HOA KỲ - Cũng giống như các nhà giáo dục luôn tìm cách cải thiện phương cách giáo dục học sinh, nhất là các học sinh trung học sắp sửa bước ra trường đời, ông John White, người đứng đầu hệ thống giáo dục của tiểu bang Louisiana không hài lòng với hệ thống tổ chức trường học hiện nay. Theo bản tin của Reuters.
Họ gọi đây là phương cách của các lớp học tự chọn.
Theo bản tin, mô hình này hiện đang tiến hành hay được nghiên cứu ở một số tiểu bang, kể cả Louisiana, Michigan, Arizona và Utah, cho phép học sinh tự đặt cho mình một chương trình học bằng cách lựa chọn trong số hàng trăm lớp học của các tổ chức công lập, hay ngay cả các tổ chức tư nhân.
Một thiếu niên ở Louisiana nay có thể học môn đại số qua mạng với một giáo sư dạy kèm, học môn thương mại ở nhà một doanh gia, học văn chương ở một đại học cộng đồng và chuẩn bị cho kỳ thi trắc nghiệm vào đại học với công ty tư nhân Princeton Review, và tất cả các món chi phí này đều do được tiền thuế của người dân tiểu bang chi trả.
Khái niệm này đang tạo sự lo sợ trong giới các nhà giáo dục truyền thống. Họ sợ các trường công lập sẽ mất đi các ngân khoản trợ cấp vào giới tư nhân và sẽ không còn đủ tiền để đài thọ cho một chương trình gồm đủ mọi lớp học như trước, đó là chưa kể tới các chương trình sinh hoạt ngoài lớp học như thể thao, âm nhạc và nghệ thuật. Và điều này cũng có thể khiến đẩy mạnh hơn việc học sinh rút ra khỏi các trường công lập, đẩy mạnh thêm việc cắt giảm ngân sách giáo dục cho trường.
Các nhà giáo, giới chức điều hành trường học cũng như thành viên các hội đồng giáo dục địa phương, cũng cảnh cáo rằng một hệ thống giáo dục kiểu tự chọn này cũng có thể khiến học sinh từ các gia đình nghèo hay gia cảnh không ổn định, có thể không có máy điện toán để học các lớp trên mạng, phương tiện di chuyển để đến các nơi học xa nhà, hay sự hướng dẫn của người lớn để chọn cho đúng các lớp học trong một bảng danh sách dầy đặc các lớp có thể lấy. Hệ thống này cũng có thể khiến nhiều học sinh có quá nhiều thời giờ rảnh trong ngày, đưa đến vấn đề an toàn và kỷ luật của học sinh.
“Chúng tôi thật sự lo ngại về vấn đề bình đẳng,” theo lời Don Wotruba, phó giám đốc hiệp hội các hội đồng giáo dục ở tiểu bang Michigan. “Chắc chắn sẽ xảy ra trường hợp kẻ có và những kẻ chẳng được gì.”
Những người ủng hộ đường hướng mới công nhận rằng sẽ có nhiều thử thách nhưng cho hay mô hình “xưởng máy” theo kiểu “một cách cho tất cả mọi người” của các trường công lập hiện nay đã quá lỗi thời.
“Cho dù là bạn muốn thành người thợ hàn hay nhà khoa học nguyên tử, nhiều phần là có những nơi bên ngoài trường trung học cho bạn sự chuẩn bị tốt hơn để đạt được mong muốn của mình,” theo ông White. “Trong bốn bức tường của nhà trường, sự chọn lựa của bạn sẽ rất giới hạn.”
Ông White cũng cho rằng phương cách cung cấp các lớp học tự chọn cũng sẽ giúp tiết kiệm ngân sách. Tiểu bang Louisiana dự trù sẽ cắt trợ cấp cho mỗi trường công lập số tiền khoảng $1,300 cho mỗi lớp một học sinh theo học ở bên ngoài trường. Nhưng nhiều nơi dạy tư nhân này lại tính tiền thấp hơn rất nhiều so với giá của trường học. Tiểu bang Louisiana cho hay giá biểu trung bình mà họ phải trả cho mỗi lớp chỉ vào khoảng $800. Số tiền khác biệt này có thể được chia ra cho học khu và bộ tài chánh tiểu bang.
Hiện nay, học sinh ở khắp tiểu bang Louisiana có thể tham dự vào chương trình mới này miễn là vẫn tiếp tục theo học ở một ngôi trường truyền thống và học ít nhất là một lớp trong trường này.
Học sinh ở tiểu bang Utah có thể theo học bất cứ lớp nào trong 15 chương trình online được tiểu bang chấp thuận, kể cả các chương trình do các công ty tư nhân thực hiện để kiếm lời.
Ở Michigan, một ủy ban đặc nhiệm do thống đốc tiểu bang thành lập để nghiên cứu cải cách hệ thống giáo dục công lập, đã đưa ra một kế hoạch thay đổi lớn lao, theo đó cho học sinh chọn lớp ở bất cứ trường nào nhận họ. Nghĩa là một học sinh có thể học môn nghệ thuật ở một trường trong khu xóm mình ở, học môn văn chương trên mạng, môn sinh vật học ở một trường tư thục, học tiếng Tây Ban Nha ở một trường tư khác, và chính quyền tiểu bang sẽ chi trả cho tất cả các trường này theo giá biểu quy định. (L.T.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét