. Hoàng Sa tạm thời bị mất về tay địch. Đâu đây mùi tử khí đã vận hành theo gió, con tàu Nhật Tảo HQ 10 như con chim báo bão cho một ngày không xa sẽ có những tranh chấp lớn tại biển Đông. 

Ngày ấy cũng chẳng xa, mười bốn năm sau,  người ta quen  gọi là ‘sự kiện 14 tháng 3’ (1988), tàu lạ Trung quốc lại bất ngờ tấn công ba đảo của quần đảo Trường Sa là Gạc Ma, Cô-lin và  Len Đao. Lần này chánh quyền Hà nội phải đối mặt, do thiếu cân bằng lực lượng và cảnh giác từ phía chủ nhà, thuyền trưởng Trần Đức Thông cùng 64 chiến sĩ của con tàu HQ 604 lại chung số phận với thủy thủ đoàn khu trục hạm Nhật Tảo năm xưa. Trung quốc chiếm được Gạc-Ma và chỉ một tháng sau Hoàng Sa và Trường Sa chính thức nằm trong biên cương của tỉnh Hải nam, buộc Hà-nội phải chấp nhận chuyện đã rồi vô phương tranh cãi.

Cùng biến thiên với sự đổi thay của vận nước, biển Đông đột nhiên trở thành một địa danh hãi hùng, mồ chôn của bao sinh linh con dân đất Việt bất kể già trẻ lớn bé tự chọn con đường liều chết rời bỏ quê hương, lênh đênh trên  những chiếc thuyền nan, thuyền gỗ phó mặc cho số mệnh nổi trôi đẩy đưa đến những bến bờ vô định với hi vọng  tìm được tự do no ấm, nhân quyền nhân phẩm cho kiếp người. Cũng từ đây, một từ vựng quốc tế ra đời ‘thuyền nhân’ (boat people) đánh dấu cho một thời kỳ khổ nạn mà lịch sử Việt cũng như thế giới chưa có một cuộc xuất dương bỏ nước ra đi nào vĩ đại như vậy. Ba mươi năm sau, lịch sử như được lập lại. Những tiếng vọng uất ức - Hoàng Sa! Trường Sa! - được tha thiết vang lên không phải chi người trong nước, trớ trêu thay hăng hái nhất lại là những kẻ một lần bỏ nuớc ra đi do hệ quả tham vọng bá quyền của những người đã ‘dạy cho Việt nam một bài học’. Lần này họ đi xa hơn bằng cách vẽ lại bản đồ cho vùng lãnh hải của họ. ‘Cái lưỡi bò’  xuất phát từ Hải nam thè ra liếm trọn một vùng xuống tận cực nam tiếp giáp lãnh hải Philippines/Indonesia, nuốt chửng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà họ ngang nhiên tuyên bố là ao nhà của dân tộc Hán. Bản đồ này  không phải chỉ là tài liệu tung trên mạng, mà trở thành văn bản phụ đính cho tập hồ sơ  của phía Trung Quốc công khai gởi Liên Hiệp Quốc để biện minh cho chủ quyền lãnh thổ của mình, khi người đồng chí  láng giềng lâu năm của họ thất thế phải kiện cáo cơ quan trọng tài tối cao này dựa theo Công ước Luật biển 1982 mà cộng đồng quốc tế cùng thừa nhận ký kết.

Chẳng phải ngẫu nhiên khi Trung quốc họ làm như vậy. Từ nhiều thập niên qua khi phong trào thuyền nhân đi vào yên nghỉ, mùi tử khí nhạt dần thì mùi dầu khí lại được các bên hữu quan đánh hơi bén tiếng. Biển Đông không còn đơn thuần là dòng chảy giao lưu quốc tế mà trong cách nhìn chiến lược nào đó, trở thành tiềm năng vô tận cho những giếng vàng đen của các thập niên sau. Các nước quanh vùng đua nhau tuyên bố chủ quyền, thậm chí Đài Loan không có một chút biển nào dính liền với biển Đông cũng đem quân đến ăn có một vài đảo quanh vùng Trường sa, chưa kể mấy nước ASEAN trong đó có Thái, có Mã lai, Brunei, Indonesia cũng nhận xằng lãnh hải, quanh một quần thể gồm nhiều đảo nhỏ mà chánh quyền VNCH đã phái một đại đội Địa phương quân của tiểu khu Bà rịa Phước tuy thường xuyên trú đóng để bảo vệ hải phận tiền đồn của Tổ quốc.

Kẻ viết bài này có một dịp đã theo tàu tiếp tế lương khô đem toán văn nghệ dã chiến ra khơi giúp vui cho chiến sĩ và gia đình trên đảo, sau đó vòng về Côn Đảo cách đó không xa. Ngày ấy chẳng có ma nào nhòm ngó đến chốn khỉ ho cò gáy này, báo chí quốc tế thì mải lo khai thác chuyện chuồng cọp bôi xấu chế độ miền Nam.

Nhìn lại Hoàng Sa cũng chỉ là hòn đảo nhỏ hơn cả Lý Sơn (Quảng ngãi) với thổ sản duy nhất là phân chim chẳng ai buồn khai phá, có chăng là các đội thuyền buồm của quan quân triều Nguyễn vãng lai ra cắm cọc mốc như một hình thức minh xác chủ quyền tuần duyên quanh đảo hoặc các tàu đánh cá viễn khơi của ngư dân vùng Quảng táp vào tránh bão mỗi khi gặp nạn trên biển Đông. Sau này, Thủ tướng của miền Bắc vì lý do ‘nhạy cảm’ đã ký văn bản nhường quyền cho Mao Chủ tịch vì nhà nước nghĩ rằng xá gì một đảo nhỏ xa xôi khi tình hữu nghị anh em là điều kiện sống còn cho mối quan hệ quốc tế vô sản. Có ngờ đâu chỉ nửa thế kỷ sau Hoàng Sa trở thành một phần của huyện đảo Tam Sa, nối dài cho sân sau của bá quyền Đại Hán, trở thành tâm điểm cho một đường kính hàng ngàn hải lý quét đủ một vòng ôm trọn biển Đông!

Rồi đến một ngày, một tấc đất là một tấc vàng trong thời hội nhập, một hải lý trên biển trở thành một kho báu đô la, thế là tranh chấp nổ ra giữa những người mang tiếng là ‘láng giềng’ gần trên đất. Xấc xược nhất, sống sượng nhất vẫn là quốc gia bá quyền Trung Quốc. Khiếp nhược nhất, né tránh nhất lại là quốc gia tự xưng một thời ba lần thắng ba đế quốc sừng sỏ nhất thế gian. Chuyện lúc đầu nạn nhân “mới chỉ là” những ngư dân vô tội vì miếng cơm manh áo đi đánh bắt cá tôm trên vùng biển vùng ven mà từ đời này qua đời kia cha ông họ vẫn thường ra khơi đánh bắt. Chính hải phận quen thuộc như ao nhà bỗng dưng trở thành ‘đất lạ’, bị ‘tàu lạ’ đâm bị ‘người lạ’ bắt, bị giam bị giữ, bị đòi tiền chuộc nộp giao cho những kẻ hành xử như bọn thảo khấu trên biển khơi.

Bất giác người viết lại nhớ mấy câu thơ Chủ tịch Giang trạch Dân tặng phái đoàn bộ ba lãnh đạo Nguyễn văn Linh, Phạm văn Đồng, Đỗ Mười tại hội nghị Thành Đô (tháng 11/91) khi hai nước cộng sản anh em nối tình hòa khí chỉ ba năm sau sự kiện Gạc-Ma,

            Qua hết sóng dữ, anh em vẫn còn
             Gặp nhau cười một cái là rửa sạch ân oán!
            (Đô tận kiếp ba huynh đệ tại/Tương phùng nhất tiếu mãn ân cừu)
                                                (Nhật ký Lý Bằng - tháng giêng/08)

Chuyện ngày nay (hiện Đỗ Mười còn sống) chẳng phải cười một cái là xong, ân oán chẳng phải một ngày mà rửa sạch khi tình đồng chí chỉ là vỏ bọc, nghĩa láng giềng là chuyện xa xưa. Nếu quả ‘anh em vẫn còn’ như các nhà lãnh đạo Việt nam  khẳng định thì ‘sóng dữ’ vẫn chưa qua nếu cứ nhìn hình ảnh mấy ngư phủ già vái lạy quân cướp biển, nỗi ‘bức xúc’ với thời cuộc trên biển Đông vẫn là niềm trăn trở của những người còn nặng lòng với Tổ Quốc. Bùi Chí Vinh, một nhà thơ ‘Zăng-gô’ của thành phố tên Bác, một cựu binh có nhiều bài thơ yêu nước, đã phải than thở,

 máu bầm đỏ bazan, máu tràn ra hải đảo
ai cho phép Hoàng Sa, Trường Sa thành Tam Sa lếu láo
tội nghiệp rừng cọc nhọn Hưng Đạo Vương trên sóng Bạch Đằng...

Chính vậy mà mấy năm gần đây tình hình Biển Đông như ngọn gió đổi chiều. Người Hà nội lên tiếng, người Sài gòn lên tiếng, thanh niên, sinh viên, trí thức lên tiếng, nhiều bloggers và cộng đồng dân mạng lên tiếng. Tất cả như  tiếng vọng đồng thuận với những người hải ngoại sống xa quê hương. Điều đáng ngạc nhiên và lý thú là cả Mỹ cũng lên tiếng. Jim Webb, một ứng viên sáng giá của Đảng Dân Chủ, chủ tịch tiểu ban Đông Á của thượng viện Mỹ, nơi định hình cho các chính sách lâu dài của Á châu, trong chuyến viếng thăm Hà nội sau khi đi một vòng Đông Nam Á đã lên tiếng khi đươc hỏi quan điểm của Mỹ liên quan đến cuộc tranh chấp trên biển Đông, TNS Mỹ có cô vợ là luật sư gốc Việt trả lời, “Quan điểm của tôi là Mỹ nên có thái độ cụ thể hơn về việc bảo vệ chủ quyền của khu vực này, không nhất thiết bằng biện pháp quân sự, mà cần thể hiện bằng ngoại giao. Mỹ sẵn sàng là lực lượng cân bằng đối với Trung Quốc trong khu vực. Đã có sự tranh cãi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Cần có sự giải quyết công bằngvà Washington cần tham gia”  Rồi cách đây hơn một năm, như được định hình về chính sách của Mỹ,  ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố thẳng thừng là Mỹ có lợi ích trên biển Đông và sự có mặt của Mỹ trên giao lộ này là cần thiết và ‘chúng tôi sẽ trở lại Biển Đông như một thời chúng tôi đã có mặt tại vùng này.’

Trở lại các diễn biến gần đây của quần chúng trong nước, điều đáng mừng là sự kiện Biển Đông  như được sự vẫy gọi của truyền thống Bạch Đằng. Lòng dân sục sôi ý chí phản kháng bá quyền Trung quốc bằng các cuộc biểu tình tự  phát, trong khi dư luận quốc tế sẵn sàng hậu thuẫn cho một giải pháp công bằng cho khu vực  Biển Đông.  Cái khó xử là các nhà lãnh đạo Hà nội tự thân phải chọn lựa giữa tình đồng chí Đại Hán ngoài môi hay chủ quyền biển đảo của ngàn năm Đại Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét