Nhị Khê
Ngày 10/12/2012, văn sĩ Trung Quốc Mạc Ngôn đã được Viện Hàn Lâm Thụy Điển trao giải thưởng Nobel Văn Chương năm 2012. Giải gồm 1 giấy chứng nhận, 1 huy chương vàng và 1.2 triệu Mỹ kim. Từ ngày được tin trúng giải tới ngày lãnh giải, dư luận bàn tán xôn xao. Nhiều người nói ông ta giữ chức phó Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, tất nhiên phải thân cận với nhà cầm quyền Trung Cộng và góp phần tích cực vào việc đàn áp giới văn nghệ sĩ tiến bộ đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ, không xứng đáng lãnh giải thưởng này.
Trước đó, ngày 06/12, sau khi đến Stockholm một ngày, Mạc Ngôn tổ chức họp báo trả lời các câu hỏi của ký giả quốc tế và Trung Quốc. Một ký giả ngoại quốc nhắc lại câu: “Tôi hy vọng ông ấy sẽ được tự do nhanh chóng” mà văn sĩ Mạc nói với ký giả Reuters tại làng Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, vào buổi sáng 12/10, về ông Lưu Hiểu Ba, Khôi nguyên Nobel Hòa Bình 2010 vẫn bị Trung Cộng giam giữ.
Anh ký giả hỏi Mạc Ngôn rằng ông Lưu Hiểu Ba đã được trả lại tự do chưa? Mạc Ngôn đực mặt và lúng túng, im lặng một lúc mới nói: “Hãy để thời gian phán xét”(?). Câu trả lời này chứng tỏ Mạc Ngôn đã hối hận khi tuyên bố yêu cầu nhà cầm quyền Trung Cộng trả lại tự do cho Lưu Hiểu Ba, hoặc đã bị “tẩy não”, mới do dự và lúng túng như vậy. Khi một số ký giả ngoại quốc nêu ra những câu hỏi liên quan đến tự do báo chí và ngôn luận ở Trung Quốc, nhà văn trả lời lấp lửng: Nếu các bạn biết đọc chữ Tàu, mở các trang mạng ra xem, sẽ không cảm thấy Trung Quốc không có tự do ngôn luận và báo chí, nghĩa là, theo ông ta nói, nước Tàu có tự do ngôn luận và báo chí! Qua thái độ và câu trả lời trên của ông, chúng ta có thể khẳng định Mạc Ngôn không xứng đáng với giải Nobel Văn Chương 2012.
Ngày 05/12, khi Mạc Ngôn vừa đến Thụy Điển, 134 Khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình, trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma, ký tên vào một lá thư gửi đến Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo mới của Trung Cộng, yêu cầu trả lại tự do cho ông Lưu Hiểu Ba và vợ của ông là bà Lưu Hà đang bị công an giam lỏng, giám sát.
Ngày 09/12, Mạc Ngôn lại có cuộc họp mặt với độc giả của ông ta tại Aula Magna, Đại học Stockholm. Nhiều câu hỏi đã được ông ta trả lời, nhưng khi độc giả hỏi về nhân quyền, tự do ngôn luận ở Trung Quốc, ông ta lại tỏ ra lúng túng, trả lời vòng vo tam quốc.
Tại các nước Tây phương, trước kia, nhiều người chỉ biết đến văn sĩ Mạc Ngôn qua cuốn phim Cao Lương Đỏ (Red Sorghum), do đạo diễn Trương Nghệ Mưu thực hiện năm 1987, dựa theo cuốn tiểu thuyết Hồng Cao Lương Gia Tộc của ông hơn là đọc sách của ông. Sau khi ông được trao tặng giải Nobel Văn Chương, nhiều độc giả mới kiếm sách của Mạc Ngôn đọc để xem ông viết như thế nào?
Dư luận về Mạc Ngôn được trao giải
Nobel Văn Chương & phản ứng của Trung Cộng
Ngày 10/10/2012, khi công bố giải Nobel Văn Chương 2012 thuộc về Mạc Ngôn – Viện Hàn Lâm Thụy Điển nhận xét: Mạc Ngôn là nhà văn biết “kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với các câu chuyện dân gian, lịch sử và hiện đại” (Who with hallucinatory realism merges folk tales, history and the contemporary). Nhà cầm quyền Trung Cộng, giới truyền thông quốc doanh Tàu, lập tức ca ngợi ông là công dân TQ đầu tiên đoạt giải Nobel Văn Chương (?) Một số dân TQ hồ hởi vì cái gọi là “giấc mộng Nobel” đã trở thành hiện thực. Lý Trường Xuân, thống lĩnh ngành tuyên truyền của ĐCSTQ, gửi thư riêng chúc mừng văn sĩ Mạc, rằng giải thưởng đó phản ánh “sự thăng hoa của văn học Trung Quốc”. Tuy nhiên, nhiều người trong tầng lớp lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ và chính phủ TC đã không khỏi xấu hổ vì ngoài những người gốc Hoa là công dân các nước Âu Mỹ từng được trao tặng các giải Nobel Vật Lý hoặc Hóa học... trước khi Mạc Ngôn được trao giải Nobel Văn Chương đã có nhà văn Cao Hành Kiện từng chịu sự giáo dục của ĐCSTQ, do không khuất phục chế độ độc tài độc đảng, đã viết ra những tác phẩm chống đối, lại thấy không sống được với chế độ, bỏ ra nước ngoài sinh sống. Khi được trao tặng giải Nobel Văn Chương 2000, Cao Hành Kiện đã là một công dân Pháp. Ngoài ra, còn có 2 người Trung Hoa khác cũng sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, từng sống dưới chế độ cộng sản là Ngài Tenzin Gyatso, Đạt Lai Lạt Ma 14 và Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa Bình vào 2 năm 1989 và 2010.
Đức Đạt Lai Lạt Ma là nhà lãnh đạo thế quyền và giáo quyền của nhân dân Tây Tạng. Năm 1954, Ngài từng đến Bắc Kinh thương thuyết hòa bình với Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Sau khi thấy rõ bộ mặt thật của ĐCSTQ, Ngài mới đào thoát khỏi Tây Tạng. Lưu Hiểu Ba là nhà hoạt động nhân quyền và trí thức Trung Quốc. Ông từng là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Quốc tế độc lập của Trung Quốc từ năm 2003. Ngày 08/12/2008 ông bị bắt giam về tội tham gia viết Hiến chương 08, bị bắt ngày 23/06/2009 về tội dính líu tới việc “xúi giục chống phá nhà nước”, ngày 25/12/2009 bị kết án 11 năm tù và hai năm bị tước quyền chính trị.
Khi Ủy ban Giải Nobel Na Uy trao tặng giải Nobel Hòa Bình cho Đức Đạt Lai Lạt Ma và ông Lưu Hiểu Ba, Viện Hàn Lâm Thụy Điển trao tặng giải Nobel Văn Chương cho nhà văn Cao Hành Kiện, nhà cầm quyền TC nổi trận lôi đình, giở giọng hàng tôm hàng cá, không ngớt lời phê phán những người phát giải can thiệp vào nội bộ nước Tàu, làm xấu mặt “các ông Con Trời” trước con mắt công luận quốc tế... Chúng ta hẳn còn nhớ hai năm trước đây khi nhà bất đồng chính kiến hiện đang bị cầm tù Lưu Hiểu Ba được nhận giải Nobel Hòa Bình, TC đã lồng lộn phản đối, ra lệnh xóa bỏ thông tin này trên Internet, ngăn chặn dân chúng trong nước truy cập thông tin này bằng bức tường lửa, lên án việc trao giải của Ủy ban Giải Nobel Na Uy xúc phạm đến cái gọi là “danh dự” nước Trung Hoa! Các ông Con Trời cho rằng hành vi này phục vụ cho bộ máy tuyên truyền của Tây phương với ý đồ làm nhục và gây bất ổn cho việc cai trị trên 1 tỷ dân của ĐCSTQ, nên đã không cho phép vợ ông là bà Lưu Hà đến Na Uy lãnh giải. Trong buổi lễ trao giải sáng 10/12/2010 tại Oslo, ông Lưu Hiểu Ba vẫn bị giam cầm, vợ ông bị công an quản thúc và giám sát, nên ban tổ chức đã chọn một hình ảnh mang tính tượng trưng. Trên chiếc ghế dành riêng cho ông Lưu Hiểu Ba được thay thế bằng giấy chứng nhận và tấm huy chương Nobel Hòa Bình. Chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland đứng trước ghế nói với cử tọa tham dự buổi lễ phát giải rằng: “Ông Lưu Hiểu Ba không làm điều gì sai trái. Ông chỉ hành xử quyền công dân của mình mà thôi”.
Nhà cầm quyền Trung Cộng còn trả thù chính phủ Na Uy bằng cách từ chối cấp chiếu khán nhập cảnh cho các quan chức nước này, cố tình trì hoãn việc bốc dỡ cá hồi nhập vào Trung Quốc của các tàu Na Uy với mục đích để cho cá ươn thối. Thế mà nay họ lại hết lời ca ngợi giải Nobel Văn Chương dành cho văn sĩ họ Mạc, rầm rộ ăn mừng như chào đón một sự kiện có tính cách quốc gia, ra lệnh cho đài Truyền hình Quốc gia (China Central Television - CCTV) ngưng chương trình quan trọng thường lệ để báo tin Mạc Ngôn được trao giải Nobel Văn Chương. Hoàn Cầu Thời Báo Online còn dán lên một mảng “Tường trình đặc biệt” về văn sĩ Tàu Mạc Ngôn và giải Nobel Văn Chương 2012. Tờ Nhân Dân Nhật báo vội vã đưa ra nhận định giải thưởng này là “sự chứng nhận và khẳng định văn học Trung Hoa – hơn thế nữa, đó là một bước khởi đầu mới (của Trung Quốc)” … Thật là không biết nhục nhã và xấu hổ!
Các nhà bất đồng chính kiến đánh giá Mạc Ngôn
Nổi tiếng là một nhà văn “thân cận” với nhà cầm quyền Trung Cộng, Mạc Ngôn được Bắc Kinh khen ngợi, nhưng đã bị những người đấu tranh cho chính nghĩa, dân chủ và nhân quyền ở Trung Quốc phê phán.
Từ Hoa Kỳ, nhà đấu tranh dân chủ Ngụy Kinh Sinh chỉ trích Viện Hàn Lâm Thụy Điển phát giải Nobel Văn Chương cho Mạc Ngôn là mua chuộc, tìm cách làm vừa lòng nhà cầm quyền Bắc Kinh khi chọn một nhà văn thân cận với chế độ trao giải Nobel Văn Chương. Ngụy Kinh Sinh còn nghi ngờ hành động của Mạc Ngôn khi ông ta cầm bút chép tay một đoạn trong bài diễn văn của Mao Trạch Đông đọc tại Diên An năm 1942, in lại trong một quyển sách tưởng niệm họ Mao, nhà lãnh đạo độc tài của ĐCSTQ. Có thể nói bài diễn văn nổi tiếng độc ác này là “kim chỉ nam” chỉ đạo Trung Cộng và giới văn nghệ TQ thực hiện các đợt thanh trừng, tử hình, cải tạo qua cái gọi là chiến dịch “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” (Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh) dành riêng cho giới văn nghệ sĩ. Không những thế, Mạc Ngôn còn bị nhiều nhà văn khác của Trung Quốc phê bình không có tinh thần đoàn kết với các văn nghệ sĩ và các nhà dân chủ bị trấn áp, bị cầm tù.
Trong số những nhà văn Trung Hoa không chịu được sự thống trị của ĐCSTQ chạy ra nước ngoài tỵ nạn, nhà văn Dư Kiệt đã bình luận trên báo chí Đức Quốc về giải Nobel Văn Chương dành cho Mạc Ngôn như sau: “Đây là một vụ tai tiếng xấu trong lịch sử. Trao giải Nobel Văn Chương cho một nhà văn từng chép tay một văn kiện của Mao Trạch Đông, kẻ đã gây tội ác hơn cả Stalin và Hitler, không khác gì một tay bồi bút chính hiệu”.
Nghệ sĩ Ngải Vị Vị, người từng bị nhà cầm quyền Trung Cộng giam giữ về tội “trốn thuế”, cũng bình luận:“Mạc Ngôn được trao giải Nobel Văn Chương, không hiểu chúng ta nên cười hay nên khóc, vì ông ta là một trong những người lãnh đạo giới văn nghệ về hùa với nhà cầm quyền đàn áp những văn nghệ sĩ bất đồng chính kiến?”.
Năm 2009, Mạc Ngôn cũng bị chỉ trích khi tự do đến dự Hội chợ Sách Frankfurt trong khi chính quyền Trung Quốc cấm một số nhà văn bất đồng chính kiến không được tham dự. Thêm nữa, đầu năm 2012, khi cùng một nhóm nhà văn Trung Quốc sang Anh dự Hội chợ Sách London, khi được tạp chí Granta phỏng vấn về kiểm duyệt ở Trung Quốc, Mạc Ngôn đã tuyên bố: “Rất nhiều cách tiếp cận tới văn chương mang màu sắc chính trị, chẳng hạn trong đời sống thực của chúng ta có thể có những vấn đề nhạy cảm họ (nhà cầm quyền) không muốn chúng ta động chạm tới. Trong trường hợp này một nhà văn có thể truyền trí tưởng tượng của mình vào tác phẩm để tách rời những vấn đề này ra khỏi cuộc sống thực hoặc cũng có thể cường điệu lên...” Ông ta còn nhấn mạnh: “Bởi vậy tôi tin tưởng rằng, những giới hạn hay kiểm duyệt vô cùng quan trọng đối với việc sáng tạo văn chương”. Chỉ với lời tuyên bố này, người ta đã xác định được bộ mặt thật của Mạc Ngôn, một văn sĩ phục vụ và trung thành với đảng và nhà nước, nhưng lại viết ra những tác phẩm đậm màu sắc phê phán để che giấu bộ mặt thật của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét