Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Điểm sách "Nguyễn Chí Thiện Trái Tim Hồng" của Trần Phong Vũ


Có những điều dẫu nói ngàn câu cũng không đủ, nhưng chỉ cần thinh lặng thôi cũng đã đủ lắm rồi! Cảm nhận này bàng bạc trong văn phong của Trần Phong Vũ, khi ông viết "Nguyễn Chí Thiện Trái Tim Hồng." Ai cũng biết tác giả "Hoa Địa Ngục" là nạn nhân của bia miệng thế gian. Nếu có người yêu mến ông, cùng nhìn về một phía với ông, hết lòng giúp ông bảo vệ thanh danh, thì cũng có những kẻ quyết tâm đánh bật ông ra khỏi tập thể người Việt ở hải ngoại, tìm mọi bằng cớ để khẳng định ông đã mạo nhận là Nguyễn Chí Thiện. Đứng giữa hai lằn đạn, đứng giữa nhiều "công án" thực hư, Trần Phong Vũ cho biết: Nhà thơ được mệnh danh là ngục sĩ này bình thản tâm sự: "Những người tin thì đã tin rồi. Trái lại kẻ cố tình không tin thì dù mình có muốn giải thích, cải chính thế nào cũng vô ích." [1] Sinh ngày 27 tháng 02 năm 1939 tại Hà Nam, Miền Bắc Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện qua đời ngày 02 tháng 10 năm 2012 tại Miền Nam California, Hoa Kỳ. Tác phẩm "Nguyễn Chí Thiện Trái Tim Hồng" dày 500 trang của Trần Phong Vũ, do Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2013 viết về con người và cuộc đời của ông, được chia làm ba phần chính và một phần phụ lục.
  • Phần 1: Cuộc Sống và Con Người.
  • Phần 2: Hồn Thơ và Chất Thơ.
  • Phần 3: Vài Mảnh Vụn và Một Nỗi Lòng.
  • Phụ Lục: Âm Vang Từ Mọi Giới.
Trong suốt chiều dài của tác phẩm "Nguyễn Chí Thiện Trái Tim Hồng," tác giả Trần Phong Vũ nhấn mạnh đến nhân cách đặc biệt của người được mệnh danh là Nhà Thơ và cũng là "Ngục Sĩ." Sinh thời ông sống đạm bạc, lặng lẽ, cô độc, không làm phiền bất cứ ai, càng không oán trách những kẻ cố tình tẩy chay, nhục mạ ông. Trước sau như một, Nguyễn Chí Thiện chỉ là người yêu thơ, sống chết vì thơ. "Thơ là cội nguồn sức mạnh, là vũ khí thiêng liêng để Nguyễn Chí Thiện chống lại mọi thế lực yêu ma mang tên sự ác. Để sống còn để tìm ra sự sống giữa cái chết." [2] Ông gửi gấm trong thơ niềm tin yêu hy vọng vào tương lai xán lạn của tổ quốc:"Đúng lúc không ngờ, không đợi. Thầm câm lau giọt mồ hôi. Đột nhiên có gì dữ dội! Có gì sôi nổi! Có gì náo loạn ở phương xa." [3] Và "Gió nổi. Tâm hồn mở hết ra. Đón chào tươi mát bao la. Gió ầm ầm muôn kỵ mã xông pha. Ào ào ập tới, băng qua. Gió thổi tan ngàn u uất. Gió lật trang đời phần phật. Ngột ngạt nặng đè, giây phút tiêu ma. Vạn vật tưng bừng nhảy múa hoan ca! Sinh khí mênh mông, sông núi chan hòa. Truyền cho sức lạ." [3]
Cho dẫu mang tựa đề không tích cực, bài thơ "Khi Mỹ Chạy -1975" của Nguyễn Chí Thiện vẫn như lửa thiêng, bùng cháy lên soi sáng đời tăm tối:
"Thơ vẫn bắn và thừa dư sức đạn
Vì thơ biết một ngày mai xa xôi nhưng xán lạn
Không dành cho thế lực yêu ma
***
Thơ vẫn đó, gông cùm trên ván
Âm thầm thâm tím, kiên gan
Biến trái tim thành "Chiếu Yêu Kính" giúp nhân gian
Nhận rõ nguyên hình cộng sản
Tất cả suy tàn, sức thơ vô hạn
Thắng không gian và thắng cả thời gian…"
Tác phẩm "Nguyễn Chí Thiện Trái Tim Hồng" giúp độc giả nhìn rõ cuộc đời của một người tử tế, bị vùi dập trong ngục tù chỉ vì dám viết lên những vần thơ chính trực, mô tả thực trạng bi đát của ông và của muôn vạn người phải sống dưới chế độ cộng sản. Những điều Trần Phong Vũ viết ra, cũng khiến người đọc cảm thương nỗi lòng đau đớn của Nguyễn Chí Thiện. Ông phải lãnh nhận những hành vi xuyên tạc, bóp méo sự thật về ông, đã cam chịu búa rìu dư luận bằng tâm hồn khẳng khái, quảng đại, bao dung.
Tưởng cũng nên biết tác giả Trần Phong Vũ tên thật là Trần Ngọc Vân, là nhà thơ, nhà văn và cũng là bạn thân của Nguyễn Chí Thiện. Trần Phong Vũ được Uyên Thao - giám đốc nhà xuất bản Tiếng Quê Hương tín nhiệm, đề nghị viết về thân thế và sự nghiệp của tác giả "Hoa Địa Ngục." Bởi vì như Uyên Thao nói: "Ngoài những ngày cuối đời của Thiện, 'mày' là người thân cận với anh ấy từ nhiều năm qua." [4] Mở đầu tác phẩm bằng hai câu thơ: "Một trái tim hồng với bao chan chứa. Ta đặt trên bờ dương thế, trước khi xa," Trần Phong Vũ giới thiệu với độc giả một Nguyễn Chí Thiện kiên cường, cứng như sắt thép, đã chiến đấu không ngưng nghỉ với cái ác, với nhà tù, với bệnh tật, cho đến khi an giấc ngàn thu.
Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã ra đi, nhưng di sản tinh thần của ông bất diệt. Cảm ơn nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, cảm ơn nhà văn Trần Phong Vũ đã giúp độc giả ở hải ngoại và ở trong nước, hiểu rằng: Nguyễn Chí Thiện đã đặt trái tim hồng với bao chan chứa trên bờ dương thế, trước khi về thiên đường vĩnh phúc.
Hoàng Nhất Phương
10:27am Thứ Sáu ngày 3 tháng 1 năm 2014
________________________________________
[1]. Trang 44
[2] & [3].Trang 116
[4]. Trang 9

Hoàng Nhất Phương
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét