Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Tần Thủy Hoàng thời nay

lyanh0110141


Lý Anh
Nói đến Tần Thủy Hoàng, mọi người nghĩ ngay đến tên bạo chúa trong lịch sử cổ đại Trung Hoa từng phạm tội giết người hàng loạt. Tần Thủy Hoàng được mọi người biết đến là một bạo chúa “đốt sách chôn nho”, người đời sau không thể nào tha thứ.
Dưới thời cai trị của Tần Thủy Hoàng, vô số các điển tích văn hóa đã bị đốt thành tro. Sau khi đốt sách đến năm thứ hai, các nho sinh càng thêm bất mãn. Họ lén lút mắng chửi Tần Thủy Hoàng tham nắm quyền thế, trở thành một ông vua tàn bạo. Sau khi nhận được những tin cáo giác mật, Tần Thủy Hoàng lập tức phái người đi điều tra, bắt giữ các nho sinh trong thành Hàm Dương để thẩm vấn. Bị những đòn tra tấn vô cùng độc ác, các nho sinh tố cáo lẫn nhau, Tần Thủy Hoàng lên cơn thịnh nộ, chôn sống 460 nhà nho liên can đến vụ này. Có thể nói dưới đời Tần Thủy Hoàng dân chúng phải chịu nhiều cực khổ, mạng người không khác gì con vật, muốn giết lúc nào cũng được.
Mấy ngàn năm sau, Trung Quốc lại xuất hiện một tên bạo chúa khác. Đó là Mao Trạch Đông. Trong vòng gần 30 năm nắm đại quyền ở Trung Quốc, kể từ ngày Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, đến ngày về chầu Diêm vương (1949 – 1976), Mao Trạch Đông đã tạo ra 8,3 triệu oan hồn, 30 triệu án oan, hơn 300 triệu người bị đấu tố, có thể nói, Mao Trạch Đông coi mạng người như cỏ rác, tội ác gây án oan khắp đất nước Trung Quốc đã vượt quá tội ác của các bạo chúa trong lịch sử Trung Hoa.
Cuộc Đại cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng để thoát khỏi bế tắc chính trị cá nhân và đoạt lại quyền lãnh đạo đã hủy hoại lịch sử văn hóa 5 ngàn năm của dân tộc Trung Hoa cùng những trí thức cũ mới đã kiến tạo nên nền lịch sử văn hóa nước này từ Khổng Mạnh 2000 năm trước đến hàng loạt trí thức ngày nay. Thực tế, những người bị Mao loại bỏ đều là những viên ngọc báu trong nền văn hóa dân tộc Trung Hoa, là những bậc tinh anh trong giới trí thức. Mao Trạch Đông đã chẳng thèm phân biệt cặn bã với tinh hoa của nhân loại, đem các phẩm chất đạo đức truyền thống trung, hiếu, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, ôn, lương, cung, kiệm của dân tộc Trung Hoa vứt bỏ như vứt giẻ rách.
Ngày nay Á châu lại xuất hiện một tên bạo chúa mới, nhưng không phải trên lãnh thổ Trung Quốc mà ở nửa phiá bắc bán đảo Triều Tiên, chúng ta thường gọi là Bắc Hàn. Đó là Kim Jong-un (Kim Chính Ân), kẻ vừa thừa kế vương triều họ Kim do ông nội Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) dựng nên. Kim Jong-un mới nắm đại quyền sau khi Kim Cha là Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) từ trần ngày 17/12/2011, tính đến nay mới hơn 2 năm, hắn đã giết chết khá nhiều người, kể cả chú dượng hắn là Jang Song-thaek (Trương Thành Trạch), người từng vâng lệnh anh rể Kim Jong-il phù tá hắn khi mới lên thừa kế ngai vàng vương triều họ Kim.
Những vụ giết người xảy ra sau khi Kim Jong-un nắm đại quyền
Bắc Hàn có 19 loại tội có thể tử hình. Ngoài 17 tội trạng quy định trong bộ luật hình sự, “phản quốc” và “phản bội dân tộc” cũng là lý do chính đáng kết tội tử hình. Ngoài ra có rất nhiều tội trạng có “ghi chú” với nội dung sẽ tử hình nếu tình tiết nghiêm trọng dù chỉ là những tội như buôn lậu, làm tiền giả … Với các quan chức cấp cao thì “thất bại trong cải cách” hay “tham ô” đều được coi là lý do đưa ra pháp trường hành quyết. Đặc biệt, bất kính hoặc xúc phạm lãnh tụ cũng có thể bị tử hình. Tóm lại, không ai biết rõ ở Bắc Hàn có bao nhiêu loại tội bị kết án tử hình, chỉ biết rằng xử bắn là việc thường thấy ở đất nước này. Bắc Hàn cũng là một trong số ít những nước còn lại trên thế giới áp dụng xử bắn công khai.
Nhìn lại các vụ tử hình vừa qua, sau khi Kim Jong-un thừa kế vương triều họ Kim, các vụ tử hình quan chức cấp cao ở Bắc Hàn đã không giảm bớt, còn có xu hướng tăng lên.
Ngay trong thời gian quốc tang Kim Cha, Kim Con đã ra lệnh tử hình Thứ trưởng Quốc phòng và 10 nhân vật có tên tuổi khác trong quân đội vì “phạm tội bất kính” trong tang lễ Kim Jong-il. Thậm chí Thứ trưởng Quốc phòng Kim Chol còn bị tử hình bằng đạn pháo, với phán xét “không để sót một sợi tóc của tử tội” chỉ vì ông này uống rượu và cười cợt trong thời gian tang lễ Kim cha.
Năm ngoái, Asahi Shimbun và The Malay Mail Online, căn cứ vào nguồn tin do một quan chức cao cấp Bắc Hàn mới đào thoát cung cấp, đã loan tin: “Bắc Hàn vừa hành quyết 9 nghệ sĩ ca nhạc với lý do bịt lại các tin đồn phu nhân của bạo chúa Kim Jong-un là Ri Sol-ju (Lý Tuyết Chủ) đã có thời sống buông thả”. 9 người bị hành quyết bị nghi ngờ đã quay và đóng một video có tính cách khiêu dâm. Bộ Công an Bắc Hàn nghe lén được các buổi trao đổi của 9 nghệ sĩ ca nhạc, trong đó có một người nói rằng “Trước đây, Ri Sol-ju cũng từng làm chuyện linh tinh theo kiểu chúng mình bây giờ”. Các nghệ sĩ trên đã bị bắt vào ngày 17/08. Ba ngày sau, họ bị xử bắn tại Học viện Quân sự Kang Gon, ngoại ô Bình Nhưỡng, trước sự chứng kiến của các đảng viên cao cấp của Đảng Lao động Bắc Hàn và nghệ sĩ của hai ban nhạc. Gia đình của 9 người bị hành quyết bị đưa vào trại cải tạo, hai ban nhạc có nhạc sĩ đến xem hành quyết đều bị giải thể.
Tờ Chosun Ilbo của Đại Hàn dẫn nguồn tin từ Trung Quốc cho biết, trong số 9 nghệ sĩ nổi tiếng Triều Tiên bị xử tử hôm 20/8 có bạn gái cũ của Kim Jong-un là Hyon Song-wol. Kim Jong-Un và Hyon Song-wol gặp nhau khoảng mười trước, khi chàng và nàng đều chưa kết hôn. Lúc bấy giờ, Hyon Song-wol là ca sĩ rất được ái mộ. Năm 2005, cô đoạt giải nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế ở Hungary. Theo Chosun Ilbo, cặp uyên ương này phải chia tay vì Kim Cha phản đối. Sau đó, Hyon Song-wol kết hôn với một sĩ quan trong quân đội Bắc Hàn.
Dư luận Bắc Hàn còn bàn tán xôn xao, nữ ca sĩ Hyon Song-wol, còn được biết đến với cái tên Mun Kyong-jin, người đứng đầu dàn nhạc Unhasu nổi tiếng, có hành vi khiêu dâm nên đã bị xử tử. Ngoài Hyon Song-wol, những người khác là các ca sĩ, nhạc sĩ và vũ công từ dàn nhạc Unhasu và ban nhạc Wangjaesan Light Music cũng bị kết án tương tự. Họ bị buộc tội quay và buôn bán phim khiêu dâm. Cũng theo Chosun Ilbo, số phim này hiện tràn ngập khắp thị trường Trung Quốc. Dư luận cũng không quên nhắc đi nhắc lại rằng, Ri Sol-ju, vợ của bạo chúa Kim Jong-un cũng từng là một thành viên của dàn nhạc Unhasu.
Theo tin của tờ JoongAng Ilbo phát hành tại Hán Thành, đầu tháng 11/2013, Bắc Hàn đã công khai tử hình 80 người bị kết tội xem phim của Đại Hàn Dân Quốc. Tờ báo này dẫn nguồn tin do những người “thân cận” với Bộ Nội vụ Bắc Hàn cung cấp, cho hay: Ngày 03/11/2011, các vụ tử hình 80 nạn nhân này đã được tiến hành tại 7 thành phố . Tại thành phố cảng phía đông Wonsan, giới chức trách đã triệu tập 10.000 người tới một sân vận động chứng kiến vụ tử hình 8 trong số 80 phạm nhân trên toàn quốc. Phần lớn phạm nhân bị kết tội xem các bộ phim truyền hình Đại Hàn trái phép. Một số người khác bị kết tội xem phim khiêu dâm.
Theo trang mạng North Korea Intellectual Solidarity, từ vài tháng trước, Bắc Hàn đã ra thông báo về các vụ tử hình công khai này. Người phụ trách trang mạng North Korea Intellectual Solidarity cho biết, nhà cầm quyền Bắc Hàn đang thực sự lo ngại về những thay đổi trong suy nghĩ của người dân, nên đã tiến hành các biện pháp răn đe. Xem phim nước ngoài hay truyền hình quốc tế, đặc biệt của Đại Hàn, hoàn toàn bị cấm kỵ tại Bắc Hàn. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng như việc nhập lậu đĩa DVD, MP3, các cố gắng ngăn chặn của nhà cầm quyền Bắc Hàn đang gặp nhiều khó khăn
Người bị Kim Jong-un giết gần đây nhất là chú dượng của hắn, tên gọi Jang Song Thaek (Trương Thành Trạch), chồng của Kim Kyong-hui (Kim Kính Cơ), em gái của Kim Cha. Mặc dù Jang Song Thaek từng là người được anh rể Kim Jong-il ủy thác phù tá Kim Jong-un trong những ngày mới lên cầm quyền. Qua vụ thanh trừng này, nhiều người khẳng định, Kim Jong-un là tên bạo chúa giết người tàn bạo, người thân và ruột thịt cũng không tha.
Ngày 16/12/2013, South China Morning Post, tờ báo tiếng Anh phát hành ở Hương Cảng, đưa tin, sau vụ Jang Song-thaek bị thanh trừng, Kim Han-sol (Kim Hán Suất), cháu gọi Kim Jong-un bằng chú ruột, đang theo học tại Pháp đã tìm cách xóa dấu vết về nơi ở của mình. Ngày 14/12, chỉ 2 ngày sau khi Jang Song-thaek bị tuyên án tử hình và hành quyết lập tức, biển tên của Kim Han-sol, 19 tuổi, đang theo học tại Pháp đã bị rút ra khỏi hộp thư ký ở túc xá trường Scienses-Po’s Le Havre. Khi một ký giả Đại Hàn tới thăm nơi ở Kim Han-sol một ngày trước đó (13/12), tên của anh vẫn còn trong hộp thư. Anh ký giả gõ cửa phòng Kim Han-sol nhưng không có ai trả lời.
Sau đó anh ký giả này đã bị 5 nhân viên cảnh sát Pháp thẩm vấn khi họ nhận được tin báo từ sinh viên học tại trường Scienses-Po’s Le Havre nói rằng, một người Châu Á đã đến kiếm Kim Han-sol. Cảnh sát yêu cầu anh ký giả xuất trình giấy thông hành, giấy phép cư trú của mình và thẻ ký giả ngoại quốc hoạt động tại Pháp. Như vậy là bất cứ người Châu Á nào đến khuôn viên nhà trường hỏi về nơi ở của Kim Han-sol, sinh viên đều gọi điện báo cho cảnh sát. Kim Han-sol theo học tại trường này từ tháng 8/2013. Anh luôn bị săn đón bởi các ký giả Đại Hàn. Truyền thông Hán Thành cho rằng, sau khi Jang Song-thaek bị thanh trừng, Han-sol lo bản thân mình cũng bị thanh toán như ông chú dượng của ba mình.
Sau những vụ giết người của Kim Jong-un,
trong cuộc họp nội các ngày 10/12/2013, bà Park Guen Hye (Phác Cẩn Huệ), nữ tổng thống Đại Hàn, nói, các vụ cách chức và xử tử ở Bắc Hàn vừa qua là “cai trị bằng khủng bố”, một đường lối có nguy cơ gây ra nhiều tác động tiêu cực. Bà Phác Cẩn Huệ nói rằng, từ giờ trở đi các mối quan hệ Nam – Bắc Hàn có thể trở nên bất ổn nhiều hơn. Bà nói thêm rằng, vào một thời điểm như thế này, chính phủ cũng như các đảng phái ở Đại Hàn phải kiên quyết bảo vệ an ninh của người dân và thể chế dân chủ tự do của đất nước.

Lý Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét