Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Những cái nhìn văn học Việt Nam hải ngoại từ trong nước


Nhà văn Bình Nguyên Lộc

 Nguyễn Mạnh Trinh
Văn học Việt Nam ở hải ngoại? Lưu vong hay di dân? Câu hỏi ấy thường bị các nhà nhận định văn học ở trong nước né tránh. Văn học lưu vong là mang tính đối kháng với chế độ trong nước. Mà đối kháng thì khó lòng mà hòa giải đến hòa hợp được theo đúng như chế độ trong nước muốn. Những người ở trong nước nhận xét về văn học Việt Nam hải ngoại hình như theo một khuôn khổ đã được định sẵn như thế.


Nguyễn Thanh Sơn, được coi như là một nhà phê bình văn học trẻ, nhưng thực chất là một con buôn ngành truyền thông, tuy có qua Mỹ sống vài tháng nhưng lại viết như một người có hiểu biết khiêm nhượng và gần gũi với chủ trương của chế độ trong nước: “Trước tiên nó mang đặc tính của một nền văn học di dân, khi những nhà văn nói một cách hình ảnh, bị bứng gốc khỏi môi trường văn hóa quen thuộc của mình đặt vào một môi trường văn hóa xa lạ...” Có lẽ ông “trẻ” này chưa hiểu biết được cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại thành lập ra sao và vì lý do gì. Không phải họ vượt biển, đùa giỡn với cái chết để làm một “di dân” trong khi họ rất yêu quê hương và không muốn rời bỏ nó.

Huỳnh Phan Anh, một nhà văn miền Nam nhưng từ chối là nhà văn lưu vong, cũng phát biểu: “Đặc điểm lớn nhất của những cây bút hải ngoại, cụ thể ở Mỹ là họ sống ở ngoại quốc nhưng lại viết về tâm trạng Việt Nam. Nhưng họ có hít thở bầu không khí Việt Nam đâu mà viết! Tôi vẫn nhớ lời nhà văn Boris Paternak nói rằng ‘một nhà văn không thể xa rời tổ quốc mình’”.

Nếu phản bác lại, phải lập tức liên tưởng tới những tác giả lưu vong nổi tiếng trên thế giới với những tác phẩm lớn để đời như Milan Kundura, như Joseph Brodsky, như Aleksandr Solxhenitsyn,... Họ rời khỏi quê hương sống lưu vong nhưng vẫn sáng tác. Bởi vì, như có người diễn tả, họ đã lưu vong ở ngay chính trên quê hương mình.

Cái lý luận này thực ra cũng đã quen thuộc từ trước như Nguyễn Duy, một nhà thơ trong nước, thành viên nòng cốt của Hội Nhà Văn VN, người đã được đi xuất ngoại nhiều lần với tư cách là đại biểu của giới cầm bút trong nước, đã nói “người Việt ở hải ngoại không thể đóng góp vào văn học Việt Nam được vì họ đang mất dần sự thuần chất của ngôn ngữ mất cái tiếng đang được nói và viết ở Việt Nam”.

Câu nói trên đã được Wayne Karlin dẫn chứng khi trả lời câu phỏng vấn của Trần Văn Thủy trong Nếu Đi Hết Biển. Dù về sau Nguyễn Duy có nói đi nói lại để cải chính, nhưng lý luận như trên là một nhận định quen thuộc của những người trong nước nhìn văn học ở hải ngoại. Mà nhận định này, có sự chỉ đạo của những người lãnh đạo văn nghệ ở trong nước. Cái nhìn đầy thiên kiến ấy lại được rõ ràng hơn trong một bài viết được coi là phản ánh một suy tư đã được tác giả đi đến và sống trong 6 tháng ở hải ngoại để tìm tài liệu.

“Đọc văn học Việt Nam hải ngoại” là một “chuyên luận” (được gọi là sơ thảo nhưng hình như tới nay chưa có chung tuyển?) của Hoàng Ngọc Hiến trong chương trình nghiên cứu của William Joiner Center năm 2000-2001 và là một văn bản được sự chú ý của mọi người.

Dư luận có vẻ coi trọng nhận định của một trí thức từ trong nước viết về đề tài văn học Việt Nam ở hải ngoại. Thời gian sáu tháng để sưu khảo và tìm hiểu có lẽ ông nắm vững đề tài, nhất là bản thân là một giáo sư đại học, có lúc làm giám đốc trường dạy viết văn Nguyễn Du, và là người coi như có đầu óc thông thoáng và chủ trương đổi mới trong văn học và giáo dục. Nhưng bài viết này có giá trị ra sao, có vượt qua được những “thiên kiến” mà chế độ ở trong nước đã “trang bị”? Hay sơ thảo vẫn chỉ là sơ thảo mà thôi?

Ông Hoàng Ngọc Hiến và ông Nguyễn Huệ Chi là hai người cầm bút ở trong nước được tuyển chọn để nghiên cứu về đề tài trên. Chính vì sự tham dự của hai người này nên mới có sự việc ông Nguyễn Hữu Luyện kiện trung tâm WJC và đại học University of Massachusetts.

Ông Hoàng Ngọc Hiến đã mở đầu chuyên luận của mình như sau:

“Tôi đọc văn học Việt Nam hải ngoại, không có thời gian để nghiên cứu. Có lần gặp nhà văn Tô Hoài, ông đưa cho tôi xem một cuốn sách và nói ‘Tôi mới mượn được bộ tiểu thuyết này, lời giới thiệu viết rất hay’, lần sau gặp lại ông nói với tôi ‘Hóa ra người giới thiệu chưa đọc tác phẩm’. Như vậy nghiên cứu mất thời giờ hơn nhưng có khi dễ hơn đọc vì có thể chưa đọc mà vẫn có thể viết được một bài nghiên cứu ‘rất hay’. Tôi làm công việc đọc những tác phẩm văn học hải ngoại, những bạn đồng nghiệp am hiểu mảng văn học này làm cho tôi bản danh sách tối thiểu, tôi đến thư viện Yên Kinh (Đại học Harvard) tìm sách đọc, đi California kiếm những cuốn không có, tuy vậy vẫn còn thiếu... Từ những ấn tượng đọc tác phẩm nảy sinh nhiều vấn đề, tôi chọn những vấn đề đáng quan tâm nhất”.

Như vậy, viết chuyên luận theo như ông mô tả, là công việc khá giản dị. Danh sách tác phẩm có sẵn, cứ thế mà đọc rồi phóng chiếu ra, từ đời sống cá nhân thành sinh hoạt một cộng đồng.

Việc nghiên cứu đâu cần những người miệt mài theo dõi từng thời kỳ, từng hiện tượng đáng quan tâm của gần ba mươi năm sinh hoạt văn học ở hải ngoại. Chỉ cần đọc vài chục quyển sách là xong. Mà những tác phẩm mà ông đề cập tới nhiều khi lại thiếu tính đại diện cho văn học hải ngoại và chưa phải là những tác phẩm sáng giá(?) Ông Hoàng Ngọc Hiến chọn vì thấy hợp với chủ trương của ông hơn là vì giá trị văn học của nó...

Một điều lạ là ông nêu lên sự kiện viết giới thiệu mà không cần đọc mà vẫn hay. Chắc đó là một phương thức tốt có phải? Theo tôi, một người cẩn trọng muốn viết giới thiệu phải đọc kỹ tác phẩm mà mình lựa chọn để tìm ra được những cá tính nổi bật. Không biết như vậy có đúng không?

Tiếp theo, ông Hoàng Ngọc Hiến lại viết: “...Đánh giá một tác phẩm văn học hải ngoại, câu hỏi đầu tiên là giá trị văn học của nó (nó có đáng là một tác phẩm văn học không?), không mấy ai đặt câu hỏi về tính chất hải ngoại của nó, hoặc đó chỉ là một câu hỏi phụ ‘văn học Việt Nam hải ngoại trước hết là văn học’ có nghĩa là như vậy...”

Tôi ngờ về sự chính xác của câu văn này. Trước hết là giá trị văn học, đúng rồi, nhưng chưa đủ, mà còn phải có nhiều yếu tố khác cấu thành văn học. Hình như ông Hoàng Ngọc Hiến có sự úy kỵ với những tính chất phản kháng của văn học hải ngoại thì phải. Những từ ngữ như lưu vong, như di tản đã ngầm chứa một tính chất chống đối chế độ hiện tại. Mà ông thì muốn chỉ có văn học hiền lành thôi, trong ngoài gì cũng là một. Hy vọng tôi không võ đoán? Nếu muốn làm rõ nét thời đại tính của văn học hải ngoại, làm sao không đề cập đến những sự kiện của thời thế cũng như lý do tại sao lại hình thành một cộng đồng lớn cả ba triệu người trên khắp thế giới. Vì đâu phải rời xa đất nước trong tình huống bất khả kháng. Đâu có ai muốn rời xa quê hương để định cư ở một đất nước phải bắt đầu làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng?

Tiếp theo, là: “...Đã có sự thảo luận về cách gọi tên: văn học di tản, văn học lưu vong, văn học ngoài nước... Nếu như văn học di tản trước hết là văn học, văn học lưu vong trước hết là văn học, văn học hải ngoại trước hết là văn học... thì sự khác biệt giữa những tên gọi không đến đỗi quan trọng như ta nghĩ. Trong văn học hải ngoại có mảng văn được gọi là “chống cộng” đối lập với mảng văn được gọi là “thân cộng”. Tưởng chừng như có một vực thẳm giữa hai mảng văn học này. Nhưng nếu như sự đối sánh được đặt ra trên quan niệm văn học “chống cộng” cũng như văn học “thân cộng” trước hết là văn học, thì sự đối lập vẫn còn nhưng nó bị lu mờ bên cạnh sự thống nhất của phẩm giá “đáng gọi là văn học...”

Ông giáo sư Hoàng Ngọc Hiến sống ở hải ngoại có một thời gian ngắn nên hình như không nắm vững vấn đề và hơi nhiều tưởng tượng. Ở hải ngoại làm gì có mảng văn học “thân cộng”? Vài tờ báo in ở hải ngoại mà chính quyền trong nước hỗ trợ làm sao gọi là mảng văn học “thân cộng” được?

Đại đa số người cầm bút ở hải ngoại đều là nạn nhân của chế độ Cộng sản thì làm sao mà bạn với kẻ đã hành hạ, đã truy đuổi mình. Họa chăng họ là những kẻ mất trí! Tôi có thể xác định một trăm phần trăm, ở hải ngoại không có mảng văn học nào gọi là “thân cộng” cả. Và như vậy, những cái mà ông giáo sư Hoàng Ngọc Hiến gọi là “đối lập” hoặc “thống nhất” chỉ là những dẫn chứng không có sở cứ và chẳng thuyết phục được người đọc.

Ông Hoàng Ngọc Hiến thường nhắc đến những tác phẩm có tính cách tuyên truyền thường nhất thời chết yểu và những tác phẩm đề cập đến vấn đề chung muôn thuở của con người thường có giá trị lâu dài. Nhưng thế nào là tác phẩm có tính tuyên truyền? Nêu rõ sự thực, lên án chế độ cộng sản phi nhân chăng? Ông Hiến dùng lời phát biểu của một nhà văn hải ngoại: “Bây giờ còn quá sớm để phân biệt đâu là những bài viết có tính cách tuyên truyền giai đoạn và đâu là những tác phẩm văn chương có giá trị lâu dài, nhưng theo quan niệm xưa nay, những tác phẩm đấu tranh chính trị chỉ sống được lâu khi nào nó vượt qua những giới hạn giai đoạn, đề cập được những vấn đề muôn thuở của nhân sinh...”

Điều ấy đúng, phải có thời gian để đãi lọc nhận định hay dở. Nhưng phân biệt có tuyên truyền hay không thì có lẽ không khó. Và cũng không thể nào kết luận một cách hồ đồ rằng ở hải ngoại chỉ có toàn bài viết tuyên truyền. Tuyên truyền? Với ai và cho ai bây giờ? Chỉ có chế độ độc tài toàn trị mới dùng tuyên truyền để tạo chiêu bài lừa dối người đọc...

Tôi cũng muốn thêm rằng kiếm tìm chân thiện mỹ trong tác phẩm phải là mục đích để nhận định phê bình. Đề tài cũng quan trọng nhưng tài ba của tác giả mới là chính yếu để tạo vẻ hay đẹp cho tác phẩm. Ai dám nói những đề tài mà một thời được nhắc đến như Đức Quốc Xã tàn sát người Do Thái, hay chuyện lưu vong của Alehsandr Solzhenitsyn, Milan Kundura,... thơ của Joseph Brodsky, của Czeslaw Milosz,... không có giá trị lâu dài? Cái hay đẹp, cái tuyệt tác, dù là đề tài lưu vong, cũng là giá trị lâu dài vượt qua không gian thời gian để thành bất tử.

Hoàng Ngọc Hiến hình như có chút ít “dị ứng” với danh xưng như nhà văn lưu vong, nhà văn di tản, nhà văn hải ngoại... Ông viết: “Không ít tác giả trong những người cầm bút ở hải ngoại tôi thấy gọi đơn giản bằng từ nhà văn như thế là đúng và đầy đủ chẳng cần kèm theo bất cứ định ngữ nào”. Nhà văn Nguyễn Bá Trạc sớm hiểu ra điều này. Trong thư của ông gửi Phan Nhật Nam sắp rời Việt Nam sang Mỹ có đoạn viết: “Nước Mỹ không phải điểm đến. Nó là điểm khởi hành. Từ điểm này người ta có thể bắt đầu những hành trình mới để nhìn thế giới một cách toàn bộ hơn. Nếu ông còn muốn tiếp tục viết thì cũng tốt lắm. Sau khi ổn định nên viết. Từ điểm khởi hành mới mẻ này, ông sẽ biết như một nhà văn chứ không phải là một nhà văn quân đội...”

Tôi thì nghĩ khác. Nhà văn Phan Nhật Nam là nhà văn quân đội với bao nhiêu kinh nghiệm sống từ đời quân ngũ cũng như tù đày thì tại sao lại không viết như một người lính? Đâu phải ai cũng có thể viết với vị thế như vậy. Đồng ý nhà văn Nguyễn Bá Trạc khuyên bạn nhưng quá chủ quan. Bởi vì, hoàn cảnh của ông khác. Ông là công chức tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh và năm 1975 không có bị cảnh ngộ như Phan Nhật Nam. Nhà văn quân đội, có lẽ tiếng gọi ấy bị những người trong nước như Hoàng Ngọc Hiến coi thường không chấp nhận. Nhưng với riêng tôi thì danh xưng “nhà văn quân đội” ấy lại có nét gần gũi và nêu ra được đặc tính văn chương của những người sống trong một thời thế quá đặc biệt của dân tộc.

Ông Hoàng Ngọc Hiến viết: “Trong văn học Việt Nam hải ngoại có nhiều tác phẩm có giá trị nhân chứng, giá trị tố cáo cao, viết về những địa ngục ở bên ngoài, những trại cải tạo, những phòng biệt giam, cuộc sống sau ngày 30 tháng Tư của những người vô tội bị o ép, bị nhục mạ trong trạng thái bần cùng, khánh kiệt, những quãng đời trôi dạt long đong vô vọng nơi đất khách quê người... Phải chăng nơi đây có ảnh hưởng của truyền thống hướng ngoại phương Tây? Khi chỉ ra “địa ngục đó là tha nhân”. Jean Paul Sartre chứng tỏ rằng ông triết luận trong truyền thống hướng ngoại của tâm tưởng phương Tây. Ông phát hiện ra địa ngục ở tha nhân tức là một địa ngục ở bên ngoài...”

Ông Hiến muốn nói gì khi đề cập đến Jean Paul Sartre và câu “địa ngục đó là tha nhân” với những sự thực được viết bởi các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại. Một sự đi quá xa hay cố tình hỏa mù? Hoặc là một sự chống chế gượng gạo cho sự thực hiện hữu càng ngày càng tệ mạt càng ngày càng vong thân, vong bản của xã hội trong nước. Chính bản thân ông khi đề cập đến những xấu xa của chế độ đã phải ngán ngẩm nói ra một câu bất hủ “À! Thì ở nước ta nó thế!”. Thực tế rành rành trước mắt, hiển nhiên không che giấu được thì phải viết ra, nói ra bằng tâm cảm thành thực của mình. Những tác phẩm ấy đã tạo một dung mạo đặc biệt cho văn học Việt Nam ở hải ngoại. Nói chuyện triết luận như kiểu nói của ông Hiến có làm thực tế bớt u ám không?...

Hoàng Ngọc Hiến thích triết luận trong cái chủ đích phê bình văn học để phục vụ chính trị. Ông viết: “Trong truyện Chỗ Trở Về, nhân vật Kh. vượt biên đến ngày thứ ba rơi vào tay hải tặc “tàn nhẫn man rợ thú vật” “tan hoang hồn phách nhày nhụa xác thân”, “bị cột vào can dầu thảy xuống sông”, “được vớt lên”, vực sống dậy và “đến thiên đường mơ ước”, “ở đây dường như có tất cả những gì mà trước đây Kh. từng mơ ước ở quê nhà, cũng nhà, cũng xe, cũng quần là áo lượt cũng kẻ đón người đưa”. Nhưng mà có điều gì sai trật rất mơ hồ rất trừu tượng. Kh. cứ mãi nháo nhác không yên. Vì lý do gì vậy? Không phải vì chia cách mẹ cha anh em họ hàng bè bạn, không phải vì dấu ấn kinh hoàng của mười ngày địa ngục cũng không phải vì ngày lại ngày công việc nhàm chán ở xưởng thợ. Đây chỉ là những điều bên ngoài nhân vật Kh. Cuối cùng sau một cơn sốc tâm lý Kh. nhận ra rằng nguyên nhân đích thực ở bên trong con người mình đó là những vọng động tối tăm ẩn tàng trong thâm sâu con người mình”.

Theo như ông Hiến viết, thì những thuyền nhân đau khổ kia phải tự nhận, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng? Những nguyên nhân bên ngoài của thảm trạng thuyền nhân được kể như cả nước là trại tù khổng lồ, đời sống bị tha hóa và nghèo đói cùng cực của một chế độ toàn trị bất nhân chỉ là “nguyên nhân bên ngoài thôi”, mà nguyên nhân chính “ở bên trong” là con người xấu xa là “địa ngục kẻ khác”. Nghe sao ngược đời quá sức? Những thuyền nhân thực ra là nạn nhân của chế độ Cộng Sản, hết bị gán tội vì căm thù sân hận đến nỗi “vô minh” vì đã mang thực tế lịch sử làm đề tài cho văn học với tư cách chứng nhân. Rồi lại được gán tội “bêu riếu” chính mình với “hành động thả mồi bắt bóng” khi vượt biển. Triết luận kiểu ấy bạn đọc có thể chấp nhận được không? Riêng tôi, ở vai trò của một người đọc, không thể nào tránh được phản cảm...

Trong những tác phẩm mà tác giả “chuyên luận” (sao không thực tế hơn gọi là tiểu luận?) đề cập đến có Đại Học Máu của nhà văn Hà Thúc Sinh:

“...Trong trạng thái vô minh của hận thù, con người –bất kể người nào–bị xổ toẹt dễ dàng, huống chi kẻ thù, nó là súc vật, bị đối xử còn kém hơn súc vật. Và không chỉ kẻ thù. Con dao được giơ lên không chỉ để “chém cá” mà còn “bằm thớt”. Sau đây là một cảnh trong tập hồi ký Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh.

“Một đám tù đương đứng tắm “chuổng cời” cạnh giếng. Bỗng nhiên quản giáo Dương xuất hiện, nhanh quá không ai kịp mặc quần áo. Những người nhanh chân nhảy ngay đến những cái phuy đặt rải rác quanh giếng để giấu đi một phần thân thể. Bùi Vịnh, chậm chạp khi ngó lại thì không còn cái phuy nào cả, anh đành đứng yên tại chỗ và giơ tay bụm lấy “chim”

...Quản giáo Dương bỗng mỉm cười ác độc... hắn hét Bùi Vịnh: “Mày bỏ tay ra và giơ cao lên tao coi”.

Thân tù, Bùi Vịnh không thể nào làm khác hơn là tuân lệnh. Anh đứng giữa sân hai tay giơ cao, tồng ngồng như một con vượn. Tên Dương lừ một ánh mắt khinh bỉ rồi chửi, mày có thấy mày dơ dáng dại hình không? Mày phải nhớ rằng mày thua một con vật xét trên mặt tư cách. Vì con vật nó còn có cái đuôi, nó còn biết dùng cái đuôi để che giấu đi những cái không đáng khoe ra. Mày nhìn lại mày coi...

Trong khi quản giáo Dương đang chửi mắng... thậm tệ thì quản giáo Hồng ... từ nhà 2 bước ra phía giếng, không cần để ý đến sự có mặt của Dương, hắn hét mấy thằng tù đương lâm nạn:

- Mặc quần áo đi vào trong nhà tôi nói chuyện.

Quản giáo Dương nhìn Hồng uất ức ra mặt, nhưng có lẽ quá rõ tính tình Hồng nóng nảy, lại mang quân hàm trung úy trong khi hắn chỉ là chuẩn úy, hắn đành hậm hực bỏ đi một nước. Khi thấy Dương bỏ đi rồi, Hồng quay lại đám tù cười cười nói một câu không ai ngờ:

- Muốn tắm nữa thì cứ tắm đi, nhưng đừng tắm truồng trước mặt nó. Thằng ấy nó mất vợ về tay ngụy các anh đấy. Cứ giơ b... ra trước mặt nó, nó thấy lẫm liệt, nó lại liên tưởng đến chuyện xưa và đâm uất lên”. (Đại Học Máu, 1985, trang 443, 444). Đây là một trong những trang thê thảm nhất của văn học Việt Nam”.

Thú thực tôi chậm hiểu với cái ví von “chém cá” rồi “bằm thớt” của tác giả chuyên luận này cũng như câu kết “Đây là một trong những trang thê thảm nhất của văn học Việt Nam”.

Tôi thấy bất công cho Hà Thúc Sinh về cái câu phát biểu hơi vội vàng này. Tôi nghĩ tác giả Đại Học Máu đã rất trung thực khi mô tả sự kiện. Những người đã ở tù cải tạo chắc không lạ gì với những hoạt cảnh trên. Có khi còn “dữ dội” và “thê thảm” hơn nhiều. Còn bảo Hà Thúc Sinh cố tình để gây thù hận rồi đắm mình trong trạng thái vô minh thì có lẽ ông Hoàng Ngọc Hiến quá lời. Không hiểu tôi có nhận định thiên lệch không?

Một câu văn có nhiều ngữ nghĩa và người đọc hiểu theo nhiều cách. Đọc trong mạch văn vủa ông, nhiều khi tôi phải tự phân tích để suy đoán ra ý tưởng mà ông muốn gửi theo.

Tôi là một người yêu sách vở và luôn luôn nghĩ rằng những cuốn sách là những ông thầy chân thực và hữu ích nhất. Tôi bao giờ cũng muốn học hỏi và tìm sự lãnh hội từ kinh nghiệm và tài năng của người khác. Và vì thế nên tôi có một vài thắc mắc như đã nêu ở trên. Chín người mười ý nhưng chân lý và sự thực chỉ có một. Tôi thắc mắc là để đi tìm được những kết luận khả tín.

Và tôi cũng biết thêm một điều, nhận diện văn học hải ngoại không phải là công việc dễ dàng. Quá nhiều khía cạnh để nhìn ngắm, cần thiết nhiều thời gian để nghiên cứu và suy luận. Có nhiều khi cả đời người suy tư mà vẫn chưa hoàn hảo. Huống chi là một ngày, một giờ, một tháng hay một năm? Nếu nghĩ đề tài này như một đơn đặt hàng theo nhu cầu thì chắc chẳng còn lý luận nào để nói vì đếm trang nhét chữ là xong!

Nhưng nếu nghĩ người trí thức còn cái thiên lương trung thực và lương thiện thì chắc sẽ phải khác. Sẽ phải hao tổn nhiều tâm huyết hơn và cái nhìn phải xuyên suốt hơn. Thật tình, tôi không dám sửa lưng một ai mà chỉ muốn với lòng thành của mình biểu lộ qua chữ nghĩa để mong đọc được những nhận xét chính xác và công bình...

Rối bời chữ nghĩa

Huy Phương

Tuần trước tôi vừa "nhập viện". Nói cho cam, chẳng phải tôi xin vào Viện Mồ Côi làm gì vì đã quá già, cũng không phải vào Viện Hán Học xin thầy mấy chữ thánh hiền, vào Viện Thẩm Mỹ để sửa sang lại dung nhan, cũng chẳng phải vào viện Nghiên Cứu Mác - Lê Nin của ông Hoàng Minh Chính để làm quái gì, vậy mà bạn bè, bà con cứ nói một hai là tôi "nhập viện".

Đơn giản là tôi mới vào nhà thương, hay nói chữ nghĩa là tôi vào nằm bệnh viện, cái gì mà cứ nằng nặc một hai gán ép cho tôi là "nhập viện", cho danh chính ngôn thuận, nếu gọi nhà thương là viện thì bệnh nhân nằm nhà thương gọi luôn là "viện sĩ" cho được việc. Cũng như trước đây mấy chục năm, bọn Cộng Sản cứ một hai đòi "cải tạo" chúng tôi và đặt cho chúng tôi một danh từ khá kêu là "cải tạo viên".
Từ trước năm 1975, chúng ta chữ nghĩa có lẽ còn ít ỏi, lại không thích dùng quá nhiều chữ Tàu, nên những chữ chúng ta dùng rất đơn giản, thế mà ngày nay... Ngày nay, ngay cả những bạn ngày xưa dạy học cùng trường, sau này trong những cuốn đặc san của các cựu học sinh, cũng uốn viết, uốn lưỡi để nói rằng: "... năm 1972, tôi "nhận công tác giảng dạy" tại trường X" nghe tức anh ách cả bụng. Đi dạy học thì cứ nói là đi dạy học, cần gì phải gọi là nhận công tác giảng dạy.
Ở hải ngoại nhiều bậc thức giả đã lên tiếng về cái điều gọi là loạn chữ nghĩa, mà cách dùng chứng tỏ CSBV lệ thuộc vào văn hoá Tàu Cộng một cách quái đản, khiến người ngoài nước không hiểu nổi khi đọc chữ nghĩa của người trong nước. Những chữ có "mùi Tàu" quen dùng và đã ảnh hưởng không ít đến truyền thông và người Việt ở hải ngoại vẫn thường nhan nhản thấy và nghe hằng trăm, nghìn chữ nghĩa nghe rổn rảng như những miếng sắt va chạm nhau của anh mù đấm bóp của những ngày tháng Sài Gòn năm xưa, như những chữ "chất lượng", "liên hệ", "đăng ký", "xuất khẩu", "tranh thủ", "khẩn trương", "nhất trí", "hồ hởi - phấn khởi", "bức xúc", "nghiêm túc", "quân hàm", "sự cố", "tham quan", "chuyển ngữ", "quá độ", "cực kỳ", ... "thể tạng" con người thì trong nước dùng là "cơ địa", nghe qua bạn có hiểu nổi không ? "Triều cường" là gì ? "Vĩ mô" là gì ? Nào là "chùm", nào là "luồng"! Phải chăng phải tra cứu loại "tự điển Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam" mới hiểu nổi. Các bạn nghĩ thế nào với những danh từ kỹ thuật số(digital), máy quét (scanner), phần mềm (software)...
Trong địa hạt giao thông, vận tải không biết sao những người chuyên về các vấn đề này lại là những người thích dùng chữ mới, nghe rất kêu, cứng ngắc như "bê tông cốt sắt" nhưng rất vô nghĩa và xốp ruột như loại "bê tông cốt tre", sản phẩm nổi tiếng của XHCN. Bạn nghĩ thế nào với những "cụm từ" (lại nói theo kiểu mới) như "kéo giảm tai nạn", "ùn tắc giao thông", "phân luồng xe chạy", "bố trí lệch ca" để nói về giao thông, vận tải.
- "Trong quá trình bê tông quá độ bị lún, sự cố bất ngờ các khuyết tật nên các đơn vị được giao nhiệm vụ quản trắc phải báo cáo diễn biến đột xuất của hầm chui, và tôi đề nghị nâng tĩnh không của cầu lên từ 3 M lên 3,5 M" (nói về cầu Văn Thánh).
- "Chốt lại vấn đề kích cầu sản xuất, tiếp theo mạch phân công nhiệm vụ phải tuỳ vào sự giải trình cũng như thái độ cầu thị của Bộ Trưởng".
- "Phạm trù quản lý đô thị hiện nay có rất nhiều bất cập, mảng đô thị của chúng ta nói rất mờ nhạt".
- "Phạm trù chuyên chở đại chúng chưa được phủ kín đến vùng dân cư đông đúc mà còn tồn tại nhiều lỗ hổng" (phát biểu của Bộ Trưởng Giao Thông).- "PMU 18 là sai phạm nghiêm trọng, bộc lộ yếu kém ở cấp vĩ mô, xin ông cho phóng viên nắm bắt giải trình cụ thể" (câu hỏi của phóng viên nhà báo).
- "Vốn kiên cố hoá trường học giải ngân quá chậm" (Ông Bộ Trưởng Giáo Dục nói về ngân sách giáo dục).
Những chữ nghĩa loại này nhan nhản trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình trong nước (Việt Nam Cộng Sản). Chưa gặp được ông Thủ Tướng để phỏng vấn vì ông quá bận, thì ký giả báo đảng viết rằng: "Thủ Tướng có nhiều cuộc họp bất thường, chưa tìm được thời gian thích hợp để phỏng vấn, nên đành tranh thủ những khe hẹp trong lịch trình đông đặc của Thủ Tướng để xen vào". Không biết đối với một vị Nữ Thủ Tướng thì nhà báo có dùng nguyên văn như vậy không ? Nói chúng đây là những danh từ rất lạ mà nhà báo trong nước hay các viên chức viết, báo cáo diễn văn, không viết nổi một câu văn bình thường dễ nghe, mà vì mặc cảm đã cố tạo ra những danh từ rất kêu, nhưng xem chừng vô nghĩa và rất dung tục. Hồi chúng ta còn ngồi ở ghế nhà trường mà viết những loại chữ nghĩa như thế trong bài luận văn thì chắc chắn bị thầy, cô "sổ toẹt".
Trong ngôn ngữ, có một số tiếng do nhân gian dùng lâu thành quen, nên cũng có một số không đúng với nguyên nghĩa của nó, tuy nhiên xã hội chủ nghĩa hiện nay đang có khuynh hướng cố tạo ra những danh từ kêu to, lạ lùng và không kém kỳ quái và thô lậu. Vì sao phải dùng "tình trạng của tôi rất căng, nếu nói ra không biết cô có nắm bắt được không ?" hay "tranh thủ những khe hẹp trong chương trình dày đặc ... của Thủ Tướng !".
Nhà văn Đặng Trần Huân lúc sinh thời đã có viết một bài báo nhan đề là "Nghĩ thương cho chữ nghĩa" cũng trong tấm lòng xót xa của những người trí thức nghĩ về tình trạng bất hạnh của ngôn ngữ đang bị biến dạng, dày vò một cách thô bạo trong bàn tay của những kẻ thiếu văn hoá.
Ba mươi ba năm nay, do tình thế của đất nước, ba triệu người Việt phải sống cuộc đời tỵ nạn ngoài quê hương của mình, sự khác biệt trong và ngoài nước càng ngày càng thấy rõ, từ văn hoá, phong tục, cho đến ngôn ngữ, khiến chúng ta không chỉ cảm thấy xa cách về địa lý mà còn ngay khi ở ngay trên quê hương, vẫn cảm thấy mình lạc lõng, xa lạ. Chúng ta có thể nhìn cách lối diễn tả, cử chỉ, ngôn từ, để biết người ấy ở đâu, chịu chi phối bởi thứ văn hoá nào.
Chỉ mong sao hải ngoại đừng "bê" nguyên con một bản tin của Hà Nội với những chữ nghĩa rối bời để ném vào mặt độc giả, hay viết lách, ăn nói bằng những loại chữ nghĩa mới mẻ, nghe rổn rảng nhưng thực sự kệch cỡm, vô nghĩa.
Nói xa nói gần, để kết thúc sự rối rắm này, tôi cũng xin loan báo với bạn bè, là tôi vừa "xuất viện", vì ở đầu bài tôi bị "nhập viện", may mắn không phải nhập nhà vĩnh biệt hay lò thiêu, thì đến lúc được "xuất viện".Đây chắc chắn không phải ám chỉ tôi vừa tốt nghiệp Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, hay tốt nghiệp Viện Mác – Lê mà đơn giản là tôi vừa ra khỏi nhà thương. Vậy mà đi đâu bạn bè cũng chúc mừng tôi vừa "xuất viện". Trong muôn nghìn thứ "viện" trên đời này sao chữ nghĩa Cộng Sản cứ bắt "viện" phải là cái "nhà thương", mà chúng ta lại phải cứ dùng một cách lười biếng vô ý thức, cóp nhặt mà không hề suy nghĩ.
Không lẽ bây giờ lại phải thua thêm một keo vì những thứ văn hoá, chữ nghĩa như thế sao ?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét