Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Thực hư tưởng niệm Hoàng Sa và chiến tranh Việt-Trung?

Mặc dù dư luận có nhiều hoài nghi, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi điểm khi ông cho biết Chính phủ lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (1974) và 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979-chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc. Hơn nữa Thủ tướng còn chỉ đạo đưa các vấn đề này vào sách giáo khoa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Hội Khoa học Lịch sử ở Hà Nội vào buổi chiều 30-12-2013.
Courtesy chinhphu.vn
∇ Bấm vào để nghe bài tường thuật
Trích lời Thủ tướng cũng bị gỡ?

Hai bản tin trên mạng chiều 30/12/2013 của Thanh Niên Online và Việt NamNet có trích lời Thủ tướng về vấn đề liên quan sau đó đã bị gỡ xuống. Đây chính là điều gây ra những nghi vấn. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã có những phát biểu rất đặc biệt, trong dịp ông đến thăm Hội Khoa học Lịch sử ở Hà Nội vào buổi chiều cuối năm.

Dù đã bị gỡ xuống, nhưng các thông tin này đã được sao chép đầy trên mạng. VietnamNet trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc đưa chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa vào sách giáo khoa : “Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là vấn đề khác, bằng các giải pháp hòa bình, còn lịch sử là lịch sử, sự thật là sự thật”. Trong khi đó Thanh Niên bản điện tử chạy tít lớn với dẫn nhập: “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ Ngoại giao đang lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979-chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.”

Trả lời Nam Nguyên vào tối 2/1/2014, TS Nguyễn Quang A thuộc nhóm chủ trương Diễn đàn Xã hội Dân sự nói rằng, vị thế của Việt Nam khiến cho chính phủ Việt Nam hiện tại và mai sau đều cần có chính sách hữu hảo với Trung Quốc nhưng Việt Nam phải giữ sự tự chủ của mình. Ông nói:




Theo tôi những vấn đề như Hoàng Sa Trường Sa, nếu mà tin trên mạng bị gỡ xuống là có thể do phản ứng ngoại giao mà những cơ quan chức năng của Chính phủ đề nghị những tờ báo mạng đó gỡ xuống.

» Nhà báo Nguyễn Quốc Thái
"Kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa là việc rất nên làm và rất tốt bởi vì đấy là một sự kiện lịch sử và người dân Việt Nam phải được ghi nhớ. Tất nhiên là quan hệ với Trung Quốc có thể căng thẳng nhưng mà mình cần có cách làm phù hợp, hoặc là kỷ niệm sự kiện 1979 chẳng hạn. Đã là sự kiện lịch sử thì phải luôn luôn được kỷ niệm ở trong mức độ tùy hoàn cảnh từng thời gian. Nhưng lãng quên những sự kiện ấy là một tội đối với dân tộc.”

Nhà báo Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng thư ký báo Doanh Nghiệp hiện nghỉ hưu ở TP.HCM cho biết đã đọc được thông tin liên quan trên báo mua ở sạp. Ông nói:

“Theo tôi những vấn đề như Hoàng Sa Trường Sa, nếu mà tin trên mạng bị gỡ xuống là có thể do phản ứng ngoại giao mà những cơ quan chức năng của Chính phủ đề nghị những tờ báo mạng đó gỡ xuống…Những bản báo in rồi thì làm sao thu hồi được, mà cũng không nên thu hồi một cách trắng trợn như vậy bởi vì đây là một sự thật lịch sử do Thủ tướng một quốc gia nói, không phải sự vu cáo hoặc lăng mạ một vùng lãnh thổ hoặc quốc gia nào đó. Thủ tướng tuyên bố ‘sự thật là sự thật, lịch sử là lịch sử’ một công dân của một quốc gia có lòng tự trọng nói về một hoàn cảnh của quốc gia mình đó là điều đáng quí trọng.”

Mâu thuẫn nội bộ?

Các trang mạng xã hội bày tỏ nhiều hoài nghi, các nhà báo công dân nhắc lại sự kiện trong quá khứ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thường đưa ra các phát biểu chính trị vào những thời điểm thích hợp để vực dậy uy tín đã mất do điều hành kinh tế thất bại.

Chiến hạm HQ4 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tham gia bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. File photo.
Nhiều người tự hỏi là những kế hoạch kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa thất thủ và 35 năm chiến tranh biên giới phía Bắc mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố, có phải là một chủ trương nhất quán của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng hay không. TS Nguyễn Quang A nêu ra hai giả thiết:

“Giả thiết thứ nhất ông Thủ tướng thực lòng nói như thế và muốn làm như thế. Nhưng mà ở trong nội bộ lãnh đạo, thí dụ Tổng Bí thư hay lực lượng khác lại cản trở ông ấy. Giả thiết này nó phản ánh sự mâu thuẫn nội bộ, nếu mà nó đúng như thế thì tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường và qua mấy hội nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề kiểm điểm người về vấn đề kỷ luật này khác thì chúng ta thấy là sự mâu thuẫn nội bộ đã bộc lộ không cần phải che dấu nữa. Nếu giả thiết này đúng thì tôi nghĩ người dân nên ủng hộ những người có tư tưởng tiến bộ cải cách thí dụ trong trường này là ông Thủ tướng.

Giả thiết thứ hai là ông ấy chỉ nói như vậy thôi để lấy lòng dân, củng cố uy thế của mình trong hàng ngũ lãnh đạo. Ở trường hợp giả thiết thứ hai thì tôi nghĩ là một điều rất tồi tệ…không thể bình luận và không thể biết sự thật thế nào.”


Trở lại buổi viếng thăm Hội Khoa học Lịch sử chiều cuối năm ở Hà Nội, Theo VietnamNet, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rõ là kỷ niệm sự kiện biên giới phía Bắc, Hoàng Sa thì phải tổ chức thế nào cho vừa đạt yêu cầu đối nội, vừa đạt yêu cầu đối ngoại. Đó cũng là lợi ích nhân dân. Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc kỷ niệm này.”




Giả thiết thứ nhất ông Thủ tướng thực lòng nói như thế và muốn làm như thế. Nhưng mà ở trong nội bộ lãnh đạo, thí dụ Tổng Bí thư hay lực lượng khác lại cản trở ông ấy.

» TS Nguyễn Quang A
Như vậy đối với sự kiện Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa sau trận hải chiến đánh bại Hải quân VNCH ngày 17/1/1974, Hà Nội sẽ nhìn nhận thế nào đối với 74 chiến sĩ trận vong trong đó có Hạm trưởng Thiếu tá Ngụy Văn Thà đã chết theo con tàu của mình. TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Quân đội ở dưới bất kỳ chế độ nào cũng là để bảo vệ quốc gia. Những chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc bảo vệ Hoàng Sa là những anh hùng của dân tộc Việt Nam này. Tôi nghĩ là bất luận chính thể nào cũng phải trân trọng và tôn vinh những người như thế. Khi mà một chính phủ, một chế độ không làm được điều ấy thì trong người dân người cũng làm việc đó, có lúc thì âm thầm có lúc thì công khai. Những chuyện ấy rất là bình thường và lịch sử nhân dân Việt Nam sẽ luôn luôn ghi nhớ những người ấy như là những người con thân yêu của đất nước.”

Trong cùng ý nghĩa mà TS Nguyễn Quang A vừa chia sẻ, nhà báo Nguyễn Quốc Thái nhắc lại sự kiện 27/7/2011 tại Saigon, lúc đó Câu lạc bộ Phao Lô Nguyễn Văn Bình tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, phía Tây Nam và Hoàng Sa Trường Sa. Ông Nguyễn Quốc Thái phát biểu:

“Hôm đó tôi nhớ có bà quả phụ Ngụy Văn Thà đến dự. Việc Hoàng Sa bị đánh chiếm, lịch sử đã ghi nhận, báo chí toàn cầu đã ghi nhận không thể phủ nhận được. Giải thích bằng cách nào thì cũng phải hiểu rằng đó là một phần lãnh thổ Việt Nam bị nước ngoài xâm chiếm. Ngày đó là một ngày lịch sử chúng ta tưởng niệm thì chẳng có gì chúng ta phải sợ hãi. Tôi rất khinh những người sợ hãi khi nói đến những vụ xâm chiếm của nước ngoài, xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Đất nước bị xâm chiếm thì phải lên tiếng, phải bảo vệ và tìm cách lấy lại. Tôi không biết lấy lại bằng cách nào nhưng điều đó không thể thiếu vắng trong tâm khảm của chúng ta mỗi ngày.”

Những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội Khoa học Lịch sử chiều 30/12/2013 ở Hà Nội về việc tổ chức kỷ niệm sự kiện Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa vào ngày 17/1/1974, lúc đó thuộc chủ quyền VNCH, cũng như kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung 1979 mà hàng vạn liệt sĩ đã bị lãng quên được mô tả là một sự thay đổi tư duy hợp lòng dân. Nhưng lời nói có đi đôi với việc làm hay không thì phải chờ thời gian trả lời.

Nam Nguyên
phóng viên RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét