Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Vực thẳm đang đón chờ "Sa hoàng Công An" Trung Quốc


Lời người dịch: Được mệnh danh là "Beria Trung Quốc", Chu Vĩnh Khang, cho tới tháng 11 năm 2012 vẫn là nhân vật thứ 3 của chế độ, nắm trong tay bộ máy công an, mọi cơ quan tình báo và luôn cả Tư pháp. Nhân vật này có thể sắp bị Tập Cận Bình đem ra tế thần trong cái gọi là chiến dịch chống tham nhũng được họ Tập bày ra để củng cố quyền hành cho mình. Khó mà không liên tưởng đến một vị thượng tướng công an Việt Nam có chút dính líu với vụ Dương Chí Dũng. Nhưng ai sẽ là Tập Cận Bình Việt Nam?
Cộng Hòa Nhân dân Trung Quốc đang sửa soạn trình diễn một vở tuồng mới, vĩ đại, nửa chính trị nửa pháp lý, sau vở tuồng lên án Bạc Hy Lai tù chung thân với tội tham nhũng, biển thủ và lạm dụng chức vụ. ĐCSTQ đã được chuẩn bị để sẵn sàng vứt xuống vực thẳm một "con cọp lớn" khác: Chu Vĩnh Khang, nhân vật thứ 9 của ĐCSTQ, cựu Sa hoàng của cơ quan an ninh Trung Quốc, một bộ mặt lớn của kỹ nghệ dầu hỏa... và là người đã che chở Bạc Hy Lai cho tới khi bị hạ bệ. Khi dành riêng cho mình con thú này và đặt vào chỗ hạng nhất trong bảng săn của mình, chủ tịch Tập Cận Bình, đã lợi dụng được đúng thời cơ để củng cố quyền hành cùa mình.
Với mái tóc đen sậm được chải ra đằng sau một cách hoàn hảo, bộ mặt chữ điền với cặp mắt soi bói như một con mèo, lông mày đậm và cái cầm vuông cương nghị, Chu Vĩnh Khang, 71 tuổi đã luôn luôn trau dồi cái thân thể của một con thú dữ. Đứng hạng thứ 9 trong Ban thường vụ bộ Chính trị ĐCSTQ, nơi tập trunvg quyền hành tối cao, nhưng thật ra là nhân vật thứ 3 của chế độ, chỉ sau Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Cho tới năm ngoái trước khi về hưu, Chu Vĩnh Khang, được mệnh danh trên Mạng là "Beria Trung Quốc", tên của trùm mật vụ thời Staline, là một trong số những nhân vật bị thù ghét nhất... nên đã được dùng làm cái bia lí tưởng cho êkíp lãnh đạo mới nhằm bắn.
Là trung tâm của một cuộc điều tra rộng rãi về những sự kiện tham nhũng và biển thủ, Chu Vĩnh Khang bị quản thúc tại gia từ nửa tháng 12, theo nguồn tin của nhũng giới thân cận ĐCS. Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, Tập Cận Bình cho thành lập một tổ đặc biệt có nhiệm vụ điều tra mọi hành động của Chu. Người ta vẫn chờ đợi tin chính thức bắt giam Chu Vĩnh Khang. Nhưng những tố cáo mỗi ngày một dài: tham nhũng, âm mưu đảo chính, giết người... Chu từ trước tới nay vẫn là con vật đáng ghét nhất của những người có tự tưởng rộng rãi vì đã thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến, những người thuộc giáo phái Pháp luân công, người Tây tạng và người Hồi giáo... Tuy vậy Đảng chỉ tập trung vào những sự kiện tham nhũng, tránh bới ra những hành động của Chu đối với những người này để khỏi bị đập trở lại là đã nhắm mắt để mặc Chu tung tác như vậy từ cả mấy thập kỷ cho đến nay.

Ám sát kiểu Mafia

Chu bị nghi ngờ là đã sai người giết vợ mình, theo nhiều nguồn tin được báo chí kể lại. Khi Chu là bí thư Đảng tỉnh Tứ Xuyên, từ 1999 đến 2002, Chu có ngoại tình với rất nhiều đàn bà, trong số đó có Giả Tiểu Hoa, xướng ngôn viên đài truyền hình CCTV. Khi Giả Tiểu Hoa nói có bầu, Chu cam kết sẽ li dị vợ. Ít lâu sau, người vợ bị chết trong một tai nạn xe hơi rất bí hiểm. Bị 10 năm tù, 2 người tài xế bị kết tội làm chết người, chỉ 3 năm sau đã được phóng thích. Chu lấy cô nhà báo này và hiện nay cũng bị quản thúc cùng với Chu. Chu cũng giữ vai trò chính trong những vụ ám sát kiểu mafia những người đối lập chính trị, 1 tướng lãnh và 3 nhà kinh doanh, theo những Mạng tiếng Hoa ngoài lãnh thổ nước CHND. Theo những mạng này, Chu âm mưu làm cuộc đảo chính lật đổ Tập Cận Bình để bảo vệ quyền lợi gia đình và phe phái.
Những tài liệu về hiện trạng của cuộc điều tra được phân phát cho những thành viên TW Đảng, không nhắc gì đến những tố cáo giết người và âm mưu đảo chính, theo nhà báo độc lập, Cao Ngọc (Gao Yu): "chính quyền không có lợi lộc nào mà đưa ra những chuyện này. Quá nhậy cảm". Cô Cao Ngọc giải thích như vậy. Tập Cận Bình và vây cánh nắm đủ bằng cớ là Chu còn mắc một tội phạm thượng nữa trước khi có Đại hội Đảng 18 trao quyền hành cho Tập Cận Bình. "Những thông tin về của cải mà gia đình Tập Cận Bình và Ôn Gia Bảo tích lũy đến từ báo chí nước ngoài đều phát xuất từ phòng 610. Khởi đầu, phòng 610 có nhiệm vụ những tin tức về các thành viên của giáo phái Pháp Luân Công ở nước ngoài. Nhưng sau này phòng 610 được đổi hướng để chuyên về điều tra về của cải của các lãnh đạo Đảng được chuyển ra ngoài lãnh thổ. Phòng 610 được đặt dưới quyền của 1 người thân cận Chu. Dưới con mắt Đảng, cái toan tính làm mất ổn định trong Đảng này không thể tha thứ được", nhà báo Cao Ngọc giải mã như vậy.
Là Sa hoàng Công an cho tới khi về hưu tháng 11-2012, Chu tự tạo cho mình uy quyền thứ bốn sau Đảng, chính phủ và quân đội. Chu ngự trị trên 10 triệu viên chức khi quân đội chỉ có 2 triệu rưởi người và nắm trong tay 1 ngân quỹ khổng lồ. Chu kiểm sát toàn thể bộ máy công an, lực lượng dân phòng, các quan tòa, các tòa án và cả 1 hệ thống các trại cải tạo. Chu cũng là người điều hành mọi cơ quan tình báo. "Chu tự tạo cho mình một phe phái có toàn quyền làm đủ mọi chuyện nhân danh sự bảo toàn ổn định quốc gia. Tình trạng thê thảm hiện thời ở Tây Tạng và ở Tân Cương, một phần lớn là kết quả của chính sách chính trị tồi bại của Chu với chiến lược duy nhất là đàn áp". Cô Cao Ngọc xác nhận như vậy.
Trong quá khứ, ĐCSTQ phần nhiều đóng cửa tự giải quyết với nhau, phế truất những quan chức cao cấp bị thất sủng qua những thủ tục nội bộ kín đáo. Nhưng hiện nay có nhiều dấu hiệu chứng tỏ họ Tập sẽ không tránh cho Chu cái nhục bị xử công khai.
Chu Bình, con trai Chu đang bị giam giữ công khai từ tháng 12 về tội biển thủ công quỹ lên tới nhiều tỷ euros trong những vụ tham nhũng ở Tứ Xuyên và trong kỹ nghệ dầu hỏa. Chu Bình hình như đã chấp thuận hợp tác với các nhân viên điều tra để lập hồ sơ chống lại chính cha mình, nhân vật số một của Tứ Xuyên từ 1999 tới 2002 và là cựu chủ tịch CNCP, tập hợp dầu hỏa số một của Trung Quốc. " Những lãnh đạo chánh muốn rằng vụ việc Chu Vĩnh Khang phải tôn trọng thủ tục pháp lý để đưa ra tín hiệu là Trung Quốc là 1 nước pháp quyền và sự điều tra không phải là khí cụ của thanh trừng chính trị ", theo một nguồn tin được báo South china Morning Post kể lại.

Dứt răng con cọp

Tuần vừa rồi Ban Trung Ương Thanh tra kỷ luật đảng, cánh tay sắt của Đảng trong cuộc chiến bài trừ tham nhũng, đã đe dọa ngầm Chu khi nhắc lại lời tuyên bố của Tập "không cần biết thứ bậc hay chức phẩm của một nhân vật nào, nếu nhân vật ấy vi phạm kỷ luật Đảng hay pháp luật thì sẽ bị trừng trị một cách khắc khe nhất". Về phần mình Tập Cận Bình cũng đã kêu gọi Tư pháp và Công an chấn chỉnh lại hàng ngũ của mình để quét sạch tham nhũng... một mũi giáo đâm vào sự quản trị của Chu. Nếu Tập là người hòa tấu cuộc xử án công khai Chu Vĩnh Khang, để cho Tòa kết án tử hình hay tù chung thân, thì Tập là người đầu tiên phá bỏ cái luật lệ vẫn được tôn trọng từ sau Cách mạng Văn hóa là những lãnh đạo cao cấp không có gì phải lo sợ một khi đã về hưu. Chu Vĩnh Khang sẽ có thể là người có trách nhiệm cao nhất bị lôi ra tòa từ khi có vụ xử "bè lũ bốn tên".
Những thế lực mạnh mẽ phò trợ Chu trong ĐCSTQ như cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, luôn luôn chống đối những cải cách kinh tế phóng khoáng của êkíp cầm quyền mới, kiếm cách ngăn cản Tập; "Giang rất tức giận, nhắn nhở Tập từ mấy tháng nay khi khẳng định là đã sẵn sàng phơi bầy công khai trước công chúng những mâu thuẫn trong nội bộ Đảng làm tổn hại đến hình ảnh của Đảng. Bởi vậy Tập Cận Bình thấy phải bắt đầu bằng dứt răng cọp trước khi tìm cách lột da nó", Cao Ngọc giải mã như vậy.
Là cưu lãnh đạo China National Petroleum Corporation (CNPC) trong những năm 80, Chu Vĩnh Khang đã kiến tạo cho mình những mạng lưới bằng cách dựa vào "mafia dầu hỏa", từ 1988 đến 1998. Ngay từ năm 2012, Li Chungchen, nhân vật số 2 của ĐCSTQ ở Tứ Xuyên và là đồng minh thân cận của Chu đã bị mất mọi chức vụ. Hàng tá các cán bộ và các nhà kinh doanh tỉnh Tứ Xuyên bị bỏ vào nhà tù cùng một chuyến. Tháng 6 năm 2013, cụu thư ký của Chu được lên làm phó chủ tịch Tứ Xuyên, Guo Yongxiang, bị bắt. Ngay sau đó, 4 cựu lãnh đạo cao cấp của CNPC bị kết tội, trong số đó có Wang Yongchun, nhân vật số 2 của Petrochina, chi nhánh của CNPC. Tháng 5 2013, Liu Tienan, giám đốc Ủy ban Quốc gia về năng lượng bị huyền chức. Rồi đến lượt Jiang Jiemin, một cột trụ chống đối mọi cải cách và là nhân vật số 1 của Sasac, Giám sát viên những công ty công quản, cựu chủ tịch CNPC cũng bị huyền chức.
Khi phát động chiến dịch chống tham nhũng ngay sau khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã hứa sẽ diệt trừ từ những con "ruồi nhặng" là những viên chức hạng thấp, đến những con "cọp", là những nhân vật chóp bu nắm giữ những trách nhiệm lớn trong nước. Chắc ngay khi nói những câu đó, họ Tập đã nghĩ đến Chu Vĩnh Khang.
Một khi đã vứt Chu Vĩnh Khang cho công luận làm thịt, chủ tịch Trung Quốc coi như là đã thực hiện lời hứa, đồng thời cũng chinh phục được lòng dân chúng. Sụ trả thù cá nhân này và sự thanh trừng tiếp theo đó, đã cho phép họ Tập nắm được chắc quyền hành trên đất nước qua sụ kiểm sát được bộ máy công an. Khi đã đi được đến cùng, Tập hi vọng có thể vô hiệu hóa được vĩnh viễn phe Giang Trạch Dân, đồng thời cũng đưa ra một cảnh cáo nặng kí cho những đối thủ còn tiềm ẩn.

Patrick Saint-Paul, 
phóng viên Le Figaro ở Bắc Kinh
Phong Uyên chuyển ngữ
Chia sẻ bài viết này
Nguồn: Báo Le Figaro ngày 15-1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét