Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
HÀ NỘI, Ngày 23 tháng 12 – Dưới sự quan sát của những người công an mặc thường phục, tiền vệ Nguyễn Văn Phương dùng chân trái đã tung trái bóng vào góc khung thành. Những cổ động viên chống Trung Quốc đứng ngoài sân cỏ vỗ tay, ủng hộ. “Đả đảo Trung Quốc”, một người số hét lên. Phương giơ tay lắc quả đấm lên cao.
Trong khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội tiếp tục leo thang tại Biển Đông thì những người Việt biểu tình chống Trung Quốc phải đối mặt với các cuộc đàn áp liên tục từ phía công công an, và họ đã tìm kiếm một hình thức mới nhằm bày tỏ quan điểm chính trị: bóng đá.
“Mọi người không cảm thấy sợ hãi khi chơi bóng đá”, Phương, đội trưởng đội No-U FC, nói sau một buổi tập đấu tại thủ đô Hà Nội.
Họ tự gọi họ là “No-U FC” – ám chỉ đến đường chữ U (đường lưỡi bò) mà Trung Quốc đã tuyên bố chiếm gần như toàn bộ diện tích tại Biển Đông, gồm luôn cả các vùng biển lân cận thuộc chủ quyền của Việt Nam, vòng xuống tận Malaysia và phía bắc Philippines. Đây là khu vực được cho có lượng dự trữ dầu mỏ rất phong phú, đồng thời cũng là tuyến đường vận chuyển chiến lược và ngư trường lớn nhất tại châu Á.
“FC” là viết tắt của Câu lạc bộ Bóng đá [Football Club]. Hoặc như một số cầu thủ nói, “Fuck China [mẹ kiếp bọn Trung Quốc]“.
Đội bóng bày tỏ sự giận dữ trước những quyết đoán về chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc, nơi mà họ tỏ ý trực tiếp chống lại các đồng minh của Hoa Kỳ là Việt Nam và Philippines. Trong khi đó, các nước như Brunei, Đài Loan và Malaysia cũng đưa ra các tuyên bố chủ quyền tại một số đảo ở khu vực này.
Câu lạc bộ được hình thành sau khi công an bắt giữ hàng chục người tụ tập biểu tình chống Trung Quốc một cách ôn hòa hầu như mỗi cuối tuần từ tháng Sáu đến tháng Tám năm ngoái. Lúc đầu họ còn được chấp thuận với sự kiểm soát chặt chẽ của công an nhưng các cuộc biểu tình như vậy hầu như là rất hiếm xảy ra dưới chế độ Cộng sản. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao có quan hệ với các lãnh đạo cấp cao trong chính phủ cho biết rằng, các nhà chức trách lo ngại các cuộc biểu tình có thể nổ ra ở diện rộng hơn và mất kiểm soát dẫn đến phong trào chống chính phủ.
Một số những người bị bắt đã bị cáo buộc tội chống phá nhà nước. Trong số những người biểu tình có cả các trí thức và blogger – họ bày tỏ sự giận dữ không những đối với vấn đề nhạy cảm liên quan đến Bắc Kinh mà còn có cả nhiều vấn đề xảy ra ngay trong nước – từ sự phân chia giàu nghèo trong xã hội, các vụ khiếu kiện đất đai cho đến sự tàn bạo của công an và hạn chế tự do ngôn luận.
Sau khi cuộc đàn áp diễn ra, Phương và mộ số người biểu tình [chống Trung Quốc] khác đã gặp nhau ở Thủy Tạ, một quán cà phê nổi tiếng gần Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, để bàn tính các bước tiếp theo. Nhưng công an đã buộc chủ quán cà phê không phục vụ họ. Họ đã đi đến quán cà phê khác, và ngay sau đó quán này cũng bị buộc đóng cửa.
“Đó là khi chúng tôi quyết định bắt đầu thành lập đội bóng”, Phương nói. “Chúng tôi cần một cách để gặp gỡ thường xuyên hơn”.
Khoảng 30 người đã đến buổi tập đầu tiên vào ngày 30 tháng Mười năm ngoái. Vào tháng Ba, họ đã có trận đấu nổi tiếng đầu tiên chơi với một đội do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ, một công ty nhà nước đã làm cho phía Trung Quốc tức giận khi công ty này khai thác dầu ở khu vực Biển Đông. Các fans No-U FC đã đến ủng hộ và vẫy các biểu ngữ chống Trung Quốc, hét lên “đả đảo Trung Quốc xâm lược”.
Sau đó Phương cho biết rằng công an đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không nên tiếp tục. Chủ sân bóng cũng không cho No-U FC tiếp tục thuê sân. Các quan chức công an đã không có bình luận gì về câu chuyện này.
Mèo và chuột
Đội bóng No-U FC và công an đã chơi trò mèo vờn chuột trong một thời gian dài, vì bất kỳ nơi nào họ tụ tập đều bị công an đến giải tán. Họ mặc áo màu đen và trắng với hình chữ U bị gạch chéo ở mặt trước. Sau lưng áo có in chữ: “Hoàng Sa”, quần đảo đang có tranh chấp tại Biển Đông.
Kể từ tháng Chín, họ đã tập hợp hai lần một tuần tại một sân cỏ nhân tạo thuộc sở hữu của quân đội. Tuy nhiên, công an mặc thường phục thường xuyên đến để theo dõi.
Vào một ngày Chủ nhật gần đây, gần 100 thành viên No-U FC đã đến tham dự. Họ tự hào vì sự đa dạng của Câu lạc bộ: một thành viên là nhà thơ, một thành viên khác là nhân viên ngân hàng, với lứa tuổi từ 10 đến 60. Một số đã không ngại chơi bóng với đôi chân trần.
Ngoài niềm tin của họ, họ còn được liên kết bởi một điều khác: gần như tất cả trong số họ đều bị [công an] bắt giam trong những lần xuống đường biểu tình, cùng với những người ủng hộ như Tạ Trí Hải – một nghệ sĩ violin với chiếc mũ cao bồi rơm chơi âm nhạc dân gian trong các cuộc biểu tình.
“Chúng tôi đang ngày càng mạnh mẽ hơn vì có các phương tiện truyền thông xã hội”, Nguyễn Văn Dũng, thủ môn và người tổ chức các cuộc biểu tình. Câu lạc bộ đã tăng lên đến khoảng 120 thành viên và thường xuyên liên lạc chặt chẽ trên Facebook.
Dũng chỉ trích chính phủ vì sự phản ứng yếu ớt đối với việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm cả sự kiện hồi tháng trước khi các tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc cắt cáp một tàu địa chấn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong lúc công tác gần Vịnh Bắc Bộ.
“Chính phủ Việt Nam cần phải gây thêm áp lực lên Trung Quốc”, Dũng nói.
Điều đó sẽ hầu như không thể xảy ra.
Miễn cưỡng lớn tiếng khiếu nại
Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Việt Nam phải nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, dầu mỏ và thép từ Trung Quốc để nuôi sống nền kinh tế của Việt Nam, dẫn tới thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên đến 13 tỷ USD trong năm 2011 so với 185 triệu USD hồi năm 2001.
Sự căm thù Trung Quốc đã có một chiều dài lịch sử, bắt nguồn từ lòng tự hào dân tộc và cuộc đấu tranh cho nền độc lập sau nhiều thập kỷ chiến tranh và chủ nghĩa thực dân. Các chùa chiền với màu xám nhạt khắc liền với các nhân vật Trung Quốc rất phổ biến xung quanh Hà Nội, một lời nhắc nhở từ hơn 1.000 năm mà Trung Quốc đô hộ nước này, sau đó kết thúc vào thế kỷ thứ 10.
Một số nhớ lại cuộc xâm lược của các lực lượng quân sự Trung Quốc ở miền Bắc Việt Nam vào năm 1979 và những cuộc giao tranh biên giới tiếp tục vào những năm 1980. Dòng tiền của Trung Quốc bắt đầu chảy vào Việt Nam từ năm 1991, sau khi quan hệ hai nước được bình thường hóa, với tổng số đầu tư đạt lên 120 triệu USD vào năm 1999.
Kể từ đó, số tiền đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam tăng vọt lên 21 tỷ USD nếu kết hợp luôn cảc các dự án của Hồng Kông.
Các nhà ngoại giao cho biết đó giải thích lý do vì sao Việt Nam rất miễn cưỡng trong việc lớn tiếng than phiền về những hành động khiêu khích từ phía Bắc Kinh.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 19 tháng Mười một tại Campuchia, Trung Quốc đã gây đình trệ các cuộc tranh luận về việc đưa ra một nghị quyết tranh chấp hàng hải ở Biển Đông, đồng thời bác bỏ những nổ lực đàm phán chính thức về vấn đề này cũng như bác bỏ những chỉ trích từ chính quyền Obama về tham vọng lãnh thổ của họ. Cùng lúc đó Philippines đã chính thức đệ đơn khiếu nại về vấn đề trên nhưng phía Việt Nam thì không đưa ra bất kỳ một tuyên bố nào.
Vài ngày sau đó, tỉnh Hải Nam đưa ra một quyết định cho phép cảnh sát biển nước này có quyền lục soát và bắt các tàu nước ngoài hoạt động “bất hợp pháp” trong vùng biển của họ ở Biển Đông, bắt đầu từ ngày 1 tháng Một tới đây. Các nước như Philippines, Singapore và Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bày tỏ mối ngại về điều luật trên. Trong khi đó Việt Nam giữ thái độ im lặng.
Việt Nam chỉ đưa ra lời lẽ lên án phía Trung Quốc sau khi các tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc phá hoại và cắt cáp tàu thăm dò dầu khí hôm ngày 4 tháng Mười hai.
Phương, năm nay 25 tuổi, muốn chính phủ Việt Nam thể hiện tính nhất quán trong các tuyên bố công khai về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Và anh ấy không hiểu tại sao cơ quan nhà nước không ủng hộ quan điểm này.
“Chúng tôi là những người yêu nước”, Phương nói.
Phương cho biết anh đã đã bị bắt ba lần và bị mất cả việc làm sau khi chủ cửa hàng điện tử nhận được những áp lực từ phía công an. Đồng đội của Phương là anh Lê Dũng cũng không kém phần kiên quyết. Anh chia sẽ rằng vợ của anh đã ly dị anh vì anh không chịu ngừng đi biểu tình [phản đối Trung Quốc]. Một cầu thủ khác trong đội bóng, Lã Việt Dũng, đã xăm logo No-U lên cánh tay của anh.
Trong số những người hâm mộ của Câu lạc bộ có cả những người bất đồng chính kiến nổi tiếng như Lê Gia Khánh, năm nay 80 tuổi, từng bị bỏ tù sáu năm vì đã giúp lãnh đạo thuộc địa Pháp trong thời Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất kết thúc vào năm 1954. Ông đã bị bắt giam lần thứ hai trong thời gian chiến tranh Việt Nam với Hoa Kỳ.
“Đội này tồn tại để chứng minh rằng ngọn lửa trong trái tim của chúng tôi vẫn còn cháy sáng”, ông nói trong lúc hò hét cổ vũ đội bóng từ bên lề sân cỏ.
Bài viết được biên tập bởi Nick Macfie
Nguồn: Reuters / Yahoo!
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét