Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

4/ Quần lót in chử “No Trespassing” là ý gì chứ? Mợ này chơi mẹo!


Bùi Bảo Trúc
Ngày 17 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Hạ tuần tháng trước, một người đàn ông ở thủ đô Áo đã được các y sĩ của bệnh viện thay cho một cái lưỡi mới sau khi cái lưỡi cũ của ông bị cắt bỏ vì ung thư.
Người đàn ông 42 tuổi này, sau 14 tiếng đồng hồ trong phòng giải phẫu của bệnh viện, đã có cái lưỡi mới. Các y sĩ cho biết ông sẽ bình thường trở lại, sẽ ăn, sẽ nói được như thường và hiện nay, không thấy có dấu hiệu nào cho thấy cơ thể của ông không thích cái lưỡi mới, đòi vứt nó đi, tống nó ra ngoài, không nhận nó, như một số các trường hợp giải phẫu ghép các bộ phận khác. Có điều là các y sĩ cho biết ông sẽ là người thực bất tri kỳ vị, ăn uống ngon cũng không biết và dở cũng … ăn hết, không phàn nàn chi cả.
Vài ba tuần nữa, khi những vết khâu lành lặn, người ta có thể sẽ biết cái lưỡi mới của ông sẽ ra sao, và đời sống của ông với nó, cái lưỡi mới đó, sẽ như thế nào.
Hãy khoan bàn đến chuyện nói. Vì có thể chuyện đó còn mất một thời gian nữa. Nhưng chuyện ông mất vị giác, đời sống của ông sẽ vui hơn. Ông sẽ không câu nệ về chuyện ăn uống nữa. Nấu gì ăn nấy, không phàn nàn, không chê ỏng chê eo dẫu cho bị quăng cho vài ba món nấu như ma mửa, vẫn ăn như thường. Mì gói do người đàn ông Á châu mời ông ăn cũng không khác gì Cordon Bleu nữa.
Nhưng cách ăn nói của ông chắc chắn sẽ khác. Những cái lưỡi thường, ăn nói tử tế thì phải khác những cái lưỡi át xít, như người Mỹ vẫn nói.
Đúng như người hàng thịt trong truyện cổ đã lý luận, cái lưỡi là bộ phận quyết định những gì trở thành tiếng nói phát ra từ miệng.
Mồ cha con bướm trắng
Mồ mẹ con ong vàng
Khen ai uốn lưỡi cho nàng nói chua …
(Ca dao)
Nói điều chanh chua, độc ác, ngoa ngoắt là do cái lưỡi mà ra. Chẳng thế mà một trong những hình phạt dành cho những kẻ khi quân, khinh thế, ngạo vật, ăn nói bậy bạ là cắt lưỡi. Nhan Cảo Khanh chỉ vì không chịu về hàng sau khi Thường Sơn thất thủ, lại còn trừng mắt mắng chửi An Lộc Sơn nên bị cắt lưỡi rồi giết chết (Chính làm cái lưỡi Cảo Khanh/ Thường Sơn chửi giặc chịu hình cũng ưng: Ngư Tiều vấn đáp)

Chuyện nói năng của ông chắc phải khác. Ông trở thành người mở miệng ra là gãy cây, gãy cối hay là toàn những lời dịu dàng dễ nghe tuỳ thuộc vào cái lưỡi mới.
Người Trung Hoa đã từng ví lưỡi như móc, môi như gươm - câu thiệt, kiếm thần - để ví lời nói khéo có thể hãm hại được người, hay thiệt kiếm, thần sang, lưỡi như gươm, môi như súng là nói năng ghê gớm mạnh mẽ lắm.
Chuyện này phải đợi khi lưỡi cử động mạnh mới biết được. Nhưng nếu quả thật thay cái lưỡi mới sẽ đổi được cách ăn nói, thì rồi đây, chuyện gắn cho cái lưỡi mới sẽ được ghi nhận thường hơn, không còn là thứ tin tức mà tất cả các hãng thông tấn từ AP đến UPI, Reuters, AFP… mấy ngày hôm nay làm ầm lên như người ta vừa thấy.
Nhiều khi cũng chẳng phải đi đâu xa, vợ chồng trao đổi cho nhau, vết thương lành lặn xong, gậy ông đập lưng ông, lưỡi bà nói bà nghe… thì lúc ấy mới hiểu người kia khổ thế nào.
Lúc ấy, nhờ thay lưỡi, các phụ nữ sẽ không còn mang cái tiếng xấu xa như câu thành ngữ Trung Hoa này nữa: phụ nhân trường thiệt vi tệ chi giai, đàn bà mà lưỡi dài, ăn nói ngoa ngoắt là bậc thang tai hại.
Thành công của các y sĩ Áo ở Vienne sẽ đem lại không biết bao nhiêu là thay đổi cho đời sống chúng ta là như vậy.

***

Ngày 18 tháng12 năm 2012
Bạn ta,
Câu hỏi làm kinh hồn nhiều người đàn ông trên thế giới cuối cùng có thể đã có được câu trả lời thỏa đáng.
Câu hỏi này, dẫu cho khéo léo cách mấy cũng không thể trả lời làm hài lòng khách đến, vui lòng khách đi được. Nhẹ thì cũng bị giận cho một tuần lễ, nặng thì được nghe một bài diễn văn dài gấp năm bức thông điệp về tình trạng liên bang - state of the Union -mà tổng thống Mỹ đọc mỗi năm trước lưỡng viện quốc hội. Diễn văn có thể kéo dài suốt một đêm qua đến sáng là chuyện thường, trong đó, mọi tội ác bị lôi ra đổ hết lên đầu người đàn ông, những cái tên xa lắc, lạ hoắc, đã bị đào sâu, chôn chặt, delete trong bộ nhớ càng ngày càng tồi tệ của người đàn ông cao niên... lại được lôi ra để lăng mạ, gắn cho nó đủ mọi thứ xấu xa trên đời, nào đĩ chó, nào đĩ ngựa vẫn phục kích chiều chiều đi... phá Tam Giang nhà bà vân vân.
Câu hỏi đó là “Tại sao ông không nói ông yêu tôi nữa vậy hở?”
Câu này lúc đầu tôi nghĩ chỉ những người đàn ông Việt Nam bạn của tôi phải nghe nhưng nay, tôi biết những người đàn ông khác của thế giới cũng thỉnh thoảng bị nghe.
Mục Dear Abby trong tờ báo sáng nay cho tôi hiểu như thế khi đọc được bức thư của một người đàn ông Mỹ tên là Arnie Hakkila ở Rio Verde, Arizona. Ông ta kể là bị hỏi như vậy nhiều lần, sau một chuyến đi Phần Lan, ông đem về được câu trả lời từ đó không còn bị hỏi nữa. Ông viết trong thư là lần cuối ông bị hỏi, ông liền mang câu trả lời của một người đàn ông Phần Lan ra dùng, và thoát hiểm. Ông kể chuyện vợ chồng Jussi (chồng) và Kaisa (vợ) lấy nhau đã được 25 năm. Một hôm Kaisa hỏi Jussi tại sao Jussi không bao giờ nói yêu vợ thì Jussi trả lời như thế này: “Anh nói anh yêu em tại đám cưới tụi mình rồi đó thôi, nếu có gì thay đổi, anh sẽ cho em biết (I told you "I love you" when we were married. If anything changes, I'll let you know)”.
Sau đó, Kaisa không bao giờ hỏi nữa.
Con chó đang ngủ, tại sao phải đánh thức nó dậy, tục ngữ Anh đã nói vậy. Đá nó một cái, nó vùng dậy, nhẹ thì sủa ủng oẳng vài tiếng, nặng nó cắn sứt chân, mang sẹo làm sao mặc mini.
Cho nên không hỏi nữa. Có gì thay đổi, nó sẽ thông báo hoặc bằng cách xách va ly ra đi lặng lẽ hay nhờ luật sư thông báo lại. Cần gì phải ngày nào cũng nói, nói rất nhiều mà ý nghĩa chẳng bao nhiêu. Tổng thống Thiệu cũng đã mô phỏng câu đừng tin những gì mấy ông chồng nói, mà hãy nhìn kỹ những gì mấy ổng làm để nói một câu hay tuyệt về Cộng sản đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy là đúng.
Cứ đóng tiếp vai người Việt trầm lặng - the quiet Vietnamese - diễn xuất với vẻ mặt buồn xa vắng mênh mông lại nghiêm một chút đầy nét suy tư là không một thế lực nào dám hạch hỏi nữa.
Còn hơn là trả lời như thế này: “Thì yêu chứ sao lại không? Sao cứ hay hỏi vớ vẩn vậy? Già cốc đế đại vương rồi còn ấm ớ cháu nội cháu ngoại chúng nó cười cho thối mũi ra. Muốn nói hả, nào thì nói. Đợi chút... để tôi mang cái thùng rác ra cửa rồi tôi vào tôi nói cho mà nghe. Thì chải lại cái đầu chút coi... Muốn romantica thì cũng phải "... đắm xinh đôi môi hồng thắm..." lại một cái chứ... trông nản chí bầu cua thế kia làm sao nói?”
Thế nên lôi bài học Phần Lan ra là có thể yên cái thân già.

***

Ngày 19 tháng12 năm 2012
Bạn ta,
Tôi có cảm tưởng như hồi gần đây, tôi được nghe thấy câu này thường hơn, và thấy nó có lý hơn hồi xưa:life is too short.
Đời sống ngắn quá. Rồi kế đến, ngay sau câu đó, bao giờ cũng là mấy câu với những toan tính làm cái này, cái nọ, quên đi những bực bội, muộn phiền, sống cho đầy đủ, muốn gì làm nấy vân vân.
Câu này trước đây tôi cũng có nghe nhiều lần, nhưng không thấy ý nghĩa thúc bách như gần đây. Hay bây giờ sự ngắn ngủi của đời sống mới được thấy rõ hơn?
Hôm nay, một người bạn gửi cho xem bức ảnh chụp một tấm quảng cáo ở Chicago, trên tường của một toà cao ốc mỗi ngày chàng đi làm qua. Tấm quảng cáo nghe vừa thúc bách, lại vừa đầy những khuyến khích, mời gọi ở nửa sau.
Nửa trước là "Life’s short", đời sống thì ngắn. Câu tiếp theo sau là "Get a divorce", nghĩa là ly dị đi.
Đó là quảng cáo của một văn phòng luật chuyên về các vụ ly dị. Phía dưới có số điện thoại để liên lạc.
Chuyện không có gì lạ. Bán xe thì mời mua xe. Bán nhà thì mời mua nhà. Sửa sắc đẹp thì mời bơm, hút, căng, kéo. Tương tự, văn phòng chuyên lo về các vụ ly dị thì quảng cáo, mời ghé vào ly dị một cái là chuyện dễ hiểu.
Bên trái của tấm quảng cáo là bức hình chụp thân hình của một phụ nữ mặc bikini và bên phải là bức hình chụp một người đàn ông cởi trần, bầy ra tất cả những bắp thịt cần có trên một thân hình lực sĩ.
Đó là những mời gọi, khuyến khích đầy thuyết phục.
Ra đường trông thấy tơ người
Về nhà trông thấy tằm tôi, tôi buồn
Người đàn ông ở nhà có hóp cái bụng lại cũng không thể bằng người đàn ông trong bức hình. Ở ngoài người ta như thế chứ. Trong khi ở nhà, chẳng thấy bắp thịt đâu, nhưng bữa nào cũng hạch sách phải nấu cho đủ ba món, nấu xong bưng lên thì còn chê ỏng chê eo chứ đã chịu ăn ngay đâu.
Life is short!
Đã vậy, đổ hết cái mâm cơm lên đầu coi có còn kén cá chọn canh nữa không. Rồi gọi điện thoại cho văn phòng luật sư, xin cái hẹn. Không nhịn được nữa. Con giun xéo lắm cũng phải quằn. Bước ra để coi hoạnh họe với ai, cho cơm đường cháo chợ cho biết thân.
Rõ ràng là cái quảng cáo muốn viết ra những điều đó.
Ngó bên tay mặt coi. Cái ngực ấy, cái bụng ấy, bắp thịt cuồn cuộn chứ đâu có bèo nhèo một thùng mỡ gầu, lông mũi một búi, răng cải mả, chân ống sậy còn đánh cái quần shorts, rồi lại còn giở thối ra đi đôi giày jogging nữa Giời ạ... Phải can đảm. Bước ra, bên ngoài người ta... thế ấy chứ.
Nhưng tấm quảng cáo lập tức bị một số người phản đối, cho rằng nó chỉ làm được một công việc là khuyến khích những cặp vợ chồng có vấn đề giải quyết ngay bằng biện pháp chia tay thay vì tìm cách hòa giải để ở lại với nhau.
Những ý kiến khác thì nói là khi hai phía đã đi tới một khúc quanh không thể hàn gắn được thì cho dù không có những khuyến dụ đó, họ vẫn chia tay như thường.
Tấm bảng quảng cáo có hai bức hình chụp hai cái cơ thể hấp dẫn nhưng thực ra lại là những bức hình chụp hai quả đồi. Ngó xa thì cỏ trên đồi mướt lắm.
Nhưng cứ thử băng đèo, lội suối qua bên kia đồi coi. Đến nơi mới thấy cỏ ở đó cũng chẳng khác gì cỏ ở đồi bên này. Cũng cháy, cũng cụt, cũng... đắng ngắt.
Lại nữa, cỏ mùa xuân tháng ba trong tiết Thanh Minh thì mới non xanh rợn chân trời, mới cành lê trắng điểm một vài bông hoa chứ cỏ tháng mười, tháng mười một thì chán biết là chừng nào.
Cỏ tháng mười một, mười hai thì ở đâu, ở đồi nào đâu cũng bệu rệu như nhau, cỏ đồi nào trông cũng Việt Nam bi thảm Đông Dương (bản dịch của Đường Bá Bổn) cả mà thôi.
Coi vậy mà hổng phải vậy. Qua bên kia đồi là biết nhau ngay.
Có cái ao sao không về mà tắm, trong hay đục thì cũng vậy. Hơn nữa, tục ngữ Anh còn có câu hay đáo để: một con chim (?) trong tay còn giá trị hơn là hai con trong bụi rậm (?): a bird in the hands is worth two in the bush.

***

Ngày 20 tháng12 năm 2012
Bạn ta,
Tại một bữa tối ở nhà người bạn, chỉ vì dám bênh vực những người đàn ông bị đổ cho đủ mọi thứ tội ác, tôi trở thành người bị ghét nhất tối hôm ấy.
Nội vụ bắt đầu khi một phụ nữ ở bàn tiệc quả quyết rằng đàn ông là những người hư đốn nhất. Theo thống kê (của bà), thì tới 20% những người đàn ông có gia đình phạm tội ngoại tình. Trong khi chỉ có 5% phụ nữ làm công việc đó.
Không biết nàng lấy những con số ấy ở đâu, nhưng nàng quả quyết rằng những con số đó cho thấy đàn ông là những kẻ tệ lậu, xấu xa, trong khi phụ nữ, đại đa số là những người tử tế, đạo đức, chỉ có một số rất ít là làm những chuyện không hay.
Tôi là người dốt toán vào hạng nhất, nhưng nghe những con số ấy thì thấy không ổn và bèn góp ý rằng nếu những con số thống kê ấy đúng, thì phụ nữ dễ sợ hơn đàn ông nhiều.
Người khách ở bàn tiệc nhà bạn tôi buông đũa xuống, quắc mắt ngó sang, yêu cầu tôi giải thích.
Tôi nói là nếu số đàn ông và đàn bà ngang nhau, không chênh lệch như ở Hoa lục, thì số người có vợ và có chồng phải bằng nhau.
Như thế trong 100 người đàn ông có vợ, 20 người ngoại tình, theo thống kê ở bàn tiệc. Và cứ 100 phụ nữ có chồng, thì 5 người có những cuộc phiêu lưu bên ngoài.
Chính vì vậy mà phụ nữ dễ sợ hơn đàn ông.
Đây nhé, 20 người ngoại tình với 5 người, thì tình trạng chênh lệch ấy phải đưa đến việc “chia sớt” thì mới không có người ngoại tình mà... thất nghiệp.
Nếu không chia sớt, thì 20 người đàn ông ngoại tình chỉ có 5 người có “nơi” ngoại tình. Trong khi đó, có 15 người ngoại tình nhưng thất nghiệp.
Nếu chia sớt để tránh cho 15 người kia khỏi ngoại tình nhưng thất nghiệp, thì 5 người phụ nữ ngoại tình kia phải thu nhận (?) thêm mỗi người 3 người đàn ông.
Chính điều đó là điều đáng sợ.
Chỉ 5 người là đã tương đương với 20 ông. Vậy mà không sợ sao cho được.
Người phụ nữ quăng cái khăn ăn, kéo chồng ra xe đi về sớm. Vì thế tôi không có cơ hội để giải thích rằng lối ngụy biện của tôi chỉ để chọc giận một phụ nữ không đẹp mà lại đầy ác cảm với đàn ông.
Nhưng cả hai phía tại bàn tiệc hôm đó đều sai hết.
Thứ nhất là sự chênh lệch không lớn như thế. Và thứ hai là phụ nữ cũng không ghê gớm hơn đàn ông chút nào.
Một tờ báo phụ nữ ở Đức vừa thực hiện một cuộc thăm dò thì thấy là trong số 1,427 người, vừa đàn ông lẫn đàn bà từ 25 đến 35 tuổi thì 53% phụ nữ cho biết đã ngoại tình so với 59% đàn ông. (*)
Nhưng đó là những con số thống kê ở Đức, không phải là ở Hoa kỳ. Và như thế, chúng không hề phản ảnh đời sống ở Mỹ.
Những người Đức, đàn ông cũng như đàn bà, sau khi xem xong những con số kể trên, thì ai cũng nhận mình là thành phần thiểu số, tức là 47% và 41% cơm nhà quà chồng và vợ.
Ở Mỹ, cứ bắt chước Đức mà khai là thiểu số thì chỉ có chết. Vì thiểu số ở Mỹ thì tội đầy, nước sông Mississippi làm sao rửa sạch.
Chỉ nên khai là thiểu số để được nâng đỡ khi nại affirmative action ra để xin học luật tại đại học Michigan mà thôi. Không thì cãi không lại đâu!

***

Ngày 21 tháng12 năm 2012
Bạn ta,
Tuần trước ở Las Vegas, thành phố được mệnh danh là thành phố tội lỗi, Sin City, của Hoa Kỳ, đã diễn ra một cuộc hội nghị với chủ trương và mục tiêu hoàn toàn đi ngược lại tất cả những sinh hoạt và hình ảnh của Las Vegas.
Las Vegas là thành phố của cờ bạc và những hoạt động xoay chung quanh những bàn roulette, những bànblackjack... nơi rượu chảy như suối và đạo đức, luân lý được tạm bỏ lại ở những lối tiến vào thành phố.
Khoảng 750 người đã tới Las Vegas để tham dự cuộc hội nghị thường niên kỳ 7 của National Abstinence Clearinghouse Conference, tổ chức chủ trương tiết dục hô hào và khuyến khích các nam nữ thanh niên cố gắng hoãn các sinh hoạt tình dục cho đến sau ngày lập gia đình, một khuynh hướng đang càng ngày càng được nhiều người cổ võ và cố gắng noi theo. Chủ đề của hội nghị năm nay là xây dựng một nền văn hóa lành mạnh cho nước Mỹ.
Những người tham dự hội nghị đã xuống đường hồi cuối tuần qua để phổ biến thông điệp True Love Waits, kêu gọi những căp yêu nhau hãy đợi cho đến sau khi cử hành đám cưới.
Trong số những nỗ lực loan truyền thông điệp đó, có việc bầy bán những chiếc quần lót mà nếu chỉ xem bức hình hãng tin AP cung cấp, thì khó biết được đó là những sản phẩm dành cho người nam hay nữ.
Nhưng bản tin AP lại cho biết rõ hơn về những dòng chữ in trên những chiếc quần lót này. Một câu thì khẳng định: “Keep It”. Câu kia thì nguyên văn: “No Trespassing”.
Cả hai đều nghe đầy thẩm quyền, như những mệnh lệnh nghiêm ngặt không thua gì những mệnh lệnh thấy ở những trạm kiểm soát ở giải đất Gaza bên bờ phía tây của sông Jordan, nơi binh sĩ Israel kiểm soát chuyện ra vào, đi đứng của người Palestine.
Keep It” nghĩa là giữ lấy nó (?). Đừng để mất (?) đi. Mất rồi là thôi đấy nhá. Không có tái thiết, sửa sang, khâu vá lại được đâu. Nghe chưa?
Đây là một câu đầy khả năng thuyết phục. Nghe xong là phải nỗ lực bảo vệ đến hơi thở cuối cùng. Nhất định không thể cho phép bất cứ một hành động lấn đất giành dân nào diễn ra.
Câu thứ hai còn ngầm đưa ra một lời hăm dọa, một biện pháp trừng phạt, chế tài, nghe rất dễ sợ: “No Trespassing”.
Trespassing” là một việc làm có thể bị trừng phạt nặng. Trespassing nghĩa là xâm nhập, vi phạm. Đi băng ngang sân sau nhà hàng xóm mà không có phép hay sự đồng ý của gia chủ là có thể bị lôi ra tòa kiện nát xương. Leo rào vào vườn hồng của căn nhà số 1600 đại lộ Pennsylvania ở thủ đô Washington là có thể bị bắn tan xác. Cả hai việc làm đều là trespassing.
Từ Điển Anh Việt của Nguyễn Đình Hòa và Patricia Nguyễn Thị Mỹ Hương dịch No Trespassing là Cấm Vào (trang 280).
Nhưng việc in hay thêu dòng chữ “No Trespassing” ở phía trước của chiếc quần lót có thể làm bối rối một số người.
Dòng chữ đó là để cho phía âm mưu xâm nhập đọc thấy mà ngưng mọi toan tính không lương hảo(?).
Nhưng in dòng chữ đó vào chiếc quần lót có phải là một việc làm vô ích không?
Dòng chữ cảnh cáo đó phải được in hay thêu ở những chỗ khác hơn là trên chiếc quần lót.
Thí dụ mở cổ áo, ở cổ tay, ở bít tất, ở thắt lưng, ở mũi giầy... nghĩa là ở phòng tuyến đầu tiên, ở ngay vùng Tam Biên, ở Hạ Lào, ở giữa cầu Hiền Lương... chứ không thể ở xa cảng Phú Lâm chẳng hạn. Chặn là phải chặn ở phòng tuyến đầu tiên ở Maginot chứ chờ quân Đức leo lên treo cờ ở Khải Hoàn Môn Étoile thì còn gì nữa.
Chặn khi đó thì muộn mất rồi còn gì. Chỉ còn cách làm Pétain đầu hàng, dâng thành cho giặc cho rồi...
Cũng thế, câu cảnh cáo nghiêm khắc đó liệu có làm được nhiệm vụ trao phó trong những điều kiện ánh sáng không lý tưởng không? Ai là người đọc được những lời cảnh cáo đó?
Có nên viết câu cảnh cáo đó bằng chữ Braille không?
Nhưng bao nhiêu người Mỹ biết đọc chữ Braille?
Nhưng “đọc” những chữ Braille này xong thì lệnh cấm có còn hiệu lực không, hay đã bị thu hồi mất rồi?
Thế thì những dòng chữ trên những chiếc quần lót lại vô ích chăng?
____________________
(*) Cheating Women Catching Up with Men? Reuters

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét