Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012


- Saigon cô nương

Tính bài lót đó, luồn đây
Có ba trăm lượng việc này mới xuôi
(Kiều)
Xưa kia muốn được việc, gia đình Kiều phải chạy ba trăm lượng. Bây giờ giá vàng lên xuống mau chóng và thất thường quá nên người ta tính tiền Việt Nam, rồi sau đó tùy trường hợp mới quy đổi ra vàng hay đô!
Chuyện gì cũng cần chạy chọt mới thông. Nhất là ở lãnh vực xin việc. Thời buổi kinh tế suy thoái, thất nghiệp gia tăng, công việc ngày càng ít ỏi khó khăn nên ai cũng sói đầu tìm mọi cách chạy việc.
Vì làm cho tư nhân bấp bênh, bị đuổi bất cứ lúc nào nên niềm mơ ước lúc này là xin một chân công chức. Sau khi được nhận vào “biên chế” chính thức của nhà nước, từ đó có thể rung đùi sống yên tâm đến già!
Trước kia, thời kinh tế bao cấp, người ta thích “chạy chợ” hơn. Hàng hóa bị ngăn sông cấm chợ nên buôn bán bất cứ thứ gì cũng nảy lời còn hơn làm công chức cuối tháng lãnh đồng lương còm cõi.
Qua thời kỳ đổi mới, lương lậu cũng có phần thay đổi. Riêng các thành phố lớn, ở một số ngành nghề, mức lương của công chức được tăng cao. Đây mới chỉ nói về phần lương “cứng”, tức số tiền ký vào bảng lương chính thức. Ngoài ra, còn nhiều khoản khác như tiền ăn trưa, tiền Tết, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp khu vực, phụ cấp độc hại... Đủ thứ phụ cấp gì gì đó cộng với lương “cứng” thì tính ra cũng đủ sống. Mỗi năm lại còn được du lịch miễn phí trích từ quỹ công
.
Một số nghề đặc thù có thể kiếm tiền thêm một cách chính đáng như giáo viên dạy thêm, bác sĩ mở phòng mạch riêng, y tá đến nhà chăm sóc bệnh nhân hay bé sơ sinh, kế toán làm sổ sách cho vài doanh nghiệp...
Ngoài lương ra thì không kể xiết phần “bổng”. Bổng này cũng do đặc thù của nghề nghiệp, hoặc “tự nguyện” hoặc “gợi ý”, đòi hỏi... mà khách hàng cứ năn nỉ dúi vào tay. Những nghề hạch sách vòi tiền đã được thống kê là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan, xây dựng...
“Lộc” bất thành văn cũng vô biên. Nào là những suất đi học tập, đi trao đổi kinh nghiệm, đi tham quan... ở ngoại quốc. Được mua nhà của “suất ngoại giao”, biết rõ luật lệ, quy hoạch... để đi tắt, đón đầu mua nhà, một lúc mua vài nền đất, lô đất với giá rẻ mạt... Của trên trời rơi xuống còn hơn trúng số độc đắc. Ở Đà Nẵng, trong khi hàng trăm dân nghèo không có nhà ở thì dù đã có biệt thự, nhà lầu, nhiều công chức vẫn được ưu tiên mua hộ chúng cư giá rẻ. Rồi sang nhượng, bán, cho thuê lại... bỏ gọn túi số tiền lớn.
Nhất là các cơ quan thuộc trung ương, thuộc hai thành phố Hà Nội, Sài Gòn, công chức nườm nượp xách va li đi ngoại quốc như đi chợ đến nỗi chủ tịch rồi bí thư Hà Nội phải ra công văn hạn chế các quận, huyện tổ chức rầm rộ đi nước ngoài. Sau khi cắt giảm các chương trình đi nước ngoài “không cần thiết” đã “tiết kiệm được được 81 tỷ đồng (gần 4 triệu Mỹ kim) chuyển vào chương trình xây dựng nông thôn mới”!
Sài Gòn cũng không kém khi công chức cao cấp được kêu gọi bớt đi ra khỏi nước, dành thời gian ở trong nước để làm cho xong... nhiệm vụ của mình. Tức là thời gian ra nước ngoài không phải làm nhiệm vụ, mà là đi giao lưu, kết bạn và chính là... mua sắm. Hoặc mục đích rõ ràng hơn là đi thăm con cái đang du học hoặc dự lễ tốt nghiệp của con.
Đúng là lương công chức chỉ một phần nhỏ, còn “bổng”, còn “lộc”... mới là chính nên đã có nhiều vị công chức ở nhà bạc triệu (đô), lái xe hơi đi làm, con cái cho đi du học Mỹ, Úc... từ trung học.
Tổng cộng toàn bộ lương, bổng, phụ cấp... thì ra “thu nhập”. Tùy theo vị trí, chức vụ mà sống được hay sống khá...
Với lại nhìn chung, lương công chức nhà nước không cao bằng khu vực liên doanh, công ty vốn nước ngoài... nhưng ở nhiều mặt, lại có những thứ lợi mà tiền cũng không mua được!
Lợi nhỏ như một trường mầm non huyện ở Hà Nội chỉ nhận con của cán bộ huyện chứ không nhận... con thường dân!
Còn lợi lớn là khi công chức kém khả năng, không xong trách nhiệm, có lỡ làm thất thoát tiền của ngân sách... thì cuối cùng phần mất mát đó cũng trôi vào hư không. Bản thân công chức cao lắm chỉ làm bản kiểm điểm, bị khiển trách, hoặc nặng nề hơn là... về hưu sớm để hạ cánh an toàn. Trong các doanh nghiệp nhà nước, nhất là những doanh nghiệp độc quyền nếu có lãi thì chia vào lương, thưởng của cá nhân cán bộ, còn lỗ thì xã hội (tức là toàn dân) gánh chịu.
Phó Cục trưởng cục Điện ảnh bị khởi tố vì không kiểm tra chứng từ để kế toán thụt két 44 tỉ (hơn 2 triệu Mỹ kim) nhưng sau đó vụ án đình chỉ chờ khi nào bắt được tên kế toán đã cao chạy xa bay đó mới tính tiếp. Phó phòng Nông nghiệp huyện làm mất gần 500 mét khối gỗ bị cảnh cáo. Chín công chức thuộc sở Công thương tỉnh Cà Mau dính vào vụ “Lấy tiền dự án điện tăng thu nhập cho cán bộ” cũng chỉ bị khiển trách...
Vả chăng doanh nghiệp lỗ lã mấy mặc kệ. Ngân hàng nợ hàng trăm tỉ, dầu khí nợ hàng ngàn tỉ... EVN lập công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom), năm 2010 lỗ khoảng 4.500 tỷ đồng, gần bằng quỹ lương của cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Có công ty nợ tới nợ lui cả chục lần. Công chức bình chân như vại, giám đốc các ngành quan trọng như than, bưu chính viễn thông... vẫn lãnh lương cả chục, cả trăm triệu không suy suyển.
Hỏi ai mà không ham!
Đó là công chức quyền cao chức trọng, ở cấp thấp, mọi người vẫn ham!
Tỉnh Quảng Nam chỉ tuyển hơn bảy trăm công chức nhưng hơn ba ngàn người dự thi, “Ngành Thanh tra tỉnh (nhóm kinh tế tài chính) có 4 chỉ tiêu cần tuyển nhưng đến 141 thí sinh dự thi (tỉ lệ chọi 1/35); ngành điện tử viễn thông cần tuyển 2 chỉ tiêu nhưng có 57 thí sinh đăng ký dự tuyển (tỉ lệ chọi 1/28)... ” Thi đại học một chọi với hai mươi đã hoảng hồn nhưng so ra đâu bằng thi công chức.
Mọi người ùn ùn chen chân vào công chức. Với nhu cầu cao như thế thì mặc dù qua nhiều đợt “giảm biên chế”, “tinh giản biên chế” gây nhiều oan ức..., bộ máy công chức vẫn ngày càng phình to ra khiến ngân sách nhà nước oằn lưng mà trả lương.
Nhiều người muốn làm công chức nhưng đâu có dễ dàng vì phải qua kỳ thi tuyển công chức. Hội đồng thi tuyển có khi lên đến gần 500 người gồm Ban giám sát, Ban đề thi, Ban coi thi, Tổ sao in đề thi, Ban chấm thi... với 109 phòng thi. Cả Công an, Y tế, Công thương, Giao thông vận tải, Thông tin và truyền thông đều tham dự để bảo đảm an toàn, trật tự,... Thế nhưng có những kỳ thi mà bài làm của thí sinh đúng 100% với đáp án thì không hiểu những cuộc thi quy mô đó được mở ra làm gì cho nhọc sức và tốn kém. Cho nên giỏi mà không tiền vẫn đứng ngoài rìa biên chế.
Chạy chân thi tuyển công chức cấp tỉnh còn kín đáo chứ quận, huyện thì... rõ ràng công khai hơn. Ngành ngân hàng, thanh tra xây dựng, thuế... giá hơn bạc trăm (triệu) vì dễ... thu hồi vốn. Những ngành khác không hề kém.
Cô Xuân sau khi tốt nghiệp khoa Báo chí đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cách đây 5 năm đã tốn sáu mươi triệu để chạy vào phòng Văn hóa Thông tin một huyện ngoại thành Hà Nội. Giáo viên mầm non Đại Lộc (Quảng Nam) cũng phải lo hai chục triệu đồng để vào biên chế.
Anh Minh vừa xong đại học, nộp đơn vào cơ quan của người mẹ từng làm hơn ba mươi năm ở Sài Gòn. Ban Giám đốc hứa nhiều cái hẹn là sẽ ưu tiên dành một chỗ cho con em nhân viên cũ. Thế nhưng chầu chực đi lại chờ đợi suốt bốn tháng trời, hồ sơ xin việc cứ từ Trưởng phòng này đá qua Trưởng phòng nọ. Cuối cùng, anh tỉnh ngộ khi có người mách cho biết:
- Ở đây không ai giúp không đâu. Cái gì cũng có giá hết.
Ở Hà Nội, muốn thi đậu vào biên chế công chức thì phải chạy với số tiền không dưới một trăm triệu đồng – Theo lời một quan chức, như vậy vẫn được coi là rẻ vì nếu chạy vào ngân hàng phải gấp mấy lần số tiền đó.
Đừng tưởng vì chạy biên chế tại thành phố lớn, nhiều bổng lộc nên mới tốn kém nhiều. Thực tế dù một chân giáo viên quèn nhất trần đời, không thể quèn hơn cũng phải ngược xuôi lo lót.
Nhiều người lót tay hàng chục đến cả trăm triệu đồng để xin một chân dạy học ở tít miền núi xa xôi với lương hợp đồng chết đói chưa tới một triệu. Hợp đồng chỉ kéo dài vài tháng. Vào sâu tận bản làng Yên Bái heo hút, ăn cơm trộn rau rừng chỉ với hy vọng hết thời hạn hợp đồng sẽ được vào biên chế chính thức. Nào ngờ sau hai năm gian khổ, số nợ vay mượn chạy chọt vẫn chồng chất chưa trả nổi thì Phòng Giáo Dục ngưng hợp đồng ngang xương không một lời giải thích. Anh giáo viên trẻ ôm nỗi uất hận đi làm công nhân bao bì, bán hàng rũ ngoài chợ...
Chẳng những không được vào biên chế mà ngay cả hợp đồng cũng bị cắt ngang, đuổi thẳng cổ. Một số nơi chuyển giáo viên sang nấu ăn, đánh trống...
Giáo viên cũ đã có biên chế rồi thì bị thuyên chuyển, đi mãi thật lâu thật xa đến hết đời, không bao giờ được về gần nhà. Nhưng như thế vẫn còn “may mắn” hơn những người bị “hủy biên chế”... Đã có biên chế nhưng bị hủy bỏ. Một công việc vất vả với đồng lương bèo bọt cũng bị giật khỏi tay.
Bởi biên chế có giới hạn nên các cán bộ tha hồ xuống tay trong cái mớ hợp đồng, biên chế, thuyên chuyển... sao cho đống tiền chạy chọt, lót tay chảy vào túi liền liền không ngưng.
Trên các diễn đàn Net đầy rẫy những rao vặt công khai giới thiệu việc làm, biên chế chứ đâu cần giữ kín đáo bí mật.
Bởi vậy mới có vô số cử nhân đành ngồi vỉa hè bán trà đá, chạy bán hàng rong... với nỗi niềm thê thảm, không phải vì thiếu tài mà vì thiếu tiền.
Saigon cô nương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét