1. Các nhà xã hội học kêu gào đến khản giọng về việc đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, “ sự tử tế trở thành cụm từ sáo rỗng và xa xỉ!”[1]. Các vụ cướp giếp hếp ngày càng tàn bạo, cái sự đối xử của con người với con người ngày một lạnh lùng. Triều đình lo quá, vội vàng phát động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đã dăm năm hơn, phong trào “sâu rộng đến mọi tầng lớp xã hội”, vậy mà xem chừng cái bức tranh đạo đức vẫn không sáng lên được chút nào.
Khi việc học không có kết quả mong đợi, cần xem xét lại ba nhân tố quan trọng: nội dung học, phương pháp dạy của thầy và thái độ học của trò. Trong trường hợp này, ba yếu tố đó là: Tấm gương đã thực sự sáng không? Truyền thông có chiến lược tốt chưa? Tinh thần học tập của dân chúng ra sao? Yếu tố thứ nhất thì khỏi bàn, chủ tịch Hồ Chí Minh là vầng thái dương soi sáng đến muôn đời. Hai yếu tố sau là chuyện quốc gia đại sự, một thảo dân như mình không dám bàn.
Mình xưa nay luôn có ý thức tu dưỡng theo gương cụ Hồ, khỏi cần triều đình phát động. Bao nhiêu sách viết về cụ mình đều mua về, thắp nến ngồi đọc rất mực thành kính. Và thấy cái đạo đức của riêng cá nhân mình được cải thiện đáng kể. Mình thường quan tâm chuyện nhỏ trước, ví như tình chị em giữa cụ Hồ và người chị ruột là bà Nguyễn Thị Thanh.
2. Bà Thanh, tên thật là Nguyễn Thị Bạch Liên, sinh năm 1884. Cụ Nguyễn Sinh Sắc lấy hình ảnh bông sen trắng để đặt tên cho đứa con gái đầu lòng, chắc gửi gắm vào đó những ước mơ đẹp. Vậy nhưng bông sen trắng ấy ngay từ thuở nhỏ đã trải qua một cuộc đời nhiều đắng cay, bất hạnh.
9 tuổi (năm 1893), cô chịu tang ông ngoại. (Ông Hoàng Đường nhận Nguyễn Sinh Sắc làm con nuôi, sau gả con gái cho. Cả gia đình Nguyễn Sinh Sắc sống cùng ông bà Hoàng Đường).
10 tuổi (năm 1894), “cha đỗ cử nhân rồi đi Huế cùng mẹ và hai em”[2] cô ở lại nhà giúp đỡ bà ngoại.
16 tuổi (năm 1901), mẹ là bà Hoàng Thị Loan mất ở Huế. Chưa đầy một năm sau, người em út Nguyễn Sinh Xin mất. Sau này, bà Thanh kể cho Sơn Tùng nghe: “Mẹ o mất sớm, o phải về quê thay cha, thay mẹ chăm sóc bà ngoại”[3].
20 tuổi (năm 1904), chịu tang bà ngoại. Từ đó về sau, mọi việc trong gia đình họ tộc đều trông vào cô Thanh. Theo Nguyễn Sinh Mại[4], người gọi Nguyễn Sinh Sắc là chú ruột, “cô Thanh là phụ nữ đảm đang, dũng cảm, kiên nghị”. Cô Thanh dám gặp Tổng đốc và Công sứ Nghệ An đòi thả một người bạn trai ra khỏi tù về chịu tang cha, “nếu không thì cô sẽ ngồi tù thay”.
22 tuổi (khoảng năm 1906), “Thanh vào Huế với cha lần đầu tiên cùng người đầy tớ gái. Nhưng cô không chịu nổi sự tàn bạo của người cha nghiện rượu, thường đánh đập cô. Năm sau cô trở về Kim Liên”.
26 tuổi (năm 1910) cha cô bị xử phạt 50 trượng, sau đổi thành án giáng 4 cấp và bị triệu hồi.
Cũng trong năm này, trong một chuyến đi liên lạc với nghĩa quân chống Pháp, cô Thanh bị bắt, bị đánh đập dã man. Cô bị giam một thời gian. Ra tù, lại tiếp tục liên lạc với líh khố xanh, khố đỏ, mua súng giúp nghĩa quân.
Ngày 23 tháng 1 năm 1920, trong thông tri mật của chánh mật thám Trung kỳ viết: “Chị Thanh không có chồng, 32 tuổi, bị buộc tội đồng lõa với những kẻ phản nghịch ở Nghệ Tĩnh… bị tòa án tỉnh Nghệ An kết án 9 năm khổ sai và hiện chịu hành phạt ở Quảng Ngãi”[5].
Ra khỏi tù ở Quảng Ngãi (lúc này đã ngoài 35 tuổi), cô về quê tiếp tục hoạt động cách mạng. Bà Thanh kể cho Sơn Tùng: “Bọn Pháp theo dõi, đã mấy lần bắt o, chúng nó tra tấn o kinh khủng lắm, bắt o đeo gông rồi đày đi suốt 9 tỉnh miền Trung, đi vào đến Quảng Ngãi cháu ạ. Có lần Pháp tra tấn o dã man đến mức chúng nướng chiếc mâm đồng cho đỏ rồi bắt o ngồi lên đó. Chúng nó tra tấn kiểu như vậy làm cho những người phụ nữ như o bị “điếc” luôn, không còn khả năng sinh nở nữa”.
38 tuổi (khoảng năm 1922), bà vào Huế đưa hài cốt mẹ về chôn sau vườn nhà.
Năm bà 43 tuổi (tháng 8 năm 1927), cha bà ốm nặng tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn. Dù đang bị thực dân Pháp an trí ở Huế, bà vào Sài Gòn thăm cha. “THấy cha quá ốm yếu, cô xin rước về Huế để nuôi dưỡng. Cụ Sắc nói: Thân con bị quản thúc, con lo còn chưa xong, làm sao lo cho cha được”. Cô khóc lóc năn nỉ mãi, sau đành một mình trở lại Huế”[6].
Năm bà 45 tuổi (năm 1929), cha bà mất ở Cao Lãnh Đồng Tháp. Bà vào chịu tang cha.
Năm bà khoảng 60 tuổi, theo lời của Nguyễn Sinh Định, gọi cụ Hồ là chú thúc bá: “vào một đêm trời tối như bưng, chú cả Khiêm cầm bó đuốc đi trước, bố tôi khiêng một đầu, tôi khiêng một đầu cái tiểu sành đựng hài cốt bà Loan đưa từ vườn nhà lên núi Đại Huệ chôn cất”. Lúc chôn cất mẹ xong, “chú cả Khiêm lẩm nhẩm khấn thành tiếng: “Mẹ ơi,,, em Côông, con của mẹ nhất định sẽ về…”. (Sau này, em Côn trở thành lãnh tụ kính yêu của dân tộc, về thăm quê hai lần. Trong kí ức người đương thời, không ai kể chuyện người con vĩ đại ấy lên thắp hương cho mẹ, anh chị![7]).
Năm 1945, đất nước độc lập, bà Thanh 61 tuổi, “mặc quần áo nâu, đầu chít khăn nhung, miệng nhai trầu, tay xách hai con vịt và hai chục quả trứng gà đón xe Nam Đàn – Vinh, rồi lên tàu lửa ra Hà Nội”. Hai chị em gặp nhau, “chuyện trò được nửa giờ” thì cụ Hồ phải lo việc nước, bà Thanh về nhà người quen ở phố Hàng Nón nghỉ. Mấy hôm sau, cô về, “bác Hồ bận quá, phải nhờ người đến biếu cô mấy mét vải lĩnh…”.
3. Mình xem Tivi, thỉnh thoảng gặp chương trình biểu diễn của các võ sư phi phàm, với các tiết mục như nuốt than đỏ, đam kiếm sắc vào bụng, đặt một chồng gạch lên đầu rồi lấy búa đập gạch vỡ tan… Những người làm chương trình luôn cho chạy dòng chữ: “Người xem tuyệt đối không bắt chước, nguy hiểm đến tính mạng”.
Sau 40 năm xa cách, với biết bao nhiêu biến cố đau thương của gia đình, hai chị em chỉ gặp nhau được 30 phút, vĩnh viễn không gặp lại nữa. Các nhà “Hồ Chí Minh học” luôn đưa ra hai bảo bối, nằm trong mấy chữ “bận trăm công ngàn việc” và “hy sinh cao cả” để biện minh.
Cụ Hồ hai lần về thăm quê cũ, dân chúng cảm động rơi nước mắt, hàng chục năm sau vẫn còn nhắc đến những hình ảnh, cử chỉ, lời nói của cụ. Mình không thấy ai kể chuyện cụ lên núi Đại Huệ viếng mộ mẹ, không ai nhắc chuyện cụ thắp hương cho anh, cho chị, cho tổ tiên dòng họ??? Mong sao cái sự đọc của mình chưa đến nơi đến chốn.
Mình nghĩ, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như một vị võ sư siêu phàm, người trần mắt thịt chúng ta khi “học tập” cần cẩn thận.
[1] Đạo diễn Trần Văn Thủy, http://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/chung-ta-sung-tuc-len-chung-ta-bot-tu-te-hon–n20140117175213044.htm
[2] TS Bùi Thị Thu Hà, Kể chuyện cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, NXB Bách khoa, 2009, trang 219.
[3] Xem “Chuyện nhà văn Sơn Tùng gặp người chị ruột bác Hồ ở làng Sen”,http://www.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=130815
[4] Chuyện với người cháu gần nhất của bác Hồ, NXB Thanh niên, 2007.
[5] Kể chuyện cụ phó bảng… trang 210.
[6] Trần Minh Siêu, Những người thân trong gia đình Bác Hồ, trang 50.
[7] http://www.cand.com.vn/vi-VN/phongsu/2011/6/149578.cand, Chuyện bác Hồ hai lần về thăm quê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét