Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Xe Cyclo một thời

tailieu0121813

Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm sau khi đi ở tù cải tạo về, gặp lại một anh bạn hồi xưa cũng dạy tại Trường Sinh ngữ Quân đội Sài Gòn. Gặp nhau giữa thời điêu linh tuy có khổ thật nhưng lại có nhiều chuyện để nói. Tôi hỏi anh bạn lúc này làm gì, anh trả lời tỉnh bơ: “Xô-xích-le!”.
Hình như biết tôi mới từ trại cải tạo ra, chưa bắt kịp loại ngôn ngữ “thời thượng” xuất hiện sau ngày Sài Gòn đổi tên, anh bạn giải thích: “Đạp xe xích lô ấy mà!”. Quả thật đó là lần đầu tiên tôi được nghe đến “Xô-xích-le”, cái tên nghe lạ tai với âm hưởng của tiếng Pháp.
“Xích-lô”, xuất xứ từ tiếng Pháp “cyclo”, là một phương tiện giao thông sử dụng sức người, di chuyển trên 3 bánh dùng để chở khách hoặc hàng hóa. Người lái xe cũng vận hành cyclo như một chiếc xe đạp nên còn được gọi là “xích-lô đạp” và sau này được cải tiến với động cơ xe gắn máy để thành “xích-lô máy”.
Cũng áp dụng cách vận hành tương tự như cyclo, còn có xe ba gác với thùng xe đặt ở phía trước để chở đồ đạc cồng kềnh và sau này xe ba gác lại được cải tiến thành xe ba gác máy với động cơ của xe gắn náy.
Ngược lại với cyclo, ở miền Tây, hay còn gọi là Lục Tỉnh, có loại xe đạp kéo thùng chở khách đằng sau được gọi là xe lôi, rất phổ biến ở các tỉnh miền đồng bằng sông Cửu Long. Dần dà người ta lại dùng xe máy để kéo, cũng tương tự như người anh em là chiếc cyclo máy.
Chiếc cyclo đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn năm 1938 nhưng mẫu thiết kế lại không do người Việt vẽ kiểu mà lại là “tác phẩm” của một người Pháp. Lịch sử chiếc cyclo lại còn ly kỳ hơn. Chiếc cyclo đầu tiên chính thức được nhà cầm quyền bảo hộ cấp phép lưu hành không phải là ở Sài Gòn mà là Phnom Penh, thủ đô của xứ Chùa Tháp trong Đông Dương thuộc Pháp gồm Việt Nam, Cao Miên và Lào.
Xích lô xuất hiện vào khoảng năm 1938 tại Phnom Penh. Chiếc đầu tiên do một người Pháp, dân miền Charente tên là Coupeaud, một người đam mê thể thao vẽ kiểu. Phải vất vả lắm Coupeaud mới vận động Bộ Công chánh công nhận sáng chế và cấp phép lưu hành, sau khi đã tham khảo ý kiến của hai nhà vô địch Tour de France là Georges Speicher và Le Grèves.
Để “tiếp thị” chiếc xe chở khách chạy bằng 3 bánh và người lái ngồi phía sau xe, Coupeaud đã tổ chức một cuộc hành trình “giới thiệu sản phẩm” dài gần 200km từ Phnom Penh đến Sài Gòn do hai người thay phiên nhau đạp xe trong thời gian 17 giờ 23 phút!
Và cyclo đã chinh phục Sài Gòn xưa với 40 chiếc vào năm 1939, nhưng chỉ một năm sau, năm 1940, Sài Gòn đã có khoảng 200 chiếc cyclo chạy trên đường phố.
Nhìn khái quát, cyclo là sự kết hợp và gắn nối của các ống sắt đủ loại, đủ kích cỡ, từ thanh bảo vệ hành khách ở phía trước đến phần ngồi của người điều khiển phía sau. Hai phần này được nối với nhau bằng một trục nằm dưới gầm xe, phía dưới chỗ ngồi của khách, có tác dụng giúp người lái xe có thể quẹo phải, trái hay đi thẳng về phía trước.
Phần yên xe của người điều khiển cũng là một kết cấu đơn giản với thắng tay nằm ngay phía dưới qua hình thức một chiếc vòng sắt hoặc một thanh ngang để người lái có thể kéo lên mỗi khi muốn giảm tốc độ hoặc dừng xe.
Chạy cyclo không phải dễ như mọi người tưởng. Yên xe rất cao nên những người “thiếu thước tấc” rất khó “leo” lên, đó là chưa kể khi leo được lên yên chưa chắc đã đạp được hết vòng nếu chân quá ngắn.
Phần sau của xe được nối với thùng xe bằng một trục thẳng đứng nên khi cua ngặt sẽ khiến xe mất thăng bằng, dễ bị lật. Tuy nhiên, tôi đã có lần được chứng kiến “cao thủ” cyclo biểu diễn chạy xe bằng bánh. Có nghĩa là nghiêng hẳn một bên xe, và dĩ nhiên là trên xe không có khách.
Khi khách bước lên hoặc xuống xe, người điều khiển phải kềm phần sau vì nếu khách thuộc loại “nặng ký” sẽ khiến đuôi xe chống ngược. Lại nữa, người lái cyclo phải là tay giỏi… “thương lượng” vì khách trước khi lên xe bao giờ cũng kỳ kèo mặc cả. Tùy hoàn cảnh, người lái xe có thể chấp nhận cái giá mà khách trả hay xách xe không kiếm mối khác!
Chân dung người đạp xích lô cũng muôn hình vạn trạng. Đó có thể là người trên đầu đội chiếc nón lá, quần ống thấp ống cao, lep kẹp đôi dép lộ rõ mười ngón chân cáu bẩn. Buổi trưa nắng gắt bác cyclo tìm một chỗ dưới gốc cây, đánh một giấc ngay trên xe để lấy sức tiếp tục rong ruổi trên đường phố kiếm cơm…
…Chiếc cyclo máy được ra đời vào đầu thập niên 1960. Những người đến Sài Gòn lần đầu tiên đều rất thích thú được ngồi trên phương tiện chuyên chở độc đáo này để ngắm nhìn đường phố. Cyclo máy chạy nhanh hơn cyclo đạp và người chạy thường là những thanh niên khỏe mạnh trong khi cyclo đạp thường do những người nhiều tuổi hơn chạy.
Cyclo máy được lắp ráp ngay tại miền Nam, với những phụ tùng, linh kiện nhập cảng từ Pháp: động cơ cuả hãng xe mô tô Peugeot, loại 125 phân khối, dùng xăng pha nhớt. Đây là loại động cơ 2 thì nên khi nổ máy khói phun mịt mù, tiếng máy của xe cũng thuộc loại gây “ô nhiễm tiếng ồn”.
Cyclo máy ra đời vào thời kỳ chiến tranh leo thang với sự xuất hiện của quân đội đồng minh, nhất là lính Mỹ rất thích phương tiện chuyên chở này. Có người nước ngoài còn nói đi cyclo máy Sài Gòn còn thú vị hơn ngồi xe hơi mui trần “convertible”.
Một anh lính Mỹ viết thư về nhà mô tả chiếc cyclo máy, đại khái như “một con quái vật há mồm, hùng hổ trên đường”… “ngồi cyclo máy tựa như phi thuyền phóng lên mặt trăng”… Tuy nhiên, họ cũng nhìn thấy sự nguy hiểm rình rập khi ngồi trên chiếc cyclo máy chạy nhanh, nếu tai nạn xảy ra, hành khách là người bị nặng nhất còn người lái xe ngồi ở mãi phía sau.
Chiếc xích-lô cũng đã đi vào điện ảnh với phim Cyclo của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. Ngoài dàn diễn viên người Việt còn có sự tham gia của minh tinh điện ảnh Hồng Kông Lương Triều Vĩ. Phim đã đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venise năm 1995 nhưng lại bị cấm chiếu tại Việt Nam…
… Và để kết thúc bài viết về cyclo, xin kể thêm một chuyện, không biết là nên buồn hay vui. Trên trang ảnh Flickr tôi có post rất nhiều hình chụp các phương tiện giao thông ở Việt Nam, trong đó có cả những chiếc xe cyclo chạy trên đường phố. Tôi nhận được một comment như sau: “Ông này chắc từng làm nghề xích lô, nên mới chụp lắm hình xích lô thế”.
Tôi đoán anh bạn này là người miền Bắc nên trả lời: “Ở miền Nam, một số người sau khi đi trại cải tạo trở về làm nghề đạp cyclo… Tôi không ở trong trường hợp đó nhưng rất trân trọng những người lao động chân chính. Không nhất thiết đã từng đạp cyclo nên mới chụp nhiều hình cyclo”.
Nguyễn Ngọc Chính
(Trích từ Hồi ức một đời người)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét